Trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước tăng cao, giá cả các mặt hàng tiêu dùng cũng đang "té nước theo mưa" - khiến áp lực lạm phát cũng từ đó tăng theo. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Chính phủ và các bộ ngành cần điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô.
Nhìn bát phở gà vẫn nghi ngút khói, nhưng sắc nước chẳng còn thu hút, anh Nguyễn Anh Tuấn (nhân viên văn phòng quận Cầu Giấy, Hà Nội) chép miệng: "Tranh thủ đi làm sớm thưởng thức bát phở mà thất vọng quá, chỉ nhìn thôi đã thấy không còn ngon mắt như trước nữa. Lèo tèo vài cọng hành, mùi, rau ăn kèm cũng như khẩu phần cho mèo vậy".
Lý giải cho cảm xúc "tụt mood" của Tuấn, chủ quán phở phân trần: "giá rau xanh, rau thơm, hành mùi tăng "phi mã", gấp 3 - 4 lần, nhà hàng phải "chắt bóp" để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho mỗi bát phở nên đành cắt giảm hành mùi".
Câu chuyện bát phở bị cắt gia vị, hay người lao động phải xoay xở, cân đong lo cho bữa ăn gia đình trong thời "bão giá"... là những ví dụ cho thấy sự tác động của việc giá xăng tăng liên tiếp sau nhiều kỳ điều chỉnh.
Mới đây nhất, ngày 11.3, giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng mạnh nhất trong lịch sử dù liên bộ Công Thương - Tài chính đã chi 750-1.000 đồng từ Quỹ bình ổn xăng dầu cho mỗi lít xăng, 1.500 đồng cho mỗi lít dầu diesel. Mặt bằng giá bán lẻ trong nước với xăng RON 95 đã lên sát 30.000 đồng một lít, xăng E5 RON92 là 28.980 đồng, còn dầu diesel 25.260 đồng. Đây là các mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Vừa chân ướt chân ráo lên Hà Nội nhập học, Nguyễn Mạnh Dũng - sinh viên năm nhất trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải đã phải đối mặt với những đợt giá xăng tăng liên tiếp. Chiếc xe máy cà tàng mà bố mẹ gửi lên cho Dũng làm phương tiện đi học, mấy tuần nay nằm phủ bụi trong góc nhà trọ.
"Em đã đóng tiền nhà hết 1,5 triệu, số tiền còn lại em dành cho việc chi tiêu, ăn uống hàng ngày. Mỗi bữa em dành 25.000 tiền ăn nhưng do xăng tăng giá, kéo theo các mặt hàng khác cũng tăng giá theo nên mỗi bữa ăn của em tăng lên khoảng 30.000 - 35.000.
Chính vì thế em đang phải căn chỉnh lại chi tiêu của mình, dự định của em là chuyển sang 1 căn khác có giá trị thấp hơn để có thể cân đối chi tiêu hàng tháng. Còn việc đi lại, hiện tại em đi nhờ bạn để tiết kiệm thêm chi phí hàng tháng", cậu bạn năm nhất đại học cho biết.
Giá xăng tăng "như vũ bão", Vũ Minh Hiếu lẩm nhẩm trong đầu, để tính toán số tiền chi tiêu cho tháng này. Đang là sinh viên năm 3 (Đại học Ngoại thương), quãng đường di chuyển từ nhà đến trường của Hiếu là 15km.
Trước đây mỗi tuần Hiếu dành 150.000 đồng cho việc đổ xăng, song, hiện tại số tiền này tăng lên 200.000 đồng. Điều này buộc Hiếu phải điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống để tiết kiệm chi tiêu.
"Mỗi tháng, em được bố mẹ trợ cấp cùng với số tiền em đi làm thêm được 4-4,5 triệu. Nhưng do hiện tại giá xăng tăng, số tiền em phải chi cho việc đi lại cũng tăng theo, đối với một sinh viên như em thì đó là một số tiền rất lớn", Vũ Minh Hiếu chia sẻ. Để tiết kiệm chi phí, Hiếu đang nghĩ đến phương án đi xe buýt đi học, đi làm để dành dụm thêm tiền cho sinh hoạt.
Ngoài giá xăng, hiện giá gas cũng tăng chóng mặt trong thời gian qua. Giá gas bán lẻ của công ty sẽ tăng 3.500 đồng/kg, tương ứng mức tăng 42.000 đồng mỗi bình 12kg, khiến giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng của gas SP là 502.000 đồng/bình 12kg. Giá xăng, giá gas đều tăng cao sẽ tạo thêm áp lực cho người tiêu dùng cũng như các ngành dịch vụ, sản xuất, đẩy giá thành các sản phẩm đến tay người tiêu dùng tăng lên.
Ông Lê Quang Tuấn - Phó giám đốc Công ty cổ phần thương mại dầu khí Thái Bình Dương - cho hay các sản phẩm gas Pacific, Vimexco Gas và City Petro đều tăng, với mức giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không vượt quá 524.500 đồng/bình 12kg, 1.965.000 đồng/bình 45kg...
