Đổi 5 năm thanh xuân “hành nghề” sugar baby để lấy 600 – 900 triệu đồng và cõng cả 2/3 cuộc đời còn lại sống trong nỗi lo lắng, mất niềm tin. Đổi một phút làm sugar daddy hoan lạc, đổi gió để có thể đánh mất tất cả gia đình, sự nghiệp. Họ - những sugar baby – sugar daddy đều đang leo lên cây cầu trượt mà có lẽ chỉ khi trượt thẳng xuống chân dốc mới thức tỉnh. Cạm bẫy thực sự có vị đường hay không? Em bé đường và ông bố ngọt ngào có thể sẽ sa chân vào…những cái kết đắng và đắt.
Đây là cuộc trò chuyện giữa tôi – trong vai một cô sinh viên sugar baby với H. 38 tuổi (nick name Củ Lạc) – tự nhận mình là “dân kinh doanh”, thừa tiền nhưng thiếu tình cảm (hay nói trắng ra là… tình dục). Kệch cỡm, thô thiển và trơ trẽn… là những gì tôi cảm nhận được từ cuộc hội thoại này.
Thế nhưng H. cũng chỉ là 1 trong số hàng chục “ông bố nuôi” liên lạc với tôi chỉ sau một bài đăng ngắn gọn trên hội nhóm. Ngay sau đó, L. 39 tuổi đã lấy vợ được 6 năm nhưng với lý do là kỹ sư xây dựng nay đây mai đó muốn tìm một “em bé đường” để tìm kiếm vị ngọt tình yêu mà không ràng buộc. Không để chúng tôi chờ đợi lâu, ngay từ khi bắt đầu cuộc trò chuyện, anh ta đã mở màn bằng lời hứa hẹn thẳng thắn “anh có thể chu cấp cho em 15 triệu mỗi tháng, có thể hơn nếu em “phục vụ nhiệt tình”.
Ngược lại, để nắm dao đằng chuôi, một “bố nuôi” khác tên H., 30 tuổi tỏ ý muốn gặp trực tiếp chúng tôi mới thỏa thuận rõ hơn về mức chu cấp. Để tăng thêm phần tin tưởng, anh ta còn nhấn mạnh “nếu gặp lần đầu mà thấy em hợp với tiêu chuẩn của anh, anh sẵn sàng chuyển tiền cho em ngay”.
Chỉ trong vòng 10 phút đồng hồ, hàng loạt cuộc ngã giá “thuận mua vừa bán” đã diễn ra, chốt “con nuôi” còn nhanh hơn chốt hàng online. Đa phần những sugar daddy đều tự giới thiệu mình là người lịch sự, hào phóng và “ngọt ngào”. Khác nhau về độ tuổi, nghề nghiệp, thậm chí có người đã lập gia đình, nhưng 3 người đàn ông này, cũng như nhiều sugar daddy khác đều sẵn sàng bỏ ra 1 khoản tiền lớn để có một cô “con nuôi” biết điều, chiều chuộng, và quan trọng hơn là để thỏa mãn nhu cầu tình dục.
Chỉ bằng vài cú click chuột, những người đàn ông lớn tuổi, có điều kiện kinh tế đã có thể tìm ngay cho mình một cô “con nuôi” qua những hội nhóm kết nối sugar baby, sugar daddy trên mạng xã hội với số lượng thành viên lên đến 60 nghìn người. Đập vào mắt chúng tôi là nhan nhản những bài viết có nội dung “Cần tìm một sugar baby khu vực Hà Nội”, “Daddy có nhu cầu tìm một baby ở Thái Nguyên, mức chu cấp là 5 – 15 triệu tuỳ độ “ngon”. Số lượng bài đăng trong 1 ngày có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm bài, mỗi bài viết đều thu hút rất nhiều bình luận.
Những lời “đường mật”, hứa hẹn ngọt ngào của các “bố đường” đã làm xiêu lòng biết bao cô gái trẻ. Thế nhưng rõ ràng sugar baby “có giá” cao lại đều là sinh viên hoặc gắn mác sinh viên – những người được cho là có hiểu biết, trí thức và đủ nhận thức xã hội. Vậy nguyên nhân nào khiến “bé đường” sẵn sàng sa chân vào cạm bẫy dù biết bản thân mình chỉ là một “món hàng” trao tay. Vén màn nguyên nhân đằng sau những cuộc ngã giá kệch cỡm đó, chúng tôi đã tham vấn PGS.TS Trần Thành Nam - Chuyên gia tâm lý - giáo dục, giảng viên Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Trong quá trình tư vấn tâm lý của mình, PGS.TS Trần Thành Nam đã gặp ti tỉ câu chuyện mà người con gái đang trong mối quan hệ với “bố đường”.
