Font

Từ bán đảo Thủ Thiêm nhìn về phía thành phố, ngày qua ngày, khi hoàng hôn buông xuống và những bon chen thường nhật loang dần vào bóng tối, có một Sài Gòn rất khác. Một Sài Gòn hào hoa, rộn rã, mang dáng dấp và nhịp sống đô thị của một trong những thành phố hiện đại, năng động bậc nhất Đông Nam Á. Nhịp sống Sài Gòn đêm hiện lên rõ nét qua những dải đèn màu trên các tòa cao ốc cùng những vệt sáng di chuyển đan xen khắp các con phố. Một khu phố Tây Bùi Viện – Phạm Ngũ Lão với những thanh âm phóng khoáng. Một phố đi bộ Nguyễn Huệ tấp nập, dìu dặt nói cười. Một “Bến Thành street food” rộn rã mùi hương ẩm thực đặc trưng của cả ba miền. Một Công trường Công xã Paris bập bùng tiếng đàn accoustic và những câu chuyện hàn huyên bất tận của những người trẻ. Những bước chân tất bật của người lao động dịch vụ, bán hàng rong. Những cuộc đời vội vã, đến rồi đi, nhẹ nhàng nhưng hối hả như chính nhịp thở của thành phố sôi động này. Nhịp sống Sài Gòn đêm đặc trưng bởi sự dung nạp đa dạng các nét văn hóa, ngôn ngữ, lối sống khác nhau, náo nhiệt những thanh âm và rực rỡ sắc màu, từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.


Nhưng đó chỉ là nhịp sống Sài Gòn đêm trước khi biến chủng Delta của virus SARS-COV-2 hoành hành trên mảnh đất phương Nam này.

Nhịp sống Sài Gòn đêm.
Ảnh: Georgios Domouchtsidis (Unsplash License)



Sài Gòn đã đi qua một mùa hạ mưa dầm dề, phố đêm lác đác người qua vội vã dưới ánh đèn vàng hiu hắt và loang loáng vệt sáng đỏ xen lẫn tiếng còi hụ của xe cứu thương. Vẫn những con phố ấy, vẫn những dải đèn trên cao ốc ấy nhưng nhịp sống Sài Gòn đêm trong những ngày này thật lạ lẫm. Sự hối hả của Sài Gòn đêm vốn có giờ đây lại dồn vào những nỗ lực giành giật lấy hơi thở cho người dân trước lằn ranh sinh tử. Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư không những gây xáo trộn, đảo lộn toàn bộ nhịp sống của thành phố vốn là đầu tàu kinh tế của cả nước mà còn tạo ra những ám ảnh day dứt với những con người đang sinh sống tại mảnh đất này.

Những người còn đang được ở trong nhà, được đầy đủ, được đoàn tụ với gia đình thì đó là một điều rất hạnh phúc. Mình cần phải trân trọng từng giây từng phút nếu mình còn hơi thở, mình còn được sống và được khỏe
Font

Nguyễn Thị Hà Nhi

Có lẽ rất nhiều năm sau nữa, cô gái trẻ 9x Hà Nhi sẽ không thể nào quên được vùng ký ức về một mùa hạ ám ảnh cùng những giọt nước mắt chỉ biết nuốt vào trong khi tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của một cuộc chiến với kẻ thù vô hình, một kẻ thù biết tên nhưng không biết mặt. Nguyễn Thị Hà Nhi, 25 tuổi, quê ở Bình Phước, sinh sống tại Sài Gòn, tham gia tình nguyện chống dịch theo một cách đặc biệt: thu lượm tử thi, lái xe đưa những người không quen biết tử vong vì COVID-19 từ thành phố tới điểm hỏa táng Bình Hưng Hòa.


