Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua liên tục bùng nổ những kỉ lục mới trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Thị trường đã đánh dấu với những phiên thanh khoản trị giá cán mốc “tỉ đô”, hơn 500 nghìn tài khoản chứng khoán mới mở, giá trị vốn hóa toàn thị trường trên 105% GDP và chỉ số VN-Index tăng 24% so với cuối năm ngoái. Dòng tiền của các F0 ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán, trong đó có không ít nhà đầu tư trẻ. Thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, không ít bạn trẻ đặt lệnh liều chơi theo lời mách bảo của các “room phím hàng” Facebook, Zalo, Telegram… rồi thua lỗ cay đắng. "Có tới 90% nhà đầu tư mới sẽ mất 90% tài sản của mình trong 90 ngày đầu tiên khi tham gia giao dịch ngắn hạn trên thị trường chứng khoán" ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám Đốc AFA Capital.
Những đoạn hội thoại như thế này rất dễ tìm thấy trong các hội nhóm “phím hàng” các mã chứng khoán để người chơi xuống tay đặt lệnh mua hay bán. Sau đó, tất cả chỉ có thể thấp thỏm ngồi chờ “tín hiệu từ thị trường” mà không thể biết mình sẽ được lãi hay mất trắng. Không ít các nhà đầu tư trẻ đã mất hàng chục triệu, trăm triệu đồng vì rót tiền mua những mã cổ phiếu được “phím hàng” mà không hiểu tại sao lại mua mã này hay bán mã kia.
Chẳng cần quan tâm tình hình tài chính của doanh nghiệp ra sao, lợi nhuận công ty thế nào, không cần biết đọc biểu đồ kĩ thuật, cứ mua theo phong trào do được “phím”, mua xong ngồi “khấn” để cổ phiếu tăng giá. Đây là thực tại của không ít nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay, và đa phần đều là các nhà đầu tư mới, hay còn gọi là nhà đầu tư F0.
Xuất thân là một sinh viên tài chính, bạn Vũ Thị Hồng Uyên (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đổ hết khoản tiền tiết kiệm suốt 4 năm đại học vào thị trường chứng khoán và không tránh khỏi những ngày “mất ăn mất ngủ”. Uyên thừa nhận, việc xuống tay mua mã là kết hợp cả phân tích và may rủi bởi khó có thể chắc chắn được điều gì về thị trường chứng khoán.
“Tôi có tìm hiểu qua về thị trường chứng khoán trên Internet sau đó cũng hỏi thêm các đồng nghiệp nữa. Có nhiều người nói với tôi rằng chơi cổ phiếu cũng cần yếu tố may rủi nữa, thế nên có những lệnh tôi chọn theo cảm tính nhưng cũng có những mã mình phân tích để mua. Lúc nào mã “đỏ” là hồi hộp và rất lo mỗi khi có lệnh bị âm tiền. Dù không phải số tiền lớn nhưng là số tiền tôi tiết kiệm trong 4 năm Đại học nên nó rất quý báu với tôi”, Uyên thật thà kể lại.
Từng “nếm trái đắng” khi chân ướt chân ráo vào sàn chứng khoán, thời gian đầu anh Đỗ Trung Thành (Đà Nẵng) nghe theo lời các broker (môi giới chứng khoán): “Họ “phím” mã nào mình mua theo mã đó, có lệnh ăn nhưng thua thì nhiều hơn. Sau dần tôi mới hiểu ra, có rất nhiều nhà đầu tư mua theo broker mà không phân biệt được đâu là cổ phiếu cơ bản và đâu là cổ phiếu “ngon”. Chuyên viên môi giới thì rất nhiều, có người giỏi, có người trình độ bình thường. Nếu không tỉnh táo, mua đúng phải cổ phiếu đã ở mức giá cao, khi “cá mập” (những nhà đầu tư lớn – PV) rũ hàng thì F0 chỉ có ngồi “đu đỉnh”.
Anh Thành nhớ lại khoảng thời gian càng gỡ, càng lỗ khi không biết kỹ năng cắt lỗ và chốt lời. “Có lần tôi nghe ngóng công ty A sẽ sát nhập, giá cổ phiếu tăng lên 3 phiên. Khi đó dù đang lãi hơn 20% tôi cũng quyết không bán, tuy nhiên sau đó mã cổ phiếu đã tụt giá và tôi chấp nhận chịu lỗ và số tiền không hề nhỏ. Đó là bài học đầu tiên của tôi và sau này cũng còn rất nhiều bài học khác cho mình thấy được thị trường chứng khoán rất khó đoán. Có lẽ khó ai có thể đầu tư thắng 100% và cũng không ai chắc chắn là mình sẽ thắng”, anh Thành nhớ lại.
