Những ngày tháng 5.2021, dù là 7h sáng hay 12h đêm, sảnh Trung tâm y tế quận Sơn Trà luôn sáng đèn với những chiếc xe cấp cứu đậu hàng dài ngoài cổng. Nhân viên y tế dù là lúc ăn hay ngủ vẫn được triệu tập trong tích tắc để lên đường đi “đánh chốt” với hàng ngàn đến hàng vạn mẫu xét nghiệm. Gần 20 ngày, họ chốt trực ở cơ quan, hỏi có nhớ nhà không, nhiều người cười: “Làm gì có thời gian mà nhớ”. Nói vậy nhưng không ít lần họ giấu nước mắt khi nghe đôi lời phàn nàn, nhắc đến đứa con thơ hay nhìn đồng nghiệp trở về ướt sũng sau bộ đồ bảo hộ. Thế nhưng khi “xung trận”, họ vẫn gan lì, mạnh mẽ bởi với họ, con đường đã chọn chỉ có thể đi thẳng mới mong ngày bình yên.
Tôi nhớ lại lời của rất nhiều y bác sĩ khi TP.Đà Nẵng đón đợt dịch năm 2020 đã nói rằng, chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến, bởi ở đó có sinh tử, mạng người có thể bị cướp đi bất kì lúc nào. Chính vì vậy, lần đón dịch thứ 4, những nhân viên y tế của thành phố sông Hàn một lần nữa hoá những chiến binh.
“Đánh xong chốt này rồi thì đợi lệnh đi chốt khác nhé các bạn. Mục tiêu hôm nay lấy mẫu xét nghiệm hơn 3.000 người. Anh em chú ý bảo hộ, lên đường” – lời thông báo dõng dạc của chị Hoàng Thị Xuân – Trưởng phòng Điều dưỡng của Trung tâm Y tế quận Sơn Trà khiến nhiều người ngoài cuộc cũng căng thẳng theo từng con số.
Rồi lần lượt mỗi nhóm nhân viên y tế 20 người, 30 người xếp hàng lên xe cấp cứu, mang vác theo những thùng vật tư xét nghiệm, đồ bảo hộ, bắt đầu một ngày đi “đánh chốt”. Gần 20 ngày nay, khi địa bàn quận Sơn Trà xuất hiện nhiều điểm nóng có ca mắc COVID-19, nhất là ở khu công nghiệp, nhân viên y tế ăn ngủ ở nơi làm việc để sẵn sàng đi “đánh chốt”.
7h sáng, 1h trưa, thậm chí 12h đêm hay 3h sáng bật dậy đi truy vết, việc lấy mẫu dường như đã quá quen với họ. Ngày lấy hơn 3.000 mẫu xét nghiệm ở chợ thuỷ sản Thọ Quang, hơn 100 nhân viên y tế của trung tâm được điều động xuyên đêm.
4h sáng, gió biển thổi mát dịu nhưng không thể làm vơi đi cái bí bức của bộ đồ bảo hộ. Nhiều nhân viên y tế ngồi sụp xuống ghế trong bộ đồ cồng kềnh. Tiếng ông Phạm Hồng Nam – Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã khàn đục sau nhiều ngày điều quân đi khắp quận lấy hàng vạn mẫu xét nghiệm nhưng vẫn cố gắng trao đổi thông tin với đồng nghiệp.
“Dự kiến lấy 2.500 người thôi mà giờ này đã là hơn 3.000 người rồi. Đây là điểm tập trung đông người từ khắp nơi đổ về, chủ quan không lấy mẫu mà có ca dương tính thì còn vất vả gấp bội phần nên anh em đều rất cố gắng” – ông Nam kể.
Xen lẫn trong câu chuyện là những lời than thở, đôi khi là quở trách: “Sao lâu quá vậy, chúng tôi còn đi làm ăn”, “tôi không chờ được nữa đâu”, “sao không làm đi?”. Có nhân viên y tế im lặng vì quá bận việc, có nhân viên từ tốn thuyết phục: “Cô chú đợi con chút, đợi đủ 10 người xét nghiệm một lúc nhanh lắm ạ”. Dù cố gắng nhưng giọng của họ cũng trở nên thều thào khi đã thức xuyên đêm. Có chị nhân viên khác vẫn còn sức đùa: “Cô chú tập trung nè. Con làm nhanh rồi đi bán nghe”.
Càng về sáng, tiểu thương đổ về càng đông. Lực lượng dân quân, y tế phải căng sức làm việc. Hôm nay, con số người lấy mẫu vượt xa với kế hoạch nhưng chẳng ai nao núng bởi đã có những ngày nhân viên y tế Sơn Trà thức 2 đêm lấy mẫu xét nghiệm cho hàng vạn người kia mà. “Quen rồi” là câu cửa miệng của họ, vất vả quen rồi, nhớ nhà quen rồi, kiệt sức cũng thành quen rồi!
