Từ thông tin của bạn đọc phản ánh về tình trạng “đất tặc” hoành hành ở Vĩnh Phúc, phóng viên Báo Lao Động đã vào cuộc điều tra. Hơn 6 tháng qua, khi thực hiện loạt bài, phóng viên đã tận thấy sự chịu đựng và nỗi khổ của người dân trước nạn "đất tặc".
Đó là cảnh các đối tượng cho xe đào bới, múc công khai, nhiều quả đồi đã bị thổi bay, dấu tích còn lại chỉ là những bãi đất nham nhở. Môi trường thì ô nhiễm vì bụi bẩn, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng điều lạ lùng là chính quyền địa phương dường như “không hay biết”. Vậy “lỗ hổng” ở đâu, cách nào để những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trong quản lý khoáng sản phải thực sự vào cuộc, phải "thấy sợ", không dám "nhúng chàm", tiếp tay cho "đất tặc"?
Trong năm 2020, Báo Lao Động đã có nhiều loạt bài phản ánh về tình trạng khai thác đất trái phép, xảy ra ở nhiều nơi địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã ra "tối hậu thư" về việc xử lý dứt điểm nạn khai thác đất trái phép trên địa bàn bằng công văn số 9283/UBND-TH2 ngày 10.12.2020.
Tuy nhiên, sau một thời gian tạm lắng, những ngày cuối năm 2020, đầu năm 2021, Báo Lao Động tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của người dân địa phương về tình trạng "đất tặc" lộng hành trở lại. Từ những thông tin bạn đọc cung cấp, chúng tôi đã vào cuộc điều tra.
Suốt 6 tháng thực hiện loạt bài "Thất thoát tài nguyên đất tại Vĩnh Phúc", nhóm phóng viên đã chứng kiến thực trạng: Khi các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đẩy nhanh tiến độ, thì việc khai thác tài nguyên đất trái phép sẽ diễn ra rầm rộ; thậm chí có những vụ việc thể hiện sự manh động, coi thường pháp luật của các đối tượng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, từ cuối tháng 12.2020, hoạt động khai thác đất diễn ra công khai tại xã Minh Quang (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Nhiều quả đồi trên địa bàn xã này bị khai thác vô tội vạ, có những quả đồi đã biến mất như chưa từng tồn tại.
Phóng viên cũng chứng kiến cảnh người dân "cực chẳng đã" phải di chuyển mộ trong đêm, vì lo lắng khi thấy hoạt động khai thác đất diễn ra rầm rộ ngay cạnh phần mộ cha ông mình.
"Tức nước vỡ bờ", trước thực trạng xe chạy không có giờ giấc, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng nhưng không bị xử lý, nhiều người dân tại xã Minh Quang vô cùng bức xúc. Người dân quyết định vác đá chặn đường, cấm ôtô tải.
Có cửa hàng tạp hoá ngay ngã ba chợ Cam Lâm (xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh phúc), chị Vũ Thị Thắm rất bức xúc khi tình trạng xe trọng tải chở đất đá từ mỏ đất tại thôn Bản Long (xã Minh Quang) đi rầm rầm suốt ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của chị và các hộ gia đình ở đây.
"Nhiều tháng nay, hàng trăm xe tải chở đất thường xuyên chạy bất kể ngày đêm khiến đoạn đường này chở nên xuống cấp trầm trọng. Nhiều người vì để tránh những đoạn đường xấu đã cố ý tìm đường khác để đi.
Không ăn không ngủ được nên phải chặn. Ngày nắng thì bụi mù mịt, mưa thì bùn ngập mặt đường. Có khi 4 giờ sáng họ đã chạy ầm ầm rồi. Đi qua đây khác gì ác mộng đâu, người ta tìm đường khác để đi hết. Cứ thế này chết đói hết", chị Thắm bức xúc.
Cũng giống chị Thắm, bà Dương Thị Thảo - một người bán rau ở chợ Cam Lâm cho hay: "Đường đã quá nhỏ, nhưng hàng ngày vẫn có hàng trăm chiếc xe trọng tải lớn chở đất qua đây. Tôi bán rau một lúc lại phải rửa, không rửa bụi bẩn bám vào không ai mua".
