Lao Động
Lao Động eMagazine

Cuộc gặp với người đặt nền móng vắc-xin, “khắc tinh” của virus tử thần

Cuộc gặp với người đặt nền móng vắc-xin, “khắc tinh” của virus tử thần
Cuộc gặp với người đặt nền móng vắc-xin, “khắc tinh” của virus tử thần

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ KHOA HỌC NGUYỄN VĂN MẪN ĐÃ 86 TUỔI VÀ TÍNH ĐẾN NAY, ÔNG DÀNH 68 NĂM CUỘC ĐỜI CỐNG HIẾN CHO SỰ NGHIỆP NGHIÊN CỨU SẢN XUẤT VẮC-XIN “MADE IN VIET NAM”. TẤM HUY CHƯƠNG ĐÁNG GIÁ NHẤT MÀ ÔNG NHẬN ĐƯỢC CHÍNH LÀ NHỮNG LIỀU VẮC-XIN ĐƯỢC RA ĐỜI, LÀ HÀNG TRIỆU TRIỆU ĐỨA TRẺ CHÀO ĐỜI ĐƯỢC LỚN LÊN KHOẺ MẠNH.

Cuộc gặp với người đặt nền móng vắc-xin, “khắc tinh” của virus tử thần
Cuộc gặp với người đặt nền móng vắc-xin, “khắc tinh” của virus tử thần

Trong bối cảnh cả thế giới đang gồng mình vì đại dịch COVID-19, chạy đua sản xuất vắc-xin, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta đang trên đường đua, khao khát chủ động sản xuất vắc-xin “made in Viet Nam” để khép lại cuộc chiến với “tử thần” COVID-19. Thế nhưng ít ai biết rằng để Việt Nam có thể hiên ngang bước vào cuộc đua này, nền móng của lĩnh vực sản xuất vắc-xin tại Việt Nam đã được những nhà khoa học thế hệ trước dày công xây đắp.

Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên nhà ‘cầm quân’ chiến lược, “ông tổ” của ngành vắc-xin Việt Nam đã qua đời vào năm 2018 nhưng những người cộng sự của ông dù ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn đang miệt mài nghiên cứu khoa học. Họ là những nhân chứng sống của hành trình gian nan đóng mác “Made in Viet Nam” cho vắc-xin ngay từ thưở sơ khai. Người chúng tôi tìm gặp là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Mẫn (sinh năm 1934) - một trong những người mở đường cho tiêm chủng ở Việt Nam.

Cuộc gặp với người đặt nền móng vắc-xin, “khắc tinh” của virus tử thần

GS Mẫn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ở tuổi 86, dù bước đi đã có phần chậm chạp, nhưng GS Mẫn vẫn giữ trọn cốt cách của một trí thức Tây học, một nhà khoa học với lối trò chuyện điềm đạm, nhẹ nhàng. Ông bắt đầu kể lại cho chúng tôi nghe về hành trình cuộc đời gắn liền với vắc-xin. Tóc đã bạc, da lấm tấm đồi mồi và những nếp nhăn xô vào nhau trên gương mặt của vị giáo sư đáng kính. Thế nhưng không gì có thể che giấu nổi sự say sưa và nhiệt huyết khi ông kể về từng dấu ấn cuộc đời.

Giáo sư Nguyễn Văn Mẫn

Cha ông vốn là thư kí của Bộ trưởng Bộ Y tế (thời kì 1946-1958) – GS Hoàng Tích Trí. Có lẽ chính nghề nghiệp của cha đã giúp ông bén duyên cùng sự nghiệp Y khoa. Tháng 8 năm 1952, khi mới 18 tuổi, ông đã lên đường ra vùng kháng chiến, làm kỹ thuật viên tại Viện Vi trùng học Việt Bắc (tiền thân của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày nay). Viện Vi trùng học Việt Bắc thời đó chuyên sản xuất những vắc-xin thô sơ nhất như vắc xin đậu mùa, vắc xin dại và sau này sản xuất vắc xin tả, thương hàn.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Không nhận về phần mình một chút thành tích, GS Mẫn nói: “GS Hoàng Thuỷ Nguyên mới là người đi đầu của ngành vắc xin. Tôi và GS Đặng Đức Trạch…và những người cộng sự chỉ tham gia giúp sức”.

