Theo quy hoạch, tại Khu Công nghệ cao TPHCM có quỹ đất 62,37 hecta, dành để xây nhà phục vụ cho chuyên gia thuê ở. Tuy nhiên, quỹ đất công này có nguy cơ bị "chảy máu", để cho tư nhân trục lợi.
Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), có tổng diện tích hơn 900 hecta, là một trong ba Khu Công nghệ cao Quốc gia, được hình thành và phát triển gần 20 năm qua. Đây là khu kinh tế đặc thù, xây dựng trên cơ sở khoa học công nghệ cao, nên nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào đây.
Để thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao đến làm việc, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và quản lý cấp cao, tại Khu Công nghệ cao, có quỹ đất hơn 62 hecta dành để xây nhà cho chuyên gia thuê. Hiện khu đất công này được giao cho doanh nghiệp tư nhân, để triển khai dự án theo quy hoạch.
Theo hồ sơ chúng tôi có được, ngày 16.12.2013, Ban Quản lý SHTP cấp “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” lần đầu cho dự án “Khu nhà ở và dịch vụ chuyên gia”, thay đổi lần 1 vào ngày 15.11.2019. Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước là đơn vị phát triển dự án; Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Công nghệ cao là đơn vị thực hiện dự án.
Dự án “Khu nhà ở chuyên gia” chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 là 26,96 hecta và giai đoạn 2 là 35,41 hecta. Doanh nghiệp được giao hơn 62 hecta đất này, được hưởng giá thuê đất ưu đãi chỉ 1USD/m2/năm (tăng 10% sau 5 năm), thời hạn thuê là 50 năm và trả tiền thuê đất hàng năm.
Mục tiêu của dự án là phục vụ cho chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý cao cấp làm việc tại SHTP thuê ở. Khi cấp phép đầu tư, Ban Quản lý SHTP kỳ vọng, dự án sẽ góp phần thu hút nhiều hơn nữa các chuyên gia, nhà khoa học đến làm việc tại SHTP.
Theo quy hoạch, gần 27 hecta giai đoạn 1, dự án sẽ xây 227 căn biệt thự và 1.664 căn hộ chung cư, dự kiến hoàn thành vào tháng 8.2022. Sau đó, chủ đầu tư tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án với hơn 35 hecta còn lại. Hiện 82 căn căn biệt thự xây đầu tiên trên danh nghĩa “dành cho chuyên gia thuê”, nhưng bị biến tướng và bán với giá 6 tỉ đồng/căn (11mx11m), hơn 11 tỉ đồng/căn (15mx15m).
Theo lời của Trưởng nhóm kinh doanh, Công ty Cổ phần BĐS Tiến Phước, hiện 82 căn biệt thự đầu tiên của dự án đã được bán hết, sẽ bàn giao nhà thô vào tháng 10 năm nay.
“82 căn biệt thự đợt đầu tiên này đã bán hết rồi, anh muốn mua trực tiếp từ chủ đầu tư cũng không còn, giờ chỉ có thể mua lại của những người đã mua trước. Nếu muốn mua trực tiếp với chủ đầu tư thì anh phải đợi sang đợt bán khác, dự kiến sau khi bàn giao xong 82 căn biệt thự này, công ty sẽ ra mắt 54 căn biệt thự mới với giá từ 8 tỉ đồng/căn” - Trưởng nhóm kinh doanh nói.
Giai đoạn 1, với diện tích được giao là 26,96 heta, chủ đầu tư sẽ xây 227 căn biệt thự và 1664 căn hộ chung cư. Với giá bán từ 6-11 tỉ đồng/căn biệt thự, chỉ riêng giai đoạn 1 của dự án đã đem về cho chủ đầu tư khoản tiền rất lớn. Từ những căn cứ trên, có thể nói hơn 62 hecta đất công đang có nguy cơ bị "chảy máu" để cho tư nhân trục lợi nếu như không được cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời.
Chị P.H.A (ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) bỏ ra 11 tỉ 700 triệu đồng để mua căn biệt thự chuyên gia, có diện tích 15mx15m trực tiếp với chủ đầu tư. Mặc dù chi ra gần 12 tỉ đồng để mua căn biệt thự, nhưng khi ký hợp đồng, chị A phải chấp nhận ký "Hợp đồng thuê nhà ở dài hạn" với thời hạn "thuê" đến 15.12.2063, vì đây là quy định của chủ đầu tư.
