Lao Động
Lao Động eMagazine

Cấp cứu 115: Hành trình 24h 'chạy đua' chống dịch COVID-19

Hành trình 24h 'chạy đua' chống dịch COVID-19
Hành trình 24h 'chạy đua' chống dịch COVID-19

Trong “cuộc thi chạy việt dã” của Thủ đô chống dịch COVID-19, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội được xem là một trong số tuyến đầu chống dịch - lực lượng tiếp xúc đầu tiên với người nghi nhiễm SARS-CoV-2, là tập hợp bởi những con người gan góc, luôn túc trực bên những chiếc xe cấp cứu sẵn sàng lăn bánh bất kì lúc nào.

Y bác sĩ

Thời gian này, tuyến đường Phan Chu Trinh (Hà Nội) yên ắng hơn do thiếu vắng bóng người. Tại Bộ phận điều hành cấp cứu, 4 chiếc điện thoại bàn thi nhau rung liên hồi trong không gian nhỏ hẹp. Điều đó khiến bất cứ ai chưa quen cũng khó giữ được bình tĩnh.

Tổng đài viên Hải quay qua nhìn chúng tôi giải thích: “Chuyện thường như ở huyện ấy. Trong các cuộc gọi, quá nửa là cuộc gọi ma”.

Theo tổng đài viên này, do nhu cầu đột biến giải quyết thắc mắc cho người dân liên quan đến dịch, đơn vị phải căng mình trả lời và các đường dây nóng thường xuyên quá tải bởi cuộc gọi đến.

Không những vậy, rất nhiều “cuộc gọi ma” có địa chỉ không rõ ràng, khi xe cứu thương đến hiện trường thì không thể liên hệ được với người gọi. Thậm chí, qua đường dây nóng, họ còn tỏ ra đắc chí với trò đùa của mình.

“Nhưng trong số đó khả năng sẽ có cuộc gọi thật sự cần sự giúp đỡ. Điều này khiến chúng tôi không từ chối bất cứ hồi chuông nào”, một tổng đài viên nói.

Được biết, trong kíp trực tổng đài luôn có 3 người trực 24/24h, nhiệm vụ là tiếp nhận điện thoải và điều động xe cứu thương xuống hiện trường.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Cao Thúy Hải - Trưởng Bộ phận điều hành cấp cứu 2 cho biết, thời gian gần đây, việc người dân liên hệ đến tổng đài 115 phản ánh hiện tượng nghi nhiễm COVID-19 diễn ra nhiều hơn so với các cuộc gọi cấp cứu khác. Qua đó, mọi trường hợp đều được ghi nhận và đều điều động, bố trí xe đến trực tiếp hiện trường.

Cuộc trò chuyện chóng vánh bị gián đoạn khi tiếng “reng reng” tiếp tục vang lên.

Với lấy ống nghe, chị Hải thay đổi tông giọng: “Alo, 115 xin nghe”.

“Chị hãy bình tĩnh, miêu tả tình trạng cụ thể của người nhà giúp tôi… Anh chị cứ ở nhà, 115 sẽ đến đón”, lời nói mang theo niềm tin cho thân nhân người bệnh từ chị Hải.

Công việc cứ như vậy diễn ra hàng giờ, hàng ngày tại Trung tâm Cấp cứu 115. Có khi một tổng đài viên ghi nhận, điều phối đến 3 trường hợp, nhưng tuyệt nhiên không có sai sót nào.

Y bác sĩ

5phút sau, cuộc gọi từ Khâm Thiên (Đống Đa) yêu cầu một xe đi thu dung ca F1. Ngay lập tức, chuông báo có ca nghi nhiễm COVID-19 vang lên. Một ê kíp 3 người gồm bác sĩ, điều dưỡng và lái xe được điều động vào vị trí.

Bộ đồ bảo hộ gồm 7 món (quần áo liền mũ, găng tay, khẩu trang N95, bọc giày và kính) được cả nhóm mặc một cách thuần thục. Tất cả hoạt động này diễn ra chưa đầy 5 phút.

Không chần chừ, chiếc xe cấp cứu lăn bánh qua nhiều khúc cua, băng băng trên các con phố. Xe dừng trước ngõ Chợ Khâm Thiên, đón người nghi nhiễm đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cách ly.

Kíp trưởng Hạnh cho biết, thật ra khi tiếp xúc với người bệnh, mỗi cán bộ nhân viên của trung tâm đều được coi là F1.

Xe cấp cứu 155 Hà Nội

“Đừng lo, mọi người có trang thiết bị bảo hộ, phòng dịch, nằm lòng các khâu khử khuẩn, phòng vệ chứ nếu không chắc cũng nằm viện hết rồi”, kíp trưởng Hạnh hóm hỉnh giải thích.

Trở lại điểm xuất phát, chiếc xe cấp cứu kết thúc chuyến hành trình kéo dài hơn 3 tiếng sau khi thu dung trường hợp F1. Không ai bảo ai, cả kíp mau chóng khử khuẩn xe, thay đồ, tắm giặt. Nhưng hễ hồi chuông vang lên, họ lại “nhanh như chớp” vào vị trí.

Bác sĩ Trần Anh Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thông tin, hiện mỗi ca trực có 15 xe, trong đó có 5 chiếc đặt thường trực tại trạm trung tâm. Mỗi kíp có thể thực hiện 8-10 chuyến/ca trực.

