Lao Động
Lao Động eMagazine

Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước

Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước
Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ. Trải qua 75 năm hình thành, kế thừa và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng, thể hiện tốt hơn vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Và chúng tôi sẽ kể về những mốc son trên hành trình đó, về những dấu ấn đổi mới, sáng tạo trong công tác lập pháp và giám sát của Quốc hội Việt Nam. Để thấy chặng đường 75 năm phát triển, dù ở hoàn cảnh nào, Quốc hội vẫn luôn hướng đến mục tiêu vì lợi ích của nhân dân và đất nước.

Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước

Đây là những giai điệu hùng tráng của ca khúc "Tự hào Quốc hội Việt Nam" do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí sáng tác. Trong suốt kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ca khúc đã vang lên trong Hội trường Diên Hồng, vào mỗi giờ nghỉ giải lao.

Đến hiện tại, đại biểu Nguyễn Anh Trí vẫn nhớ như in thời điểm ngày 17.11.2020, ngày bế mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Tại Phòng Truyền thống của Quốc hội, ông đã vinh dự được trao tặng ca khúc “Tự hào Quốc hội Việt Nam” cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Với ông, đây thực sự là một kỷ niệm đặc biệt, không bao giờ quên trong cuộc đời với tư cách là một người sáng tác, một Đại biểu Quốc hội. Đặc biệt hơn, lời ca như gói trọn niềm tin, gửi gắm niềm tự hào, xúc động của người đại biểu khi nghĩ và viết về hành trình 75 năm hoạt động của Quốc hội.

Trên hành trình đó, mỗi dấu mốc mà Quốc hội đi qua đều gắn với những chặng đường đổi mới và phát triển của đất nước.

Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước
Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước

Ngược dòng lịch sử cách đây tròn 75 năm, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều sự kiện trọng đại. Đó là thành công của Cách mạng tháng Tám vào ngày 19.8.1945 và ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Sau đó là những ngày chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa I, đánh dấu mốc son đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

Trong Hồi ức “Tiếng sóng bủa ghềnh”, bà Ngô Thị Huệ - đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên - đã chia sẻ về không khí rợp cờ hoa, niềm vui, sự háo hức của toàn dân khi lần đầu tiên được thực hiện quyền đi bỏ phiếu - quyền thiêng liêng mà cả trăm năm cuộc đời chưa được nghe tới.

Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước

Theo bà Ngô Thị Huệ, thời điểm đó là lúc hầu hết các tỉnh Nam Bộ lần lượt bị giặc Pháp chiếm đóng. Khi nhận được chủ trương tổ chức bầu Quốc hội vào ngày 6.1.1946, dẫu gặp vô vàn khó khăn trong việc chuẩn bị và tiến hành bầu cử, nhưng các địa phương nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Trung ương, cử cán bộ về từng địa bàn để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Ủy ban Mặt trận Việt Minh đã giới thiệu đại diện đủ các giới, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, nhân sĩ trí thức tham gia ứng cử.

“Tôi cũng được Mặt trận giới thiệu ra ứng cử. Nay hai mươi bảy tuổi đời rồi liệu có gánh vác nổi trách nhiệm đại biểu Quốc hội không? Tôi lo sẽ không đủ sức. Trong những ngày đi tuyên truyền vận động cho tổng tuyển cử, tận mắt thấy tai nghe nỗi khổ của đồng bào, xúc động nhất là lần tôi xuống tận vùng đốt than Năm Căn, được tiếp xúc với hàng ngàn thợ lò trong bộ quần áo bằng bố tời, mặt mũi đen trùi trũi, chỉ còn nhìn thấy đôi mắt, chăm chú lắng nghe lần đầu tiên trong đời về cuộc bầu cử một Quốc hội để lập chính quyền kháng chiến giành độc lập và mưu cầu hạnh phúc cho dân. Tôi cảm ơn đồng bào cử tri biết bao khi nghe bà con bàn tán chọn bầu đại biểu” – bà Ngô Thị Huệ nhớ lại thời khắc lịch sử và ghi chép trong cuốn hồi ức của mình [1].