GS Mẫn hồi tưởng, trong những năm 1959 -1960 bại liệt đã bùng phát thành dịch lớn tại các tỉnh phía Bắc với khoảng 17.000 cháu mắc bệnh và hơn 500 cháu bị tử vong. Mỗi năm có hàng chục nghìn trẻ em bị di chứng liệt suốt đời. Tỷ lệ mắc lên tới 126,44/100.000 dân. Lúc đó dịch bại liệt bùng phát khắp nơi, ngay cả thủ đô Hà Nội, người chết la liệt, trẻ con di chứng, cảnh thương tâm làm ai cũng chua xót. Trước tình hình cấp bách lúc đó, GS Hoàng Thuỷ Nguyên được Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch cử sang Liên Xô tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin bại liệt dạng uống có tên gọi Sabin. Sau 3 tháng, ông trở về nước và thành lập nhóm các nhà khoa học để triển khai sản xuất vắc-xin tại Việt Nam.

Cuộc gặp với người đặt nền móng vắc-xin, “khắc tinh” của virus tử thần

Nhớ lại hành trình tham gia sản xuất vắc-xin bại liệt thời đó, GS Mẫn bật mí những chuyện bây giờ mới kể về những chuyến đi “truy tìm” đảo khỉ.

“Khi GS Hoàng Thuỷ Nguyên đang tiếp nhận vắc-xin bại liệt ở Liên Xô thì giao việc cho tôi ở nhà đi tìm đảo nuôi khỉ vì nuôi khỉ ở Hà Nội thì không nổi. Phải dùng tế bào thận của loài khỉ để điều chế các loại văcxin và chỉ có giống khỉ vàng đuôi cộc có ở vùng Hạ Long (Quảng Ninh) mới đáp ứng được. Lúc đó tôi cùng 2 lãnh đạo Viện đi suốt từ Hải Phòng, Cát Bà xuống tận Vân Đồn. Trên đường đi chỉ mong muốn có thể tìm được hòn đảo khỉ vừa ý. Đảo Tuần Châu là một trong những đích ngắm đầu tiên nhưng xem xét thấy đảo rộng quá và gần làng chài có thể nhiễm bệnh hoặc khỉ vào đất liền nên anh em tôi lại lắc đầu thở dài” – GS Mẫn nhớ lại.

May thay, khi từ Vân Đồn quay lại thì nhìn thấy đảo Rều - một hòn đảo mấp mô, chỉ thấy rong rêu không có người. “Đó là cú “chốt hạ” may mắn! Sau đó chúng tôi về báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và ngay lập tức được giao đảo nuôi khỉ vì vắc-xin bại liệt lúc đó là niềm mong mỏi của cả nước”.

Kể lại câu chuyện thời đó, GS Mẫn vẫn còn nhớ như in: “Lúc đầu khỉ từ việc sống ngoài thiên nhiên đưa vào chăn nuôi nhốt rồi cho ăn chuối cam quýt, cơm nấu nhưng nó vẫn tiêu chảy vì chưa kịp thích nghi. Hàng tháng, người nuôi khỉ ở đảo lại gọi điện về Viện, thế là tôi và một y sĩ tất tả chạy ra đảo kiểm tra lấy mẫu bệnh phẩm xem nó bị bệnh gì”.