Trước khi lực lượng quân đội được giao nhiệm vụ lo hậu sự cho những bệnh nhân tử vong vì dịch bệnh, một ngày làm việc của Nhi cùng nhóm tình nguyện viên bao gồm cả cậu em trai 20 tuổi bắt đầu từ trưa tới tối. Mùa hạ năm nay của Nhi là những mảnh ghép mơ hồ với hình ảnh liêu xiêu của những ngôi nhà nằm sâu trong các con hẻm vắng, vàng vọt ánh đèn khuya. Những cung đường quen thuộc đến rợn người từ thành phố tới trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa. Những gia đình mất cùng lúc 2-3 thành viên. Một người trẻ ra đi lạnh lẽo ngay trong nhà trọ nhưng hai ngày sau mới được phát hiện… Một sự thật khủng khiếp quá sức chịu đựng so với những trải nghiệm thánh thiện của một cô gái đang tuổi thanh xuân.


Giọt nước mắt xót thương cho những kiếp người rồi cũng sẽ khô. Những chuyến xe sinh tử rồi cũng sẽ phải chuyển hướng. Hà Nhi có sợ không? Sợ chứ! Bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, dù mãnh liệt cháy bỏng đến bao nhiêu cũng không thể trả lời được câu hỏi nếu chẳng may mình hay đồng đội bị nhiễm thì không biết sẽ ra sao và liệu mình có thể duy trì được công việc tình nguyện này đến bao giờ. Chỉ có nghĩa đồng bào và tình người mới có thể giúp cô gái trẻ 9x mạnh mẽ và nghị lực, tự nguyện đồng hành cũng những vòng bánh xe vô thường, vượt lên trên những ám ảnh để tiếp tục lan tỏa những giá trị nhân văn trên các con hẻm của Sài Gòn đêm.


Cuộc sống vô thường quá! Giàu sang tiền tài, danh tiếng địa vị, lúc này thật sự vô nghĩa. Điều quan trọng và quý giá nhất chính là được ở bên người thân, được thấy họ bình an khỏe mạnh, được cùng họ ăn những bữa cơm thiếu thốn đủ thứ gia vị... Những ai đang còn được tận hưởng những điều này, hãy nhắc nhở bản thân cảm thấy biết ơn từng thứ mỗi ngày, bởi vì bạn chính là 1 trong những người thật sự may mắn
Font

Nguyễn Thị Hà Nhi

Sinh viên rời ký túc xá ĐHQG TP HCM để lấy chỗ làm trung tâm cách ly và bệnh viện dã chiến.

Ảnh: Anh Tú - Chân Phúc



Rào chắn được dựng lên để phong tỏa khu vực có chùm lây nhiễm tại phường An Lạc quận Bình Tân.

Ảnh: Anh Tú - Chân Phúc



Một bệnh nhân được vận chuyển tới cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 trong đêm.

Ảnh: Anh Tú - Khánh Linh



Nét lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt người dân trong khu cách ly - phong tỏa.

Ảnh: Anh Tú - Chân Phúc



Trước khi xảy ra biến cố cả 8 thành viên trong gia đình bị dương tính và 3 người mất do COVID-19, trong suy nghĩ của Giang Chí Huy (ngụ tại quận 3), căn bệnh này cũng chỉ giống như cảm cúm thông thường. Nhưng mọi chuyện hoàn toàn đảo lộn vào một ngày đầu tháng 7 khi trong nhà có người bị sốt cao, gia đình Huy gọi y tế phường xuống kiểm tra và kết quả là tất cả các thành viên đều dương tính.


Kể từ hôm đó, gia đình Huy ly tán mỗi người một nơi và có những người bước ra từ cuộc chia ly ấy sẽ không bao giờ về lại nữa. Huy được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Số 3. Nằm trong bệnh viện dã chiến, Huy hay tin cha và em được đưa vào bệnh viện Trưng Vương. Em nhỏ hai tuổi không có người thân bên cạnh chăm sóc bởi cha của Huy đang phải thở ô xy và lọc máu, còn mẹ thì đang hôn mê. Với Huy, những giây phút trầm tư một mình trên sân thượng bệnh viện dã chiến và quyết tâm phải vượt qua bằng được để giúp đỡ cha mẹ chăm sóc các em, sẽ mãi là khoảnh khắc day dứt, ám ảnh về mùa hạ năm nay.


