Những
ngày cao điểm hạn mặn năm ấy (mùa khô 2019 - 2020), người dân huyện Bình Đại và
các vùng ven biển tỉnh Bến Tre đã xếp hàng chờ nhận nước ngọt “cứu khát” từ các
cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước chở nước ngọt từ xa đến hỗ trợ cho
bà con. Tôi đã có mặt ở Bình Đại những tháng ngày ấy để thấy nước ngọt đối với
bà con trở nên “quý như vàng”. Mùa khô năm nay, hầu hết bà con huyện Bình Đại
đã có nước ngọt ăn uống, nhưng huyện Bình Đại vẫn chưa hết “khát”.
Chuyến phà Bình Tân chạy ngang sông Cửa Đại đã đưa tôi từ huyện cù lao Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang sang huyện Bình Đại, Bến Tre. Cửa biển rộng mênh mông. Rừng đước, loại cây đặc trưng của rừng ngập mặn nơi đây, trải dài hai bên bờ sông. Nước sông mùa này không đục ngầu phù sa mà xanh trong màu biển mặn. Đang vào giữa mùa gió chướng. Gió từ biển thổi mạnh vào đất liền đẩy nước mặn vào nội đồng. Trong khi nước từ thượng nguồn đang vào mùa cạn kiệt, đang góp phần đẩy nước mặn từ biển theo các nhánh sông vào sâu trong đất liền. Bản tin trên đài thông báo nước nhiễm mặn 4 phần nghìn đã vào sâu nội địa 30 – 40 cây số… Chiếc phà mỏng manh bị gió thổi, nước cuốn lệch bến khá xa về phía thượng nguồn, theo chiều dòng nước mặn.
Mặc cho gió chướng, nước mặn bao quanh, cuộc sống ở thị trấn Bình Đại vẫn diễn ra bình thường. Chịu khó để ý mới thấy, dọc theo các tuyến đường chính nơi đây người dân bày bán nhiều loại thủy sản đặc trưng của vùng nước mặn, ít thấy các loại rau quả vốn chỉ thích hợp với nước ngọt. Không còn cảnh dập dìu phương tiện chở nước ngọt từ xa đến cung cấp cho bà con thị trấn hoặc chuyển đi các xã ven biển như tôi từng chứng kiến cách đây hai năm.
Ghé thăm LĐLĐ huyện Bình Đại, gặp anh Trần Tấn Công - Chủ tịch LĐLĐ huyện, người cả đời gắn bó với vùng đất mặn Bình Đại. Trước khi trở thành cán bộ Công đoàn, anh Công đã từng công tác ở các lĩnh vực có liên quan tới “nước ngọt”, nên rất rành rọt chuyện mặn - nước ngọt của quê hương. Biết tôi quan tâm tới đề tài nước ngọt cho bà con Bình Đại trong mùa khô năm nay, anh Công đã hào hứng trao đổi nhiều thông tin rất thiết thực.
Anh Công cho biết, do mùa khô 2019 - 2020 kéo dài, nắng nóng gay gắt, nước mặn xâm nhập sâu, nên nguồn nước ngọt cung cấp cho địa phương (lấy từ sông Ba Lai) bị nhiễm mặn nồng độ cao, chỉ có thể sử dụng tạm cho tắm giặt, không thể dùng cho ăn uống. Những hộ khá giả thì mua nước ngọt với giá cao cho ăn uống, còn những hộ nghèo đã lâm vào cảnh “khát nước”. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước đã chung tay dùng nhiều phương tiện như xe chở nước chuyên dụng, xe tải, sà lan, tàu thuyền… chở nước ngọt từ xa đến “cứu khát” cho bà con Bình Đại. Nhưng lượng nước ngọt cứu trợ có hạn mà nhu cầu của bà con rất lớn nên nước được phân bổ theo “khẩu phần”, bảo đảm nhà nào cũng có, nhưng chỉ đủ để sử dụng rất dè sẻn.
Sau đợt hạn mặn “lịch sử” ấy, chính quyền địa phương đã vận động nguồn xã hội hóa để xây tặng hồ chứa nước cho những hộ nghèo; vận động các hộ khá tự xây hồ chứa nước mưa để sử dụng vào mùa khô. Nhờ vậy mà mùa khô năm sau (2020 - 2021), một phần do hạn mặn không quá gay gắt, ở Bình Đại đã không tái diễn tình trạng “khát nước”, không còn cảnh xe chở nước chạy dập dìu…
Theo chỉ dẫn và giới thiệu của anh Công, chúng tôi tìm đến những địa bàn khó khăn nhất về nước ngọt vào mùa khô. Đến UBND xã Bình Thắng đầu giờ chiều, không khí làm việc nơi đây nhộn nhịp hơn nhiều so với tôi hình dung. Ngoài công việc thường ngày, chính quyền xã thêm tất bật với công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và lo nước ngọt vào mùa khô cho người dân. Chủ tịch UBND xã lấy làm tiếc vì xã không còn cán bộ nào rảnh rỗi để hướng dẫn chúng tôi xuống địa bàn, nhưng cũng nhiệt tình chỉ dẫn “đường đi nước bước” để chúng tôi có thể đến những ấp xa xôi, khó khăn nhất về chuyện nước ngọt.
