Lao Động
Lao Động eMagazine

Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo

Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo
Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo

Một chủ cửa hàng và cơ sở giết mổ thịt chó, mèo tại Thái Bình đã tự nguyện đóng cửa dù mức thu nhập bình quân hàng tháng lên tới hàng chục triệu đồng. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng dành cho những nỗ lực loại bỏ thói quen tiêu thụ chó mèo tại Việt Nam của Four Paws cũng như các tổ chức phúc lợi động vật.

Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo

4h kém, anh Phạm Văn Dương tỉnh giấc. Với tay lấy chiếc điện thoại ở đầu giường, anh tắt báo thức ngay từ khi nó chưa kịp reo lên từng hồi. 7 năm qua, ngày ngày anh đều thức dậy vào khung giờ này.

Anh quay sang chủ định lay vợ thì chợt nhớ ra, hôm nay hai vợ chồng đã không cần dậy sớm làm việc nữa. Và những ngày sau cũng vậy.

Thái Bình bắt đầu đón những cơn gió lạnh đầu mùa, trời se lạnh. Anh quyết định “nuông chiều” bản thân, nằm lại và suy nghĩ về những ngày tháng đã qua.

7 năm trước, anh kinh doanh hàng ăn tại Hà Nội. Trong thực đơn của quán xuất hiện những món ăn chế biến từ thịt chó, thịt mèo. Sau nhiều năm “kinh nghiệm” về mặt hàng này, hơn 1 năm trở lại đây, anh về thành phố Thái Bình mở nhà hành kinh doanh chuyên về thịt chó, mèo.

Ngày treo tấm biển màu vàng in chữ đỏ rõ nét “Đặc sản chó - mèo” tại địa chỉ 343 Lý Thường Kiệt (phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình), 2 vợ chồng động viên nhau chuyên tâm làm ăn để con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Quán ăn có hai tầng, tầng 1 là khu vực dành cho khách ăn tại quán và khu vực chế biến. Một phần tầng 2 được dùng để nhốt mèo. Những con mèo chen chúc nhau trong chiếc lồng sắt đã hoen gỉ, liên tục kêu những tiếng kêu thảm thiết.

Số chó, mèo còn lại được nhốt tại nhà mẹ vợ anh Dương, cách quán không xa.

Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo

Mỗi ngày, anh Dương sẽ giết mổ khoảng 4-5 con chó, mèo để bán cho khách. Có khách ăn tại quán, có khách mua về, cũng có khách mua thịt sống hay đã được chế biến. Lượng khách đều hàng ngày và cao vượt lên vào cuối tháng giúp kinh tế gia đình ổn định. Trừ hết các khoản chi phí, vợ chồng anh thu về từ 40-50 triệu/tháng.

“Kinh doanh thịt chó mèo giúp cuộc sống 2 vợ chồng tôi ổn định, có thể lo việc ăn học cho 2 con gái, nhưng tôi không thấy vui. Tôi chưa từng nghĩ sẽ gắn bó lâu dài mà chỉ cố làm để duy trì cuộc sống”, anh Dương tâm sự.

Mỗi lần giết mổ chó, mèo anh luôn lẩm nhẩm trong đầu “tao hoá kiếp cho mày” để tự an ủi lương tâm mình. Thế nhưng, khi quay về nhà, nhìn những con chó gia đình đã nuôi 3,4 năm vẫy đuôi thân thuộc, anh lại tự hỏi tại sao mình lại làm công việc này?

Anh cũng luôn phải tìm cách giết mổ chó, mèo lúc con gái đang ngủ hoặc đã đi học.

Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo
Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo

Một ngày đầu tháng 11.2020, cửa hàng anh Dương đón những “vị khách lạ”. Họ mặc áo đồng phục màu xanh thẫm, trên ngực trái và ống tay có in 2 chữ “Four Paws”. Các thành viên của Four Paws nói với anh Dương về phúc lợi động vật, về “tương lai” của những chú chó, mèo, về chuyển đổi mô hình kinh doanh,…

“Hôm đó họ đến và đưa ra những lý do để thuyết phục tôi đóng cửa cửa hàng. Lúc đầu tôi không muốn gặp lại họ. Tôi nghĩ cuộc sống có người này người nọ và mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nên chẳng ai có thể can thiệp vào cuộc sống của tôi vì bất kì lí do gì”, anh Dương tâm sự.

Thế nhưng tròn 5 ngày sau đó, anh Dương lại lục tung quán để tìm lại tờ thông tin mà các thành viên Four Paws cung cấp. Anh nhấc điện thoại, bấm số và nói với đầu dây bên kia rằng anh muốn đóng cửa cửa hàng.

