“Bạn ghe bỏ đi hết rồi, chỉ còn tui nghèo quá chưa có chỗ để đi”. Lời tâm sự của bà Cao Mỹ Lệ như kéo dài thêm nỗi xót xa của cánh thương hồ đang lũ lượt rời sông nước. Tôi trở lại chợ nổi Cái Răng sau 4 năm triển khai “Đề án bảo tồn và phát triển”; giờ đây, chợ nổi đã sắp… “chìm”…
Một buổi tối của ngày cuối năm, hai bên bờ sông chợ nổi Cái Răng, TP.Cần Thơ náo nhiệt hẳn lên, khi những chiếc xe tải nổ máy, xếp hàng dài chờ “ăn hàng”. Thương hồ Huỳnh Hữu Phúc (68 tuổi) hồ hởi khoe: “Bữa nay hàng về sớm, gặp ngay lúc chủ vựa cần, nên tui sang tay qua luôn, giờ lấy tiền rồi về ghe nằm nghỉ”.
Xong việc, ông Phúc cho ghe về chỗ đậu rồi trầm ngâm hoài niệm về một thời quá vãng. 40 năm trước, ông từ miệt Cao Lãnh, Đồng Tháp xuôi về chợ nổi mưu sinh, bán đủ thứ trên trời dưới đất. Ngày đó, vùng sông nước chằng chịt miền Tây, hiếm hoi lắm mới có cây cầu khỉ - sang lắm là cầu ván (gỗ) bắc qua, thì ghe xuồng là phương tiện đi lại chính yếu! Đàn bà đau bụng đẻ, cũng cứ gom đồ chất xuống ghe, ra bảo sanh. Có mớ rau, muốn ra chợ bán, cứ chất lên ghe. Nhà thiếu gạo, cũng dong ghe ra nhà máy xay xát mà chở về. Chợ nổi Cái Răng như một trung tâm thương mại sầm uất, cứ bơi ghe ra đó, thứ gì chẳng có.
Nhưng bây giờ, hạ tầng trên đất liền phát triển đến chóng mặt, đường xá láng bon, xe chạy về tới ngỏ. Việc đi lại, mua bán trên sông nước đã nhường chỗ cho những hình thái tiến bộ hơn. “Thời buổi công nghệ 4.0, chỉ cần móc điện thoại ra alo là người ta giao hàng tới nhà, muốn mua cái gì cũng có; cũng đâu cần phải thức khuya dậy sớm qua sông lụy đò. Chợ nổi cũng theo đó mà mai một”.
Gần 30 năm gắn bó với chợ nổi Cái Răng, ông Lê Thanh Ngàn (SN 1960, quê quán ở tỉnh Bạc Liêu) cũng đã chứng kiến biết bao bạn ghe lũ lượt rời sông nước, vì sinh kế trên chợ nổi đã không còn lo đủ cuộc sống cho họ. “Giữa bối cảnh hạ tầng giao thông đường bộ phát triển như thế này, người ta hay nói, chỉ có khùng mới chèo xuồng đi chợ. Một dạo, tui cũng tính bỏ ghe để đi, nhưng nghĩ mãi không biết đi đâu, nên đành ở lại bám trụ. Cứ tình hình này, vài năm nữa chợ nổi sẽ dần mất hút”, ông Ngàn bộc bạch.
Ở chợ nổi Cái Răng có gia đình bà Cao Mỹ Lệ hơn 50 năm chèo đò chở khách. Bà kể, thời sung túc chợ nổi xôm tụ như một con phố trên sông, kẻ bán người mua đông nườm nượp. “Giờ ai cũng bỏ ghe, bỏ chợ, chỉ có những người như tui, vì nghèo quá chưa có chỗ để đi”.