Không chỉ các nhà đầu tư trẻ, hiện tại rất nhiều người với các ngành nghề độ tuổi đã lấn sân chứng khoán với các mục đích khác nhau, có người muốn chứng khoán trở thành một kênh đầu tư hiệu quả nhưng cũng có những người coi đó là một nơi để học hỏi kinh nghiệm. Và những người mới, hay còn gọi là những F0 thường gặp phải những sai lầm cơ bản như thiếu thông tin (thông tin về doanh nghiệp, công ty, thị trường…), thiếu kỹ năng (kỹ năng đặt lệnh, kỹ năng xử lý mua bán, chốt lời, cắt lỗ…) và thiếu cả bản lĩnh để giữ vững tâm lý khi mã cổ phiếu giảm sâu.
“Tôi đã từng chứng kiến những trường hợp mất rất nhiều tiền hay âm đến 30% số tiền đầu tư, và để gỡ lại là rất khó. Ví dụ, đầu tư 100 triệu và bị lỗ 30% chỉ còn lại 70 triệu thì sẽ phải lãi hơn 40% mới có thể gỡ được hoà vốn. Điều này là cực kỳ khó, bởi tỉ suất trung bình lãi hàng năm của các nhà đầu tư sẽ chỉ rơi vào khoảng 20% mà thôi”, bạn Phan Nguyễn Linh Chi – một nhân viên tư vấn chứng khoán cho biết.
Mặc dù là một tư vấn viên nhưng Linh Chi khẳng định các nhà đầu tư mới nên tỉnh táo, bản lĩnh trước những lời dẫn dắt của những “đội lái” cổ phiếu. Bởi những mã được phím hàng có thể chỉ là những mã đầu cơ, đến một giai đoạn nó sẽ trở lại giá trị thật và “đánh bay” số tiền của nhà đầu tư đổ vốn vào mã cổ phiếu đó trong phút chốc.
“Có khá nhiều nhà đầu đặt lệnh theo may rủi và mang cả tâm lý cầu khấn tâm linh để cổ phiếu lên. Không phải đỏ - đen như chơi cờ bạc, chứng khoán sẽ là đỏ - xanh (xuống – lên) với những người không có kiến thức và không tìm hiểu kỹ thị trường. Những người này cũng là có nguy cơ gặp phải các đội lái, và âm tiền là điều dễ hiểu”, Phan Nguyễn Linh Chi nói thêm.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh thứ 2 trên thế giới. Tính đến ngày 30.6.2021, chỉ số VN-Index đạt 1408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020".
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám Đốc AFA Capital, sự bùng nổ nhà đầu tư mới, hay còn được gọi là nhà đầu tư F0 còn mạnh mẽ hơn thời kỳ hoàng kim giai đoạn 2006-2007. Khi lãi suất ngân hàng liên tục giảm, thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn những nhà đầu tư mới, trong đó có những người trẻ tuổi.
"Tôi đánh giá đây là một chất xúc tác cực kỳ tốt cho sự phát triển của thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Số lượng nhà đầu tư mới cũng là động lực đấy thanh khoản của thị trường lên cao, chúng ta dần đã quen với những phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh “tỉ đô”- điều rất hiếm gặp của thị trường chứng khoán trong vài năm đổ lại đây", ông Tuấn nhận định.
Song song với sự bùng nổ của các nhà đầu tư F0, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng xuất hiện nhiều hơn hiện tượng đầu tư theo kiểu FOMO (Fear of missing out - nhà đầu tư đổ xô mua một tài sản vì sợ bỏ lỡ cơ hội kiếm lời). Theo ông Tuấn, việc nhà đầu tư F0 lao vào thị trường và không xác định một chiến lược đầu tư rõ ràng, đầu tư theo cảm xúc thì lợi nhuận của họ sẽ không được bền vững trong tương lai.
"Với một thị trường biến động như chứng khoán, người kiếm tiền bằng cảm tính chính là người dễ thất bại nhất. Trước khi đưa ra một quyết định đặt lệnh giao dịch, các nhà đầu tư trẻ mới đầu tư chứng khoán nên tìm hiểu kỹ về thị trường, hơn là lao vào thị trường với tâm lý “thực chiến” và phó mặc tài sản đầu tư đã tích lũy của mình cho việc thắng thua.