Kết quả của sức lao động chân chính đó là vào năm 1962, những lô vắc-xin phòng bại liệt do GS Hoàng Thủy Nguyên khai phá cùng với sự giúp sức của GS Nguyễn Văn Mẫn và những người cộng sự chính thức xuất xưởng. Những cảnh đau thương, di chứng do bại liệt đã được đẩy lui, tỷ lệ người dân mắc bại liệt giảm rõ rệt.

Năm 1990, khi Việt Nam cam kết cùng cộng đồng quốc tế thanh toán bệnh bại liệt, khó khăn đặt ra cho y tế dự phòng và Chương trình Tiêm chủng mở rộng là vấn đề vắc-xin. Trách nhiệm nặng nề đó được đặt lên vai GS Nguyễn Văn Mẫn. Năm 1994, ông về làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế Polyvac. Cùng các đồng nghiệp của mình và tiếp nối công việc của GS Hoàng Thuỷ Nguyên, Polyvac đã cung cấp đủ vaccin bại liệt phục vụ tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc. Số lượng vaccin từ 17 triệu liều năm 1994 lên 20 triệu liều năm 1995, riêng trong năm 1997, Trung tâm đã cung cấp cho tiêm chủng mở rộng gần 40 triệu liều.

Cuộc gặp với người đặt nền móng vắc-xin, “khắc tinh” của virus tử thần

Bệnh dịch không khi nào dừng lại, bệnh sởi lăm le xâm nhập rồi để lại nhiều biến chứng, cướp đi sinh mạng của trẻ em tại Việt Nam. Để chủ động vắc-xin phòng sởi, GS Mẫn dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế lại tất tả lên đường sang Nhật Bản học hỏi công nghệ và về nước làm chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước với công trình: Bước đầu nghiên cứu quy trình sản xuất vắc-xin sởi quy mô phòng thí nghiệm vào năm 2004. Sau đó, ông và cộng sự đã xin được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản với nguồn vốn “khổng lồ” thời điểm đó là 25 triệu USD để bắt tay gây dựng một cơ sở sản xuất vắc-xin sởi tại Hà Nội.

Vượt qua tất cả những khó khăn và sự kiểm định chặt chẽ vắc-xin sởi “made in Việt Nam” đã chính thức được cấp phép sử dụng. Năm 2009, 1,3 triệu liều vaccin đầu tiên đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Đó cũng chính là tiền đề để năm 2016, Việt Nam tiếp tục đánh dấu mốc quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vắc-xin - khi tự sản xuất được vắc-xin phối hợp phòng sởi-rubella chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản

“Bệnh dịch đến đâu, chúng tôi trăn trở tìm vắc-xin để chặn đầu đến đó. Quá trình làm vắc-xin sởi có lẽ gian nan nhất là đi xin đất để xây dựng cơ sở sản xuất. Tôi cùng anh em ở cơ quan đi tìm xin miếng đất trồng rau muống ở Hoàng Mai. Thuyết phục được chính quyền khó chỉ một phần còn anh em chúng tôi ngoài làm khoa học còn đi làm tâm lý. Mấy chị em nông dân trồng rau muống kêu ầm lên, các bác lấy đất thì chúng tôi lấy cái gì mà ăn. Nhiều ngày liền chúng tôi phải ngồi xổm ăn trầu tâm sự nhỏ to với họ. Trò chuyện, phân tích và thuyết phục! Nhưng đối với tôi đó là sự kì công xứng đáng. Bởi nếu không có đất, không có cơ sở thì Nhật Bản không viện trợ và cũng không có vắc-xin và như thế không biết còn bao nhiêu đứa trẻ không được sống khoẻ mạnh” – GS Mẫn chia sẻ.

Cứ như thế, danh mục vắc-xin made in Việt Nam ngày một nhiều hơn, chất lượng và an toàn hơn vì các nhà khoa học chưa bao giờ dừng lại. Họ quyết tâm “chặn đầu” virus!

