33 năm trải qua gần 10 ca mổ, "cậu bé" sống sót còn lại trong ca mổ tách song sinh Việt - Đức giờ đây đã là một người đàn ông trưởng thành ở tuổi 39. Anh có một gia đình hạnh phúc với tiếng cười trẻ thơ, với người vợ đảm đang. Nhìn lại chặng đường đã qua, anh chỉ biết nói lời cảm ơn cuộc đời đã cho anh những sóng gió để cập bến trong bình yên.
Năm 19 tuổi, người anh song sinh của anh là Việt đã qua đời, còn bản thân anh may mắn hơn khi trưởng thành đến hôm nay. Anh trải qua hành trình đấy thế nào?
Tôi cảm thấy rất buồn vì mất đi một người anh ruột - người mà không thể tâm sự với mình trong suốt nhiều năm. Bởi 6 tuổi anh đã lên cơn sốt và chết não và từ đó tôi không có người chia sẻ nỗi buồn.
Anh từng nói có những lúc muốn buông xuôi nhưng nghĩ về sự ra đi của người anh đã khiến anh có động lực và đứng dậy mạnh mẽ hơn?
Anh của tôi đã quá thiệt thòi, mất đi cảm giác con người từ khi mới 6 tuổi, khi anh mất thì càng thiệt thòi lớn nữa. Tôi đã từng có lúc muốn buông xuôi khi nghĩ về anh và nghĩ về bản thân đã gặp những vấn đề không hoàn hảo trong cuộc sống. Nhưng nếu mình tự đánh mất ý chí thì chẳng giải quyết được gì.
Sau đó, tôi nhận thấy phía sau còn rất nhiều người kém may mắn hơn. Tôi tuy có khiếm khuyết nhưng đầu óc vẫn suy nghĩ được, vẫn đi làm được. Và anh mình đã không thể tận hưởng cuộc sống thì tôi hứa sẽ thay anh làm điều đó: sống thật tốt và thật ý nghĩa.
Khi trưởng thành, anh thấy điều gì may mắn mà trước đây bản thân không nhận ra?
Tôi thấy mình có được một tư duy tốt và có suy nghĩ chín chắn trong cuộc sống. Trải qua thời gian khó khăn của ca mổ, tôi thấy mình đã cố gắng rất nhiều. Chỉ có điều tôi vẫn còn nhiều thứ ấp ủ chưa làm được. Nhưng tôi muốn đi chậm mà chắc chứ không phải chạy theo thời thế, để rồi nhận lấy thất bại mà không lường trước.
Có người cho rằng bản thân mình bất hạnh vì nghèo khó nhưng người khác lại suy nghĩ: Đôi khi sinh ra lành lặn là một điều hạnh phúc rồi, anh nghĩ sao?
Đó là câu nói rất hay. Người lành lặn và người khuyết tật đều là con người. Nhưng người khuyết tật thiệt thòi hơn. Bởi họ gánh trên mình tâm lý tự ti và những mầm bệnh mà nếu không có một cú đúp để đứng lên trong cuộc sống nữa thì rất là khó. Vậy nên, nếu sinh ra lành lặn thì chúng ta cũng phải cảm ơn cuộc sống vì mình vốn đã rất may mắn.
Dấu mốc nào bản thân anh thấy mình đã bắt đầu vượt qua suy nghĩ: Tôi là người thiệt thòi?
Đó là sau ca mổ một thời gian dài, tôi được đi học như bao người bạn trẻ khác. Lớn lên một chút, tôi học trung cấp và sau đó có việc làm. Tôi thấy mình tự tin và tháo bỏ được những gánh nặng tâm lý trước đây. Nhưng khi bước vào môi trường làm việc vẫn sẽ có những ánh nhìn kì thị với tôi.
Bởi, một số người nghĩ rằng những người khuyết tật như chúng tôi chỉ làm việc bằng tay chân, đầu óc một chỗ. Nhưng đó là quan điểm sai. Không phải người khuyết tật nào cũng thế, có người họ vẫn năng động. Như tôi tuy khiếm khuyết thật nhưng trước đây từng là cầu thủ bóng đá, vận động viên bơi lội, vận động viên thể hình… Tôi luôn tìm đến những suy nghĩ tích cực, hoạt động có ích để chứng minh cho họ thấy, chúng tôi cũng như họ, cũng làm việc và lao động bình thường.
Người khuyết tật sinh ra không may mắn như bao nhiêu người khác, sau đó họ lại nghĩ quẩn, cá nhân anh nghĩ sao về hành động này?