Chị A đưa ra nhiều lý do để bỏ ra cả chục tỉ đồng mua căn biệt thự nhưng không có sổ riêng, không công chứng, không được sang tên như các dự án thương mại khác.
"Việc ký hợp đồng thuê đấy cũng chỉ là cách lách của chủ đầu tư, tôi hiểu nên đồng ý ký thôi. Khi mua dự án này, tôi phải mất 3 tuần để đi lại tìm hiểu, đến khi quyết định mua thì người ta đã mua hết, chỉ còn 3 căn và tôi phải tranh giành để mua. Lúc tranh giành mua, tôi không có đem theo tiền mặt để đặt cọc, nên phải đưa thẻ cho nhân viên cà 100 triệu đồng để giữ chỗ, chứ không là người khác mua mất” - chị A nói.
Theo điều tra của chúng tôi, những người "mua" biệt thự nếu không có nhu cầu để ở thì có thể sang lại cho người khác. Đồng thời, những người mua lại, có thể bán tiếp cho người khác để hưởng chênh lệch cao hơn. Điều đáng nói, những người mua biệt thự tại dự án không làm bất kỳ công việc gì có liên quan đến Khu Công nghệ cao TPHCM. Trong khi những căn biệt thự này chỉ dành cho người làm việc tại đây mới được phép thuê ở.
Nếu như khu nhà chuyên gia xây trên đất công tại Khu Công nghệ cao TPHCM có giá bán cả chục tỉ đồng/căn được tranh nhau mua vào ở, thì ở chiều ngược lại, nhiều người dân bị thu hồi đất vẫn đang sống khó khăn trong khu nhà tạm cư, mong muốn thoát ra khỏi nơi này.
Chúng tôi tìm đến khu tạm cư dành cho những cư dân bị thu hồi đất, để xây dựng Khu công nghệ cao TPHCM. Khu tạm cư này nằm tại địa chỉ hẻm 41, đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, Thành phố Thủ Đức.
Nhìn khu tạm cư, không khác gì những khu trọ dành cho người lao động bên ngoài. Những căn nhà tạm bợ này, được xây dựng hơn 10 năm qua nên đến nay ngày càng xuống cấp, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Cái nắng nóng của mùa hè càng làm cho những căn phòng lợp mái tôn trở nên ngột ngạt, oi bức hơn.
Những người dân tại đây bị thu hồi đất từ năm 2002, đến năm 2004 thì chính quyền xây dựng khu nhà tạm cư và đưa dân vào ở. Ban đầu khu tạm cư có 84 căn, bố trí cho 84 hộ dân, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 20 hộ dân.
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều người dân tại khu tạm cư bức xúc, vì cả chục năm qua chưa được cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng quyền lợi của họ khi bị thu hồi đất. Họ càng bức xúc hơn khi biết được hàng chục hecta đất tại Khu công nghệ cao TPHCM, giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án nhà chuyên gia thuê ở, đang có nguy cơ bị trục lợi với giá bán lên đến 10 tỉ đồng/căn biệt thự.
Bà Phan Thị Thu Thảo, Trưởng phòng Truyền thông - Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước (Công ty Tiến Phước) cho biết, có nhiều người dân bị thu hồi đất đến gõ cửa công ty để đòi quyền lợi. Tuy nhiên, khu đất thực hiện dự án "Nhà chuyên gia" là do Công ty Tiến Phước đi thuê lại của Khu Công nghệ cao TPHCM. Vì vậy, Khu Công nghệ cao làm việc với chính quyền để chi trả tiền bồi thường cho người dân, chứ doanh nghiệp không có trách nhiệm chi trả này.
Doanh nghiệp được nhà nước giao hơn 62 hecta đất công tại Khu Công nghệ cao TPHCM, để thực hiện dự án nhà chuyên gia thuê. Theo quy định, nếu doanh nghiệp sử dụng không đúng với mục đích được giao thì sẽ bị thu hồi dự án.
