Cách đây gần 2 năm (vào tháng 9.2019), phóng viên Quách Du, Báo Lao động là người đầu tiên viết bài về cụ bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, Thường Xuân, Thanh Hóa) mỗi ngày đạp xe lên xã “xin thoát nghèo”; sau đó, nhận được sự quan tâm rất lớn của độc giả. Vào thời điểm đó, rất nhiều người ủng hộ, cảm thán tấm lòng cụ và cụ được đi nhiều nơi, gặp nhiều người hơn; được chính quyền các cấp ghi nhận, tặng bằng khen. Cuộc sống của của cụ ít nhiều thay đổi, vui tươi và nhộn nhịp hơn. Và đó cũng là niềm vui của người làm báo.
Trải qua chặng đường 96 năm, báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, loại hình báo chí và đội ngũ những người làm báo. Mỗi sự kiện, vấn đề, báo chí đều có những cách tiếp cận khác nhau nhưng cùng chung một tôn chỉ, mục đích, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, những đóng góp của lực lượng phóng viên nói riêng, mỗi tòa soạn nói chung đều nhằm tiếp cận để phục vụ độc giả, đưa đến những thông tin trung thực, khách quan nhất.
Báo chí Việt Nam xuyên suốt cả thời kỳ lịch sử của dân tộc luôn là mạch nguồn cho công tác tuyên truyền thông tin. Sau năm 1975, báo chí bắt đầu có sự đổi mới, vẫn là những tờ báo và có thêm sự phát triển của phát thanh, truyền hình, dù chưa đạt đến điểm rực rỡ. Đặc biệt, sự xuất hiện của internet là điều kiện giúp báo chí có được một bước chuyển đổi đặc biệt nhất với xu hướng tác nghiệp báo chí đa phương tiện. Trong thời điểm hiện tại, báo chí đang tích cực chuyển đổi số.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống báo chí nước ta phát triển nhanh về cả số lượng và chất lượng trên các phương diện: Đội ngũ, trình độ, loại hình, quy mô, phương tiện, kỹ thuật-công nghệ; khả năng tác động và ảnh hưởng xã hội. Báo chí đã và đang giữ vai trò, chức năng quan trọng trong đời sống xã hội về thông tin, tư tưởng, khai sáng-giải trí, tổ chức-quản lý, giám sát và phản biện xã hội; kinh tế-dịch vụ.
Báo chí là kênh thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cổ vũ, động viên những gương điển hình tiên tiến, nhân tố tích cực trong sản xuất và chiến đấu, góp phần quan trọng thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Xã hội càng hiện đại, việc phổ biến thông tin trên quy mô đại chúng càng trở nên quan trọng và sự phụ thuộc, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các phương tiện thông tin đại chúng và xã hội càng trở nên chặt chẽ. Hệ thống báo chí, truyền thông đã góp phần to lớn vào việc tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực sự đóng vai trò là động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, khoa học, kỹ thuật, bảo vệ Tổ quốc.
Từ khi bước vào nghề tới nay, tôi thấy báo chí thay đổi về cả công nghệ, số lượng và hình thức. Tôi nhớ rất rõ là khi vừa bước vào nghề - năm 2012, những phóng viên như tôi thường dùng các máy ảnh kỹ thuật số, hay còn gọi máy bao diêm. Nếu so chất lượng với các thiết bị bây giờ, chúng còn kém rất xa. Hiện tại, những chiếc điện thoại thông minh cũng có thể tác nghiệp, ngoài ra các thiết bị điện tử khác cũng hiện đại hơn và cho chất lượng hình ảnh cũng như tốc độ xử lý nhanh hơn nhiều so với hơn 10 năm về trước.
Hiện nay, mỗi cơ quan báo chí đăng tải hàng trăm tin bài mỗi ngày và lượng thông tin trong và ngoài nước được cập nhật liên tục. Hình thức đa dạng như eMagazine, Inforaphic, Podcast, đa phương tiện hay ứng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đọc báo. Với những sản phẩm mới này giúp độc giả tiếp cận một cách nhanh hơn, tiện ích hơn.