Theo ông Tuấn, giá gas trong nước tăng mạnh theo đà tăng giá nhiên liệu của thế giới khi xung đột giữa Nga - Ukraine nổ ra, tác động đến nguồn cung khí hóa lỏng trên toàn cầu.
Điều này khiến giá xăng, giá gas đều tăng cao sẽ tạo thêm áp lực cho người tiêu dùng cũng như các ngành dịch vụ, sản xuất, đẩy giá thành các sản phẩm đến tay người tiêu dùng tăng lên.
Lãnh đạo Saigon Petro cho biết, với mức tăng xăng dầu nội địa hiện nay, các doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa có lãi do giá cơ sở chưa theo kịp biến động giá thế giới. Phụ phí 6 tháng mới điều chỉnh một lần nên giá cơ sở đang theo hướng thấp hơn giá thực tế thế giới khoảng 800 - 900 đồng/lít.
Do đó, vị này cho hay, thù lao chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ không cao lên được, nhiều doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục lỗ. Với những doanh nghiệp lấy hàng trước ngày 1.3, nhờ sự chênh lệch giá tăng vài trăm đồng sẽ đỡ lỗ, còn nếu mua hàng mới sau 1.3 sẽ lỗ.
Một đại diện của doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khu vực phía Bắc cũng cho hay, sau kỳ điều chỉnh ngày 1.3 đã phải tăng mức chiết khấu cho doanh nghiệp từ 200 - 300 đồng, tùy mặt hàng.
Nhưng mức giá được điều chỉnh cũng chưa theo kịp được với đà tăng phi mã của giá xăng dầu thế giới nên tạo sức ép lớn cho doanh nghiệp kinh doanh. Với các thương nhân phân phối và đại lý, mức chiết khấu dù tăng thêm vẫn chưa đủ bù đắp chi phí của doanh nghiệp.
Nói với Lao Động, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, do chi phí vận tải tăng cao, nên tất cả chi phí đầu vào như bao bì, nhân công… đều tăng từ 20 - 30%, trong khi doanh nghiệp mới trở lại sản xuất, mọi thứ còn rất khó khăn.
"Thời điểm hiện tại, chi phí vận chuyển từ cảng đến nơi nhập khẩu đã bằng hoặc cao hơn so với giá trị đơn hàng; doanh nghiệp sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất", ông Lĩnh nói và dẫn chứng, trước đây, công ty của ông xuất khẩu một container giá trị hàng hóa khoảng 100.000 USD chỉ mất từ 1.500 – 2.500 USD chi phí vận tải, còn bây giờ, chi phí vận tải lên hơn 8.000 USD, tăng gấp hơn 4 lần.
Trước "bão giá" xăng dầu, ông Ngô Trần Ngọc Quốc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Xuất nhập khẩu Trần Quốc - lấy ví dụ, giá xuất khẩu bột mì là 10.500 triệu đồng/tấn. Nay giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng.
Doanh nghiệp xuất khẩu muốn giữ giá bán như cũ để cạnh tranh với sản phẩm cùng chủng loại của các nhà xuất khẩu đến từ những quốc gia khác trong khu vực thì phải chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc ép giảm giá mua nguyên liệu.
Mua 2 bó rau, đưa tờ 50.000 đồng cho nhân viên cửa hàng thực phẩm ở Hà Đông, chị Trần Thị Phương (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) ngạc nhiên khi không được nhận tiền thừa. Thắc mắc sao giá tăng hay có sự nhầm lẫn, thì nhận được câu trả lời "hàng hóa tăng giá lắm chị ạ. Bọn em nhập tăng thì cũng phải bán tăng".
Ai cầm tiền đi chợ thời gian này sẽ thấy, giá cả nhiều mặt hàng liên tiếp thiết lập mặt bằng mới trong một thời gian rất nhanh.
Và không ngạc nhiên nếu ai đó nói rằng: "Muốn biết lạm phát thế nào... cứ ra chợ". Bởi "COVID-19 phức tạp, giá xăng dầu tăng và xung đột vũ trang tại Ukraine đã khiến giá hàng hoá trong nước tăng cao, ảnh hưởng tới đời sống người dân", như nhận định của Bộ Công Thương tại công điện khẩn do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ký ban hành ngày 1.3.
PGS.TS, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho Lao Động biết, những "cú sốc" khi giá dầu tăng cao đã tác động mạnh đến nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới và Việt Nam không ngoại lệ. Do vậy cần đặc biệt lưu tâm để có những giải pháp hữu hiệu giảm thiểu những tác động tiêu cực.
Vị chuyên gia phân tích, giá xăng dầu tăng thì tác động bao trùm nhất đối với tăng trưởng GDP. Theo đó, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5%. Khi giá xăng dầu tăng 10% (cố định các yếu tố khác) thì lạm phát của nền kinh tế sẽ tăng trực tiếp của vòng 1 khoảng 0,35%-0,36%, nếu tính cả vòng 2 thì lạm phát khoảng 0,87%-0,90%. Tác động đối với tổng chi phí của nền kinh tế tăng khoảng 0,352%.
Riêng với 2 lĩnh vực kinh tế cụ thể sử dụng nhiều xăng dầu, ông Thịnh cho biết, nếu giá xăng dầu tăng 10% sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng, tác động mạnh đến khả năng cạnh tranh và mặt bằng giá thị trường.
