Cha và con trên chiếc xe chở ước mơ

eMag-Cover

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hanh theo cha trở về trên chiếc Honda 82 cũ kỹ. Đây là phương tiện ông Kiểm vừa dành dụm mua được để đưa đón con trong những ngày thi. Trên suốt quãng đường về, bàn tay trái của Hanh luôn nắm chặt vạt áo cha. Cha và con trên chiếc xe cà tàng, chở đầy ước mơ…

Trong hàng trăm câu chuyện, hàng nghìn bức ảnh ghi lại về kỳ thi THPT quốc gia năm nay, câu chuyện “tình yêu của cha là nghị lực của con” do Báo Lao Động thực hiện đã lan tỏa đến cộng đồng. Nhân vật chính trong câu chuyện là em Đặng Văn Hanh (sinh năm 1997, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và bố, cùng câu chuyện cổ tích hai cha con đã viết bằng mồ hôi, nước mắt và tình yêu thương.

Kết thúc kỳ thi, chúng tôi gặp lại Hanh. Vẫn ánh mắt trong veo,  nụ cười ngượng nghịu, nhưng sâu trong đôi mắt Hanh là nỗi buồn.

“Em làm bài không được như kỳ vọng. Đề khó và dài quá. Em vẫn chưa dám so đáp án, sợ biết rồi lại thất vọng” – Hanh thở dài, cúi đầu nhìn bàn tay phải không thể cử động của mình.

Cạnh đó, ông Đặng Văn Kiểm - bố của Hanh - đưa bàn tay phải gân guốc, chai sạn nắm chặt bàn tay con.

Ước mơ cha… cõng ước mơ con
Ước mơ cha… cõng ước mơ con

Nhiều lúc bố cõng em trên lưng, mọi người nhìn, chỉ trỏ, em rất ngại. Những lúc như thế em thấy mình bất lực. Về đến nhà chỉ biết đóng chặt cửa phòng, tủi thân và khóc tu tu một mình.

Hôm khác, bố cũng cõng em trên lưng, bố tìm đủ câu chuyện để nói với em. Bố hỏi em sau này lớn lên muốn làm nghề gì? Bố nói suốt quãng đường đưa em tới trường, quên hết cả lưng áo đã ướt sũng mồ hôi, quên hết cái nắng làm da bố đen sạm, quên cả những ánh mắt nhìn ái ngại, nỗi lo ứa trong khóe mắt bố. Thế giới lúc đó, chỉ có hai bố con.

Em thấy thương bố lắm, nhưng mình không thể làm được gì hơn ngoài việc chăm chỉ, nỗ lực học tập để thực hiện ước mơ.

Nhưng bố có tuổi rồi, đôi lúc em thấy mình đang làm phiền bố. Chỉ tự nhủ phải cố gắng, cố hết sức, gấp trăm nghìn lần, không chỉ vì mình, mà còn vì bố. Em muốn thấy bố vui”.

Những suy nghĩ đó được Hanh nói ra, không theo trình tự. Lúc bằng giọng hào hứng, khi nghẹn lại. Cậu không nhớ chính xác đôi chân của mình không thể đứng dậy, không thể bước đi như mọi người tự bao giờ.  21 năm qua, bàn tay phải của Hanh cũng không thể cử động, cầm nắm như mọi người. Dù đã tập, đã luyện đến đổ mồ hôi, đến túa máu, nhưng ông trời chưa thương. Chiếc xe lăn làm bạn với Hanh từ bé tấm bé.

Chiếc xe lăn làm bạn với Hanh từ bé tấm bé.

“Hanh sinh ra trong sự chào đón, hạnh phúc của vợ chồng tôi. Dù nhà nghèo, lại đông con, 9-10 người ở trong ngôi nhà cấp 4 lụp xụp nhưng tràn đầy yêu thương. Nhưng khi lên 1 tuổi, chúng tôi phát hiện Hanh không như đứa trẻ bình thường khác. Một tuổi em không thể đứng lên đi trên đôi chân của mình, mà cứ ngây ra.

Đến 3 tuổi Hanh vẫn chưa biết đi, cứ đứng lên là ngã khuỵu, bàn tay phải cũng không cầm nắm được. Chúng tôi bắt đầu mang con đi chạy chữa khắp nơi, ai mách ở đâu cũng đi, từ thuốc Tây đến thuốc ta, bấm huyệt xoa bóp đủ cả, nhưng bệnh không khỏi.