“Nhưng thường lý do mà các bạn ấy đến gặp tôi không phải vì muốn được tư vấn các vấn đề liên quan đến sugar baby, sugar daddy mà đến để xin lời khuyên hoặc xin tư vấn về những lo lắng liên quan đến mối quan hệ đang trở nên xấu đi hoặc đã bị phát hiện và bị đánh ghen. Đặc biệt, có những bạn gái đang cùng một lúc hẹn hò với 3 “ông bố đường” và tâm lý trở nên căng thẳng, lo sợ tột độ. Khi gặp khó khăn về mặt tài chính, họ quyết định trượt một bước nhỏ nhưng lại bắt đầu dần dần rơi vào trong vòng xoáy” – PGS.TS Trần Thành Nam kể.
Nhưng qua lời kể của PGS.TS Thành Nam, điều đáng sợ nhất đó là khi những cô gái đó không còn niềm tin với cuộc sống, với những tình yêu thực sự.
“Tại sao em không muốn tin vào điều gì nữa? Đó là câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất từ những bạn vướng vào mối quan hệ sugar baby – daddy. Họ nói chỉ cần một người ngỏ lời muốn xây dựng một mối quan hệ nghiêm túc cũng sẽ cảm thấy sợ và né tránh ngay. Đó chính là hậu quả mà các bạn gặp phải”.
Là một người làm nghiên cứu tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam không muốn “phủ đầu” lên án mà mong mỏi đưa ra căn nguyên của trào lưu này. Theo ông, nhiều nữ sinh viên hoài bão tham vọng nhưng gia đình không thể hỗ trợ chắp cánh ước mơ. Ngoài ra, nhiều sinh viên có quan điểm khá thoáng liên quan đến vấn đề trao đổi tình cảm để lấy được tiền hoặc quà cáp.
“Trong quá trình tư vấn tâm lý, tôi nhận thấy nguyên nhân hầu hết là do các bạn gặp khó khăn kinh tế. Hàng ngày xung quanh các bạn trẻ toàn là hình mẫu cổ súy cho văn hóa thực dụng. Từ nhỏ bạn ấy cũng đã có thói quen tôn thờ chủ nghĩa vật chất. Quan niệm về tình yêu, tình dục của những sinh viên ấy cũng khá phóng khoáng. Về vấn đề giáo dục giá trị đạo đức, kể cả giáo dục gia đình, nhà trường rồi đến cộng đồng xã hội cũng đang bị lơ là.
Chúng tôi còn tìm hiểu được rằng các bạn ấy đã từng có mối quan hệ yêu đương, nhưng do gặp phải một số thất vọng nên sa chân. Có một điều đáng buồn là khi trò chuyện họ đều cho rằng câu chuyện này là hợp lý và không vi phạm pháp luật, xuất phát trên cơ sở tự nguyện. Hơn nữa chưa bao giờ các ứng dụng là công cụ trao đổi tình tiền này càng ngày càng nở rộ” - PGS.TS Trần Thành Nam phân tích về nguyên nhân vấn đề.
Ngược lại từ phía sugar daddy, họ có thể chu cấp với mức 10 – 15 triệu đồng/tháng chứng tỏ là những người có điều kiện tài chính, thành đạt. Và vì lẽ đó, điều họ tìm kiếm là những cô bé sinh viên “kẹo ngọt” vừa có nhan sắc nhưng cũng có trình độ để “vừa tầm”.
“Mua” sugar baby trên “chợ tình” mạng xã hội chắc còn dễ hơn mua rau ngoài chợ. Và để tiếp tay cho những cuộc “mua bán” đó thì nhiều ứng dụng, nhiều nền tảng hẹn hò như Tinder hay Facebook chính là công cụ. Có căn cứ xử lý hay không khi mà rõ ràng là nó đã tạo ra những hệ lụy xấu cho xã hội.
Về vấn đề này, theo Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), việc quản lý không gian mạng, quản lý môi trường mạng là câu chuyện không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia đang dần dần hình thành các hệ thống, các quy phạm pháp luật để quản lý, điều chỉnh, để làm sao kiểm soát được an ninh trật tự cũng như là định hướng được sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Với những hội nhóm, sử dụng vào mục đích trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục thì rõ ràng đó là những hành vi vi phạm pháp luật.
Các đơn vị, tổ chức, cá nhân điều hành những trang đó, những tài khoản đó sẽ bị xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự, áp dụng các biện pháp hành chính như khóa tài khoản, tước giấy phép hoặc có quyết định dừng hoạt động.
