NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM Ở HÀ NỘI, KHI TỈ LỆ TIÊM CHỦNG TĂNG CAO, KHI HỌC SINH QUAY TRỞ LẠI TRƯỜNG HỌC, KHI HÀNG QUÁN ĐÃ SÁNG ĐÈN, KHI NHỊP SỐNG BẮT ĐẦU CÓ DẤU HIỆU TẤT BẬT TRỞ LẠI. VÀ CŨNG LÀ KHI NGƯỜI TA NÓI RẰNG CUỘC SỐNG ĐÃ “BÌNH THƯỜNG MỚI”. NHƯNG ÍT AI BIẾT RẰNG Ở MỘT NƠI GIỮA LÒNG THỦ ĐÔ VẪN CHƯA CÓ MỘT NGÀY “BÌNH THƯỜNG MỚI” QUAY TRỞ LẠI – KHOA HỒI SỨC TÍCH CỰC, BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI TRUNG ƯƠNG. BÓNG ÁO TRẮNG, ÁO XANH VẪN TẤT TẢ NGƯỢC XUÔI TRONG TRONG NHỮNG BỘ ĐỒ BẢO HỘ NGỘT NGẠT, KÍN MÍT ĐỂ GIÀNH GIẬT SỰ SỐNG CHO BỆNH NHÂN COVID-19 TỪ TAY TỬ THẦN. 2 NĂM DÀI ĐẰNG ĐẴNG CỦA CUỘC CHIẾN KHỐC LIỆT VỚI COVID-19, HỌ ĐÃ HI SINH CHO BIẾT BAO SỰ SỐNG ĐƯỢC HỒI SINH…
Tiếng hiệu lệnh liên hồi của các bác sĩ, tiếng của những loại máy móc, tiếng mê sảng không dứt của bệnh nhân, tiếng bước chân vội vã…. – những thanh âm đầy gấp gáp, ám ảnh trong bệnh phòng của bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Thế nhưng ngoài những thời khắc giục giã, tất tả và ồn ào đó, đôi khi phòng bệnh bỗng chùng xuống. Chỉ còn lại tiếng máy móc khô khan với sự tĩnh mịch căn phòng lạnh lẽo những ngày cuối tháng 12. Tít tít…– âm thanh kéo dài vô hạn bởi những kĩ thuật bậc cao phải can thiệp liên tục với bệnh nhân nặng tại đây.
Tất cả những gì tôi đang chứng kiến đã lột tả sự đối lập khắc nghiệt rằng khi ngoài kia bình thường mới thì ở đây sẽ là những khó khăn mới, thách thức mới, nhiều bệnh nhân nặng mới. Bình thường – bình yên là điều xa xỉ trong căn phòng hồi sức này, nơi các bác sĩ phải cân não từng giờ từng phút để giành giật mạng sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.
Tôi gặp bác sĩ Phạm Văn Phúc – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực lần đầu tiên vào những ngày khởi đầu dịch bệnh tại Việt Nam cách đây khoảng gần 2 năm. Vị bác sĩ trẻ tràn đầy nhiệt huyết, chuyên môn giỏi và luôn khiến người đối diện cảm nhận được tình yêu của anh với người bệnh. Lần này gặp lại câu đầu tiên chào nhau chẳng phải xã giao, tôi bảo: “Anh Phúc dạo này gầy quá”. Đôi mắt hõm sâu, thâm quầng nhưng vẫn ánh cười hóm hỉnh: “Anh mà béo được thì đã may. Nói không mệt là anh nói điêu đấy”.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc
Quả vậy, bởi những ngày gần đây đơn vị này phải hoạt động hết công suất khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca tại các tỉnh thành phía Bắc và Hà Nội đang gia tăng.