Đa phần nó có hai yếu tố. Một là bản năng sinh tồn của họ yếu, họ thấy mình khiếm khuyết thì mặc cảm. Khi tiếp xúc với những người trong xã hội, họ lại nghĩ mình bị bỏ rơi, bị tâm lý khi có những ánh mắt không hay nhìn vào họ. Sau đó, họ cô lập và hạn chế tiếp xúc với xã hội. Chính vì vậy, họ bị đảo lộn cuộc sống, không kiếm được chi phí, không giao tiếp với ai nên dẫn đến nghĩ quẩn.
Trường hợp thứ hai có thể họ không có điều kiện, không học đến nơi đến chốn, không có thu nhập hợp lý nên đôi khi họ có những suy nghĩ tiêu cực hơn.
Nhưng tóm lại, đa phần do tâm lý mà ra. Ngay cả người lành lặn đôi khi họ cũng phải chịu những vấn đề như vậy chứ không riêng gì người khuyết tật như chúng tôi.
Cho nên những người khuyết tật tư duy bị thụt lùi sẽ dễ bị suy sụp. Còn những người khuyết tật bản năng họ tốt, họ làm chủ được cuộc đời, sự nghiệp của mình như việc mở được một shop hoa, tiệm may, sửa xe… thì đối với họ đó là điều hạnh phúc. Họ đâm đầu vào công việc và kiếm tiền và tìm thấy cho mình động lực sống.
Gia đình đóng vai trò thế nào trong đời sống của anh?
Tôi là trụ cột trong gia đình, bà xã chăm lo cho mẹ bị ung thư và 2 con tôi. Chúng rất ngoan và nghe lời. Đó là động lực để tôi làm việc và sống tốt hơn.
Trước khi gặp bà xã anh có nghĩ đến chuyện kết hôn không?
Tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều về điều này. Trước đây, tôi có cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ trong một nơi gọi là làng Hòa Bình. Nhưng khi trưởng thành, tôi cần sống độc lập và nghĩ đến việc có gia đình, tiếng cười trẻ thơ để có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy hơn.
Tôi là nạn nhân chất độc da cam, tôi không biết tương lai thế nào nhưng tôi muốn có một gia đình hiểu mình, thương mình để mình có thể đi làm và lo lắng lại cho cuộc sống của họ. Nên tôi quyết định đi đến hôn nhân.
Anh là nạn nhân của chất độc da cam, vậy bản thân anh đã chuẩn bị tâm lí thế nào trước khi quyết định có con?
Tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Nhưng tâm lý tôi không nặng như bà xã của tôi. Cô ấy là người lo nhiều hơn, bởi người mang nặng đẻ đau. Cô ấy lấy tôi là người khuyết tật mà còn là bị ảnh hưởng của chất độc da cam nữa, phải lo chứ.
Còn tôi thì đã chuẩn bị tâm lý sẵn rồi. Thứ nhất, tôi đã từng sống trong một làng Hòa Bình, tôi có kinh nghiệm và chuẩn bị được tâm lý sống với các bé thế nào. Hơn nữa, trong thâm tâm của tôi quan niệm: Dù sinh các bé ra có ra sao cũng phải biết trân trọng và đón nhận, không có chuyện bỏ con. Tôi cũng đã động viên vợ mình như vậy. Nhưng may mắn tôi khi hai bé sinh ra đều khỏe mạnh. Đó là hai đứa trẻ ngoan, học tuy không quá giỏi nhưng lại rất vâng lời và thương gia đình.
Anh đã chuẩn bị tâm lý cho các bé thế nào để các con tự hào về cha chứ không phải mặc cảm?
Tôi cũng không cần chuẩn bị gì cả. Hai bé hay tâm sự với bà xã. Vợ tôi từng kể lại rằng hai bé nói thấy ba đi làm vất vả, thấy ba mệt và thương ba lắm nên sẽ cố gắng học giỏi.
Mẹ các bé từng hỏi vô trường có ai chọc không? Các bé đều bảo rằng không quan tâm chuyện đó mà chỉ cố gắng học giỏi để lo cho gia đình. Tôi thấy các bé còn nhỏ nhưng đã hiểu chuyện. Đó là điều hạnh phúc lớn.
Với bản thân anh, hạnh phúc bó gọn thế nào?
