Lao Động
Lao Động eMagazine

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ
Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

“Mình hô hai – ba rồi chúng mình cùng nâng bệnh nhân nhé. Nhẹ nhàng cẩn thận mấy ống dẫn và máy móc nè!
Hai… ba…”
Giọng nữ tình nguyện viên khẽ vang lên trong không gian tĩnh lặng chỉ có tiếng máy thở, tiếng dụng cụ y tế tại phòng điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Vũng Tàu. Tết này, thay vì về nhà đón năm mới cùng gia đình, Lê Thuý Nhàn - sinh viên năm 4, ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Y Dược TPHCM và các bạn đã tình nguyện “chi viện” cho khu cách ly, điều trị F0.

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

3 tuần nghỉ Tết đến hỗ trợ khu điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Thuý Nhàn và các bạn luôn cố gắng chăm sóc bệnh nhân tốt nhất có thể để mong họ sớm được về cùng gia đình chào đón năm Nhâm Dần. Với cô nữ sinh năm cuối ngành điều dưỡng, không khí Tết năm nay không còn nhộn nhịp nữa.

“Cứ buồn buồn làm sao ấy khi đêm 29 Tết, một bệnh nhân cấp cứu không qua được. Sáng mùng 1 Tết khi em vừa vào ca thì lại có bệnh nhân mất tiếp. Không khí trong bệnh viện trùng xuống hẳn. Nhìn thấy bệnh nhân mà thương lắm chị ạ. Trong khi nhà nhà đang đón Tết còn bệnh nhân mình nằm đây chưa biết ngày mai sẽ như thế nào. Cảm giác này khó tả lắm…”, Nhàn tâm sự.

Những lúc đó, Nhàn chỉ còn biết tâm niệm phải hoàn thành thật tốt công việc của mình.

Vốn là cô gái sợ máu, sợ bệnh viện, sợ thấy người mất nhưng cũng không hiểu sao Nhàn chọn ngành điều dưỡng.

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

Nhàn cười kể lại nỗi sợ của mình, trong đôi mắt ấy ánh lên quyết tâm làm quen với công việc.

Trước khi nhận nhiệm vụ tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Nhàn đã có 3 tháng hỗ trợ TPHCM chống dịch vì vậy cô cũng đã quen với công việc chăm sóc người bệnh. Hằng ngày, cô phụ các bác sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân từ việc hút đàm, xoay trở, ăn uống, tắm rửa và cả việc vệ sinh cá nhân.

“Làm gì cũng phải cẩn thận vì máy móc khá nhiều nếu không cẩn thận có thể rớt ống thở làm bệnh nhân tuột oxy, tệ hơn là ngưng tim bất cứ lúc nào”, Nhàn chia sẻ.

Những bệnh nhân cô chăm sóc hầu hết đều rơi vào tình trạng hôn mê hoặc bệnh đã chuyển nặng nên mọi hành động đều phải chỉn chu, nắn nót. Những lúc xoay trở bệnh nhân đều phải có hai tình nguyện viên hỗ trợ nhau.

Đút từng thìa cháo cho bệnh nhân, cô vừa cố gắng nói qua chiếc khẩu trang và tấm màn chắn giọt bắn: “Bác cố gắng nhé! Cố gắng để sớm khoẻ lại. Ăn được nhiều là sẽ chiến thắng được con COVID này”.

Dù sẽ phải đối diện với những phút chia ly của đời người nhưng dù có một lần hay cả nghìn lần đi chăng nữa thì mỗi khi có bệnh nhân từ giã cõi đời, lòng Nhàn đều xót xa, nước mắt trực trào như vừa vĩnh biệt một người thân quen. Lúc này, cô chỉ biết nhẹ nhàng rút ống thở, tắm rửa, mặc đồ vào cho những bệnh nhân đã quá cố, đắp chăn lại cẩn thận và đẩy bệnh nhân ra ngoài.

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

“Công việc của điều dưỡng là vậy, chăm lo từ đầu tới cuối cho bệnh nhân. Em cũng mong muốn dành chút sức trẻ của mình để đóng góp cho công cuộc chống dịch. Nhìn bạn bè mặc đồ đẹp đi chúc Tết cảm giác cũng tủi nhưng em vẫn cảm thấy may mắn hơn các bạn sinh viên khác là mình được hỗ trợ ở quê nhà. Còn trẻ nên cứ cống hiến thôi ạ”, cô nữ sinh tâm sự.

Ít ai biết đây đã là cái Tết thứ 2 Nhàn không ở cùng gia đình. Năm 2021, một biến cố đến với gia đình khiến cô phải vừa học vừa đi làm thêm để trang trải cho việc học tập. Thế nhưng dịch bệnh đến, Nhàn vẫn tình nguyện dừng lại việc đi làm thêm để tham gia chống dịch, mong muốn tích luỹ thêm kinh nghiệm, kiến thức, vững vàng với nghề.

