Với Đặng Trần Tùng, sinh năm 1993, tại Hà Nội, 9.0 IELTS đơn thuần là chứng chỉ tiếng Anh kiểm trình độ, không coi đó là thành tích để giới hạn khi tiếp cận một ngôn ngữ mới. Càng tiếp cận với tiếng Anh, chàng trai 9X càng nhận thấy nhiều niềm vui và đam mê nên mục tiêu của việc học không liên quan đến điểm số. Đây cũng là bí kíp Tùng muốn chia sẻ với tất cả những bạn trẻ mong muốn tiếp cận và làm chủ một ngôn ngữ mới.
Là một trong số ít bạn trẻ đạt điểm tuyệt đối IELTS, Tùng có thể chia sẻ thêm về thành tích đáng ngưỡng mộ này?
Cũng như nhiều bạn bè đồng trang lứa, Tùng chính thức tiếp xúc với tiếng Anh từ năm 2002 – khi cậu học lớp 3 nhưng phải đến năm 2012 mới xác định thi IELTS nghiêm túc và đạt 8.0. 4 năm liên tiếp sau đó, mình thi đạt 8.5 IELTS và đạt mức 9.0 vào năm 2017.
Khi đạt 8.5, Tùng đã bắt đầu đi dạy nhưng để tự tin hơn khi đứng lớp, mình quyết tâm chinh phục mục tiêu cao nhất. Khi đi dạy, mình xác định vừa chia sẻ kiến thức nhưng cũng coi như một hình thức tự học, tự rút kinh nghiệm trong những lần đứng lớp. Từ đó, Tùng cũng lựa chọn được cách chia sẻ với học sinh phù hợp nhất có thể.
Với Tùng kỹ năng nào khó chinh phục nhất?
Trong 4 kỹ năng Nghe-Nói-Đọc-Viết, điểm viết Tùng chưa đạt được điểm tuyệt đối, điểm cao nhất Tùng đạt được là 8.5. Điều quan trọng nhất để chinh phục điểm tuyệt đối tiếng Anh là phải chuyển trọng tâm từ việc cố trả lời đúng các câu hỏi càng nhiều càng tốt sang việc hiểu 100% đề bài.
Ở phần thi nói, ngoài việc thể hiện khả năng phát âm chính xác, Tùng luôn cố gắng giữ tâm trạng thoải mái để tiếp nhận thông tin từ người hỏi, từ đó, xác định câu trả lời phù hợp. Tuy nhiên, để có tinh thần tốt khi bước vào bài thi nói, Tùng chú ý việc tập lắng nghe hằng ngày, từ phim, nhạc, truyện, tranh, ảnh… Tất cả tạo thành thói quen hằng ngày. Mình dành khá nhiều thời gian cho việc đọc rồi tự tóm tắt thông tin, nhất là thông tin của các tờ báo lớn, đọc những dòng chia sẻ của người nổi tiếng trên thế giới, phần mô tả sản phẩm trên website… Ngoài ra, mình duy trì thói quen đọc sách để tập hợp, kiểm tra lại những kiến thức lượm lặt được hằng ngày.
Điều giá trị nhất tiếng Anh mang lại cho Tùng là gì?
Điều thành công nhất đối với người học tiếng Anh không phải là đạt điểm số cao, xếp thứ hạng nào trong một bài thi hay chứng chỉ. Thành công lớn nhất đó là biến tiếng Anh thành một phần trong cuộc sống hằng ngày. Với bản thân mình, tiếng Anh là một phần mình mong đợi, không dùng đến khiến mình thấy thiếu thốn, khó chịu. Ngay sau khi đạt 9.0, mình quyết định đi dạy vì lý do khá “ích kỷ” – muốn cọ sát với tiếng Anh nhiều hơn, đi dạy nhưng để được học tiếng Anh với chính mình. Đặc biệt, nghề dạy luôn luôn thách thức bản thân mình cần cập nhật và làm mới thông tin, làm mới bản thân và dành cho học sinh một điều tươi mới hoặc những “bài học có tính thời sự” mỗi buổi học.
9.0 IELTS không có nghĩa sẽ có một bài dạy “đỉnh cao” hay “chất lượng” để đi dạy, công việc chia sẻ kiến thức đòi hỏi người dạy phải sắp xếp chương trình trong một khóa học, buổi học, sắp xếp chính kiến thức người dạy để truyền tải cho học viên kiến thức một cách thú vụ và khoa học nhất có thể.