Vượt đoạn đường hơn 10km, chúng tôi đến ấp 6, ấp vùng sâu của xã Bình Thắng. Đi theo đường ống dẫn nước “phi 27” từ ngoài đường ngoằn ngoèo vào xóm, chúng tôi đến nhà ông Võ Văn Nhanh, 68 tuổi, một hộ nghèo ở địa phương. Khi nghe chúng tôi là nhà báo đến tìm hiểu về nước ngọt sử dụng vào mùa khô, cả nhà ông Nhanh cùng nhiều nhà hàng xóm đến để chia sẻ, phân trần.
Ông Nhanh kể: Mùa khô 2019 - 2020, khi nguồn nước máy bị nhiễm mặn không thể sử dụng cho ăn uống, gia đình ông thật sự khủng hoảng. Những gia đình khá giả thì đi mua nước bình về ăn uống, còn những hộ nghèo như gia đình ông thì lấy đâu ra tiền mà “xài sang”, nên vẫn “bám” vào nguồn nước máy đã nhiễm mặn. Nước mặn đến nổi khi đem pha trà, không ra hương vị trà; xà phòng giặt đồ không ra bọt… Người lớn thì chịu được, chỉ tội mấy đứa cháu nhỏ cứ khóc đòi uống nước, nên ông cũng chắt chiu mua nước bình về cho mấy đứa trẻ ăn uống. Vào lúc khó khăn nhất, bất ngờ cả xóm được thông báo có đơn vị ở xa chở nước ngọt đến cứu trợ bà con, mỗi gia đình được 2 can (mỗi can 30 lít), tự mua can ra đầu đường nhận nước ngọt đem về.
Gia đình nghèo, ông Nhanh chỉ mua 1 can nhựa, nên phải đi nhận đến 2 lần. Khỏi phải nói, 60 lít nước ngọt đầu tiên ấy đối với gia đình ông Nhanh và mọi người đã “quý như vàng”. Mọi người vừa nâng niu, vừa sử dụng dè sẻn. Cứ vậy, sau khoảng 3 - 4 ngày lại có 1 xe chở nước ngọt tới đầu xóm, mỗi gia đình lại được nhận 60 lít nước. Thương mấy đứa cháu nhỏ, ông Nhanh và các con có khi còn dành ít nước ngọt cho mấy đứa nhỏ tắm lại (sau khi đã tắm nước nhiễm mặn), giúp chúng nó có giấc ngủ ngon cả đêm. “Lần ấy chúng tôi thật sự lo sợ. Trước đó vào mùa khô nước sinh hoạt cũng bị nhiễm mặn, nhưng chỉ thời gian ngắn và độ mặn cũng không cao, nên chịu được. Nghe nói do biển đổi khí hậu gì đó mà hạn mặn ngày càng gay gắt, không thể xem thường”, một người hàng xóm của ông Nhanh góp vào câu chuyện.
Sau khi đợt hạn mặn “lịch sử” mùa khô 2019 - 2020 kết thúc, gia đình ông Nhanh hiểu rằng chuyện “khát nước” tương tự hoàn toàn có thể lặp lại những năm sau, nên cần có sự chuẩn bị đối phó. Chưa biết bắt đầu từ đâu thì ông Nhanh được chính quyền địa phương thông báo có nguồn tài trợ cho những hộ nghèo như gia đình ông 1 hồ chứa nước bằng bê tông dung tích 4 mét khối.
Khỏi phải nói, sau những cơn mưa đầu mùa rửa sạch bụi bẩn mái nhà, ông Nhanh hứng nước mưa chứa vào hồ, đậy thật kỹ, thật kín, để dành cho mùa khô năm sau. Vẫn chưa an tâm, gia đình ông Nhanh dành dụm mua thêm mấy cái bồn chứa nước mưa nhỏ hơn, để đủ ăn uống khi mùa khô kéo dài. Bấy giờ chúng tôi mới để ý thấy những nhà lân cận nhà ông Nhanh, nhà nào cũng có đôi ba hồ, bồn chứa nước đặt bên hiên, chắc chắn bên trong đang đầy ắp nước mưa. Trân trọng mời khách chén trà thơm lừng, ông Nhanh nói: “Trà pha bằng nước mưa nè, chú uống coi, vừa thơm vừa ngọt đậm. Nếu trà pha bằng nước nhiễm mặn, uống cũng như không, tôi không dám mời”.