Làm xét nghiệm gộp là cách làm hay của Đà Nẵng, vừa tiết kiệm chi phí vừa xét nghiệm được diện rộng. Thế nhưng nếu trường hợp phát hiện 1 ca dương tính, nhân viên y tế phải đi truy vết cả 10 người để tìm ra người mắc bệnh, rồi đi tìm F1. Vậy nên, họ không có giờ giấc ổn định, ăn uống thì phải hoàn thành xong công việc mới nghĩ tới. Ai cũng có ý thức như vậy. Một ngày được ngủ nhiều nhất là 5 tiếng, còn hầu như chỉ 3 tiếng đồng hồ.
“Đánh chốt đêm ngày khiến anh em y tế vất vả. Vất vả thì vất vả rồi nhưng dân khổ thì mình khổ hơn. Thà mình khổ, vất vả một tí nhưng người dân được an toàn là mình vui”.
Lần thứ 2 cùng thành phố chống đợt dịch COVID-19 lớn, ông Phạm Hồng Nam – Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết các đơn vị đã rút kinh nghiệm từ những bài học năm 2020 và có nhiều sáng kiến trong việc chống dịch như khoanh vùng, phát hiện sớm, cách ly, xét nghiệm, điều trị phát triển hơn nhiều.
Tại quận Sơn Trà, khi có ổ dịch tại khu công nghiệp, được sự chỉ đạo của các cấp, nhân viên y tế quận đã tiến hành truy vết nhanh, lấy mẫu xét nghiệm để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hiện. Khu nào, doanh nghiệp nào không có dịch bệnh thì tiếp tục kinh doanh. Khu nào có ca dương tính thì khoanh vùng, làm sạch, đưa F1 đi cách ly rồi mới cho hoạt động lại.
Quận Sơn Trà phấn đấu lấy mẫu ở quận Sơn Trà 40.000 đến 45.000 mẫu, để đánh giá được tình hình chung của quận.
Ngày lấy mẫu ở chợ thuỷ sản Thọ Quang, chị Ánh đảm nhiệm việc lấy mẫu ở chốt chính từ 12h đêm đến 6h sáng hôm sau. Công việc nhiều, người dân đông, chị và đồng nghiệp phải làm liên tục, ai cũng mệt và buồn ngủ nhưng nếu họ biết, nếu họ ngã quỵ, đồng nghiệp sẽ mệt hơn gấp bội phần.
Mệt vì công việc đã đành, chị Ánh và đồng nghiệp còn gặp nhiều tiểu thương nóng tính, có những lời nói không hay. “Có lúc tôi cũng giải thích nhưng có lúc cũng khóc chẳng thành tiếng. Phần vì mệt, phần vì tủi thân. Biết mọi người cũng vì mưu sinh nên vội nhưng có nhiều lời khó nghe quá, chúng tôi đi làm cũng vì mọi người, gia đình và cộng đồng thôi. Chỉ mong mọi người giúp chúng tôi hoàn thành công việc sớm, rồi ai cũng sẽ được về nhà” – chị Ánh kể.
Nhắc đến “nhà”, nữ điều dưỡng càng đỏ hoe mắt khi đứa con trai 2 tuổi đang phải gửi bà nội. Chồng làm trong ngành công an nên nửa tháng nay, hai vợ chồng chị đều lên tuyến đầu, chẳng gặp nhau cũng chẳng gặp con. Mà đâu phải riêng mình, chị Ánh kể, nhìn lại đồng nghiệp xung quanh cũng nhiều người như mình, ai cũng cố gắng nên chẳng ai mở lời xin về thăm nhà.
Năm thứ 2 chống dịch, chị Ánh dù quen với bộ đồ bảo hộ nhưng cũng không ít lần “nổi da gà” khi thấy đồng nghiệp ướt sũng từ đầu đến chân. Vậy nhưng mong ước lớn nhất của người mẹ trẻ là người dân cố gắng hợp tác, đồng nghiệp sẽ có sức khoẻ để chống dịch.
Làm việc vất vả, cuộc chiến chưa biết bao giờ kết thúc là liệu bao lâu sẽ quay trở lại, thế nhưng, với chị Xuân, chị Ánh, ông Nam hay hàng nghìn nhân viên y tế khác, đây không còn là công việc mà là nhiệm vụ với gia đình, cộng đồng.