Cuối cùng có người mách đến Bệnh viện Việt – Pháp, nhưng bác sĩ cũng lắc đầu. Bác sĩ chẩn đoán nửa người bên phải của Hanh bị liệt hoàn toàn, không thể chữa được. Vợ chồng lúc đó chỉ biết khóc, nghĩ đến tương lai của con lại khóc, vì thương, vì xót” - ông Kiểm lấy đôi bàn tay cháy nắng của mình che đi đôi mắt ướt nhòe.

Nhưng cũng vì thương con, ông Kiểm không cho phép mình gục ngã. Có những đêm ông âm thầm khóc, nhưng luôn nhủ rằng mình sẽ dành trọn cho con tuổi thơ. Đôi chân của con không thể bước đi, ông sẽ giúp nâng bước. Ông tình nguyện làm đôi chân, bàn tay phải cho Hanh.

Ông tình nguyện làm đôi chân, bàn tay phải cho Hanh.

“Khi con lên 5 tuổi, tôi cho cháu đến lớp học tình thương. 5 tuổi mà con vẫn bé lắm, vẫn bế ngửa con trên tay. Ngày đó làm đồng áng, đủ nuôi 7-8 miệng ăn là may lắm rồi. Từ khi con út bị bệnh, mọi tài sản cũng đội nón ra đi hết. Nhưng không thể bỏ cuộc được, phải giúp con hòa nhập với cộng đồng, giúp con xóa đi mặc cảm. Mình còn khỏe còn chăm được, lúc già yếu hay không còn nữa, con biết sống sao? Muốn được như thế, chỉ có cách cho con đi học. Có học sẽ đỡ khổ”.

Khi nghĩ được vậy, ông Kiểm động viên vợ cố gắng tằn tiện lo cho Hanh đến trường. Nhưng vì gia đình khó khăn quá, mãi đến năm Hanh lên 8 mới được vào học lớp 1. Ngày đó không có xe lăn, hằng ngày bố cõng Hanh đi học. Bất kể nắng mưa, lụt lội, ông Kiểm vẫn cõng con trên lung, không nghỉ học buổi nào.

Trên lưng bố, Hanh vẽ những ước mơ trong veo. Lúc em mong lớn lên sẽ trở thành thầy giáo, khi lại là kỹ sư. Lớn hơn một chút, em ước mơ sẽ trở thành lập trình viên, để làm nhiều phần mềm giúp người khuyết tật, giúp cho chính mình và những người không may mắn như mình.

Tuổi thơ và ước mơ của Hanh lớn dần trên lưng bố như thế. Ước mơ ấy được chắt chiu từ những giọt mồ hôi, nước mắt mặn chát của cha.

Tuổi thơ và ước mơ của Hanh lớn dần trên lưng bố như thế.
Tình yêu của cha là nghị lực của con

Mùa thi vừa qua, hình ảnh ông Đặng Văn Kiểm, với chiếc khăn mặt vắt ngang cổ, gương mặt khắc khổ, bế cậu con trai 21 tuổi lên chiếc xe Honda 82 cũ kỹ, chở đến trường thi đã khiến rất nhiều người xúc động. Nhưng để có được ngày hôm nay, là những nỗ lực phi thường của cha và con. Nghị lực của con được truyền từ tình yêu vĩ đại của cha.

“Bàn tay phải của Hanh hoàn toàn không cầm nắm được, con không thể cầm bút, chỉ tay trái là có phản xạ. Tôi bắt đầu tập cho con tập cầm bút bằng tay trái. Ngượng ngịu, cầm lên rồi lại rơi xuống biết bao nhiêu lần, nhưng cuối cùng con cũng làm được. Đến bây giờ mọi sinh hoạt cá nhân đều được Hanh thực hiện bằng một bàn tay trái đó” - ánh mắt người cha già đầy tự hào khi nói về con trai của mình.

Còn Hanh khi nói về bố, cũng luôn tràn đầy yêu thương: “Ở nhà em thân nhất với bố. Bố giống như người bạn của em vậy, đã đồng hành cùng em 21 năm qua. Đặc biệt trong 12 năm em đến trường, những lúc khó khăn nhất, luôn có bố bên cạnh. Em nhớ ngày mình vào cấp 3, tự tay bố mang gạch vữa đến xin phép nhà trường xây đường xe lăn cho em vào lớp.

