Lao Động
Lao Động eMagazine

Từ học sinh trường thường đến học hàm Giáo sư của giảng viên 8X

Từ học sinh trường thường đến học hàm Giáo sư của giảng viên 8X
Từ học sinh trường thường đến học hàm Giáo sư của giảng viên 8X

Xuất phát điểm từ một học sinh trường thường, sau cả quá trình dài cố gắng, nỗ lực, thầy Nguyễn Đức Toàn (SN 1980, Giảng viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã được công nhận chức danh Giáo sư. Ông là một trong ba người ở độ tuổi 8X được công nhận chức danh này trong năm 2020. Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với tân Giáo sư Nguyễn Đức Toàn.

Từ học sinh trường thường đến học hàm Giáo sư của giảng viên 8X

- Là một trong những Giáo sư trẻ tuổi được công nhận chức danh năm 2020, cảm xúc của ông thế nào?

Tôi rất vinh dự và tự hào vì năm nay được vinh danh học hàm Giáo sư và cũng là một trong ba người trẻ nhất của năm 2020. Sự tự hào đó là phải trải qua một quá trình phấn đấu, làm nghiên cứu khoa học trong một khoảng thời gian tương đối dài.

Cảm xúc thứ hai đó là một cảm xúc về trọng trách và trách nhiệm khi được khoác lên mình một vị trí khoa học mới thì cần phải làm sao lan tỏa được những kiến thức đối với thế hệ trẻ đối với những bạn bè đồng nghiệp trẻ cũng như đối với các thế hệ học sinh của Bách Khoa nói riêng và thế hệ học trò của toàn quốc nói chung.

- Có 6 năm phấn đấu từ hàm Phó Giáo sư lên Giáo sư, ông có thể kể gì về quá trình đó với rất nhiều công trình, bài báo khoa học?

Sau khi được phong học hàm Phó Giáo sư, thời điểm đó tôi đã nhìn nhận rằng, quá trình phấn đấu còn rất dài, cần phải làm mới mình trong việc nghiên cứu khoa học. Tôi đã tập hợp một nhóm nghiên cứu vừa là nghiên cứu sinh vừa là những anh em bạn bè trẻ đi khảo sát các vấn đề kinh doanh trên cơ sở thực tế và từ đó áp dụng những phương pháp công nghệ học được, từ việc lý thuyết hóa , mô hình hóa dự đoán, đánh giá chất lượng cho kết quả của sản phẩm. Từ đó, dùng các biện pháp nghiên cứu kỹ thuật để cải tiến chất lượng, nâng cao năng suất và áp dụng trở lại cho những cái mình tìm kiếm được.

Từ học sinh trường thường đến học hàm Giáo sư của giảng viên 8X

- Trong rất nhiều công trình nghiên cứu của mình, công trình nào ông tâm đắc nhất và có tính ứng dụng thực tiễn cao nhất?

Khi đệ trình các đề tài cấp quốc gia, cấp nhà nước, thường những đề tài của tôi đều áp dụng vào thực tế. Đó là những nghiên cứu mà tôi tìm cách làm sao dự báo được các sai hỏng trong sản phẩm công nghiệp, việc nghiên cứu đó cần một quá trình khảo sát kỹ để đánh giá được các nhân tố ảnh hưởng đến sản phẩm đó như thế nào.

Phân tích, đánh giá, biến những nghiên cứu từ thực nghiệm thành lý thuyết hóa và sử dụng các phương pháp mô hình để dự đoán trước nó có hỏng hóc hay không. Và khi dự báo chính xác rồi thì hoàn toàn sử dụng mô hình của mình, đánh giá chính xác được khi nào nó không hỏng, đó chính là tiền đề để tối ưu hóa, lựa chọn được những công nghệ phù hợp nhất để cho sản phẩm đạt được chất lượng cao nhất.

Đấy là những công trình mà tôi cho là tâm đắc nhất bởi vì nó giúp cho quá trình sản xuất được dễ dàng nhẹ nhàng và kiểm soát được chất lượng đầu ra.

Từ học sinh trường thường đến học hàm Giáo sư của giảng viên 8X

- Ông có thể chia sẻ gì về quá trình học tập của mình suốt thời niên thiếu, đâu là bước ngoặt để ông bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học, thưa ông?

Tôi sinh ra ở Hải Dương, trong suốt quá trình học cấp 1 cấp 2 không có gì nổi trội, đến khi vào cấp 3 bắt đầu vào trường Hồng Quang và được chọn vào lớp chọn, đây cũng là một bước ngoặt rồi bởi vì với một người học ở trường bình thường khi chuyển sang môi trường lớp chọn, các bạn cũng toàn từ trường năng khiếu vào học nên trong đầu mình hình thành suy nghĩ là các bạn giỏi, các bạn cái gì cũng làm được trong khi mình cũng thuộc dạng thông minh nhưng rất khó nắm bắt những bài học mà lớp chọn đưa ra.

Chính sự cố gắng, nhìn các bạn học như vậy mà tôi phải rèn luyện để quyết tâm. Và vì bố tôi rất yêu Bách Khoa, mong muốn con trai theo kỹ thuật, không biết từ lúc nào bố đã truyền cảm hứng và lan tỏa sang tôi và tôi mong muốn vào được vào Bách Khoa và vào ngành Cơ khí.