Ngày qua ngày, Huy chứng kiến số bệnh nhân nhập viện và những bệnh nhân chuyển nặng tăng dần. Những người bệnh khi vào viện chỉ có một mình và trong số đấy, có những người trở về ngôi nhà cũ với hình hài của một hũ tro cốt lạnh lẽo. Sau một thời gian vật lộn với căn bệnh đáng sợ này cùng những lo lắng cho tình trạng sức khỏe của người thân, ngày Huy nhận được kết quả xét nghiệm âm tính tại Bệnh viện Dã chiến Số 3 cũng là ngày Huy nhận tin cha mình không qua khỏi vì COVID-19.




Sự ra đi cô độc của người cha, mặc cảm ân hận khi không thể làm gì để chăm sóc người thân lúc hôn mê nguy kịch khiến Huy quyết định xin ở lại viện khi đã khỏi bệnh, làm tình nguyện viên để hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhân không quen biết với tâm niệm: họ cũng giống như người thân của mình, họ cũng cô đơn giống như cha mẹ mình vậy.


Cô đơn. Lo lắng. Đó là tâm trạng chung của những F0 tại các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19. Với chị Đ.T.T. sinh năm 1981 – bệnh nhân điều trị tại bệnh viện dã chiến số 8 (đã được xuất viện) nỗi ám ảnh lại đến từ tiếng còi xe cấp cứu ra vào bệnh viện trong đêm. Với chị T., mỗi hồi còi, mỗi chuyến xe như vậy không chỉ gắn với sinh mệnh của một bệnh nhân giống như chị mà còn dấy lên một nỗi hoang mang, lo sợ; không biết sáng mai, liệu mình có tỉnh giấc giống như mọi lần không, liệu bệnh tình của mình có trở nặng hơn không, liệu mình có bị các bác sĩ bỏ quên không? Áp lực tâm lý thêm một lần nữa đè nặng lên những F0 mà với họ, dường như chỉ thở thôi cũng đã rất khó khăn.


Mode of transport, Automotive lighting, Motor vehicle, Tire, Wheel, Car, Grille

Những chuyến xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 trong đêm.

Ảnh: Anh Tú - Chân Phúc.  

Đồng cảm với những tâm sự của người bệnh do có một khoảng thời gian ở cùng các F0, bác sĩ Trần Công Khải – Bệnh viện Dã chiến Số 2, người từng bị phơi nhiễm COVID-19 trong quá trình điều trị bệnh nhân nhưng vẫn quyết bám trụ tuyến đầu chống dịch sau khi khỏi bệnh biết chắc chắn một điều rằng nhân viên y tế sẽ không bao giờ bỏ quên bệnh nhân.


Nhưng anh lại có những nỗi băn khoăn khác. Đó là những ám ảnh về lằn ranh sinh tử, ám ảnh về sự bất lực mỗi khi anh và đồng đội, dù đã làm hết sức nhưng không thể níu giữ được mạng sống của các bệnh nhân nặng. Vẫn biết rằng, dịch bệnh rồi cũng sẽ qua và người làm nghề y phải giữ được cái đầu lạnh trong khoảnh khắc quyết định của mỗi tình huống điều trị. Nhưng chắc chắn rằng, với bác sĩ Khải, mùa hạ năm nay sẽ là một vùng ký ức khó phai trong suốt quãng đời y nghiệp của mình.


Với 15 ngày cắm chốt tại khu K1 – Bệnh viện Hùng Vương để ghi lại những thước phim tư liệu chân thực về cuộc chiến chống COVID-19 nơi tuyến đầu, phóng viên quay phim Kiều Viết Phong (Đài Truyền hình Việt Nam) đã tận mắt chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, ranh giới khắc nghiệt của sự hữu hạn trong những nỗ lực không mệt mỏi để giành giật lấy hơi thở của bệnh nhân trước sức tàn phá khốc liệt của virus SARS-COV-2.