Những lúc em thấy tủi thân nhất, bị bạn bè trêu đùa, những khi chán nản và tuyệt vọng nhất, bố xuất hiện nắm  tay  động viên. Bố không chỉ là đôi chân, là bàn tay phải, mà là người anh, người bạn rất đặc biệt của em”.

Tình yêu của cha là nghị lực của con Tình yêu của cha là nghị lực của con Tình yêu của cha là nghị lực của con Tình yêu của cha là nghị lực của con Tình yêu của cha là nghị lực của con
Những chiếc xe chở ước mơ

Ước mơ của Hanh là thi đỗ vào ngành Công nghệ thông tin của Đại học quốc gia Hà Nội, để tương lai sẽ trở thành lập trình viên. Mong ước đó được nuôi dưỡng từ những ngày Hanh còn ngồi vắt vẻo trên lưng bố, trên chiếc xe đạp cọc cạch hay chiếc xe Honda 82 bố mới sắm để chở Hanh đến trường thi.

Đặc biệt, từ năm 2014, vợ chồng ông Kiểm tích cóp được một khoản tiền để sắm cho con trai út chiếc xe lăn có gắn động cơ. Từ khi có phương tiện này, Hanh chủ động trong việc đi lại. Quãng đường từ nhà đến Trường THPT Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chừng 1 cây số, Hanh tự mình điều kiển xe đến trường. Đằng sau xe là chiếc balo nhỏ.

“Nhiều hôm mưa lụt, nước ngập lên bánh xe mà Hanh vẫn đòi tự đi. Những lúc đó, vợ chồng tôi thay nhau âm thầm theo sau con. Thương đến chảy nước mắt nhưng chỉ đi phía sau thôi. Vì sợ con tủi thân, mặc cảm về bản thân mình. Con không muốn trở thành gánh nặng cho cha mẹ nên muốn tự mình làm tất cả” - ông Kiểm nhớ lại.

Điều khiến người bố tự hào nhất về con trai mình là dù còn nhiều khiếm khuyết trên cơ thể, nhưng trong suốt 12 năm học phổ thông, Hanh chưa bao giờ nghỉ một ngày nào. Hanh không may mắn như bạn bè, nhưng học không thua kém, nhiều năm đạt danh hiệu học sinh giỏi.

“Tôi rất tự hào về Hanh, trong các môn học, em học tốt nhất môn Toán. Ngày đầu khi mới tiếp nhận em vào trường, thú thực tôi có nhiều ái ngại. Vì chưa bao giờ trường nhận học sinh khuyết tật đi xe lăn vào trường cả. Điều tôi lo nhất là với một bàn tay trái cử động như người bình thường, còn rất nhiều khiếm khuyết trên cơ thể, liệu Hanh có hòa nhập được với bạn bè hay không?

3 năm trôi qua, chứng kiến Hanh trưởng thành từng ngày, là học sinh ngoan, chăm chỉ, tôi thật sự khâm phục em. Chỉ cầu mong Hanh sẽ đỗ đại học, thực hiện được ước mơ của mình” - thầy Đỗ Văn Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Đỉnh - nói về cậu học trò giàu nghị lực của mình.

Những chiếc xe chở ước mơ
Ai cùng Hanh vẽ tiếp ước mơ?

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hanh nói chỉ làm được 60% bài thi. Đề Toán khó và dài. Có thể cánh cổng ngôi trường trong mơ – Đại học Quốc gia Hà Nội – sẽ còn rất xa với Hanh, nhưng không vì thế em từ bỏ ước mơ của mình.

“Nếu không đỗ được đại học, em sẽ cố gắng đi học nghề, hoặc tự học thêm về máy tính trên mạng, nhất định sẽ cố gắng trở thành một lập trình viên trong tương lai”.

“Vì bố, con sẽ không bỏ cuộc” - Hanh nói với bố - đôi chân đặc biệt của mình. Ông Kiểm quay sang, tiếp tục nắm chặt bàn tay con.

Giây phút đó, con đường thực hiện ước mơ có thể không hề dễ dàng, nhưng chúng tôi hiểu, cha con họ sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Ông sẽ cùng con, tiếp tục vẽ ước mơ…