“Hiện tại mỗi ngày tiếp nhận từ 10 đến 15 ca nặng và có rất nhiều ca cần can thiệp điều trị tích cực gây ra áp lực rất lớn đối với Khoa Hồi sức. Khoa đang có đến 37 bệnh nhân nguy kịch phải can thiệp thở máy và ECMO. Có 4 bác sĩ hồi sức chính và 6 học viên nội trú. Một bác sĩ chính sẽ quản lý, theo dõi từ 7 đến 10 bệnh nhân” - bác sĩ Phúc chia sẻ.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
(Cập nhật đến ngày 10.12.2021)
Bệnh viện
Bệnh Nhiệt đới Trung ương
(Cập nhật đến ngày 10.12.2021)
KHOA HỒI SỨC TÍCH CỰC
(Cập nhật đến ngày 10.12.2021)
KHOA CẤP CỨU
Dẫu cho khó khăn vất vả đang đè nặng đôi vai những bác sĩ tại Khoa Hồi sức nhưng nỗi sợ lớn nhất trong họ là dấu hiệu bệnh nhân sẽ còn gia tăng đều trong những ngày tới và không có điểm dừng. Giai đoạn tháng 4 tháng 5 năm 2021 số lượng bệnh nhân đông nhưng thời điểm đó số ca không gia tăng đều như hiện nay.
Lúc này, tại giường bệnh của một bệnh nhân đặc biệt:
- Chị ơi, chị cố lên nhé, các bé sức khoẻ tốt, chị yên tâm!
Bác sĩ nội trú Phạm Thị Thanh Huyền không ngừng trấn an bệnh nhân vừa thực hiện các thao tác chuyên môn. Đó là một bệnh nhân nữ 33 tuổi - một thai phụ mang song thai. Người bệnh đau đớn nghiêng mặt bất lực với những dòng nước mắt trào ra không thể dừng lại. Nữ bác sĩ ướt đẫm mồ hôi, những sợi tóc bết cả vào khuôn mặt dù Hà Nội đang vào những ngày chính đông do cường suất công việc quá lớn.
Bác sĩ nội trú Phạm Thị Thanh Huyền
“Chăm sóc thai phụ mắc COVID-19 là một áp lực vô cùng lớn khi chúng tôi không chỉ đảm bảo sức khoẻ cho người bệnh mà còn phải ổn định sức khoẻ của các bé. Nếu mình không cung cấp đủ oxy cho người mẹ thì có thể ảnh hưởng thai nhi. Chúng tôi phải tỉnh táo cân bằng giữa việc lọc máu và việc duy trì oxy cho người bệnh. Trong khi đó, tâm lý của thai phụ luôn trong tình trạng không ổn định, thậm chí rối loạn” – bác sĩ Huyền chia sẻ về áp lực trong điều trị.
Trước và sau dịch COVID-19, sự khác biệt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là quá lớn. Nhưng sự khác biệt đó không chỉ dưới góc nhìn của những bác sĩ Phúc, bác sĩ Huyền mà với bất kì ai gắn bó với nơi này.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Bảo vệ Nguyễn Văn Đặt
Ông Nguyễn Văn Đặt – bảo vệ cổng số 2 (cổng dành riêng cho xe cấp cứu bệnh nhân COVID-19) đang ghi chép lại thông tin xe cứu thương. Với ông Đặt, bệnh viện khác thật nhiều từ khi dịch bệnh bùng phát bởi nơi đây chuyên thu dung và điều trị COVID-19.
“Đường đi lối lại không quy về một mối nữa mà chúng tôi phải phân luồng xe, chỉ dẫn xe cứu thương đi lại. Vào thời điểm cao điểm nhất của dịch bệnh, xe cứu thương ra vào nườm nượp, lực lượng phải tăng ca liên tục. Ngày nhiều nhất có thể đón đến 40 lượt xe cấp cứu. Xe cấp cứu đến đông nhất vào khoảng 1h30 – 2h sáng, đến 3h30 – 4h30 sáng vẫn còn lác đác xe vào” – ông Đặt kể.
Ông Nguyễn Văn Đặt - Bảo vệ - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Nhân viên y tế liên tục đón bệnh nhân mới. Số ca F0 ở miền Bắc tăng nhanh trong thời gian gần đây khiến việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khó khăn hơn.