Với tôi hạnh phúc phải xuất từ trái tim, xuất phát từ tình mẫu tử, phụ tử. Chúng ta phải làm sao để cả bố mẹ, các con có chung một ý chí, chung một cuộc sống. Cái quan trọng nhất là thấy được con cái thành tài, làm công dân có ích.
Hiện tại, anh thấy hài lòng với cuộc sống và hạnh phúc với những gì mình có chưa?
Tôi thấy rằng mình tuy không có thế mạnh về thể chất nhưng bản thân vẫn làm những công việc có ích cho cộng đồng. Tôi là nhà sáng lập tổ chức “Vì một thế giới đẹp tươi” từ 2012 đến nay để giúp cho những người kém may mắn. Tôi tham gia quỹ “Chung một tấm lòng” của HTV giúp những người tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra, tôi cũng giúp cụ già neo đơn, chất độc da cam…
Tóm lại mình may mắn vì mình làm được nhiều việc như những người hai chân hai tay. Và cuối cùng, tôi có một mái ấm hạnh phúc là đủ rồi.
Có phải vì anh thấy rằng bản thân nhận được quá nhiều, vì thế nên muốn cho đi?
Đó là quan niệm rất đúng, tôi thấy mình nhận được rất nhiều, tuy nó không phải là những giá trị vật chất quá cao nhưng mà mình cứ cho đi, cho đi đến khi không thể thì mình sẽ thấy hạnh phúc hơn.
Thử phác họa chân dung cuộc đời anh: Nếu bản thân anh sinh ra được lành lặn không khiếm khuyết thì Nguyễn Đức của hôm nay sẽ thế nào?
Bản thân tôi sinh ra tại một vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, đó là Gia Lai. Nếu sinh ra lành lặn, tôi có thể là một chàng sinh viên vượt khó, người dân có ích xã hội chứ không dám nghĩ một người cao sang, thành đạt. Nhưng tôi của hôm nay được nhiều người yêu mến, được biết đến và là một người truyền cảm hứng cho mọi người sống tích cực hơn. Vậy nên, nếu lành lặn, chắc cuộc đời tôi đã khác.
Anh nói hiện tại bản thân đang là người đi truyền cảm hứng cho giới trẻ?
Tôi đi truyền cảm hứng cho các tầng lớp trẻ. Bởi tôi thấy nhiều người trẻ vẫn còn mơ hồ về cuộc sống của mình. Một số bạn có cuộc sống đầy đủ nhưng lại không biết cách sử dụng điều đó đúng cách mà ngược lại hoang phí. Tôi muốn các bạn hãy nghĩ về những mảnh đời bất hạnh trong xã hội và giúp đỡ cho người kém may mắn hơn.
“Sống bao nhiêu năm không quan trọng, chỉ cần trong số năm đó phải làm được gì cho cuộc đời” – anh nghĩ sao về câu nói này?
Tôi thấy điều đó rất đúng. Ở đời, tôi nghĩ không phải sống để cho mọi người tung hứng mình mà sống thế nào ý nghĩa, tịnh tâm và hạnh phúc. Trong cuộc sống bao giờ cũng có nhân quả, đời lấy của ta cái gì sẽ bù đắp lại cái khác mà thôi.
Vậy còn điều gì khiến anh tiếc nuối không?
Thứ nhất, tôi thấy mình kém may mắn hơn người khác là không được sống bên cạnh bố mẹ từ nhỏ. Đó là điều tôi tiếc nuối nhất. Tôi không được nói chào bố, chào mẹ khi đi học về. Và càng tiếc nuối hơn vì bản thân bị bệnh nhiều thì sức khỏe nặng nề quá để rồi mang lại gánh nặng cho gia đình.
Tôi ao ước mình có sức khỏe tốt hơn để lo cho gia đình. Mình không lường trước được tương lai thế nào, nhưng mình chỉ ước hai bé trưởng thành và cố gắng trở thành công dân có ích cho xã hội.
Anh có điều gì nhắn gửi đến các gia đình Việt Nam còn gặp nhiều điều kém may mắn?
Tôi chỉ mong làm sao những gia đình không may mắn sẽ luôn cố gắng, hòa hợp, cân bằng cuộc sống. Hãy làm sao để tạo được không khí hòa thuận, có nhiều thời gian bên nhau và trân trọng người bố, người mẹ và trân trọng những đứa con mình sinh ra.
Hãy cố gắng giữ hạnh phúc gia đình, bởi không phải ai cũng có được và không phải ai cũng giữ được.
LĐO | 25/03/2021 | 06:30