Một thời tiêu biểu cho sự sung túc của vùng sông nước Cửu Long, chợ nổi Cái Răng giờ đây đã sắp “chìm” theo quy luật đào thải của dòng chảy phát triển. Trước nguy cơ đó, năm 2016, UBND TP.Cần Thơ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”, gồm 13 hạng mục, công trình với tổng kinh phí hơn 63 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 10 tỉ là của ngân sách TP, còn lại là nguồn xã hội hóa kêu gọi đầu tư vào các công trình điểm dừng chân, nhà hàng nổi…
Đến nay, phần ngân sách nhà nước đã giải ngân gần 100% cho các hạng mục: Bố trí phao phân luồng giao thông, thu gom rác thải (1,2 triệu đồng/ngày), xây dựng cầu tàu tạm, truyền thông quảng bá du lịch hàng năm… Riêng nguồn xã hội hóa kêu gọi được rất thấp.
Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng Vương Công Khanh nhìn nhận: “Thương hồ là linh hồn, là những người làm nên chợ nổi. Muốn giữ chợ trước hết phải giữ được thương hồ. Bây giờ họ bỏ chợ là do cuộc sống khó khăn. Nhưng trong toàn bộ đề án triển khai không có một hạng mục nào hướng trực tiếp đến lợi ích và đời sống của họ”.
Ông Khanh cho biết thêm: "Có những việc quận không làm nổi vì vượt thẩm quyền. Hiện nay, thương hồ đang tự bơi trong cuộc mưu sinh, quận đã có đề xuất hỗ trợ, bù lỗ khi họ kinh doanh thua lỗ. Nhưng vấn đề này thuộc về chính sách, mà chính sách thì phải do thành phố quyết định. “Hiện bên bờ Cái Răng có 8 vựa thu mua nông sản, bên kia bờ có 2 vựa hoạt động không phép. Quận chỉ có thể “cho qua”, tạo điều kiện, không gây khó khăn cho họ hoạt động. Vì họ còn thu mua thì thương hồ còn sống được, nếu dẹp họ thì thương hồ sẽ bỏ chợ”.
Ông Khanh gọi đó là cách hỗ trợ tốt nhất mà quận có thể làm được hiện nay, và cho biết thêm: Cũng có những hỗ trợ khác cho các thương hồ nhưng không trực tiếp, như tạo điều kiện cho con cái của họ đi học dù không có hộ khẩu địa phương. Mở các lớp bồi dưỡng về du lịch không thu tiền, hỗ trợ nước sạch và thỉnh thoảng đến trao quà…
Quận cũng đã tính đến phương án hồi phục nguyên bản hình ảnh mua bán giao thương ngày xưa trên chợ nổi. Tuy nhiên qua nghiên cứu cách làm tại chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), việc này là không khả thi. “Ở tỉnh bạn, có nhà đầu tư đã mua tới hàng chục ghe xuồng, nhưng không ai chịu xuống sông để bán. Đến khi có người xuống bán thì không có ai mua. Dựng chợ thì dễ, nhưng lại không có sức sống”, ông Khanh phân trần.
Theo ông Khanh, chợ nổi hiện nay hầu hết là ghe tải trọng lớn từ 10-30 tấn. Chủ ghe kết nối với nhà vườn khắp nơi, ra tận miền Đông, và thậm chí là ứng trước cây, con giống cho họ trồng. Đến độ thu hoạch, thương hồ đến thu mua rồi chuyển hàng về đây chất lên ghe bán lại. Những nông sản này được 8 vựa gần đó thu mua hết. Có hôm xe về độ 7-8 giờ tối, gặp ngay lúc chủ vựa cần hàng, vậy là thương hồ “sang tay” qua luôn, rồi đi nghỉ. Sáng hôm sau khi du khách háo hức ra chợ nổi đã trở về với nỗi thất vọng.