Sau nhiều ngày tìm hiểu, theo chân các đoàn xe, phóng viên phát hiện những xe này đều múc trộm đất ở khu vực thôn Bản Long (xã Minh Quang), đổ cho các công trình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó có hai điểm khai thác đất trái pháp luật, do đối tượng Lưu Văn Tình (thôn Cam Lâm, Xã Minh Quang, huyện Tam Đảo) khai thác.
Cụ thể, 2 vị trí là thửa đất số 36, tờ bản đồ số 78 đã bị khai thác khoảng 1.800m3 đất. Và thửa đất số 364, tờ bản đồ số 78, khối lượng đất đã tiến hành khai thác khoảng 2.500m3 đất của ông Lưu Văn Sinh (thôn Bản Long).
Chúng tôi đã đem những thông tin này chất vấn ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ông thừa nhận có tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn xã Minh Quang.
Trong buổi kiểm tra thực địa sau phản ánh của Báo Lao Động, ông Thành khẳng định, có 2 vị trí trên địa bàn thôn Bản Long xảy ra tình trạng hạ cốt, khai thác đất trái phép nhưng chưa được UBND xã xử lý theo quy định.
Theo ông Thành, Chủ tịch UBND xã Minh Quang là người phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, Chủ tịch huyện và pháp luật khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Cùng thời gian ghi nhận việc khai thác đất trái phép tại huyện Tam Đảo, phóng viên Báo Lao Động nhận được thông tin phản ánh của nhiều người dân cho rằng ở địa bàn huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) cũng xảy ra tình trạng thất thoát tài nguyên đất.
Phản ánh tới Lao Động, người dân sinh sống tại thôn Láng (Kim Long - Tam Dương - Vĩnh Phúc) cho hay, trên địa bàn xã xảy ra tình trạng xe tải vận chuyển đất gây ô nhiễm không khí, mất an toàn giao thông. Đáng nói có quả đồi liên tục bị đào bới, san phẳng "không còn vết tích".
Không giới hạn địa bàn, việc khai thác đất trái phép còn công khai tại nhiều huyện, thậm chí ngay tại thành phố Vĩnh Yên – “trái tim” của tỉnh Vĩnh Phúc.
Ghi nhận của phóng viên từ ngày 10 đến 12.11.2020, hàng chục xe tải, máy múc liên tục đào bới, vận chuyển đất công khai tại thành phố Vĩnh Yên. Sau khi múc đầy đất tại khu vực thuộc địa bàn phường Khai Quang (thành phố Vĩnh Yên), đoàn xe bắt đầu di chuyển về phía trung tâm thành phố.
Dù di chuyển với vận tốc khá nhanh và gây bụi mù mịt, thậm chí có dấu hiệu vận chuyển quá khổ quá tải, cả đoàn xe vẫn "thoải mái" đi ngang lực lượng cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, thậm chí còn chạy ngang cả UBND tỉnh Vĩnh Phúc mà không hề bị kiểm tra, xử lý.
“Đất tặc” ngang nhiên hoạt động trước mặt lực lượng chức năng.
Sau những phản ánh của Phóng viên Báo Lao Động, ông Hà Thanh Hùng – Chủ tịch UBND phường Khai Quang (TP.Vĩnh Yên) thừa nhận, trên địa bàn chưa có đơn vị nào được cấp phép khai thác đất. Như vậy, việc khai thác đất mà phóng viên Báo Lao Động đã ghi lại được có dấu hiệu của việc khai thác trái phép.
Không chỉ vậy, tìm hiểu của phóng viên, tình trạng xây biệt thự trên đất rừng ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng tồn tại nhiều năm nay.
