Một bệnh nhân mắc COVID-19
Đó là lời đề nghị của một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 số 12 với tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe người bệnh. Bên ngoài khung cửa kia là cuộc sống, cuộc vật lộn của cả thành phố với một kẻ thù vô hình. Còn bên trong khung cửa ấy là những nỗ lực không mệt mỏi của các bác sĩ và nhân viên y tế trong một cuộc chiến khốc liệt để níu giữ hơi thở quý báu của các bệnh nhân nặng; và quan trọng hơn cả là gìn giữ một niềm tin mãnh liệt, một hy vọng sống ở các bệnh nhân; rằng mỗi sớm mai thức dậy, trời vẫn xanh trên mảnh đất phương Nam. Trong cuộc chiến ấy, có hàng triệu bàn tay cùng chung sức thắp lên một ngọn lửa bao dung và kiêu hãnh, ngọn lửa của lòng trắc ẩn và tình người, của trách nhiệm xã hội và nghĩa đồng bào.
BS. Ngô Đức Hùng
Bệnh viện Dã chiến Số 16
Đã từng tham gia chống dịch tại nhiều điểm nóng như Bắc Giang, Hải Dương, Đà Nẵng; nhưng chưa bao giờ bác sĩ Ngô Đức Hùng – Trung tâm Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai cùng các đồng nghiệp rơi vào trạng thái “mất ăn mất ngủ” khi phải đối diện với những áp lực dữ dội như tại Bệnh viện Dã chiến Số 16 – TPHCM.
Trong những ngày thiết lập hệ thống hồi sức cấp cứu (ICU) của một bệnh viện hoàn toàn mới với số nhân viên y tế ít ỏi, trang thiết bị hạn chế; Bệnh viện Dã chiến Số 16 đã phải tiếp nhận lượng bệnh nhân nặng đổ về ngày càng nhiều. Làm việc liên tục dưới ánh sáng trắng của đèn điện đến mức không còn cảm giác ngày hay đêm với bộ đồ bảo hộ kín mít ướt đẫm mồ hôi, mất điện giải, sốc nhiệt, viêm da; áp lực tâm lý tới độ tiếng máy thở và những thanh âm báo động vảng vất chập chờn cả trong những giấc ngủ vội nhờ thuốc ngủ khiến nhiều nhân viên y tế buộc phải tìm tới sự trợ giúp của các đồng nghiệp chuyên khoa tâm thần.
Nhưng với anh, những điều đó cũng chưa thể ám ảnh, day dứt bằng câu chuyện về những gia đình có cả nhà bị nhiễm COVID-19 đến khi bệnh nhân tử vong bệnh viện không biết gọi cho ai, vì tất cả các thành viên đều đã không qua khỏi; hoặc mảnh giấy mà một bệnh nhân trẻ có phổi đông đặc không còn nói được nữa ghi vội hỏi bác sĩ: “Khi nào em chết?”
BS. Ngô Đức Hùng
Bệnh viện Dã chiến Số 16
Cảm giác bất lực khi phải chứng kiến “tầng tầng lớp lớp” bệnh nhân nặng đang cần chăm sóc mà số lượng nhân viên y tế lại ít ỏi; mặc cảm tội lỗi vì không biết mình cố gắng như vậy đã hết mức chưa, tại sao mình không cứu được họ; khiến anh cùng các đồng nghiệp – những người trần bằng xương bằng thịt, buộc phải gạt sang một bên những nỗi niềm cá nhân, những phút yếu lòng, những rung cảm nhân bản khi hàng ngày phải chứng kiến đồng loại giã từ cuộc sống; để tự dặn lòng không được thể hiện sự mệt mỏi cùng những giọt nước mắt nhằm giữ lấy ngọn lửa nghị lực cứu người đang bùng cháy trên những đôi bàn tay nhăn nheo ướt sũng dưới lớp găng bảo hộ của các đồng nghiệp – những người không quen mặt, chỉ gọi nhau bằng tên ghi trên áo và nhận ra nhau thông qua dáng đi, giọng nói.
BS. Ngô Đức Hùng
Bệnh viện Dã chiến Số 16
Động lực để bác sĩ Hùng có thể bám trụ tâm dịch trong suốt những ngày qua chính là những nỗ lực với hy vọng cứu được càng nhiều bệnh nhân càng tốt, để họ được trở về bên gia đình cùng hơi thở của cuộc sống chứ không phải với hình hài của một hũ tro lạnh lẽo và cuộc điện thoại thông báo tim đã ngừng đập vào ngày, tháng, năm… Đó cũng là ngọn lửa của tình người, của trách nhiệm xã hội đang được hàng vạn y bác sĩ, nhân viên y tế và các tình nguyện viên chống dịch chung tay thắp lên trong suốt mùa hạ qua.
Phạm Tùng Lâm - TP. Thủ Đức
Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, những người vô gia cư, những mảnh đời lang thang cơ nhỡ trên khắp thành phố đã quá quen thuộc với hình ảnh chiếc xe cub và sọt bánh của một chàng thanh niên mặc áo sờn, mang dép tông, đi khắp các con hẻm Sài Gòn để chia sẻ vài ổ bánh mì, dăm cái khẩu trang cùng nhu yếu phẩm cần thiết cho những người nghèo khó.