Câu chuyện giữa chúng tôi trở lại tình hình nước sinh hoạt mùa khô năm nay. Ông Nhanh cho biết, gia đình ông và bà con trong xóm đã “khui” hồ nước mưa từ 1 tuần qua để sử dụng cho ăn uống do nguồn nước máy từ sông Ba Lai đã bắt đầu “mằn mặn”, chỉ có thể sử dụng cho tắm giặt, rửa rái. Những đứa trẻ trong nhà đã được tắm lại bằng nước mưa cho khỏi ngứa ngáy về đêm.
Mấy chậu hoa, vài nhành mai của ông Nhanh cũng được tưới nước mưa vài ngày 1 lần vì nếu tưới nước đã nhiễm mặn cây hoa sẽ chết dần. Nước pha xà phòng giặt quần áo cũng từ nước mưa (cho có bọt), nhưng nước xả phải xài nguồn nước máy… Tùy diễn biến mức độ hạn mặn trong tháng 3 mà gia đình ông Nhanh và bà con trong xóm “điều tiết” việc sử dụng các hồ nước mưa sao cho các hồ nước vừa cạn đáy thì những cơn mưa đầu mùa cũng phủ trắng ruộng đồng.
Khi câu chuyện giữa chúng tôi sắp tàn thì người con rể của ông Nhanh đến nhà thăm bố, xe chở theo can nhựa rỗng. Ông Nhanh cho biết, vợ chồng đứa con gái lớn đã được ông cho “ra riêng”, cất nhà ở ngoài ruộng. Nhà của con không có hồ nước ngọt, nên phải hàng ngày đến nhà bố lấy nước mưa về sử dụng cho ăn uống.
Trò chuyện vài câu, người con rể của ông Nhanh (anh Võ Văn Trọng) nhận ra đồng hương với tôi qua biển số xe. Anh Trọng cho biết, anh rời quê hương Long An về về TP.HCM và tỉnh Bình Dương làm đủ nghề để kiếm sống hơn 10 năm trời. Đến khi về thăm quê vợ Bình Đại nhận thấy nơi đây có thể sống được nên anh quyết định về “ở rể” và bắt đầu cuộc sống mới với nghề nuôi tôm, cua vốn thích hợp với vùng đất mặn này.
Anh Trọng nhận xét: So với cách đây 10 năm khi anh mới cưới vợ, bây giờ Bình Đại đã khá lên nhiều. Chỉ còn vấn đề cản trở sự phát triển là nguồn nước cho cuộc sống bị nhiễm mặn vào mùa khô. Nếu nhà nước tập trung xử vấn đề nước, anh tin nhiều người sẽ đến Bình Đại làm ăn, đầu tư, kinh tế địa phương sẽ phát triển nhanh hơn.
Trên đường trở ra thị trấn Bình Đại, tôi ghé thăm 1 người quen trong lần đi tác nghiệp mùa khô 2019 - 2020, anh Nguyễn Văn Dũng, nhà nằm bên Quốc lộ 57B thuộc xã Thạnh Phước. Những ngày hạn mặn “lịch sử” năm ấy, dù là hộ mua bán nhỏ, không thuộc diện nghèo, nhưng anh Dũng vẫn thường đi “xếp hàng” chờ nhận nước ngọt cứu trợ vì không kham nổi việc mua nước ngọt với giá cao.
Thay đổi lớn sau 2 năm ở nhà anh là có thêm 4 hồ chứa nước mưa đặt ở sân sau nhà, mỗi hồ 5 mét khối, do anh bỏ chi phí mua vật liệu và mướn thợ về xây nên sau khi kết thúc mùa khô năm ấy. Anh Dũng cho biết, hầu như nhà nào ở đây cũng có hồ chứa nước mưa, hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ, hộ khá tự xây, hộ càng khá thì càng có nhiều hồ chứa nước. Chỉ khoảnh sân còn rộng, anh Dũng nói: “Tôi không ngán chuyện hạn mặn, nếu cần sẽ xây thêm hồ để chứa nước mưa sử dụng thoải mái suốt mùa khô”.
Cuối giờ chiều chúng tôi rời Bình Đại về TP.Bến Tre, rời xa vùng biển, vào sâu trong đất liền. Những thay đổi “cây trồng vật nuôi” hiện ra 2 bên đường cho thấy chúng tôi đang đi từ vùng đất mặn về phía vùng nước ngọt, ít dần “tôm cua”, nhiều dần cây bưởi, cây xoài…
Đến huyện Châu Thành, ngang Khu công nghiệp Giao Long, gặp lúc tan tầm, hàng chục ngàn công nhân túa ra chật đường. Tôi ước sao ngày nào đó huyện Bình Đại cũng có khu công nghiệp, có cảnh công nhân chật đường như vậy. Muốn vậy, ít nhất cần có nguồn nước ngọt ổn định quanh năm cho Bình Đại.
XEM THÊM