Ngoài công việc đi dạy, Tùng có dự định phát triển các kênh truyền thông để chia sẻ với cộng đồng với thông điệp “khám phá vẻ đẹp của cuộc sống muôn màu qua năng lượng và sức mạnh của tiếng Anh”.
Trong những năm gần đây, nhiều trường đại học trên cả nước dành chỉ tiêu nhất định để tuyển thẳng nếu thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.0 đến 6.5. Đây không phải điểm số quá khó nhưng đối với học sinh cuối cấp không phải bạn nào cũng có thể dễ dàng đạt được. Theo Tùng, các bạn học sinh nên cân bằng việc học như thế nào để ôn luyện hiệu quả?
Đạt mục tiêu 5.0-6.5 IELTS để xét tuyển còn phụ thuộc vào trình độ và thái độ nghiêm túc của từng em học sinh ngay từ khi bắt đầu học. Nếu học sinh THPT không được học IELTS thường xuyên, không được kiểm tra bài thi tương tự IELTS, rất khó để nói thời gian mất bao lâu để đạt được mục tiêu này. Theo mình, một học sinh lớp 11 có xuất phát điểm 5.0 IELTS mất khoảng 3-4 tháng học chuyên sâu để đạt được điểm 6.5.
Ngay khi xác định thi IELTS, mỗi học sinh đừng chỉ tập trung đến điểm số mà hãy nghĩ xem làm thế nào để biến tiếng Anh thành một phần cuộc sống của mình. Từ kinh nghiệm của bản thân mình, có thời điểm, “đồ thị trình độ tiếng Anh của mình” chỉ đi ngang, tức là giữ nguyên trình độ mặc dù mình đang “cày” tiếng Anh khá nhiều. Ngược lại, có lúc đồ thị ấy lại đi lên khi mình không học. Nên để tiếng Anh đến thật tự nhiên, không ép buộc hay căng sức gò bó.
Khi đi du học ở Mỹ, mình sống cùng một gia đình. Trong khi các thành viên đi chơi thể thao, mình khá tự tin về trình độ giao tiếp nên ở nhà đọc truyện tranh. Tuy nhiên, truyện tranh ở Việt Nam cập nhật bản dịch muộn hơn nên mình phải chuyển sang đọc bản tiếng Anh. Lúc đó, việc đọc truyện bằng tiếng Anh không chỉ giải quyết sở thích trong khi rảnh rỗi mà còn giúp mình “rèn” tiếng Anh rất tự nhiên, rất chất lượng.
Mình không ép bản thân phải dành 2-3 tiếng mỗi ngày để học tiếng Anh bởi mình không có quá nhiều thời gian để tra từ, học từ mới, ghi chép lại những thức chưa biết… Mình nghĩ, nên tiếp cận tiếng anh bằng niềm đam mê thực sự. Sau đó, mỗi ngày chỉ cần dành khoảng 30 - 60 phút để học là hợp lý.
Theo Tùng, để có chứng chỉ xét tuyển thẳng vào Đại học, các bạn nên chọn phương pháp học nào? Tự học, học nhóm hay nên đến trung tâm ôn luyện?
Mình nghĩ, với tất cả mọi thứ chúng ta muốn trong cuộc sống đều có thể áp dụng “tam giác của Engineering cơ khí”, gồm 3 tiêu chí rẻ - nhanh – tốt. Tuy nhiên, trong 3 cái đa số chỉ chọn được 2. Học sinh muốn tự học để giảm chi phí và tốt đồng nghĩa với việc phải dành thời gian học nhiều hơn thì việc học không thể nhanh. Còn nếu muốn tốt, muốn nhanh, không thể rẻ.
Khi đặt ra mục tiêu, người học cần cân bằng khả năng tài chính. Hiện nay, học sinh thuận lợi hơn khi internet phát triển, có nhiều lựa chọn chương trình học với nhiều mức giá khác nhau.
Việc tự học hoàn toàn có thể đáp ứng được tiêu chí 5.0-6.5 IELTS để xét tuyển đại học đối với những bạn có nền tảng vững và kỹ năng nghiên cứu. Đối với những bạn thiếu động lực hay không rõ định hướng hoặc những bạn sở hữu tiếng Anh tốt nhưng một trong bốn kỹ năng không có sự đột phá thì nên tìm đến trung tâm ôn luyện. Ở đó, các bạn sẽ có giáo viên hướng dẫn, chỉ ra những lỗi sai, đặc biệt trong kỹ năng viết và nói.