Lớn lên trong một gia đình thương hồ trên chợ nổi Cái Răng, từ thuở nhỏ, ông Vương Công Khanh đã nặng nợ với cảnh đời sông nước. Duyên nợ khiến xui, từ lúc về làm Phó Chủ tịch UBND quận, ông phụ trách mảng dân xã với niềm trăn trở suốt bao năm là: “Làm sao để bảo tồn chợ nổi?”. Ổng kể, mình đã dành nhiều thời gian để ra chợ “ăn nằm”, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con, nhưng thương hồ vẫn cứ lũ lượt rời sông nước. “Quận đang tính đến phương án đưa các vựa nông sản thu mua trên bờ xuống sông hoạt động, nhưng vấn đề là ai chịu xuống”.
Bà Cao Mỹ Lệ - một tiểu thương ở Chợ nổi Cái Răng chia sẻ, bà và những người cả đời gắn bó với sông nước, với những chiếc ghe, xa chúng, họ nhớ ray rứt. Bởi thế, sông bên lở bên bồi, nhưng bên nào cũng có người ở. Lở thì làm kè, trồng bần, cứ thế mà sống. Dù rằng, nhiều người trong căn nhà ấy, không hề chài lưới hoặc làm nghề gì gắn bó với sông nước. Nhưng họ đã sống rất lâu bên sông, đã quen với từng tiếng ghe, tiếng máy nổ. Xa chẳng được. “Chợ nổi Cái Răng giờ vẫn còn, nhưng bao lâu nữa cái hồn sẽ mất, chỉ còn cái xác để mà làm du lịch. Tui thấy nhà nước cho làm nhiều công trình phục vụ du lịch, nhưng không thấy cái nào chăm lo cho thương hồ hết”, bà Lệ chua xót.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: Dù có xây dựng những công trình trăm tỉ, nhưng nếu không có thương hồ thì cũng sẽ không còn chợ nổi. Cuộc sống họ đang gặp khó khăn, vấn đề là ai sẽ thu mua nông sản cho họ trong những ngày kinh doanh ế ẩm.
Trong câu chuyện đó, chợ nổi ở Thái Lan là một bài học đáng được xem xét. Nước bạn vào những năm 90 cũng đã phải chấm dứt vai trò lịch sử của các khu chợ nổi. Sau đó họ phục hồi bằng cách quy hoạch không gian, phục dựng lại những dòng sông rồi tổ chức cho người dân ra mua bán. Lúc này, chợ chỉ là “cái cớ”, bởi tiểu thương chỉ bán hàng cho du khách chứ không phải mua bán trao đổi hàng hóa như ngày xưa.
Theo Tiến sĩ Nhân, trong những ngày đầu còn nhiều khó khăn, các tiểu thương được hỗ trợ thu mua hết hàng hóa khi họ kinh doanh ế ẩm. Cùng với đó là sự chia sẻ trong cộng đồng, những người dân sở tại dành thêm nhiều thời gian đến chợ nổi ăn uống, mua sắm như một cách giúp đỡ tiểu thương. Sau cùng, người Thái với cách làm du lịch bài bản và kiên trì đã tạo ra những khu chợ nổi nhân tạo độc đáo, thu hút hàng triệu du khách. Lúc này nhà nước sẽ cắt nguồn hỗ trợ, vì người dân đã có thu nhập đủ đầy từ nguồn thu du lịch. Cách làm đó không phải ngày một ngày hai, mà sẽ mất nhiều thời gian, và cần có sự kiên trì và quyết liệt.
Trời chiều vừa nhá nhem, vợ thương hồ Năm Dạt nhận cuốc điện thoại báo hàng về. Bà cho ghe xuôi dòng nước ra cầu tàu, và hồ hởi khoe: “Bây giờ hàng về lúc nào thì “nhóm chợ” luôn lúc đó. Thời cuộc đã đổi thay nên mình cũng phải thay đổi để thích ứng”. Ai đó nói với tôi rằng: “Một cuộc chuyển đổi cho chợ nổi ngay từ lúc này là vô cùng cấp bách”.