“Sắp tới khi trở lại trường học tập, em sẽ đi làm lại để chi trả chi phí học tập nhưng nếu có cơ hội tham gia tình nguyện tiếp, em vẫn sẽ sắp xếp thời gian”, cô nữ sinh viên năm 4 bày tỏ.

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

Cùng đoàn với Thuý Nhàn, Lê Hữu Hiếu – sinh viên năm thứ 5 ngành y đa khoa không nề hà bất cứ công việc gì. Đỉnh dịch tại TPHCM, Hiếu xông pha khắp các chiến tuyến như lấy mẫu xét nghiệm, trực chiến tại trạm cấp cứu cộng đồng, hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19, hỗ trợ các điểm tiêm cộng đồng… Đến khi cần người bốc vác nhu yếu phẩm, dọn dẹp vệ sinh, Hiếu cũng không nề hà.

Lê Hữu Hiếu chính là cậu học trò nghèo ở vùng quê nông thôn xứ Thanh, đạt 30 điểm khối B kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học 2017. Gia đình Hiếu ở thôn Châu Thôn 2, xã Yên Lạc, huyện Yên Định (Thanh Hóa) vốn có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Từ nhỏ, mong muốn lớn nhất của Hiếu là được vào học ở một trường quân đội để bố mẹ đỡ vất vả, nhưng vì điều kiện sức khỏe không cho phép nên em đã quyết định chọn ngành Y.

Cũng chính vì thế, em hiểu được rất rõ sự quan trọng của sức khoẻ đối với mỗi người. Tết này, Hiếu ở lại TPHCM tham gia xuân tình nguyện của Đoàn trường Đại học Y Dược TPHCM.

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ
Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

Nghe tin con trai sẽ ở lại, mẹ Hiếu có chút lo lắng bởi em đã từng mắc COVID-19 khi tham gia chống dịch. Lần này, lại đến khoa Hồi sức tích cực – tầng điều trị cao nhất, tiếp xúc bệnh nhân nặng khoa hơn nên bậc làm cha mẹ lo ngại con có thể bị nhiễm lần nữa. Thế nhưng, với tâm huyết của con, mẹ em cũng động viên, ủng hộ.

“Tết một mình, xa gia đình nhiều khi em cũng có chút buồn nhưng rồi công việc chăm sóc hỗ trợ điều trị bệnh nhân khá bận rộn nên cũng nhanh chóng cuốn theo cảm giác đó. Đây cũng là cách để em làm quen, trải nghiệm với công việc. Điều này giúp mình trưởng thành hơn, chuẩn bị tốt quá trình sau tốt nghiệp và cũng xác định làm ngành y sẽ phải thường xuyên đón Tết xa gia đình”, nam sinh bày tỏ.

Đón Tết trong môi trường đặc biệt càng giúp cậu sinh viên cảm nhận hõ hơn sự khốc liệt của dịch bệnh.

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

Trong thời gian chăm sóc và điều trị bệnh nhân, Hiếu đều cố gắng trò chuyện, động viên rằng cô chú đang trong tiến trình hồi phục tốt, cô chú ráng ăn uống, giữ tinh thần lạc quan để mau chóng bình phục, trở về nhà đón Tết cùng gia đình.

Một lần được là người thông báo cho bệnh nhân sức khỏe đã cải thiện tốt, chuẩn bị được chuyển lên tầng bệnh nhẹ để theo dõi, có bệnh nhân đã nắm chặt tay Hiếu và nói lời cảm ơn, chú ấy đã rất vui khi biết mình đã hồi phục, sắp được trở về nhà.

Hiếu bộc bạch: “Khi đó em rất vui mừng, vì có thêm một bệnh nhân được bình phục, được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng đi kèm với điều đó là cảm giác thương tâm khi phải chứng kiến bệnh nhân tử vong. Em luôn suy nghĩ rằng nhân viên y tế có thể làm gì tốt hơn để có thể giúp được cho bệnh nhân thì nên làm và phải làm. Điều này đưa đến cho em một nhận thức rằng, mình cần có một nền tảng kiến thức sâu, rộng và kinh nghiệm lâm sàng phong phú thì mới có thể giúp bệnh nhân nhiều hơn, đặc biệt là dịch COVID-19 lần này”.

Với Hiếu, những lần tham gia chống dịch này sẽ giúp em kinh nghiệm vững vàng hơn, không chỉ trau dồi về kinh nghiệm chuyên môn mà còn là những rung cảm trong nghề nghiệp, tôi luyện y đức vững vàng hơn, tạo cho mình tinh thần, lòng yêu thương bệnh nhân theo suốt những năm tháng hành nghề.

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ
Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

Cùng với lực lượng y, bác sĩ, những tài xế lái xe cấp cứu, các tình nguyện viên, là những bạn sinh viên ngành y đi cùng cũng căng thẳng và áp lực không kém. Để từ đó, họ đưa ra những sáng kiến phù hợp với công việc của mình.

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

Lê Tấn Sang - sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhớ lại thời gian tăng cường hỗ trợ cấp cứu người bệnh. Một đêm khuya đi tới nhà cấp cứu bệnh nhân COVID-19, trong lúc chờ điều phối từ trung tâm cấp cứu bố trí đưa tới bệnh viện phù hợp, thì thấy người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng nên em đã chủ động dùng phương tiện đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Chợ Rẫy.