Ông N.V.T - người dân phường Liên Bảo - TP.Vĩnh Yên cho Lao Động biết, việc xây dựng trái phép diễn ra công khai nhưng không được chính quyền địa phương quyết liệt ngăn chặn, dẫn đến việc ngày càng nhiều ngôi biệt thự sang trọng mọc lên trên đất rừng.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên thời điểm đầu năm 2021, hoạt động xây dựng diễn ra khá nhộn nhịp. Đến nay, nhiều bức tường trong khu vực xây dựng trái phép đã được phá dỡ. Tuy nhiên các biệt thự vẫn còn nguyên vẹn.
Đặc biệt, thay vì chỉ có 7 căn biệt thư như kết luận của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, hàng loạt công trình bề thế đã được xây mới. Các công trình đã được hoàn thiện, khuôn viên nhiều căn được trang hoàng bằng cây xanh, bể cá.
Dù sai phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đang tiếp diễn, tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên lại khẳng định "mọi thứ vẫn tốt, chưa có gì xấu đi cả”. Trong khi đó, lãnh đạo UBND phường Liên Bảo (TP.Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) thừa nhận - cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lý sai phạm tại khu vực này bị các đối tượng xấu uy hiếp, đe dọa đến mức "sợ không dám đi đưa thông báo".
"Các đối tượng không phải người của địa phương, lại có "máu mặt", là dân xã hội. Khi động chạm đến quyền lợi, họ dọa dẫm, gọi điện “khủng bố” cán bộ và người nhà. Nhiều trường hợp táo tợn đến mức đi theo cán bộ để dọa nạt”.
Cận cảnh loạt biệt thự mọc trên đất rừng tại Vĩnh Yên
Không dừng lại ở những địa phương trên, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cũng là "điểm nóng" về hiện tượng vi phạm trong vấn đề quản lý đất đai dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất.
Phản ánh tới Báo Lao Động, người dân trên địa bàn huyện Bình Xuyên cho biết, thời gian qua, có hiện tượng vận chuyển đất từ khu vực tập kết của Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc tại thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) đến một số nhà máy gạch trên địa bàn.
Cận cảnh nhóm đất tặc công khai móc ruột dự án nghìn tỉ vốn ODA tại Vĩnh Phúc.
Hoạt động múc, vận chuyển đất chỉ diễn ra vào ban đêm, đặc biệt rầm rộ từ 22h đến 4h sáng hôm sau. Khi phát hiện có người quay phim, chụp hình, nhóm người này sẽ áp sát, bám đuôi để xua đuổi.
Trong quá trình phóng viên ghi nhận hoạt động múc và vận chuyển đất ra ngoài khu vực dự án, dù đã “ngụy trang” khéo léo nhưng xe của phóng viên vẫn bị một nhóm người bám theo. Có thời điểm, nhóm người này cố tình va chạm để kiếm cớ gây sự…
Để tìm hiểu việc quản lý, giám sát hoạt động khai thác đất trái phép trên địa bàn, phóng viên đã liên hệ làm việc với Công an huyện Bình Xuyên.
Sau khi kiểm tra, xác minh làm rõ, trong công văn trả lời Báo Lao Động, Công an huyện Bình Xuyên cho biết đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một cá nhân về hành vi khai thác khoáng sản (đất) mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Công an huyện Bình Xuyên cũng cho biết, đơn vị này đang tiếp tục tham mưu Huyện ủy, UBND huyện Bình Xuyên và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy tổ chức nắm tình hình, phòng ngừa các hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản (đất), không để phát sinh phức tạp về an ninh, trật tự.
Cũng tại Bình Xuyên, nhiều người dân xã Phú Xuân cho biết - nhiều năm nay, họ không có đất canh tác dù đồng ruộng bỏ hoang. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì công tác dồn thửa đổi ruộng theo kế hoạch 256 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại địa phương có nhiều bất cập.
Thêm vào đó, vi phạm trong công tác quản lý đất đai và hoạt động xây dựng ở địa phương này đã gây bức xúc cho người dân trong thời gian dài. Cụ thể, xã Phú Xuân đã giao thầu đất 5% không đúng quy định; nhiều người dân xây nhà, lấn chiếm đất nông nghiệp, lấn chiếm hành lang giao thông sai quy định… Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc quản lý giao thầu đất công ích ở xã Phú Xuân.