Cách đây gần 10 năm, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ già, thanh niên hay thậm chí là trẻ nhỏ ngồi ở ghế đá ven hồ, quán cà phê, trà đá cầm tờ báo giấy để đọc. Còn giờ đây, những hình ảnh ấy không còn nhiều, mà đổi lại độc giả đọc báo bằng điện thoại, máy tính và thậm chí ngay cả khi bận rộn vẫn có thể đọc báo thông qua Robot đọc báo tự động. Điều đó, cho thấy rằng, chỉ chưa đầy 10 năm, nhưng báo chí đã có những thay đổi rất lớn.
Nhà báo Trần Tiến Duẩn
Trong bối cảnh dịch COVID-19, hai nguồn thu chính của các cơ quan báo chí trên thế giới là quảng cáo và phát hành đều suy giảm trầm trọng, khiến hầu hết các báo lao đao. Tại Việt Nam cũng vậy, gần như ngành báo chí đều lâm vào cảnh khó khăn khi COVID-19 hoành hành.
Không chỉ báo in, các thể loại khác như báo hình, báo nói, báo điện tử cũng đều chịu chung tác động. Có thể kể đến như không bán được báo khiến doanh thu giảm, doanh nghiệp khó khăn dẫn đến doanh thu quảng cáo cũng mất một số lượng lớn. Tuy nhiên, các tòa soạn vẫn phải trả lương, nhuận bút cho lực lượng nhân sự tác nghiệp liên tục mỗi ngày.
Khi đại dịch COVID-19 chưa xuất hiện, báo chí đã gặp nhiều khó khăn, nay càng khó khăn hơn. Lãnh đạo các cơ quan báo chí phải lo công ăn việc làm, đời sống cho anh em càng thấu hiểu được những áp lực lớn. Không ít cơ quan báo chí buộc phải nợ tiền nhuận bút, nợ lương hoặc phải cắt giảm nhuận bút, giảm lương và các khoản phúc lợi khác, thậm chí phải cho thôi việc. Đó là điều rất cần quan tâm.
Phóng viên Quách Du
Thời gian vừa qua là những ngày gian khó. Đặc biệt, đối với những phóng viên phải tác nghiệp tại những điểm nóng, khu phong tỏa, cách ly. Hầu hết mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn, ăn ngủ thất thường. Thậm chí, có những đêm thức trắng bám hiện trường, gửi thông tin, hình ảnh về tòa soạn để kịp đăng tải phục vụ độc giả.
Điều đáng nói, những năm vừa qua chúng ta chứng kiến sự bùng nổ thông tin, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trong lượng thông tin khổng lồ từ mạng xã hội, thông tin trên báo chí vẫn là thông tin đầy đủ và đáng tin cậy hơn. Bởi trước khi thông tin được đăng tải trên báo đã được xác mình, kiểm duyệt qua nhiều khâu và phóng viên phải chịu trách nhiệm về thông tin ấy.
Còn với mạng xã hội, người dùng đôi khi bỏ qua khâu xác minh thông tin hoặc vì một vài lý do khác đã đăng tải nội dung sai sự thật. Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều trường hợp đã bị xử phạt hành chính vì đăng tải thông tin sai sự thật. Điều đó cho thấy, nhiều khi thông tin đăng tải trên mạng xã hội khi chưa được xác minh cụ thể và đôi lúc đó chỉ là tin đồn rồi đăng tải lên mà không biết có đúng hay sai.
Nhà báo Trần Tiến Duẩn
Việt Nam hiện có hàng trăm loại mạng xã hội khác nhau, hầu hết của các công ty nước ngoài, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào nước ta. Facebook vẫn là mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, tiếp đến là Zalo, Youtube, Facebook Messenger, TikTok, Instagram, Mocha, Google+, LINE, Flickr, Pinterest…
Để đấu tranh chống lại những thông tin xấu trên mạng xã hội, nhiều tờ báo, tạp chí đã mở các chuyên mục như “Bình luận-phê phán” (Báo Nhân Dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân), “Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái thù địch” (Tạp chí Cộng sản), “Chống diễn biến hòa bình” (Quân đội Nhân dân, VietnamPlus, Công an Nhân dân), Sự kiện bình luận (Báo Lao Động)… Các chuyên mục này đề cập nhiều nội dung đa dạng, phong phú, trong đó nổi bật là các bài phân tích, bình luận, phê phán các thông tin không đúng sự thật, bịa đặt, quan điểm sai trái.