Khi có bệnh nhân mới, bác sĩ thăm khám ban đầu và chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết. Đa số F0 nặng đều tuổi cao, nhiều bệnh nền như suy thận mạn tính, cao huyết áp, xơ gan hoặc mang thai…
Các bác sĩ liên tục thực hiện can thiệp hồi sức cho bệnh nhân.
Bệnh nhân nhập viện dồn dập khiến ba phòng điều trị của khoa ở tầng một kín giường.
Các bác sĩ đang nhận bệnh nhân mới và tiến hành các thao tác can thiệp hồi sức. Những bệnh nhân nặng chủ yếu chưa tiêm vaccine, có nhiều bệnh nền, rất ít bệnh nhân nặng đã tiêm đủ liều vaccine.
Bệnh nhân này là một thai phụ mang song thai. Hiện tại dưới sự theo dõi sát sao và cân nhắc các phác đồ điều trị của bác sĩ, sức khoẻ thai nhi ổn định.
Bệnh nhân thở máy và thường xuyên phải can thiệp các thao tác lọc máu, lọc huyết tương.
Số liệu tính đến ngày 14.12.2021
Gần 2 năm chống dịch, công tác chăm sóc chuyên môn, phác đồ điều trị, những bữa cơm muộn, những giấc ngủ chưa tròn… đều đã thành quen. Nhưng có lẽ với các bác sĩ, nhân viên y tế vẫn chưa thể nào quen được với nỗi nhớ - nhớ gia đình, nhớ cuộc sống thường nhật ngoài kia.
“Thời gian dịch càng lâu mọi người càng dần quen với dịch bệnh nhưng cũng chính vì thời gian càng lâu thì áp lực, sự vất vả, nỗi nhớ gia đình càng nhân lên” – bác sĩ Phúc trải lòng.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Điều dưỡng Vũ Thị Thuý Nhinh.
Thế nhưng tất cả những khó khăn đó sẽ còn nhân lên với những người phụ nữ đang công tác tại khoa Hồi sức.
“Mẹ ơi bao giờ mẹ về? Sao mẹ đi lâu vậy” – điều dưỡng Vũ Thị Thuý Nhinh nghe điện thoại mà tim thắt lại. Đã quá lâu chị chưa về nhà nhưng biết giải thích làm sao để con hiểu được.
“Tôi có 2 con gái nhỏ một cháu 3 tuổi, 1 cháu 6 tuổi đều gửi hết cho ông bà nội chăm nom. Chồng tôi cũng công tác trong ngành y. Câu hỏi của các cháu làm tôi nhiều đêm trằn trọc nhưng tôi chỉ biết trả lời mẹ còn phải giúp đỡ bệnh nhân nên chúng ta sẽ xa nhau một thời gian và mẹ sẽ về con nhé” – điều dưỡng Nhinh nhớ chồng con và gia đình. Chị rất thương con bắt đầu đến tuổi đi học nhưng thiệt thòi không có bàn tay chăm sóc của người mẹ.
Bác sĩ đang tiến hành lọc huyết tương cho những bệnh nhân nặng.
Các bệnh nhân diễn tiến nặng, nếu đã thực hiện các phương án hỗ trợ thở oxy mask, oxy gọng kính, thở oxy không xâm nhập nhưng SpO2 không đạt được mức từ 90% trở lên sẽ được các bác sĩ can thiệp đặt ống thở máy xâm nhập.
Nhiều loại máy móc kĩ thuật cao trong phòng hồi sức.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc cùng cộng sự nội thông khí quản cho bệnh nhân.
Những thao tác được các bác sĩ thực hiện tỉ mỉ, đòi hỏi tập trung cao độ.
Họ đã đánh đổi bằng mồ hôi, bằng những đêm trắng, bằng những chuyến đi không hẹn ngày về… Nhưng những hi sinh đó chẳng hề vô nghĩa, hi sinh để bao sự sống được hồi sinh.