Vấn đề không nằm ở những ứng dụng đó mà nằm ở chính những con người đang lợi dụng nó làm công cụ. Theo Luật sư Cường, với trường hợp đứng ra kết nối “bố đường – em bé đường” để họ thực hiện hoạt động mua bán dâm đó là hành vi môi giới mại dâm. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 328 Bộ luật hình sự năm 2015 và với chế tài cao nhất là 15 năm tù.
“Hành vi của những người lập các fanpage trên mạng xã hội để người mua dâm và bán dâm kết nối với nhau, kể cả trong trường hợp họ không được hưởng lợi ích vật chất nhưng đấy là hành vi xúc tiến cho hoạt động mại dâm có thể diễn ra và đó là hành vi nguy hiểm xã hội” – Luật sư Cường nhận định.
Trong câu chuyện đổi chác này, kẻ mua – người bán và cả “bà mối” đều sẽ lĩnh hậu quả. Theo tìm hiểu của phóng viên, những sugar daddy thường chỉ tìm kiếm những sugar baby trong độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi. Làm một phép toán đơn giản, một sugar baby được chu cấp từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng, tức là khoảng 12 triệu đến 180 triệu đồng/năm. Nhân với khoảng 5 năm “hành nghề con nuôi” sẽ được 600 – 900 triệu đồng. Dùng 5 năm thanh xuân để đổi lấy tiền nhưng 2/3 cuộc đời sau này sẽ cảm thấy rất day dứt và lo lắng. Đó là món hời hay sự rẻ rúng?
“Nếu hỏi các bạn sinh viên làm sugar baby, câu trả lời nhận được sẽ khiến chúng ta bị sốc. Các bạn ấy sẽ bảo là xứng đáng vì nó là một nguồn vốn cho em, để em có một bệ phóng cao hơn, em sẽ thành công hơn trong tương lai... Đấy có lẽ sẽ chính là một lời cảnh tỉnh phụ huynh biết cách thức ứng xử với con mình và quan tâm đến con mình trong giai đoạn các em đang học đại học như thế nào, khi mà các em cần sự hỗ trợ tài chính từ gia đình” – PGS.TS Thành Nam nói.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường: “Với mục đích đổi tình dục lấy tiền rõ ràng là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Với sugar daddy nếu đang trong mối quan hệ hôn nhân, chưa ly hôn thì việc quan hệ ngoài luồng với người thứ ba đó là hành vi không chung thủy, vi phạm hôn nhân một vợ, một chồng. Trong trường hợp cán bộ, đảng viên đi mua dâm mà bị phát hiện, chắc chắn sẽ bị xử lý kỷ luật về hành vi sa đà vào tệ nạn xã hội.
Với sugar baby, dù xã hội ngày nay những chuẩn mực về công dung ngôn hạnh và quan niệm về trinh tiết không còn bị bó buộc như xưa, nhưng điều đó không có nghĩa là một người phụ nữ có thể quan hệ tình dục với bất kỳ ai chỉ vì mục đích vật chất”
Tôi từng nghe ở đâu đó rằng “lấy nghèo khổ để nuôi con trai, lấy sự giàu có để nuôi con gái”. Ý nói nuôi con trai nên để chịu khó chịu khổ để có ý chí và nghị lực hơn. Đối với con gái nên nuôi dưỡng bằng sự giàu có về khí chất, về trí thức, về hiểu biết để con không dễ dàng bị khuất phục trước hào nhoáng hư vinh. Trước quan điểm đó, PGS.TS Trần Thành Nam hoàn toàn đồng tình. Theo ông Nam, điều quan trọng nhất là xây dựng lòng tự trọng, xây dựng các giá trị cho các thế hệ trẻ ngay từ nhỏ. Mỗi cá nhân phải nhận thức mình là một người có giá trị, có điểm mạnh, có những điểm độc đáo riêng. Một vài trăm triệu chẳng thể đánh đổi được!
Ngoài ra, theo PGS.TS Trần Thành Nam, cần dạy cho các con suy nghĩ yêu quý lao động, loại bỏ thói quen hưởng thụ. Bởi nhiều người lười lao động nên mới chọn “việc nhẹ lương cao” như sugar baby. Hơn nữa, đừng né tránh dạy con về tình và về tiền.
“Phải dạy cho các con năng lực tư duy tài chính để biết cách quản lý rủi ro, không đẩy mình rơi vào tình cảnh cùng cực để cuối cùng đành phải tặc lưỡi, đưa chân và “mắc cạn” – ông Nam nhấn mạnh.
XEM THÊM