Liên tiếp những ngày sau đó là các cuộc gặp mặt và nói chuyện qua điện thoại.

Đến ngày 15.12.2020, anh Dương cùng Four Paws đã gỡ biển cửa hàng, di dời các dụng cụ giết mổ như đèn khò, chuồng sắt. Và chính tay anh đã cắt bỏ tấm pano ra khỏi khung nhôm. Anh gọi khoảnh khắc đó là khoảng khắc “thiêng liêng” của cuộc đời. Vì vào giây phút ấy, anh như phá được chiếc tổ kén bó buộc bản thân bao lâu nay.

Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo

Anh nở nụ cười rạng rỡ và nói: “Thế là Giáng sinh năm nay có thể đưa 2 đứa con đến nhà thờ rồi”. Anh tâm sự, anh là người Công giáo nên luôn muốn đưa con đến nhà thờ vào mỗi buổi tối cận Giáng sinh. Thế nhưng nhiều năm nay đều không thực hiện được vì bận việc ở quán.

Sau khi hoàn tất công việc ở quán và chuyển những chú mèo ở tầng 2 lên ôtô, Four Paws và anh Dương di chuyển về nhà mẹ vợ anh để đón những chú chó, chú mèo còn lại.

Công việc khó có thể diễn ra êm xuôi nếu thiếu sự trợ giúp của bà Phạm Thị Huệ - mẹ vợ anh Dương. Người phụ nữ 63 tuổi dặn các thành viên Four Paws: “Đây là Míc, còn đây là Xồm nhé. Míc thì hiền còn Xồm sợ người lạ”. Nói rồi, bà quay vào nói với Xồm: “Xồm ngoan nhé, không sợ không sợ. Người ta đưa con đi nuôi đấy chứ người ta không thịt con đâu. Ngoan nhé”.

Theo lời anh Dương kể, tuy mẹ vợ đồng ý nuôi chó, mèo hộ nhưng luôn muốn 2 con chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác: "Mẹ tôi là người trực tiếp nuôi chó, mèo nhưng chưa một lần ra quán của vợ chồng tôi cũng chưa một lần ăn thịt chó, mèo".

Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo

Sau khi đóng cửa cửa hàng “Đặc sản chó - mèo”, anh Dương sẽ mở cửa hàng sửa chữa xe máy cũ, một công việc anh nghĩ sẽ hợp với bản thân anh và hoàn cảnh của anh hiện tại.

19 cá thể mèo và 5 cá thể chó được đưa ra khỏi cửa hàng sẽ được Four Paws đưa đến Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình để kiểm tra sức khoẻ. Những con vật có đủ sức khỏe để di chuyển được đưa tới trạm cứu hộ đối tác của Four Paws tại Đà Nẵng và Hội An bằng ô tô vào sáng ngày 16.12 để được chăm sóc thêm, ổn định và chờ được nhận nuôi.

Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo

Anh Dương là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam mà các thành viên Four Paws thuyết phục thành công. Điều này như nguồn động lực cho chị Ninh Thị Phương Thảo (Tư vấn của chương trình Động vật đi lạc - Four Paws Việt Nam) và các thành viên khác tiếp tục hành trình “giải cứu” chó, mèo.

Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo
Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo

Chị Thảo kể: “Trong quá trình chúng tôi đi khảo sát về tình trạng tiêu thụ chó, mèo tại Việt Nam thì tình cờ gặp anh Dương – chủ cửa hàng tại 343 Lý Thường Kiệt. Chúng tôi đã cử những người đến nói chuyện và cảm thấy may mắn khi gặp đúng người, đã có đủ những lí do để thuyết phục anh Dương.

Ngay sau khi anh đồng ý chuyển đổi, chúng tôi hỗ trợ tư vấn về ngành nghề mà anh dự định chuyển đổi và hỗ trợ 1 phần nhỏ để anh thay đổi mô hình kinh doanh”.

Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo

Theo báo cáo của Four Paws về tình trạng buôn bán thịt chó và mèo ở các quốc gia Đông Nam Á bao gồm: Việt Nam, Campuchia và Indonesia thì tại Campuchia, số lượng này là hơn 3 triệu con chó, ở Indonesia hơn 1 triệu con chó và ở Việt Nam, hơn 5 triệu con chó và khoảng 1 triệu con mèo bị giết để buôn bán mỗi năm.

"Tôi cũng như các thành viên Four Paws từng tiếp xúc với rất nhiều chủ cửa hàng và cũng đã gặp rất nhiều ca từ chối. Bởi ngành nghề này thu nhập cao, nên khó có thể có ai từ bỏ được", chị Thảo chia sẻ.