Sau khi Báo Lao Động phản ánh vụ việc, ông Mậu viết đơn xin từ chức, còn UBND huyện Bình Xuyên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh thông tin và thanh tra công tác dồn thửa đổi ruộng tại địa phương.
Trong loạt bài Báo Lao Động phản ánh về tình trạng khai thác đất trái phép, nguy cơ thất thoát tài nguyên đất ở tỉnh Vĩnh Phúc, có thể thấy nhiều lãnh đạo cấp huyện, thành phố đã "quy trách nhiệm" cho chính quyền địa phương - cụ thể là chính quyền xã, phường.
Ở chiều ngược lại, chính quyền địa phương lại lý giải bằng việc - họ không có nhiều chế tài, nên chỉ dám lập biên bản và báo cáo cấp trên.
Câu chuyện "cha chung không ai khóc" trong hoạt động quản lý đất đai ở cơ sở và sự đùn đẩy, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đã khiến cho hoạt động khai thác đất trái phép thời gian qua vẫn còn đất sống.
"Đất tặc" vẫn đang nhờn luật, coi thường các cơ quan chức năng và tranh thủ thời cơ để làm bậy… Và có thể, trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, có "bóng dáng" của tham nhũng, lợi ích nhóm, của những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, về đạo đức, lối sống trong một số cán bộ của những cơ quan có trách nhiệm quản lý tài nguyên.
Điển hình là vụ việc sai phạm trong vấn đề quản lý đất đai ở xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, sau phản ánh của Báo Lao Động, ngày 24.4.2021, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và bắt tạm giam 4 tháng để điều tra đối với hai ông: Nguyễn Văn Thủy, nguyên Bí thư Đảng ủy xã và Nguyễn Văn Mậu, nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Xuân về những sai phạm trong vấn đề quản lý đất đai trên địa bàn.
Còn đối với vụ việc khai thác đất trái phép ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 11.3.2021, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có công văn số 112/TTr-TDXLĐT về việc xử lý nội dung phản ánh liên quan đến loạt bài "Khai thác đất trái phép tại Vĩnh Phúc" của Báo Lao Động.
Công văn nêu rõ, Báo Lao Động số ra ngày 1.3.2021 có đăng bài: "Khai thác đất trái phép tại Vĩnh Phúc: Cận cảnh những ngọn đồi đau khổ", phản ánh sau thời gian dài bị các nhóm đối tượng công khai đào bới, nhiều ngọn đồi trên địa bàn huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) trở nên "lở loét", thậm chí biến mất hoàn toàn. "Đất tặc" ngang nhiên làm giàu phi pháp bằng tài nguyên quê hương của mình.
Căn cứ Luật Khoáng sản 2010, Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thanh tra Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, làm rõ nội dung Báo Lao Động phản ánh nêu trên, xử lý theo quy định của pháp luật, trả lời Báo Lao Động và thông báo kết quả đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Còn liên quan đến việc để biệt thự "mọc" trên đất rừng ở TP.Vĩnh Yên, ngày 14.5.2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Công căn số 3167/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo kiểm tra, giải quyết dứt điểm phản ánh sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai và xây dựng công trình tại TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) mà báo chí phản ánh; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 31.7.2021.
Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để ngăn chặn tận gốc tình trạng khai thác đất trái phép - dẫn đến thất thoát tài nguyên đất ở tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, cũng như các địa phương khác, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, bịt “lỗ hổng” về chính sách, pháp luật, về phân cấp.
Để "đất tặc" không còn đất sống, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các bộ ngành trong quản lý tài nguyên, khoáng sản ở cơ sở, nhất là trong việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên.
Bà An "hiến kế": Những nơi để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải khởi tố các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Nếu làm mạnh tay, quyết liệt được như vậy, thì "đất tặc" sẽ không còn đất sống".
LĐO | 20/06/2021 | 10:00