Dẫn chứng về tuyến tin định hướng, phản bác luận điệu sai trái trên Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN), với hàng nghìn tin, bài mỗi năm, có nhiều tuyến tin được xây dựng bài bản, công phu như: Bảo vệ chủ chủ quyền biển đảo, chống diễn biến hòa bình, chống tin giả… Chuyên mục “Cuộc chiến với Fake News” (VietnamPlus) đã đăng tải 203 bài tạo thành luồng thông tin chính thống phản bác thông tin thất thiệt, sai sự thật, gây tâm lý sợ hãi, hoảng loạn trong cộng đồng xung quanh dịch COVID-19, như tin thất thiệt “đã có người đầu tiên ở Việt Nam tử vong vì COVID-19”; hay rêu rao uống nước tỏi, ăn trứng gà, cật dê… chữa được COVID-19. Hoặc vừa qua, một số thế lực xấu đã lợi dụng cắt ghép, chỉnh sửa đoạn video tung lên YouTube, nói rằng “hiện có 43.000 ca nhiễm và hơn 1.000 người tử vong”…
Các cơ quan báo chí cần chủ động, linh hoạt trong đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái trên mạng xã hội. Thứ nhất, thường xuyên cập nhật và nắm vững quan điểm thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, kịp thời đưa thông tin phản hồi, chỉnh hướng hoặc bác bỏ thông tin sai lệch. Thứ hai, cần phải chủ động, kịp thời; tổ chức thông tin tốt. Thứ ba, cần phải linh hoạt. Thứ tư, cần quan tâm đến liều lượng, tính toán thời điểm một cách hợp lý. Thứ năm, chủ động trong việc phân tích và dự báo tình hình. Thứ sáu, rèn luyện nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho phóng viên, biên tập viên. Thứ bảy, xây dựng hệ thống cộng tác viên tin cậy. Thứ tám, hiểu rõ phương thức hoạt động của các phương tiện truyền thông, các đối tượng. Khi hiểu rõ phương thức hoạt động của các đối tượng này, sẽ giành được thế chủ động trong đấu tranh thông tin. Thứ chín, tăng cường trao đổi, xây dựng cơ chế phối hợp thông tin với các cơ quan báo chí của Đảng và Nhà nước và các lực lượng vũ trang nhân dân. Cuối cùng, tổ chức rút kinh nghiệm từng đợt thông tin hoặc từng giai đoạn.
Phóng viên Quách Du
Hai năm vừa qua, tôi là một trong những phóng viên từng tác nghiệp tại nhiều vùng thiên tai, sạt lở ở khắp các tỉnh như: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Đến đây mới thấy được sự vất vả, khốn khó của người dân vùng lũ. Bản thân chúng tôi cũng luôn phải đối diện với những khó khăn, hiểm nguy rình rập. Nhiều lúc tác nghiệp trong vùng lũ hay điểm sạt lở chỉ sơ sểnh nhỏ có thể bị cuốn đi. Nhiều anh em đồng nghiệp vẫn hay vui đùa nói rằng, thiên tai, dịch bệnh người ta chạy đi, phóng viên lại chạy vào.
Việc tác nghiệp tại những vùng thiên tai đã nguy hiểm, tác nghiệp tại các điểm nóng, vùng dịch, điểm phong tỏa COVID-19 còn nguy hiểm hơn. Bởi thiên tai, lũ lụt có gian khó, mất mát nhưng chỉ trong một thời gian nhất định; còn dịch COVID-19 khác hoàn toàn. Dịch bệnh đã kéo dài suốt hơn 1 năm qua và đến hiện tại vẫn đang còn phức tạp.