“Chúng tôi nhận thức được rằng Khoa Hồi sức tích cực là tầng cao nhất để giành giật sự sống cho người bệnh. Lòng tự tôn của những người làm nghề y nhắc nhở chúng tôi rằng chúng tôi là điểm tựa, là hi vọng cuối cùng của người bệnh” – Bác sĩ nội trú Phạm Thị Thanh Huyền quả quyết.
Và có lẽ điều mà họ tất cả đội ngũ nhân viên y tế không mong muốn nhất là chứng kiến bệnh nhân ra đi khi không có người thân bên cạnh.
“Hiện tại chúng tôi mong muốn nhất là giảm được số lượng bệnh nhân nặng giảm số ca tử vong, không ai muốn nhìn bệnh nhân rời xa cuộc đời tại chính khoa hồi sức và đó luôn là điều day dứt hối tiếc nhất của mỗi bác sĩ” – bác sĩ Phạm Văn Phúc bày tỏ điều mong muốn nhất vào thời điểm này.
Còn nửa tháng nữa sẽ đến Tết Dương lịch, 1 tháng rưỡi sẽ đến Tết Nguyên đán. Nhưng còn bao lâu nữa số bệnh nhân nặng sẽ không tăng, còn bao lâu nữa dịch bệnh kết thúc, còn bao lâu nữa các bác sĩ được về nhà… là một câu hỏi không có câu trả lời.
“Hiện tại với tình hình dịch bệnh như thế này thì chúng tôi cũng xác định thời điểm Tết có thể là thời điểm căng thẳng nhất của dịch. Năm nay sẽ không có Tết bên người thân – chúng tôi đã xác định đón giao thừa ở bệnh viện cùng nhau và cùng với bệnh nhân. Năm mới - sự sống hồi sinh, tôn chỉ đó luôn nằm trong tâm trí của chúng tôi” – bác sĩ Phúc tràn trề hi vọng để dịch bệnh qua đi và cũng giống như cuộc sống ngoài kia, nơi đây sẽ “bình thường mới”.
Những bước chân vội vã, hối hả trong phòng hồi sức tích cực
Bệnh nhân COVID-19 giai đoạn này diễn biến nặng nhanh. Các bệnh nhân nhập viện điều trị thời gian này đa phần trên 60 tuổi, trong đó F0 trên 80 tuổi chiếm khoảng 30 - 40%.
Bệnh nhân cao tuổi nhất trong khoa Hồi sức đã trên 90 tuổi. Đối với người già việc chăm sóc càng phải nhẹ nhàng, thuần thục.
Chăm sóc cho bệnh nhân mang thai còn yêu cầu cao và khắt khe hơn nữa.
Theo các bác sĩ điều trị việc điều trị chú trọng vào nâng cao miễn dịch cho bệnh nhân.
Phác đồ điều trị đến thời điểm này thay đổi khá nhiều khi có nhiều thuốc điều trị hơn.
Việc bệnh nhân tăng nhanh về số lượng khiến cho khối lượng công việc tăng cao, các bác sĩ, nhân viên y tế thêm phần vất vả.
Nhóm điều trị ở vòng ngoài theo dõi người bệnh và nhập liệu, hoàn thiện hồ sơ cho bệnh nhân. Bệnh nhân tăng nhanh, lượng bệnh án ngổn ngang.
Ở nơi này, ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương luôn là nơi đầu sóng ngọn gió, đóng vai trò quan trọng trên mặt trận tuyến đầu chống dịch. Sau gần 2 năm dịch bệnh bùng phát, bệnh viện đã điều trị thành công hàng nghìn bệnh nhân phía Bắc và tham gia chi viện hỗ trợ cho rất nhiều điểm nóng dịch bệnh miền Trung và miền Nam.
Những chiến sĩ áo trắng luôn tâm niệm rằng nếu hôm nay họ ngừng cố gắng thì ngày mai bệnh nhân có thể mãi mãi không thể trở về được nữa. Sự quá tải đã tạo ra sức ép không nhỏ với bác sĩ. Nhưng chính sức ép tạo ra sức mạnh – sức mạnh của tình người – sức mạnh của lòng y đức.