“Khi ấy, bệnh viện nào cũng quá tải nên em phải liên lạc, năn nỉ rất nhiều nơi mới có thể nhận bệnh. Người nhà nói gọi từ sáng mà đến 22h đêm em mới đến chuyển bệnh được. Khi vào đến bệnh viện, bằng kinh nghiệm ít ỏi của một sinh viên, em đánh giá tình hình người bệnh rất xấu, khó qua khỏi. Sáng hôm sau, người nhà nhắn một tin nhắn dài, cảm ơn vì đã hỗ trợ gia đình và thông báo bệnh nhân qua đời. Tuy biết trước tình hình và cũng đã nỗ lực hết mình, nhưng em vẫn cảm thấy rất buồn…”, Lê Tấn Sang bồi hồi.

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

Từ nhỏ đã có ước mơ làm bác sĩ nên Sang quyết tâm: "Chỉ có cách phải giỏi hơn, bản lĩnh hơn, năng động hơn để chạy đua với tính mạng bệnh nhân" - đó là tinh thần để những ngày sau đó Sang lao hẳn vào cuộc và mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến để làm tốt hơn công việc.

Cậu sinh viên khi ấy đề xuất cho mình được nhận bệnh trực tiếp qua các kênh chứ không chỉ phụ thuộc vào tổng đài nữa vì lúc bấy giờ, đường dây nóng liên tục quá tải. Có thông tin, Sang tìm mọi cách để chuyển bệnh sớm nhất vì chuyển sớm giờ nào thì cơ hội hồi phục, sống sót của bệnh nhân tăng lên bấy nhiêu. Trực chiến ở khu vực quận 4 nhưng nhiều khi Sang gọi hẳn sang khu vực TP.Thủ Đức để tìm kiếm giường bệnh trống.

Suốt 1 năm qua Sang ở lại TPHCM chống dịch và học tập. Tết này, em cũng chỉ ghé nhà 1-2 ngày rồi lại tiếp tục hỗ trợ tình nguyện tại các trạm y tế.

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

Câu chuyện của Nhàn, Hiếu, Sang chỉ là ba trong số hàng chục nghìn câu chuyện về của các tình nguyện viên tham gia chống dịch. Họ sẽ là những người y, bác sĩ trong tương lai mang trong mình trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát vọng cứu người.

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

TPHCM đã trải qua những thời khắc cam go, khốc liệt nhất trong đại dịch COVID-19. Đây cũng là cuộc chiến khốc liệt nhất đối với các y, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Giờ đây, TPHCM đã trải qua nhiều tuần liên tiếp là vùng xanh. Thành quả đạt được hôm nay là nhờ sự đồng lòng, đóng góp của toàn thể xã hội.

Tại buổi tri ân lực lượng tuyến đầu, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM trân trọng bày tỏ lòng trân quý, sự cảm kích và gửi lời cảm ơn đến đội ngũ nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu đã không ngại nguy hiểm kề vai sát cánh cùng TPHCM trong thời gian chống dịch.

Các nhân viên y tế đã cùng TPHCM trong đợt công tác đầy hy sinh, vất vả và không chút do dự. Mọi người đã phải xa con thơ, cha mẹ già, thậm chí không được về nhà khi vĩnh biệt người thân. Không kể những ngày nắng mưa, các anh chị phải luôn mặc kín bộ đồ bảo hộ, túc trực bên cạnh bệnh nhân, nhiều lúc ăn không kịp no, ngủ không tròn giấc...

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định: “Bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng đều đáng trân trọng và ghi nhận. Tất cả những người đến hỗ trợ Thành phố trong thời khắc khó khăn đều rất dũng cảm".

Ông Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, chuyển sang giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. 3 mục tiêu lớn nhất hiện nay của Thành phố là bảo vệ an toàn sức khỏe Nhân dân, tính mạng con người; phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

“Khi chúng ta tìm được những giây phút bình yên, khi tiếng còi cấp cứu không còn là nỗi ám ảnh nữa, thì chúng ta càng nhớ công ơn những người đã giúp Thành phố vượt qua những ngày tháng cam go, thử thách”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

Xuân Nhâm Dần 2022, cuộc sống đã trở lại với sự náo nhiệt, rộn ràng của một thành phố năng động. Thế nhưng, lực lượng tuyến đầu vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch bệnh. Tại nhiều địa phương, cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên khối ngành Sức khoẻ đã thích nghi với trạng thái "Tết COVID", sẵn sàng tiếp nhận, thu dung, điều trị để mang sự sống đến với bệnh nhân.

Với họ hạnh phúc là khi người dân khoẻ mạnh. Mọi người khoẻ là có Tết.

Người dân khoẻ là có Tết: BÀI 3: Tết không nghỉ

TIN LIÊN QUAN

LĐO | 13/02/2022 | 07:30