Những hình ảnh lay động lòng người đã được phát trên sóng truyền hình quốc gia; nhưng với Phong, mỗi lần xem lại sẽ không dám thả cảm xúc vào đó. Ám ảnh lớn nhất đối với Phong trong những ngày tác nghiệp tại bệnh viện Hùng Vương là cuộc hội ngộ của hai cha con bệnh nhân sau hơn nửa năm xa cách ngay tại bệnh viện.


Đêm hôm đó, các bác sĩ trong khu K1 đã dùng mọi biện pháp nhưng không thể níu giữ được mạng sống của một nữ bệnh nhân mắc COVID-19. Khi nhận được thông báo, người cha đang ở khu cách ly xin vào khu điều trị với mong muốn được gặp con lần cuối sau nhiều ngày xa cách, nhưng rồi cũng chỉ được nhìn con gái qua những hình ảnh trên điện thoại do bác sĩ chụp lại vào thời điểm con đang tập thở. Những bánh kẹo, quần áo, tư trang, kỷ vật của bệnh nhân được trao lại cho người nhà. Những giọt nước mắt trên gương mặt khắc khổ cùng cơn co giật trên cơ thể già yếu của người cha. Cuộc hội ngộ vô tình lại trở thành một cuộc chia ly sững sờ, bàng hoàng, không hẹn trước.


Điện thoại di động - Kỷ vật của những bệnh nhân đã mất vì COVID-19 tại bệnh viện dã chiến số 16.

Ảnh: Anh Tú - Khánh Linh



Nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến Số 16 sắp xếp, phân loại kỷ vật của các bệnh nhân đã mất để trao lại cho người nhà.

Ảnh: Anh Tú - Khánh Linh



Anh Trương Minh (quận 1) cùng con trai đến viện nhận lại những món đồ mà người vợ quá cố để lại.

Ảnh: Anh Tú - Khánh Linh



“Khi đến đây cảm giác của tôi rất nặng nề, nhận lại đồ mà cảm thấy thêm đau lòng". Anh Minh Đức (quận 10) chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động.

Ảnh: Anh Tú - Khánh Linh



Hoàng hôn Sài Gòn – Khoảnh khắc chuyển giao giữa ánh sáng tự nhiên và những vùng sáng nhân tạo, đánh dấu sự chuyển mình, sự khởi đầu của nhịp sống Sài Gòn đêm; trong những ngày hạ năm nay lại trở thành một thời khắc ám ảnh với những con số thống kê tăng vọt về số ca nhiễm và số ca tử vong. Từ ngày 9.7.2021, số ca nhiễm tại thành phố vượt mốc 4 con số, liên tục tăng trong nhiều tuần liên tiếp. Những ngày cao điểm, trung bình mỗi giờ đồng hồ, có tới 10 người dân thành phố không vượt qua được lằn ranh sinh tử để níu giữ hơi thở cuộc sống.


Gesture, Font

Mùa hạ năm nay, Sài Gòn đã phải đối diện với một cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ sự an toàn của mỗi người dân thành phố. Cuộc chiến với với một kẻ thù biết tên nhưng không biết mặt cùng những làn đạn vô hình mà không ít thương vong.


Và ở trên những tầng cao kia, bên trên những hẻm phố vàng vọt đèn khuya hiu hắt, nơi những ô cửa bệnh viện dã chiến, đèn vẫn sáng thâu đêm - Những đốm lửa của nhịp sống Sài Gòn đêm vẫn được thắp lên, bao dung và kiêu hãnh.

Nội dung: Nguyễn Tuấn Anh

Ảnh: Khánh Linh, Anh Tú, Chân Phúc, Thanh Vũ

Video: Khánh Linh, Thùy Linh, Anh Tú

Thiết kế: Hoàng Minh, Duy Hưng

Kỹ thuật đa phương tiện: Hoàng Minh