Cơ khí là ngành nghề mà tôi yêu thích từ nhỏ, đó là động lực cho tôi làm sao luôn luôn phải dẫn đầu. Từ cấp 3 đã phải cố gắng bằng các bạn, rồi lên Đại học làm sao để đứng đầu lớp, điều đẩy khơi gợi từ đấy cho mình một đam mê là thường xuyên đọc sách, thường xuyên nghiên cứu.

Từ học sinh trường thường đến học hàm Giáo sư của giảng viên 8X
Từ học sinh trường thường đến học hàm Giáo sư của giảng viên 8X

- Từ khi là một sinh viên Bách khoa cho đến giờ trở thành Giáo sư với lĩnh vực chế tạo máy, dường như ông đã phải tìm hiểu rất sâu, từ những con ốc vít nhỏ nhất?

Khi đã là một kỹ sư về cơ khí thì phải gắn liền với sắt thép, với tất cả những con ốc vít, các bản vẽ. Các công trình nghiên cứu đều phải gắn liền với dầu mỡ, máy móc thiết bị cho nên để làm chủ được nó thì chúng ta phải hiểu rất kỹ về nó, từ quy trình công nghệ chế tạo, từ việc thiết kế lắp ráp đầy đủ các bước cần thiết để có thể làm ra 1 chi tiết nhỏ nhất.

Làm nghiên cứu khoa học và có đẳng cấp thì phải tạo ra những công trình nghiên cứu mới, sáng tạo mới và để công bố được trên tạp chí quốc tế phải là gì khác biệt. Sự khác biệt ở đây không phải là cái gì quá lớn, chúng ta có thể đề ra những phương trình mới, những công thức mới đề xuất ra những giải pháp mới, công nghệ mới thì việc công bố sẽ dễ dàng đạt được.

- Lên học hàm Giáo sư, chắc chắn điều không thể thiếu là ngoại ngữ, ông có thể chia sẻ về quá trình học ngoại ngữ của mình?

Từ năm lớp 1 đến năm lớp 9 đúng là tôi không quan tâm chút nào đến tiếng Anh và ngoại ngữ bởi vì cũng đang tập trung vào các môn tự nhiên mà mình yêu thích. Nhưng đến khi vào trường Bách Khoa Hà Nội khi đó là cảm giác choáng ngợp vì ngoại ngữ các thầy dạy rất sâu và mình cảm giác là mình mất nền.

Chính vì vậy khi muốn phát huy năng lực của mình ở trường đại học trong việc học tập, bản thân tôi đã phải tự đọc sách bằng tiếng Anh, có những quyển sách Tiếng Anh một tuần tôi đọc đi đọc lại 2-3 lần để làm sao tiếp thu được và điều đó là không hề dễ dàng bởi vì tiếng Anh cần quá trình rất dài. Và mình đã dành một khoảng thời gian liên tục để đọc và ngâm dần và đến khi đạt được một trình độ nhất định mình mới dám apply…

- Vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, ông có bao giờ gặp phải vấn đề về kinh tế hay không?

Từ học sinh trường thường đến học hàm Giáo sư của giảng viên 8X

Khi làm nghiên cứu khoa học thì chúng ta làm chủ được những vấn đề, làm chủ về tri thức, làm chủ những kiến thức, khi biến nó thành những kiến thức của mình và áp dụng vào thực tế, có những cách nào đó để chúng ta quảng bá công việc quảng bá hình ảnh, xin các đề tài nghiên cứu thì những chi phí như các bạn trẻ nói hoàn toàn được giải đáp.

Tôi mất 3 năm đầu sau khi về trường Bách Khoa Hà Nội phải đi tìm kiếm các nguồn tài trợ để làm sao sử dụng nó cho nghiên cứu của mình, nó cũng phải dựa trên nền là mình phải thành công cái gì đó rồi. Rất may là được học từ Hàn Quốc về và được công bố nhiều công trình nghiên cứu nước ngoài nên khi đệ trình lên các quỹ nghiên cứu phát triển thì được họ tài trợ cho việc mua thiết bị cũng như trả thêm lương cho việc nghiên cứu, và điều đó cũng giúp cho việc nghiên cứu phát triển thuận lợi hơn.

Nên lời khuyên cho các bạn trẻ là chúng ta hãy cứ đam mê, hãy cứ cố gắng phấn đấu và khi chúng ta thành công thì sự thành công đó sẽ bền vững giúp chúng ta trong những công việc tiếp theo, cả về tiền bạc và sự nghiệp .

Từ học sinh trường thường đến học hàm Giáo sư của giảng viên 8X

- Mong muốn của ông là gì đối với sinh viên cũng như lĩnh vực mà ông đang theo đuổi?

Với một vị thế, một tâm thế mới khoác trên mình học hàm Giáo sư trẻ thì đó khiến mình mong muốn làm sao để lan tỏa được đam mê nghiên cứu, đam mê khoa học đến toàn bộ thế hệ trẻ các bạn đồng nghiệp và kể cả sinh viên. Chính vì vậy, tôi vẫn đặt nặng tính đam mê với các nhà khoa học trẻ các nghiên cứu sinh cũng như sinh viên.

Với lĩnh vực của mình, tôi tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm, những sản phẩm trong gia công, gia công vật liệu những sản phẩm đó ở hiện tại và tương lai sẽ là những sản phẩm cực cần cực quan trọng đối với nền cơ khí. Bởi vì tất cả các sản phẩm trong hệ thống công nghiệp nặng như ô tô tàu thủy đều sử dụng các biện pháp công nghệ như vậy.

Rất cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!

LĐO | 16/02/2021 | 08:00