Cuộc ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng “vua càphê” Trung Nguyên

Cuộc ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên

Cuộc tranh chấp quyền điều hành giữa vợ chồng “vua càphê” Trung Nguyên kéo dài đã hơn 3 năm và vẫn chưa có hồi kết.

Cuộc ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê
Cuộc chiến pháp lý dai dẳng

Vụ lùm xùm bắt đầu từ tháng 4.2015, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của vợ mình là bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Đến tháng 10.2015, ông Vũ lại có văn bản triệu tập cuộc họp HĐQT để thảo luận, biểu quyết miễn nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT kiêm CEO của bà Thảo và thay đổi người đại diện theo pháp luật tại tập đoàn này. Ngay lập tức, bà Thảo có văn bản phản hồi, không đồng ý việc triệu tập cuộc họp nhưng sau đó ông Vũ vẫn tổ chức mà vắng mặt người có liên quan.

Trong cuộc họp vào ngày 2.11.2015, do ông Vũ chủ trì, chỉ có 2 thành viên là ông và mẹ ông để lập biên bản và ra nghị quyết miễn nhiệm bà Thảo khỏi các chức vụ nêu trên. Biên bản 2 thành viên cũng quyết định bầu ông Vũ vào vị trí Chủ tịch kiêm CEO của Trung Nguyên, thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Thảo sang ông Vũ.

Đặng Lê Nguyên Vũ

Tháng 11.2015, bà Thảo chính thức khởi kiện quyết định miễn nhiệm bà lên tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương vì cho rằng các quyết định miễn nhiệm bà và bổ nhiệm ông Vũ không đúng quy định pháp luật, gây bất lợi, ảnh hưởng đến việc điều hành của bà trong công ty.

Trong phiên xử sơ thẩm vào tháng 8.2016, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên bác các yêu cầu của bà Thảo. Bà Thảo kháng cáo, yêu cầu TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Ngày 22.9.2017, Tòa án Nhân dân TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ kiện này, với phán quyết hủy quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ông Vũ (với tư cách Chủ tịch HĐQT) ký tháng 4.2015. Đồng thời, khôi phục chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo trong Tập đoàn Trung Nguyên. Tòa cũng yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà Thảo tham gia điều hành, quản lý tại tập đoàn này.

Song đến ngày 10.10.2017, ông Vũ và Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kháng cáo và tiếp tục ra quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo.

Lê Hoàng Diệp Thảo

Ngày 7.2.2018, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp điều hành giữa các thành viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên. Cụ thể, nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Phó Tổng giám đốc thường trực Trung Nguyên. Bị đơn là Công ty Trung Nguyên và Tổng giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ.

Nhưng trong phiên xét xử sáng 7.2.2018, cả bà Thảo và ông Vũ đều không tới tòa mà ủy quyền cho các luật sư tham dự. Phía bị đơn là ông Vũ đã có đơn yêu cầu hoãn phiên tòa. Cuối cùng, chủ tọa phiên tòa đã quyết định hoãn phiên tòa và việc mở lại sẽ được xem xét sau đó. Vụ kiện này tiếp tục trì hoãn không rõ hồi kết.

Đặng Lê Nguyên Vũ
Tài sản Trung Nguyên được phân chia thế nào?

Sáng 14.8, TAND TP HCM tiếp tục mở phiên hòa giải lần 2 để giải quyết vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Tại phiên hòa giải hôm 14.8, đại diện phía Trung Nguyên cho biết tài sản được phân định ra hai phần. Trong đó, bao gồm tài sản chung là cổ phần liên quan tại Tập đoàn Trung Nguyên và tài sản chung ngoài Trung Nguyên của hai vợ chồng, như tiền bạc, bất động sản…

Tuy nhiên, những vấn đề khúc mắc trong vụ ly hôn vẫn chưa được giải quyết. Do đó, tòa dự kiến sẽ mở thêm một phiên hòa giải vào ngày 29.8 để tìm tiếng nói chung giữa 2 vợ chồng.

Hiện tổng tài sản của tập đoàn cơ bản được chia thành 5 khối, trong đó bao gồm: Các bất động sản đã có giấy tờ sở hữu đứng tên 2 vợ chồng, ông Vũ đồng ý theo cách định giá của bà Thảo (sẽ chia đôi); các bất động sản chưa hoàn tất thủ tục sở hữu (để lại và phân chia sau); khối tiền bạc, đá quý, sổ tiết kiệm, ngoại tệ (cũng phân chia sau); cổ phần trong 7 công ty con của tập đoàn, với cơ cấu sở hữu phức tạp cùng các thời điểm tham gia khác nhau, nên vẫn chưa thể phân chia rõ ràng; Công ty CP TĐ Trung Nguyên tại Singapore.

Ngoài ra, cơ quan kiểm toán cũng đã định giá xong các giá trị hữu hình, vô hình, quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu cà phê G7. Tất cả khối tài sản này tổng giá trị lên tới vài nghìn tỷ đồng.

Lê Hoàng Diệp Thảo
Cuộc khẩu chiến của 2 vợ chồng

Cuộc tranh chấp quyền lực lên đỉnh điểm với hàng loạt tố cáo được nối dài với nhiều vụ kiện đan xen chưa có hồi kết. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo lên tiếng tố 4 người điều hành thao túng quyền lực cướp nhà máy Trung Nguyên tại Bình Dương, đồng thời bà cho biết ông Đặng Vũ đang bị bệnh, không thể xuất hiện trước công chúng.

Theo đó, bà Thảo cho rằng, sau 49 ngày thiền định, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã hoàn toàn thay đổi. Cũng từ đó, cuộc sống hôn nhân của bà đầy sóng gió, kéo theo những tranh chấp quyền lực giữa 2 vợ chồng.

Tuy nhiên, chiều 13.8, ông Vũ bất ngờ gặp mặt một số nhà báo với thần sắc tươi tỉnh, sau 5 năm vắng bóng.

Trong suốt hơn 3h gặp gỡ báo chí, ông Vũ chia sẻ những khát vọng đưa Trung Nguyên phát triển trong thời gian tới. Ông Vũ cho biết, trục trặc giữa ông và bà Thảo xảy ra khi ông nhận thấy Trung Nguyên không thể vận hành như cũ, phải cơ cấu lại để làm mới mình. Ông cho rằng Trung Nguyên phải rũ bỏ câu chuyện kiếm tiền đơn thuần để làm những điều lớn lao hơn cho cà phê, cho đất nước.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng khẳng định không hề có vấn đề về sức khoẻ, cũng chẳng có thế lực nào đứng sau thao túng như những gì được chia sẻ rầm rộ trong mấy ngày qua.

Qua đâu có tâm thần - Đặng Lê Nguyên Vũ