Còn với bà Nguyễn Thị Đường (sinh năm 1926 tại xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), dù đã bước sang tuổi 94 nhưng vẫn không thể nào quên không khí ngày tổng tuyển cử. Khi đó, bà và người dân đều háo hức, bởi lần đầu tiên được đi bầu cử. Những bà mẹ, người chị vốn quen lam lũ, nhưng đều xúc động khi viết những dòng chữ nguệch ngoạc trên lá phiếu để thực hiện quyền bầu ra những người đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của mình.

Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nhiều nơi nhân dân phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình... Kết quả, cuộc Tổng tuyển cử ở Hà Nội có 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử Đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Ở các địa phương khác trong cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, nhân dân đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom đạn của giặc Pháp.

Và Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời. Thắng lợi của Tổng tuyển cử đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đây là "kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam, đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm, tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc” [2].

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam. Đó là Quốc hội lập quốc, Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân. Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả ba miền Trung Nam Bắc, là ý chí của nhân dân cả nước.

Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước
Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước

Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, đến nay Quốc hội Việt Nam đã trải qua hành trình 75 năm hình thành và phát triển. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước độc lập, tự do, tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của mình. Trong quá trình đó, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội không ngừng được cải tiến và đổi mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước

Theo đánh giá của TS Bùi Ngọc Thanh - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, với 75 năm phát triển, trải qua 14 khóa Quốc hội, mỗi thời kỳ Quốc hội đều để lại những dấu ấn khác nhau.

Giai đoạn thứ nhất, toàn bộ thời gian hoạt động của Quốc hội khóa I (từ 1946-1960). Với Quốc hội khóa I, ông Thanh ấn tượng sâu sắc về ngày bầu cử Quốc hội trong máu lửa. Còn giai đoạn từ 1960-1976, Quốc hội đã đưa ra nhiều quyết sách, góp công hoàn thành sự nghiệp cách mạng, giải phóng miền Nam.

Từ những năm 1976-2011, trải qua 7 khóa Quốc hội. Thời kỳ này có rất nhiều sự kiện mang lại dấu ấn đậm nét, tập trung phát triển kinh tế đất nước. Năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, cuộc bầu cử toàn quốc lần thứ hai đã diễn ra và có ý nghĩa rất lớn. “Tôi nhớ cuộc bầu cử này, người dân nô nước, cả nước đạt trên 97% cử tri đi bầu”- ông Thanh nhớ lại.

Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước

Dấu ấn tiếp theo là đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, từ năm 1986. Sự kiện có những bước chuyển rất quan trọng, hướng đến đổi mới về kinh tế, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc đổi mới này kéo theo phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống pháp luật, phải giải quyết các vấn đề chưa bao giờ làm, như xây dựng Luật Đầu tư, Luật Canh tranh (trước đây chỉ có thi đua), hay Luật Phá sản doanh nghiệp... Thời kỳ từ 1986-2011, Quốc hội đã xây dựng, ban hành hàng trăm đạo luật để đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế.

Cũng trong giai đoạn này có những tranh luận, người cho rằng cứ làm kinh tế cho tốt thì các vấn đề xã hội sẽ được giải quyết. Đảng ta và nhân dân ta đưa ra luận điểm quan trọng là không thể tách vấn đề kinh tế-xã hội để giải quyết mà các vấn đề kinh tế- xã hội phải đi với nhau như hình với bóng. Giải quyết các vấn đề kinh tế chính là tạo ra nền tảng vật chất để giải quyết các vấn đề xã hội. Ngược lại, nếu giải quyết tốt các vấn đề xã hội sẽ trở thành động lực để phát triển kinh tế. Theo TS Bùi Ngọc Thanh, vấn đề này được thực hiện xuyên suốt cho đến ngày nay.

Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước

Các nhiệm kỳ sau này, Quốc hội có những đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt về hoạt động của Quốc hội để thực hiện tốt các chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước. Quốc hội rất trách nhiệm, tính toán, cân nhắc trong mỗi quyết định của mình, trên cơ sở đảm bảo đất nước phát triển và đảm bảo quyền lợi của người dân.

