Lao Động
Lao Động eMagazine

Gò Vấp 21 ngày không ngủ

Gò Vấp 21 ngày không ngủ
Gò Vấp 21 ngày không ngủ

Khi nhắc tới một địa điểm với 2 chữ “không ngủ”, nhiều người mường tượng ra khung cảnh đông đúc, nhộn nhịp, lung linh sắc màu. Thế nhưng, 21 ngày không ngủ ở Gò Vấp - TPHCM lại là 21 ngày yên ắng, chỉ có những CSGT thức xuyên đêm ở các chốt trạm ra vào quận; công an, bảo vệ dân phố ngồi cạnh hàng rào barie “làm bạn với muỗi”; cán bộ y tế trực “kè kè” bên chiếc điện thoại bàn,… và là 21 ngày người dân nằm đếm ngược thời gian với mong ước tất cả đều bình an.

Gò Vấp 21 ngày không ngủ
Gò Vấp 21 ngày không ngủ

Những ngày này, nhiệt độ tại TPHCM có lúc lên tới 35 độ C. Cái nắng gắt xuyên qua vải bạt, đổ hầm hập xuống bên dưới khiến những người đang làm nhiệm vụ tại điểm phong toả hẻm 415 Nguyễn Văn Công (phường 3, quận Gò Vấp) ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi. Thế nhưng, đây không phải lí do khiến con hẻm này được gọi là điểm “nóng” nhất thành phố.

Tối 26.5, sau khi phát hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đều là những thành viên của Điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, có địa chỉ sinh hoạt tại hẻm 415 Nguyễn Văn Công, TPHCM đã lập tức phong toả con hẻm này. Và tính từ ngày 26.5 đến ngày 4.6, thành phố ghi nhận 293 trường hợp mắc COVID-19, gần 3.000 F1, gần 275.000 F2 và những người có liên quan đến chuỗi lây nhiễm nhóm truyền giáo này.

Gò Vấp 21 ngày không ngủ

Ngày đầu nhận nhiệm vụ trực chốt tại đây, ông Phạm Hữu Trí (Bảo vệ dân phố khu phố 15, phường 3, quận Gò Vấp) có phần lo lắng. Nhưng rồi ông lại tự trấn an mình rằng những trường hợp nhiễm và nghi nhiễm đều đã được đưa đi cách ly, dụng cụ bảo hộ cũng đã được trang bị đầy đủ, vậy nên có thể hoàn toàn yên tâm công tác.

Ông Trí kể, mỗi ngày ông sẽ trực 3 tiếng tại đây. Nghĩ rằng 3 tiếng rất ngắn, nhưng trong khoảng thời gian đó, ông đã trải qua cả cái nắng nóng gay gắt lẫn mưa dông. “Có ngày TPHCM mưa to, những người dân ngoài khu phong toả có gọi tôi vào nhà để trú cho đỡ ướt, nhưng tôi sao có thể bỏ điểm chốt được. Sau đó tôi mặc lên người chiếc áo mưa giấy và tiếp tục bám chốt”, ông Trí kể lại.

Khó khăn có, vất vả có, thế nhưng ông Trí tìm được rất nhiều niềm vui trong thời gian trực chốt tại đây. Ông cảm thấy vui khi nhận được những chai nước mát từ người dân xung quanh và vui khi được “nghe nhạc miễn phí” trong thời gian làm việc. “Có nhà trong khu phong toả thỉnh thoảng hay bật nhạc vàng – đúng dòng nhạc tôi thích, thế là được nghe “ké” luôn. Mình làm việc mà thấy thoải mái, thấy vui như vậy thì thời gian trôi nhanh lắm”, ông Trí nói.

Gò Vấp 21 ngày không ngủ

Nghe ông Trí nhắc đến nhạc vàng, Nhựt đang ngồi kế bên bật cười thành tiếng. Nhựt kể từ ngày đăng kí làm tình nguyện viên tại đây, thành ra cũng “nghiện” nhạc vàng.

Lê Ngọc Nhựt hiện đang là sinh viên năm nhất Đại học Mở TPHCM. Sau khi đọc được thông tin trên nhóm “Go Volunteer” về việc tuyển tình nguyện viên hỗ trợ các khu phong toả, Nhựt đã đăng kí tham gia ngay lập tức.

Do quãng đường khá xa nên sáng nào Nhựt cũng dậy từ rất sớm để lái xe máy sang phường 3, quận Gò Vấp. “Nhà em ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, đi xe máy sang đây cũng phải mất từ 45 phút – 1 tiếng, vậy nên em luôn cố gắng dậy thật sớm để có mặt ở đây lúc 7h (sớm hơn ca trực 1 tiếng)”, Nhựt kể.

Tại điểm trực, Nhựt thường nhận lương thực, thực phẩm hộ người dân trong khu cách ly, sau đó xịt khử khuẩn và chuyển vào bên trong. Trong trường hợp người dân cần một số đồ dùng gấp, Nhựt cũng sẵn sàng trở thành shipper và đi mua đồ hộ mọi người.

Gò Vấp 21 ngày không ngủ
Gò Vấp 21 ngày không ngủ

Cũng đăng kí làm tình nguyện viên trong đợt dịch tại quận Gò Vấp, nhưng Ngô Ngọc Tú Uyên (sinh viên năm 3 Đại học Văn Lang) được giao hỗ trợ lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát người ra vào quận Gò Vấp. Tú Uyên “gánh” 2 nhiệm vụ trên vai: thông báo về việc khai báo y tế cho người dân và hỗ trợ người dân cách làm.

