Kỳ 3: Chung tay “kiến tạo” trường học hạnh phúc

Kỳ 3: Chung tay “kiến tạo” trường học hạnh phúc
Kỳ 3: Chung tay “kiến tạo” trường học hạnh phúc
KỲ 3

“Kiến tạo” trường học hạnh phúc là cách nói hình tượng cho việc đi tìm giải pháp để đem đến cảm xúc tích cực cho thầy và trò, xây dựng văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục. Khi ấy, thầy có động lực cống hiến, trò được tôn trọng và phát triển năng lực cá nhân. Với nhiệm vụ gieo mầm cho thế hệ tương lai, giáo dục nên “xây” những trường học hạnh phúc. Nhưng để làm được điều này, ngành giáo dục cần sự chung tay…

Ông Phùng Xuân Nhạ

    30 năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cần mẫn thực hiện phương châm giáo dục ở một ngôi trường không kén chọn đầu vào, chấp nhận mọi hoàn cảnh của học sinh, nhưng phải đảm bảo “học sinh nên người” ở đầu ra.

    Bình thường một lớp có vài học sinh quậy phá, giáo viên đã rất vất vả, còn ở trường của thầy, 60% học sinh yếu kém văn hóa, 20% học sinh bị các trường khác xếp loại yếu kém về đạo đức, nhưng thầy vẫn nhận về trường. Bằng cách nào những giáo viên trong trường có thể dạy học sinh thành người tốt? Trả lời câu hỏi này, thầy Lâm kể một câu chuyện:

    “Cậu học sinh ấy học lớp 11, bố mất sớm, mẹ bán hàng nước nuôi em ăn học. Bà chắt chiu mua cả xe máy cho con đi, nhưng cậu ta lại cắm xe. Cô chủ nhiệm nhắc nhở, em cãi lại. Cô gọi mẹ em đến và đưa cậu học sinh xuống phòng tôi để trả về gia đình.

    Tôi hỏi cậu học sinh: “Bây giờ con sống được vì đâu?”. Em trả lời là: “Mẹ nuôi”.

    Tôi hỏi tiếp: “Thế con có biết mẹ con sống vì đâu không?”. Cậu học sinh không trả lời.

    Tôi bảo: “Mẹ con sống được là vì con. Nếu con ngoan, con học đến nơi đến chốn thì mẹ con sẽ không gầy ốm như thế này. Con đang ăn thịt mẹ con đấy”.

    Tôi quay sang người mẹ hỏi: “Tôi nói thế có đúng không thưa bà?”. Người mẹ gạt nước mắt gật đầu.

    “Bây giờ con có mấy con đường lựa chọn: Một là con cứ ăn chơi đi, cứ phá, không suy nghĩ học hành gì cả, chắc chắn trường Đinh Tiên Hoàng không thể chấp nhận con và mẹ con lúc đó sẽ thế nào, con biết không?”. Học sinh không trả lời.

Học sinh THPT

    “Lúc đó con không còn mẹ đâu” – tôi nói tiếp - “Ngược lại, nếu con học hành tử tế thì mẹ con sẽ khác. Điều quan trọng, thầy muốn nói với con, là con trai mà không làm chỗ dựa cho mẹ được, để gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó này, thầy nghĩ con rất kém. Liệu có xứng đáng với sự hy sinh của mẹ cho con không? Bây giờ vấn đề dạy con mới khó, chứ đuổi con thì quá dễ. Thầy cho con một ngày về suy nghĩ”.

    Hôm sau, cậu thề với cô chủ nhiệm là sẽ thay đổi. Tôi đã làm được một việc quan trọng là chuyển thói quen ích kỷ chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu trước mắt sang nhu cầu “thay đổi để báo hiếu cha mẹ" của cậu học trò này. Năm học đó, với quyết tâm tự thay đổi, em đã tốt nghiệp và đỗ 2 trường đại học. Hôm kỷ niệm 20 năm thành lập trường, em trở về, ôm tôi rồi khóc".

    Cuối câu chuyện, thầy Lâm đúc rút: “Việc giáo dục con người rất tỉ mỉ. Giáo viên phải tác động được chính bản thân học trò. Bố mẹ, thầy cô nào chả muốn dạy con ngoan, trò giỏi, nhưng nếu học trò không muốn, chúng ta không làm được gì? Phải tìm nhiều cách, cách nào phù hợp với học sinh".

    Và cách của thầy là luôn tôn trọng học sinh, kể cả sự riêng biệt của các em. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chưa một lần người thầy này than phiền và kiên quyết không cho ai gọi những học trò của mình là “cá biệt”. Bởi thầy luôn tâm niệm: “Không có học sinh cá biệt, chỉ do học trò cá tính”.

    Sinh thời, mỗi dịp năm học mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều viết thư gửi cho ngành giáo dục. Trong bức thư đăng trên Báo Nhân dân, số 600, ngày 24.10.1955, Người nhấn mạnh: “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”. Những lời Bác dạy, mấy chục năm qua vẫn vẹn nguyên ý nghĩa. Để giáo dục thành công một đứa trẻ, rất cần sự chung tay.

    Trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo cũng nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.

    Ở trường giáo viên dạy học sinh bảo vệ môi trường, nhưng sẽ không thể thành công nếu hằng ngày các em chứng kiến cảnh người lớn vứt rác bừa bãi. Thầy cô nhắc trò chấp hành Luật Giao thông, nhưng có tác dụng gì nếu bố mẹ các em vượt đèn đỏ khi đi trên đường? Dặn học sinh phải tôn trọng giáo viên, nhưng sẽ rất khó nếu phụ huynh không “tôn sư trọng đạo”? Chính việc không nhận được chia sẻ của phụ huynh, xã hội trong nhiệm vụ giáo dục trẻ đã khiến giáo viên thêm áp lực và khó tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong công việc “trồng người”.

    Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, để tạo ra môi trường giáo dục hạnh phúc, thời gian qua, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, chống bạo lực học đường. Trong đó nhấn mạnh, khi môi trường giáo dục thật sự thân thiện, an toàn; khi có sự cảm thông, sẻ chia thì sẽ có hạnh phúc. Điều này cũng giúp xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, giảm bạo lực học đường.

    Năm học vừa qua, ngành giáo dục xảy ra không ít vụ bạo hành thể chất, tinh thần học sinh. Để có giải pháp căn bản cho vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định nhiệm vụ “dạy người’ trong giáo dục cần được ưu tiên thực hiện trong năm học mới 2019-2020. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động xây dựng trường học hạnh phúc và đang nhận được sự hưởng ứng trong toàn ngành giáo dục.

    Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong đó, mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh được nói lên suy nghĩ, có điều kiện đổi mới sáng tạo, phát huy hết các năng lực cá nhân. Ở môi trường này, từng thành viên đều cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học như gia đình. Để làm được điều này, bản thân mỗi nhà trường, giáo viên và lãnh đạo quản lý đều phải thay đổi để tạo môi trường giáo dục khiến học sinh hạnh phúc.

    Chính Bộ trưởng cũng quyết tâm thay đổi bằng việc có những chỉ đạo giúp giáo viên cả nước “cởi trói”. Trong đó đề nghị các địa phương và bộ ban ngành liên quan chung tay giải quyết áp lực thi đua cho các trường; giảm tải lớp học, có chính sách lương bổng để nhà giáo yên tâm làm tốt công việc; khuyến khích các trường ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, để giảm áp lực cho giáo viên. Mỗi người trong chúng ta thay đổi một chút, cùng kiến tạo “trường học hạnh phúc”, để con em chúng ta hạnh phúc.

Trẻ em nô đùa