Chàng trai ấy là Phạm Tùng Lâm, 30 tuổi, làm nghề thiết kế đồ gỗ nội thất tại thành phố Thủ Đức, thường được nhắc tới với một biệt danh bình dị, mộc mạc, đậm chất Nam Bộ: “Lâm ống húc”. Tuổi thơ của Lâm là những tháng ngày cơ cực gắn với những hoàn cảnh khó khăn trên vỉa hè thành phố. Ba mất sớm khi Lâm mới 11 tuổi. Từ đó, Lâm vật lộn mưu sinh với chiếc bao tải trên lưng, bới thùng rác hoặc lội kênh nhặt ve chai. Những ổ bánh mì bẻ đôi dằn bụng khi đói nhận từ bác xe ôm, những chai nước mát của cô hàng nước ven đường hay những đứa trẻ lượm ve chai chia sẻ cho nhau những thứ kiếm được trong ngày khiến Lâm luôn quý trọng cái nghĩa tình của người với người giúp nhau khi hoạn nạn.
Ngày 4.7 vừa qua, ông nội của Lâm đi lạc. Lang thang tìm ông trên phố giữa mùa dịch, Lâm chợt nhận ra trong những ngày này, có rất nhiều người cơ nhỡ bơ vơ trên vỉa hè. Họ cũng là ông bà hay cha mẹ của ai đó. Họ đang không có chốn để về hay đơn giản là bị kẹt lại thành phố vì giãn cách. Trong những ngày này, họ sẽ ăn gì và biết đi đâu?
Sau khi tìm được ông, Lâm quyết tâm đi làm thiện nguyện để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong mùa dịch. Được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, mỗi ngày, Lâm rong ruổi đi phát khoảng gần 200 phần quà cho những người nghèo khó. Dù nắng hay mưa thì hàng ngày, chiếc xe cũ kỹ cùng lỉnh kỉnh những sọt và giỏ của Lâm vẫn lăn bánh trên các con hẻm của Sài Gòn, vì Lâm biết chắc một điều rằng vẫn có những gương mặt khắc khổ quen thuộc mỗi ngày đang chờ Lâm ở dưới mái hiên đó, ở góc phố đằng kia…
Dù chỉ bình dị là ổ bánh mì, chai nước hay lọ dầu gió; nhưng những sẻ chia từ đôi bàn tay sạm nắng của một chàng thanh niên có tuổi thơ cơ cực đã cùng góp sức thắp lên ngọn lửa của lòng trắc ẩn và nghĩa đồng bào trong những tháng ngày cả thành phố căng mình chống dịch. Và những chuyến xe yêu thương chở ắp tình người của Lâm đã rong ruổi khắp Sài Gòn qua một mùa hạ như thế.
Chỉ có ánh sáng mới có thể xua tan bóng tối. Chỉ có tình người và nghĩa đồng bào mới có thể giúp ta vượt qua những ám ảnh và nỗi sợ hãi trong một cuộc chiến khốc liệt để xóa bỏ ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, giữa trạng thái tiếp tục vận động một cách bình thường hay đứng yên.
Mùa hạ năm nay, Sài Gòn đã chứng kiến hàng triệu bàn tay thắp lửa xua tan bóng tối bằng những hành động nhỏ bé nhưng phi thường từ những con người bằng xương bằng thịt như bác sĩ Hùng, bác sĩ Khải, tình nguyện viên Hà Nhi hay chàng trai “Lâm ống húc”…
Cùng với những quyết sách quan trọng của Chính phủ, thay đổi căn bản trạng thái chống dịch từ “Zero COVID” sang “Back To Basics”, những ngày cuối tháng 9, dịch bệnh tại TP. HCM đã dần được kiểm soát. Chiến dịch tiêm chủng vaccine và xét nghiệm diện rộng được đẩy nhanh tốc độ. Số ca mắc mới và tử vong đang có chiều hướng giảm. Số ca đã điều trị khỏi, đủ điều kiện xuất viện bắt đầu có chiều hướng tăng.
Từ ngày 27.9, nhiều địa bàn trên thành phố đã bắt đầu tháo gỡ rào chắn phong tỏa nội ô, các giàn giáo, khung sắt ở các khu dân cư. Hàng rào dây thép gai bắt đầu nhường chỗ cho nhịp sống bình thường hồi sinh trong từng con hẻm. TP. HCM đã sẵn sàng bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt trong trạng thái bình thường mới, sẵn sàng nới lỏng hoặc dỡ bỏ một số biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
TP. Hồ Chí Minh bắt đầu gỡ bỏ các rào chắn phong tỏa kiểm soát dịch COVID-19 tại nhiều khu dân cư.
Ảnh: Ngọc Lê - Thanh Chân
Rồi một mai, ước muốn được hòa mình vào cuộc sống tươi đẹp qua khung cửa sổ buồng bệnh của nữ bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 số 12 kể trên sẽ thành sự thật. Nhịp sống TP.HCM – Sài Gòn sẽ được khôi phục trở lại vẹn nguyên, bình yên, sôi động những thanh âm và rực rỡ sắc màu. Các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ được về nhà. Những tình nguyện viên chống dịch sẽ quay lại với công việc thường nhật. Những câu chuyện hàn huyên bất tận về một thành phố bao dung, hào sảng và nghĩa tình sẽ trở lại bên những ly ca phê sữa đá của người dân thành phố. Khúc ca khải hoàn của một cuộc chiến khốc liệt với kẻ thù vô hình sẽ được vang lên trong một ngày gần nhất. Nhưng ở thời điểm hiện tại, hoa vẫn đang nở trên mảnh đất phương Nam nhiều nắng này.
Day dứt, ám ảnh nhưng kiêu hãnh và tự hào. Và Sài Gòn của tôi đã đi qua một mùa hạ như thế!
Nội dung: Nguyễn Tuấn Anh
Ảnh: Khánh Linh, Anh Tú
Video: Khánh Linh, Anh Tú, Nguyễn Ly
Thiết kế: Hoàng Minh, Duy Hưng
Kỹ thuật đa phương tiện: Hoàng Minh