Thế nhưng, các thành viên Four Paws vẫn chưa từng nghĩ đến 2 từ "bỏ cuộc", bởi mỗi thành viên đều biết rằng, nạn buôn bán thịt chó, mèo kéo theo việc vận chuyển, buôn bán và giết mổ chó, mèo không rõ tình trạng sức khỏe trên diện rộng, có nguy cơ lớn đe dọa đến sức khỏe con người thông qua việc truyền vi khuẩn và mầm bệnh lây từ động vật sang người, bao gồm các bệnh như bệnh dại, bệnh tả và giun xoắn.

Hơn nữa, việc buôn bán thịt chó làm suy yếu các chương trình kiểm soát bệnh dại thông qua việc loại bỏ những con chó đã được tiêm phòng (những cá thể giúp tạo ra một hàng rào chống lại sự lây lan của bệnh dại) và vận chuyển những cá thể chó có khả năng bị nhiễm bệnh qua khắp các tỉnh, thành phố và biên giới quốc gia.

Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo

Sau chương trình này, Four Paws có rất nhiều hoạt động khác nhau về bảo vệ chó, mèo. Four Paws phối hợp cùng Liên hiệp các hội bảo vệ chó ở Việt Nam, Nhóm liên minh bảo vệ mèo để lên kế hoạch bảo vệ chó mèo. Thông qua việc cung cấp chuyên môn, hỗ trợ, phối hợp và các nguồn lực, Four Paws hỗ trợ thực hiện một hình thức tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết vấn đề phức tạp này, với mục tiêu xử lý các hoạt động bất hợp pháp và giáo dục cộng đồng về những rủi ro cố hữu trong hoạt động buôn bán thịt chó và mèo.

Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo

Theo Four Paws, hiện không có quốc gia nào chính thức hợp pháp hóa hoặc kiểm soát tình trạng buôn bán chó, mèo lấy thịt, và cũng không có chính phủ hay tổ chức liên chính phủ nào nghĩ ra cách nuôi và giết mổ chó và mèo một cách nhân đạo. Tuy nhiên ngày càng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực đã cấm tuyệt đối cả hành vi giết mổ và buôn bán chó, mèo lấy thịt bằng cách thực hiện các biện pháp pháp lý dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi động vật, bảo vệ sức khỏe và an toàn cộng đồng, cũng như xóa bỏ và kiểm soát dịch bệnh.

Chẳng hạn, tại Hồng Kông, một Sắc lệnh địa phương đã được ban hành vào năm 1953 cấm thịt chó và mèo bằng cách cấm giết mổ bất kỳ cá thể chó hay mèo nào lấy thịt.

Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo

Ở Đài Loan, mặc dù chưa có tiền sử tiêu thụ thịt chó hoặc mèo đáng kể, các nhà lập pháp đã thực hiện các biện pháp cấm hoạt động buôn bán thịt chó và mèo vào năm 2001 bằng cách sửa đổi Đạo luật Bảo vệ Động vật năm 1993. Luật này quy định tất cả chó và mèo là thú cưng và cấm giết mổ thú cưng để lấy thịt hoặc bán thịt.

Vào tháng 4.2017, Đài Loan đã trở thành lãnh thổ đầu tiên ở châu Á cấm ăn thịt chó và mèo. Đạo luật mang tính bước ngoặt này cuối cùng đã thu hẹp sự khác biệt so với luật trước đó - chỉ cấm giết thú cưng để lấy thịt hoặc bán thịt.

Đạo luật Bảo vệ Động vật Đài Loan là một ví dụ thú vị vì bằng cách nâng cao địa vị pháp lý của tất cả các cá thể chó và mèo lên thành thú cưng mà chúng sẽ không bị kinh doanh buôn bán làm thức ăn. Đây là một bước tiến đáng kể, thừa nhận rằng chó hoặc mèo là động vật đồng hành và không phải là động vật trang trại có thể bị giết lấy thịt phục vụ cho con người.

Ở các quốc gia khác, ví dụ như Singapore và Malaysia, không có lệnh cấm rõ ràng, nhưng các hành vi giết mổ và tiêu thụ thịt chó và mèo được coi là bất hợp pháp theo luật pháp tàn ác động vật. Và ở Singapore, luật bảo vệ động vật và an toàn thực phẩm nghiêm cấm buôn bán thịt chó hoặc mèo vì những loài này không được công nhận là động vật thực phẩm Hồi giáo.

Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo
Câu chuyện phía sau chiếc lồng sắt và hành trình giải cứu chó, mèo

LĐO | 23/12/2020 | 07:00