Liên quan đến việc mua bán biệt thự tại dự án nhà cho chuyên gia thuê trong Khu công nghệ cao, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng - Chánh Văn phòng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) cho biết, khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp, có nêu rõ mục tiêu của dự án và có quy định cụ thể những đối tượng được vào thuê ở.
"Mục tiêu của dự án là những người làm việc trong SHTP mới được vào thuê ở, người ngoài là không được, nếu nghỉ làm việc rồi cũng không được. Việc cho thuê đó, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm với Ban Quản lý SHTP. Chủ đầu tư phải thực hiện theo pháp luật là phải thực hiện đúng theo quy hoạch. Ví dụ, tôi cấp cho anh thì anh chủ động kiểm tra những người đang làm việc thuê, mà anh cho người khác thuê không đúng đối tượng là anh đang vi phạm” - ông Dũng nói.
Ông Võ Thành Nhân - Trưởng Phòng Quản lý doanh nghiệp (Ban Quản lý SHTP) cho biết, theo Luật Đầu tư, khi phát hiện giao dịch có phản ánh là mua bán, thì sẽ lập biên bản báo cáo với Thanh tra Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM để xử lý vi phạm hành chính trước và yêu cầu ngừng hoạt động. Sau khi Thanh tra Sở Kế hoạch Đầu tư xử lý vi phạm hành chính, thì Ban Quản lý SHTP mới tiến hành áp dụng xử lý các vi phạm tiếp theo của doanh nghiệp.
“Sau khi hành vi vi phạm của đơn vị đã bị xử phạt hành chính rồi, mà vẫn tiếp tục vi phạm, thì Ban Quản lý SHTP ngay lập tức yêu cầu chủ đầu tư ngưng hoạt động dự án. Chủ đầu tư phải tái lập lại những gì đúng theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho phép ban đầu và thực hiện các biện pháp khắc phục. Sau đó, nếu còn tiếp tục vi phạm nữa thì Ban Quản lý tiến tới áp dụng theo Điều 48, Luật Đầu tư là thu hồi dự án” - ông Nhân nói.
UBND TPHCM chỉ đạo xử lý
Ngay sau khi báo đăng, UBND TPHCM đã yêu cầu Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM và các đơn vị liên quan vào cuộc xử lý những vấn đề báo nêu. Ông Võ Văn Hoan - PCT UBND TPHCM cho biết, lãnh đạo Thành phố đã đọc tuyến bài điều tra "Chảy máu" đất công tại Khu Công nghệ cao TPHCM, qua đó Thành phố đã nắm được thông tin vụ việc và sẽ xử lý vấn đề này, khi có kết quả sẽ thông tin đến báo. Ông Hoan cũng gửi lời cảm ơn đến báo, đã ghi được những hình ảnh về việc doanh nghiệp tư đang bán nhà ở chuyên gia trái quy định, để có cớ ở xử lý vụ việc.
Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) cho biết, vụ việc liên quan đến vi phạm của doanh nghiệp được phản ánh trong loạt bài điều tra Báo Lao Động đã vượt quá thẩm quyền xử lý của Ban Quản lý SHTP.
Hiện Ban Quản lý SHTP đã chuyển toàn bộ vụ việc lên UBND TPHCM để có hướng xử lý. Hiện vụ việc đang được UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc xử lý, khi có kết quả sẽ thông tin đến báo Lao Động.
Xoay quanh vấn đề báo phản ánh, doanh nghiệp tổ chức bán trái phép nhà chuyên gia, nhưng được lách luật bằng hợp đồng thuê nhà ở dài hạn 50 năm, lãnh đạo Ban Quản lý SHTP cho biết, chưa bàn đến việc mua bán trái phép như báo phản ánh, chỉ bàn đến việc doanh nghiệp cho thuê 50 năm cũng trái với quy định.
"Quan điểm của Ban Quản lý SHTP rất rõ ràng, nhà chuyên gia không thể cho thuê cùng lúc 50 năm được, hợp đồng thuê cùng lắm là vài năm, chứ không có chuyện ký cho thuê cùng lúc 50 năm đâu. Đối tượng ở mà không làm bất kỳ công việc gì tại Khu Công nghệ cao TPHCM cũng là trái với quy định" - ông Thi nói.
LĐO | 30/06/2021 | 06:00