Cũng vì vậy, với tư cách là điều dưỡng trưởng bệnh viện, chị Xuân luôn động viên nhân viên y tế của mình phải cố gắng mỗi ngày. Có những trường hợp quá đặc biệt, chị kể có thể xem xét cho nghỉ một ngày, một buổi thôi rồi lại về làm với anh em. Có đồng nghiệp quá yếu lòng, chị tìm cách vận động gia đình, người thân để cổ vũ họ tiếp tục công việc.
“Chúng tôi chọn nghề đi sớm về khuya nên gia đình hãy thông cảm, tạo điều kiện để anh em đi làm việc. Mà chẳng phải công việc nữa, chống dịch COVID-19 với chúng tôi là nhiệm vụ. Con gái tôi thì cứ nói mẹ cứ đi đi, cố gắng nghe. Tối mẹ cố gắng nói chuyện với con một chút qua Zalo, độ vấn vương cũng cầm chừng thôi, chúng tôi không có thời gian và cũng xác định như vậy. Những đứa con của nhân viên y tế như đã được “tôi luyện” nên cũng đã quen rồi” – chị Xuân kể.
Nói vậy nhưng dù kinh nghiệm đến mấy, việc kiệt sức với nhân viên y tế là điều đương nhiên. Bởi, “đánh” xong 1.000 hay 3.000 ở nhóm này rồi có khi phải di chuyển qua chốt kia, đến giờ nghỉ ăn trưa mới có thể thở lấy sức. Ban ngày đi làm thì dễ hơn nhưng nóng hơn, còn ban đêm thì càng vất vả, dù mọi người đã quen với việc trực đêm nhưng công việc bây giờ hoàn toàn khác, phải làm công nghiệp, liền tay, nhanh chóng, không nghỉ ngơi được.
Nhắc về những người đồng nghiệp của mình sau gần 20 ngày qua đi truy vết, lấy mẫu “đánh chốt”, chị Xuân bỗng rơi nước mắt. Người phụ nữ vốn cứng rắn, mạnh mẽ điều động hàng trăm nhân lực nhưng lại yếu lòng khi nhìn bóng lưng của đồng nghiệp mình vội bước lên xe cấp cứu về điểm làm nhiệm vụ.
“Thương lắm. Thương mấy anh chị em. Ở đây, chúng tôi chỉ biết cố gắng. Tất cả số liệu có ngày mấy ngàn, có ngày mấy chục ngàn mẫu là sự cố gắng của anh chị em. Tinh thần chống dịch là trên hết, từ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đều tham gia. Ngoài lấy mẫu cộng đồng, còn một mảng rất căng là những khu cách ly. Ở quận Sơn Trà đang có rất nhiều khu cách ly từ khách sạn đến những nơi tập trung. Nhiều lúc đùng một cái alo phải làm cái này, phải làm cái kia thì phải thiết lập nhanh chóng, vậy nên lúc nào cũng có sẵn cơ số nhân lực, vật lực và sẵn tinh thần. Với công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, nhiều anh chị cũng đi ngày đi đêm” – nữ điều dưỡng lau nước mắt.
Thương đồng nghiệp nhưng chính chị Xuân cũng là trường hợp đặc biệt khi chồng chị phải chạy thận đã hơn 10 năm nay. Cô con gái lớp 4 phải gửi lại ông bà nội - người đã 80 tuổi, người 90 tuổi. “Nhưng cũng phải chịu chứ sao” – chị Xuân lại nghẹn giọng. Lâu lâu chồng tôi cũng hỏi thăm, vợ chồng, con cái nói chuyện với nhau một chút qua Zalo, “Nói một tí thôi chứ không nói nhiều, cũng không có thời gian”. Bệnh thận của chồng hay khiến anh bị lên huyết áp giữa chừng nhưng anh vẫn chịu đựng không nói, con gái biết thì gọi báo mẹ. Mẹ chỉ có thể chỉ đạo từ xa qua điện thoại.
Chị lau giọt nước mắt với tiếng cười hóm hỉnh kèm lời xin lỗi vì, “lỡ xúc động quá” chứ bình thường chẳng bao giờ thấy nữ điều dưỡng trưởng khóc đâu. Chị Xuân bảo: “Đã đi theo nghề này rồi thì chúng tôi cứ tiếp tục đi thôi. Không còn cách nào khác, bởi đã chọn đường này thì chỉ có đi thẳng”.
Có tiếng gọi của đồng nghiệp từ xa, chị Xuân vừa bước vừa chạy vì dường như linh tính có điểm chốt cần chi viện người, phải làm nhanh để chạy đua với dịch bệnh, chạy nhanh một chút thì mới có thể về bên mâm cơm gia đình!
LĐO | 30/05/2021 | 06:00