Gò Vấp 21 ngày không ngủ

Suốt từ sáng đến trưa, cô gái có dáng người nhỏ nhắn cứ đi ra giữa lòng đường rồi lại chạy vào lề đường bên phải. Tay trái Tú Uyên cầm tờ giấy có in mã QR code, tay phải thì kè kè chiếc loa phóng thanh mini.

Tú Uyên kể, những ngày đầu khi làm công việc này, em phải nhận không ít lời mắng chửi từ những người xa lạ: “Khi thành phố yêu cầu người dân ra vào quận Gò Vấp phải khai báo y tế online, nhiều người chưa quen và lượng người dồn đến quá đông một lúc khiến chúng em không hướng dẫn kịp. Khi đó có nhiều người nặng lời với chúng em, nói chúng em làm tốn thời gian của họ.

Thế nhưng bây giờ, mọi người cũng đã quen với việc khai báo, công việc của chúng em cũng được giảm tải. Thêm vào đó, có không ít người quan tâm, hỏi chúng em có mệt không, dặn chúng em giữ gìn sức khoẻ để có thể tiếp tục hỗ trợ người dân. Những câu nói như vậy tiếp thêm rất nhiều năng lượng cho chúng em”.

Gò Vấp 21 ngày không ngủ

Hiện tại, dọc các chốt kiểm soát dịch được dán rất nhiều tờ giấy có in hình mã QR code để người dân dễ dàng khai báo y tế. Thế nhưng, chắc hẳn mỗi người dân đi qua đây đều ấn tượng nhất với “cây” QR code di động mang tên Tú Uyên. Một “cây” QR code vừa có thể cung cấp mã cho người dân, vừa nhiệt tình hướng dẫn người dân cách khai báo, và trong những trường hợp đặc biệt còn thực hiện luôn cả “chức năng” khai báo hộ.

Khoảng 12h trưa, tranh thủ lúc đường vắng, Tú Uyên, các thành viên trong đội tình nguyện và lực lượng chức năng thay phiên nhau ăn trưa. Mỗi người sẽ nhận được 1 suất cơm và 1 chai nước chanh, sả, gừng do các thành viên của Hội LHPN quận Gò Vấp gửi tặng.

Để chuẩn bị những phần cơm như vậy, từ 6h sáng, chị Nguyễn Thị Lan (Chủ tịch Hội LHPN quận Gò Vấp) và một số thành viên đã đi chợ để mua đồ về chế biến. Sau đó, 5 người phụ nữ “loay hoay” trong khu bếp suốt buổi sáng để hoàn thành 120 phần gà chiên nước mắm, 120 phần thịt kho trứng cho lực lượng làm nhiệm vụ canh gác. Trong tiết trời nóng nực của TPHCM, các chị còn chuẩn bị thêm 100 chai nước chanh, sả, gừng với mong muốn tiếp thêm năng lượng cho lực lượng chống dịch.

Gò Vấp 21 ngày không ngủ

Trong đợt dịch lần này, Hội LHPN quận Gò Vấp đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài quận hỗ trợ 57 triệu đồng và hơn 500kg rau củ quả, 2.400 hộp cá hộp, 160 phần chà bông, 20kg khoai lang, 2.000 khẩu trang y tế. Những phần quà trên được Hội phân bổ và tặng cho các hộ cách ly thuộc các phường 3,5,9,11,15 và 100 phần cho khu nhà trọ phường 14. Hội còn vận động được 160 bộ đồ bảo hộ tặng các lực lượng chốt chặn, cán bộ hội trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch tại địa phương.

Ngoài những hộp cơm, những chai nước mát, các thành viên của Hội LHPN Quận Gò Vấp còn đồng hành cùng với các cấp hội cơ sở lo cho các điểm cách ly trong cộng đồng. Các hội viên còn trực tiếp tham gia hỗ trợ công tác lấy mẫu tầm soát COVID-19 cho người dân trên địa bàn quận, tăng cường công tác tuyên truyền người dân về việc phòng chống dịch.

Gò Vấp 21 ngày không ngủ

Hơn 16 tháng cùng người dân Việt Nam đồng lòng chống dịch, cũng chừng ấy thời gian được xem, được nghe nhiều câu chuyện xúc động về lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhưng phải đến khi khu phố nơi mình đang sống bị phong toả mới cảm nhận được rõ nét nhất về SARS-CoV-2, ông Trần Văn Sĩ (phường 3, quận Gò Vấp) mới thật sự thấm thía 2 chữ “đồng bào”.

Hẻm nơi ông sinh sống nằm ngay sát con hẻm 415 Nguyễn Văn Công. Vậy nên, nếu con hẻm đó “nóng” 10 thì hẻm nhà ông cũng “nóng” đến 8, 9 phần.

Gò Vấp 21 ngày không ngủ

Nhìn những bảo vệ dân phố chạc tuổi mình, những tình nguyện viên ngang tuổi con mình chịu nắng, chịu mưa để trực chốt và luôn sẵn sàng giúp đỡ lúc mình cần, ông Sĩ không khỏi xúc động: “Từ ngày hẻm nhà tôi phong toả đến nay đã gần 1 tuần. Ở trong khu phong toả nhưng tôi chẳng thiếu thứ gì, khi cần đều được những người trực chốt giúp đỡ nhiệt tình. Thỉnh thoảng người dân chúng tôi còn được nhận quà từ các mạnh thường quân.

Chẳng câu nói nào có thể diễn tả được hết sự trân trọng và biết ơn của chúng tôi đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vậy nên, chúng tôi đã tự nhắc nhở nhau, nhắc nhở bản thân bảo vệ sức khoẻ, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như một lời cảm ơn thiết thực nhất trong thời điểm này”.

Gò Vấp 21 ngày không ngủ

XEM THÊM


LĐO | 07/06/2021 | 07:00