Mỗi kỹ năng có những cách ôn tập riêng để tăng xác suất trả lời đúng khi đi thi. Với mình, kỹ năng nghe trong bài thi IELT quan trọng. Nếu thực hiện phần thi này với tâm lý hoảng loạn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả chung. Hơn nữa, đây là bài thi đầu tiên của IELTS, bài nghe làm không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến những phần thi còn lại.
Mọi người thường chia sẻ bí quyết, chỉ cần nghe từ khóa đối với kỹ năng nghe sẽ vượt qua bài thi tốt. Tôi hoàn toàn không đồng tình với phương pháp này. Bởi khi giao tiếp với người nước ngoài mà bạn chỉ nghe từ khóa dẫn đến việc không thể hiểu 100% đối phương nói gì. Chỉ nghe từ khóa khiến tiếng Anh cũng mất hết vẻ đẹp của nó. Chính vì vậy, trong quá trình ôn luyện, các bạn nên tập trung vào việc nghe và hiểu nội dung bài thay vì tập trung trả lời câu hỏi. Đây cũng là mục tiêu tối cao, giúp trình độ tiếng Anh của các bạn vững chắc.
Để hạn chế mắc sai lầm khi làm bài thi, trong quá trình học, ôn luyện, người học cần lưu ý gì?
Tương tự như vậy với kỹ năng đọc, mình có lời khuyên thiên về mặt kỹ thuật một chút. Khi làm bài thi, các bạn nên đọc thật kỹ câu hỏi, thậm chí, đọc kỹ tới mức khi lật sang bài đọc để trả lời câu hỏi, chúng ta không cần nhìn lại câu hỏi. Việc không nhớ câu hỏi khiến thí sinh lật trang nhiều lần, không chỉ mất thời gian mà còn dễ bị rối khi tìm câu trả lời. Điều đầu tiên, bạn nên đọc hiểu câu hỏi, sau đó tập trung vào bài đọc để làm bài tốt hơn.
Ôn luyện kỹ năng viết và nói, bạn cần có người hướng dẫn, luyện cùng nâng cao cách hành văn, đối đáp linh hoạt. Để hoàn thành một bài viết đòi hỏi học sinh sở hữu vốn từ phong phú để có một bài viết chất lượng. Đầu tiên, các bạn nên nạp ngôn ngữ bằng cách đọc nhiều hơn.
Riêng kỹ năng nói, Tùng luôn khuyên học sinh của mình, không gây ấn tượng với giám khảo mà hãy coi đó là một cuộc hội thoại. Thí sinh thường có tâm lý cố nói được từ này, dùng cấu trúc kia nhưng bỏ qua việc tập trung nói chuyện với giám khảo. Đối với phần 1, các bạn không cần phải gồng mình lên quá, cố gắng trò chuyện tự nhiên, vui vẻ. Phần giữa thí sinh được viết ra những ghi chú, chuẩn bị trước sau đó sẽ nói. Như vậy, nhịp độ, áp lực được giảm xuống nên thí sinh hãy tự tin vững bước làm bài.
Đối với người thi IELTS, việc tìm được đam mê trong tiếng Anh là một việc khó, đặc biệt đối với học sinh chỉ tập trung vào một tấm bằng, điểm số mà quên mất việc tận hưởng quá trình học. Để giữ được đam mê với tiếng Anh, hãy cho phép thứ ngôn ngữ ấy được dạy thêm cho mình một điều mới mỗi ngày, khám phá kỹ vẻ đẹp tiềm ẩn những thứ đằng sau ngôn ngữ.
Học được một từ mới của tiếng Anh không đơn tuần là biết nghĩa tiếng Việt, phải học chậm, học chắc để nhận ra vẻ đẹp, ý nghĩa bản chất của ngôn ngữ để có thể áp dụng linh hoạt, đúng thời điểm đắt giá.
Một số người cho rằng, học được tốt tiếng Anh đã khó, nuôi dưỡng được đam mê trong tiếng Anh còn khó hơn. Tùng nghĩ sao về quan điểm này?
Cảm ơn Tùng về cuộc trò chuyện thú vị ngày hôm nay.
Tổ chức sản xuất: Nguyễn Tuấn Anh
Biên tập: Hà Phương
Video: Hoàng Minh - Văn Thắng - Nhật Huy
Ảnh: Văn Thắng
Thiết kế: Nhật Huy - Hoàng Minh
Kỹ thuật đa phương tiện: Hoàng Minh
Thực hiện bởi Trung tâm Truyền thông Đa Phương tiện – Báo Lao Động