Cuộc gặp với người đặt nền móng vắc-xin, “khắc tinh” của virus tử thần
Cuộc gặp với người đặt nền móng vắc-xin, “khắc tinh” của virus tử thần

Đằng sau thành công của nhà khoa học đáng kính Nguyễn Văn Mẫn chính là một hậu phương vững chắc để ông an tâm trên con đường nghiên cứu gian nan. “Cuộc đời tôi nghiên cứu vi khuẩn, virus nhiều hơn là ở nhà. Vợ tôi đã lùi về phía sau chăm lo cho cuộc sống gia đình. Của chồng công vợ, bà ấy lo lắng hết thảy mọi thứ, tôi chẳng lo được gì! Trong cuộc đời làm nghiên cứu khoa học, tôi rong ruổi mấy chục nước để học tập, nghiên cứu, trao đổi hợp tác, thời gian ở nhà ít ỏi. Tôi được cử sang Đức làm nghiên cứu sinh 4 năm, khi tôi đi con gái đầu chưa được 2 tuổi. Tôi biết ơn sự thấu hiểu của gia đình mình” – GS Mẫn bộc bạch.

Quả vậy, khi đến gặp vị giáo sư đáng kính này, chúng tôi thấy ông vẫn đang ngồi bên tập tài liệu và sử dụng máy tính xách tay để nghiên cứu. “Đến thời điểm hiện tại tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu vắc-xin bại liệt bất hoạt, đảm bảo an toàn hơn vắc-xin bại liệt giảm độc lực theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Bởi Tây Phi, Trung Phi vẫn còn bệnh bại liệt và không thể loại trừ khả năng bùng phát. Những cộng sự của tôi nhiều người đã khuất núi, khi còn sống họ làm đến cùng và tôi cũng vậy, còn làm được tôi vẫn sẽ tiếp tục làm!”.

Đôi tay GS Mẫn lật giở tài liệu đã trở nên chậm chạp hơn, mắt yếu hơn, huyết áp không ổn định, đã phải mổ tim hai lần. Thế nhưng, thời gian chỉ có thể lấy đi sức khoẻ nhưng lại làm dầy thêm cho ông tình yêu khoa học. 86 tuổi, 68 năm gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu vắc-xin nhưng nhiệt huyết của GS Mẫn vẫn như chàng thanh niên tuổi 18.

Nhận định về triển vọng của vắc-xin COVID-19 của Việt Nam, GS Mẫn cho rằng cả thế giới đều đang quan tâm loại vắc xin này. Với thời đại này, một dịch bệnh lan rộng đến 132 nước là chuyện chưa từng có bao giờ, bàn tay tử thần quá lớn. “Tôi tin rằng từ sang năm tình hình vắc-xin COVID-19 sẽ nở hoa toàn thế giới. Không phải chỉ Mỹ, Pháp, Nga mà triển vọng rất nhiều nước sẽ có vắc-xin và mong rằng với sự nỗ lực của chúng ta ngay từ những ngày đầu, Việt Nam sẽ sớm có vắc-xin COVID-19 chủ động đẩy lui đại dịch” – vị giáo sư mong mỏi.

Cuộc gặp với người đặt nền móng vắc-xin, “khắc tinh” của virus tử thần

GS.TSKH Nguyễn Văn Mẫn và những cộng sự của mình, hay những người đang chạy đua trong cuộc chiến tìm vắc-xin COVID-19 là những nhà khoa học thầm lặng, cống hiến cả cuộc đời mình cho nghiên cứu khoa học. Không phô trương, không màu mè, không vinh danh ồn ã, tấm huy chương mà họ nhận được chính là những liều vắc-xin được ra đời, là hàng triệu, hàng triệu đứa trẻ chào đời được lớn lên khoẻ mạnh. Họ - những người làm công tác y tế dự phòng nhiều khi chỉ là những người đứng sau cánh gà, lặng lẽ và cống hiến.

Cuộc gặp với người đặt nền móng vắc-xin, “khắc tinh” của virus tử thần