Một trong những đổi mới về hoạt động của Quốc hội được cử tri cả nước đánh giá cao là việc chất vấn và trả lời chất vấn. TS Thanh cho rằng, trước đây cũng có người trả lời chất vấn câu giờ, nhưng với cải tiến của Quốc hội khóa XIV (1 phút hỏi, 3 phút trả lời), hoạt động, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn nâng lên rõ rệt. Đổi mới này cũng đòi hỏi đại biểu phải đặt câu hỏi trí tuệ, trúng, người trả lời phải nắm rõ các vấn đề trong lĩnh vực mình phụ trách.

Và mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội đến gắn với dấu ấn, thời kỳ đặc biệt của dân tộc. Dù thời kỳ nào, trong hoàn cảnh nào, Quốc hội luôn nói tiếng nói tâm huyết , trách nhiệm của nhân dân, đại diện cho ý chí nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy trí tuệ của cả dân tộc, cùng chung sức xây dựng và phát triển đất nước.

Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước

Lịch sử Quốc hội Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử từ thời kỳ Cách mạng Tháng 8, trải qua thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay.

Có thể nói, với 75 năm hình thành, kế thừa và phát triển, chúng ta càng ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực lãnh đạo quản lý, trong đó có cả trình độ, soạn thảo các văn bản pháp luật mà cao nhất là Hiến pháp (luật gốc) và các hệ thống luật khác thì ngày càng hoàn thiện hơn. Trình độ của chúng ta về mặt kiến thức, luật pháp hay các kỹ năng, kỹ thuật trong quy trình xây dựng pháp luật cũng ngày càng tốt hơn do được đào tạo, được rèn luyện trong thực tiễn và cũng do thừa hưởng bầu không khí đổi mới, hội nhập của quốc tế.

Những năm gần đây, Quốc hội Việt Nam trên đà đổi mới mạnh mẽ về nhiều phương diện. Về tổng quát, chúng ta đang chuyển từ mô hình Quốc hội tham luận sang mô hình Quốc hội tranh luận. Bầu không khí nghị trường sôi nổi, trách nhiệm. Nhìn một cách tổng quát có thể thấy đó là một Quốc hội dân chủ hơn, thực chất hơn. Tiếng nói của đại biểu được tôn trọng, trách nhiệm của các nhà quản lý, các tư lệnh ngành phải giữ đúng lời hứa với Quốc hội, với nhân dân và phải giải trình minh bạch về trách nhiệm, trong lĩnh vực mình đang quản lý, từ kinh tế đến giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường và đến cả an ninh, đối ngoại.

Đại biểu Quốc hội được coi trọng tiếng nói của mình, người lãnh đạo các cấp, các ngành phải giải trình trước Quốc hội với tất cả trách nhiệm về những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm. Trong hoạt động chất vấn, gần đây không chỉ chất vấn cá nhân Bộ trưởng mà chất vấn cả tập thể Chính phủ. Đấy là một bước tiến lớn.

Một bước tiến và dấu ấn nữa đó là việc lắng nghe ý kiến của nhân dân trước và sau kỳ họp. Trước mỗi kỳ họp, Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập hợp tất cả ý kiến lại thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Và đến khi họp xong, các đại biểu khi đi tiếp xúc cử tri cũng phải thông báo, thông tin rõ về những vấn đề cử tri quan tâm được giải đáp, được trả lời như thế nào, có thoả đáng không? Vấn đề gì cần tiếp tục kiến nghị.

Thực hiện tư tưởng của Đảng ta là tăng cường kiểm soát quyền lực để quyền lực không bị tha hóa, quyền lực chân chính thuộc về nhân dân, có thể nói, Quốc hội đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao vai trò của dư luận xã hội, tôn trọng trách nhiệm của báo chí, các cơ quan thông tin truyền thông trong phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Kỳ 1: 75 năm đồng hành, phát triển cùng đất nước

Tài liệu tham khảo
[1]. Ngô Thị Huệ (2015). Tiếng sóng bủa ghềnh, Nhà xuất bản Trẻ
[2]. Văn phòng Quốc hội (2007). Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập 1 (1946 - 1960)

LĐO | 28/11/2020 | 09:00