Có những hôm 8h sáng hết ca, nhưng 8h kém vẫn phải cấp cứu khi có bệnh nhân và công việc kéo dài thêm 2, 3 tiếng. Rồi về đến nơi phải khử khuẩn xe, vào sổ sách, bàn giao cho ca sau cũng hết cả buổi sáng. Hiện tại, các kíp trực làm việc 24h rồi nghỉ 48h, nhưng có những người phải làm tới 28h, 30h. Gần như chỉ được một ngày hôm sau nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.
Trong đợt dịch này, có thời điểm không chỉ vận chuyển trong nội thành mà còn vận chuyển đến bệnh viện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mê Linh,… Thời gian đi trên đường rất nhiều, thời gian nghỉ ngơi rất ít. Thêm vào đó, khi vận chuyển bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm thì khâu chuẩn bị cũng mất thời gian hơn.

Cũng theo vị bác sĩ này, vì được tập huấn bài bản và trải nghiệm thực tế trong các chiến dịch như SARS, H1N1, H5N1, Cúm gà, Dịch tả… kể từ năm 2003 đến nay, 185 người, trong đó 160 người làm chuyên môn của trung tâm đã trực chiến nhiều ca cấp cứu ngoại viện.

“Đơn vị là tuyến đầu tiếp xúc, vận chuyển tất cả bệnh nhân nghi nhiễm, có triệu chứng nhiễm (từ F0 – F1, F2…), do đó, nguy cơ và rủi ro tương đối cao. Gặp nhiều khó khăn nhưng xác định đây là công việc quan trọng trong chiến dịch nên ai cũng sẵn sàng tâm lý.

Toàn trung tâm phải làm, không có người chuyên trách. Đến lượt ai thì người đó đi. Đồ bảo hộ, kỹ năng và kiến thức đã có sẽ đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân và ê kíp thực hiện”, bác sĩ Thắng cho hay.

Bác sĩ chuẩn bị bộ đồ bảo hộ cho chuyên đi
Y bác sĩ

Phía sau màu áo xanh bảo hộ

dồng hồ điểm 21h, trong một khoảnh khắc nhàn nhã hiếm hoi, bác sĩ Nguyễn Thị Quý đơm bát cơm trắng từ chiếc cặp lồng ướt nhẹp hơi nước. Món cá kho được chuẩn bị từ nhà đã nguội ngắt. Bác sĩ Quý tỏ ra hào hứng khi trong túi đựng vẫn còn lọ muối vừng.

“Tôi đi ca COVID-19 từ 18h đến 21h hơn mới bắt đầu dùng bữa tối. Bình thường không có ca cấp cứu thì đến 12h sẽ vào giờ ăn trưa, buổi tối từ 18h đến 19h. Nhưng hiện tại trong thời điểm dịch COVID-19, thì không có thời gian nghỉ cụ thể, mọi người tranh thủ ăn để nạp năng lượng. Có khi nửa đêm mới có thể dùng bữa”, vị bác sĩ cho hay.

23h, chiếc chuông đỏ đặt tại cuối dãy để xe lại reo lên từng hồi. Bác sĩ Ngô Thị Bích Hạnh tay cầm 3 bộ đồ bảo hộ, nhanh chóng đưa cho y tá và lái xe mỗi người một bộ. Họ giúp nhau mặc đồ chống dịch để đi tới huyện Đan Phượng thu dung trường hợp F0. Cả 3 lên xe, chiếc xe nhanh chóng rời khỏi số 11 Phan Chu Trinh và mất hút trong đêm tối…

Quá nửa đêm khi trở về, nghỉ ngơi được một lúc thì tổng đài báo có một vụ tai nạn ở Long Biên. Guồng quay công việc cứ liên tiếp như vậy.

Được biết, trong kíp trực này, chị Hạnh có một hoàn cảnh đặc biệt. Chia sẻ với chúng tôi bằng chất giọng chậm rãi phảng phất nét mệt mỏi, chị Hạnh kể có 2 con nhỏ, 1 đứa lớp 5, 1 đứa lớp 6. Là mẹ đơn thân, nên để đảm bảo sức khoẻ cho các con, chị đã gửi con về nhà ngoại ở Sơn Tây.

“Đã 2 tháng rồi tôi không gặp con. Các con tôi cũng hiểu thời gian này công việc của mẹ rất bận bịu và biết thông cảm cho mẹ. Chúng còn biết an ủi mẹ là con ở nhà ngoại rất ngoan để mẹ yên tâm làm việc”, chị Hạnh kể.

Khi được chúng tôi hỏi liệu công việc này có khiến chị bị hàng xóm, bạn bè xa lánh, chị Hạnh thẳng thắn trả lời, hàng ngày đi làm về đến ngõ chị cũng chỉ dám đứng từ xa chào hỏi mọi người.

Kể về một kỷ niệm đáng quên, chị Hạnh nhớ lại, hôm đó khi đi làm về gặp cô hàng xóm đang để khẩu trang dưới cằm, thấy chị lại gần lập tức này kéo khẩu trang lên che mũi, miệng. Theo chị Hạnh, tất cả mọi người ai cũng có ý thức bảo vệ sức khoẻ như vậy là rất tốt, nên chị cũng không trách giận mà chỉ thấy thoáng buồn. Từ sau hôm đó, chị Hạnh cũng chủ động tránh mặt mọi người hơn, nên ngoài công việc lúc nào về nhà chị cũng lủi thủi một mình.

“Mình luôn ý thức được rằng hàng ngày mình tiếp xúc với F0, F1, F2 nên mình đã tự cách ly, không gặp bất kì ai dù là con cái, bạn bè, họ hàng,… Thật ra ngay tại cơ quan, mọi đồng nghiệp cũng đều như vậy và đi gửi con cho ông bà nội ngoại hết”, bác sĩ Hạnh nói mà ngân ngấn nước mắt.

Trung tâm cấp cứu 155 Hà Nội