Sau mỗi lần tác nghiệp tại những điểm này, mặc dù chúng tôi đã được cơ quan trang bị, hướng dẫn sử dụng các thiết bị, đồ bảo hộ một cách tối ưu nhất. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những lo lắng về các nguy cơ nhỏ có thể xảy ra. Lo lắng này không hẳn là lo lắng cho bản thân mà còn lo ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Nhà báo Trần Tiến Duẩn
Về thách thức, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế và báo chí cũng không ngoại lệ. Đó là sự suy giảm nguồn thu, nhất là hoạt động truyền thông, quảng cáo khó khăn, rồi câu chuyện doanh thu quảng cáo về túi các ông lớn Google, Facebook... Đi liền với đó là khó khăn trong phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ; áp lực thông tin từ mạng xã hội; rồi vấn đề bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả; vi phạm bản quyền tràn lan.
Bên cạnh việc mong muốn Nhà nước có chính sách mới hỗ trợ, đầu tư để bảo đảm công cụ truyền thông thiết yếu hoạt động có hiệu quả, lãnh đạo các tòa báo cần có sự thay đổi nhận thức, tìm tòi, học hỏi cách làm mới. Các cơ quan báo chí cũng nên chú trọng nhiều hơn chuyển đổi số trong báo chí như sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung nhằm tạo một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả.
Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi các tòa soạn/tổ hợp báo chí phải lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm, tái kết cấu phân chia nhiệm vụ của các nhân sự cho phù hợp, tạo sự thống nhất giữa các bộ phận xuất bản từ text, ảnh, phát thanh, truyền hình, đồ họa… Việc hội tụ thể hiện cả về kết cấu sắp xếp vị trí chỗ ngồi, đến phân cấp phân quyền lãnh đạo các đơn vị, cấp phòng, cho đến thiết lập các nền tảng quản trị nội dung hội tụ.
Hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí đã chuyển đổi khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại. Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều đơn vị báo chí nhất là báo ngành, báo địa phương chậm chuyển đổi số vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật và nhân sự.
Các ứng dụng AI, Big Data, IoT bước đầu được triển khai để tạo ra các sản phẩm mới, cách tiếp cận thông tin hiện đại như: Ứng dụng trả lời tự động (Chatbot) trên báo điện tử VietnamPlus, hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác. Hiện nay, hàng loạt sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang được nhiều đơn vị trong TTXVN triển khai, như podcast, speech-to-text, loa thông minh ra lệnh bằng giọng nói, phân tích dữ liệu người dùng, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng thư tòa soạn (Newsletter) hay tin tuyển chọn tử ban biên tập (Editors Picks) hoặc việc tiếp tục các kênh thông tin trên mạng xã hội, các ứng dụng di động để tăng độ tương tác với bạn đọc…
Xu hướng xây dựng các bài viết chuyên sâu, nội dung đa dạng, phong phú. Đây là những tuyến bài có hàm lượng thông tin cao, sâu sắc, kịp thời và độc đáo, đi sâu vào một lĩnh vực, vấn đề mà dư luận, xã hội đang quan tâm, đi liền với đó là cách trình bày hấp dẫn, cầu kỳ.
Một khâu rất quan trong nữa, đó là phải làm tốt câu chuyện bản quyền tác phẩm báo chí, đây là vấn đề khó giải quyết trong rất nhiều năm qua. Ngoài ra, cũng nên tính đến việc thu phí báo chí. Việc thu tiền từ bạn đọc trực tuyến ở Việt Nam hiện nay khá khó khăn nhưng nếu muốn thay đổi cơ cấu doanh thu thì các cơ quan báo chí phải bắt tay cùng làm. Quan trọng nhất là phải bảo vệ được bản quyền, không để xảy ra tình trạng một bài báo độc quyền bị hàng chục trang mạng khác cắt về, dán lên trang của mình một cách thoải mái. Việc khoá bài, mời mua báo trực tuyến cần phải được tiến hành đồng thời ở nhiều báo mới tạo hiệu ứng tích cực. Bên cạnh đó, các báo cũng rất cần sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của độc giả, các doanh nghiệp trong việc “đọc báo và trả tiền”.
LĐO | 21/06/2021 | 06:00