Tham gia thị trường chứng khoán cũng tương tự một chiến binh ra trận, khi nhà đầu tư đã vững vàng kiến thức về tài chính, xác lập rõ được kế hoạch cũng như chiến lược đầu tư, thì sẽ trở thành một chiến binh tinh nhuệ, với đầy đủ tiềm lực để chiến thắng bất kỳ trận chiến nào", ông Nguyễn Minh Tuấn đưa ra lời khuyên.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, trước khi đưa ra quyết định đầu tư một cổ phiếu nhà đầu tư cần xây dựng cho mình một kế hoạch đầu tư phù hợp với số vốn, khẩu vị rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng của bản thân. Ngoài ra, nhà đầu tư nên tìm hiểu rõ về các doanh nghiệp mà mình đầu tư, thường xuyên cập nhật các tin tức về doanh nghiệp, đọc các báo cáo tài chính của công ty, hoặc báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán cũng như tin tức về thị trường nói chung.
Trả lời phóng viên về việc nhiều bạn trẻ cho rằng chơi chứng khoán không khác mấy so với đánh bạc, thị trường chứng khoán Việt Nam bị chi phối bởi "đội lái" cổ phiếu, ông Tuấn đưa ra lời khuyên: "Đối với những đầu tư trẻ tuổi và ít kinh nghiệm, khi họ không có những kiến thức căn bản về thị trường, không nắm được những yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi giá của cổ phiếu, họ sẽ thường nghĩ thị trường không khác gì “sòng bạc” với nhiều yếu tố tác động như "đội lái" hay "cá mập".
Vì vậy, những nhà đầu tư mới nên tìm hiểu thật kỹ về các doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư, nên đặt ra lợi nhuận kỳ vọng, mức cắt lỗ hợp lý với mỗi khoản đầu tư, và tuân thủ kỷ luật mà mình đã đặt ra. Đồng thời, cũng nên hạn chế đầu tư theo các tin đồn không được xác thực trên thị trường, nên bình tĩnh trước những pha “rung lắc” của thị trường, xác định lại bằng các phương pháp phân tích cơ bản và kỹ thuật để xác định xu hướng của cổ phiếu, tránh hành động theo cảm xúc và số đông", Tổng Giám Đốc AFA Capital cho biết thêm.
Giải đáp thắc mắc về số tiền đầu tư ban đầu với người mới chơi chứng khoán, ông Tuấn cho rằng không có bất kỳ yêu cầu nào về số tiền đầu tư tối thiểu hay tối đa trên thị trường chứng khoán. Khoản tiền đầu tư của mỗi cá nhân sẽ được quyết định dựa trên các yếu tố: Mục đích đầu tư, thời gian, khả năng chấp nhận rủi ro, kiến thức về thị trường…
"Với những nhà đầu tư mới thì đầu tư để tích lũy kinh nghiệm, va chạm với những biến động là điều quan trọng nhất, vì vậy bắt đầu với con số 10-20 triệu đồng là một khoản tiền hợp lý. Sau khi đã có kinh nghiệm, nhà đầu tư có thể nâng cao số vốn đầu tư lên dần hoặc tiết kiệm tiền để bổ sung vào tài khoản của mình", ông Tuấn nói.
Đặc biệt, trong quá trình giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư luôn mong sẽ mua bán có lời trong khi rất ít người chấp nhận việc thua lỗ, hay thừa nhận rằng mình đã sai. Theo ông Tuấn, nhà đầu tư cần coi những khoản thua lỗ là học phí phải trả cho thị trường, là chi phí để tránh bị "bốc hơi" tài khoản. Những khoản thua lỗ nhỏ này sẽ được bù đắp bởi các cổ phiếu thành công khác.
"Nếu nhà đầu tư tuân thủ kỷ luật cắt lỗ mà mình đã đặt ra, chắc chắn sẽ tránh khỏi những khoản thua lỗ nặng hơn, liên tục xoay vòng vốn, và có thể đầu tư vào những cơ hội khác trên thị trường. Mức cắt lỗ của nhà đầu tư sẽ tùy thuộc vào từng nhà đầu tư, điều này nên được đặt ra trong kế hoạch và chiến lược đầu tư ban đầu, phụ thuộc vào khả năng chịu đựng rủi ro cũng như số vốn ban đầu của nhà đầu tư", ông Tuấn giải đáp thêm.
LĐO | 27/07/2021 | 09:30