Cụ thể đối với ngành vận tải, giá thành sẽ tăng 3,5%-4% và ngành thủy sản đánh bắt xa bờ sẽ tăng 5-6%...
Còn đối với tiêu dùng, vị chuyên gia cho hay, các hộ gia đình không chỉ phải trả tăng thêm chi tiêu về xăng dầu cho việc đi lại hàng ngày 10% mà còn bị tác động thêm "bất lợi kép" khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng do tác động của giá xăng dầu tăng.
Dựa trên tình hình giá dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước tăng cao và xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine, Quỹ đầu tư Dragon Capital đã đưa ra dự đoán lạm phát 2022 của Việt Nam sẽ dao động từ 3,58% đến 3,8% và tệ nhất là lên 4,18% nếu giá dầu lên 105 USD một thùng.
Theo Dragon Capital - trong rổ hàng hoá tính lạm phát của Việt Nam, nhiên liệu hiện chiếm tỉ trọng 3,6% trong khi nhóm giao thông chiếm 9,7%. Đến nay, giá dầu Brent đã tăng 27,2%.
Để kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã thực hiện một số điều chỉnh về mặt chính sách. Theo đó, Bộ Công Thương và Tài chính cũng chuẩn bị đấu giá 100 triệu lít xăng RON 92 (xăng trong nước) từ nguồn dự trữ quốc gia trong tháng này để tăng nguồn cung.
Bộ Công Thương cũng đã giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II.2022 cho 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Các doanh nghiệp này có nhiệm vụ nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong khoảng thời gian này để phục vụ thị trường trong nước Ngoài ra, Quốc hội cũng đang xem xét giảm thuế môi trường đối với xăng dầu.
Rút kinh nghiệm được tác động của cú sốc giá dầu lửa tăng từ những năm 70 của thế kỷ XX, nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách và áp dụng nhiều biện pháp thích hợp để hạn chế tác động tiêu cực do giá dầu tăng gây ra.
Tùy điều kiện của mình mà mỗi nước áp dụng các biện pháp khác nhau, nhưng tựu chung lại có những biện pháp như nhiều nước lập kho dự trữ chiến lược để chủ động điều hòa cung - cầu, cũng có thể hỗ trợ các công ty kinh doanh tham gia dự trữ để bảo đảm kinh doanh bình thường, không để xảy ra hẫng hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính cho rằng, nhiều nước thực hiện chiến lược sử dụng nhiêu liệu tiết kiệm hợp lý trong cả sản xuất và tiêu dùng bằng các biện pháp như điều chỉnh cơ cấu ngành kinh tế thông qua việc xây dựng những ngành sản xuất có hàm lượng carbon thấp (tức là những ngành kinh tế ít sử dụng nhiên liệu).
Thực hiện điều chỉnh cơ cấu tiêu dùng thông qua việc đa dạng hóa cung ứng và sử dụng các nguồn năng lượng khác, không để nền kinh tế quá phụ thuộc vào dầu mỏ như: Khí đốt, sức gió, điện mặt trời, thủy điện, điện nguyên tử, nhiên liệu sinh học... Đồng thời các nước này cũng nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu.
Một số nước có khai thác dầu xuất khẩu thì lập quỹ bù giá bằng cách lấy tiền từ lãi kinh doanh dầu thô và sản phẩm dầu khí để bù lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh dầu khí nhập khẩu khi giá dầu trên thị trường thế giới tăng đột biến.
Từ kinh nghiệm của thế giới như trên, ông Thoả cho rằng, Việt Nam có thể nghiên cứu, vận dụng để ứng xử với tình trạng giá dầu (giá dầu thô, gắn liền với nó là giá xăng dầu thành phẩm) khi tăng quá cao gây tác động bất lợi đến nền kinh tế.
Nhà nước có chính sách, cơ chế đẩy mạnh sản xuất, chế biến trong nước; Lập dự trữ chiến lược để chủ động điều hòa cung cầu trong nước. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, hợp lý gắn với nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu trong cả sản xuất và tiêu dùng (trước hết và đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều nhiên liệu.
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có sử dụng xăng dầu phải lựa chọn phương án sử dụng xăng dầu hợp lý, giảm suất tiêu hao trên đơn vị sản phẩm; các cơ quan Nhà nước cũng phải áp dụng các biện pháp chống lãng phí trong việc sử dụng xăng dầu.
TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam thì cho rằng, ngoại trừ những yếu tố không thể kiểm soát như giá cả của thị trường thế giới, chúng ta cần kiểm soát tốt những yếu tố trong phạm vi năng lực của mình nhằm giảm bớt rủi ro.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, các chính sách tiền tệ, tài khóa, điều hành thị trường, hay việc triển khai các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cần linh hoạt bám sát các diễn biến của thị trường.
Các nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định pháp luật, hay trì hoãn việc nâng giá một số chi phí như cảng biển, phí và lệ phí, phí một số loại dịch vụ công sẽ vừa góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam, vừa có tác động trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giảm bớt áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng.
XEM THÊM