Lao Động
Lao Động eMagazine

Đoạn trường tìm kiếm hạnh phúc của cô gái từng là “con trai một” trong nhà

Đoạn trường tìm kiếm hạnh phúc của cô gái từng là 'con trai một' trong nhà
Đoạn trường tìm kiếm hạnh phúc của cô gái từng là 'con trai một' trong nhà
3 lần công khai giới tính và cái “gật đầu” từ bố mẹ

Lê Đạt (1997, Hải Phòng) sinh ra là con trai duy nhất trong gia đình. Cũng giống bao bậc cha mẹ khác, cha mẹ Lê Đạt mong muốn con lớn lên sẽ trở thành một người đàn ông thực thụ, lấy vợ sinh con “nối dõi tông đường”. Nhưng không, tạo hoá trêu ngươi, từ hồi lên 5, lên 6, Lê Đạt đã tự nhận ra sự khác biệt giữa mình và những cậu con trai cùng lứa. Ở tuổi 15, có sự rung động với những bạn con trai khác, cậu càng chắc chắn một điều: “Mình phải là con gái”.

Và Lê Đạt, chính là Ngọc Hà sau này. Năm lớp 11, Ngọc Hà thừa nhận và thẳng thắn nói với bố mẹ rằng mình muốn làm một người con gái. Bố mẹ sốc, vì chưa một lần nghĩ cậu con trai duy nhất lại là muốn làm một cô gái thực thụ. Hồi bé, thấy con thích chơi búp bê, chơi đồ hàng với các bạn nữ, với bản tính chiều chuộng, bao bọc bố mẹ Hà chỉ nghĩ, sau này lớn lên con mình sẽ khác. Đó là lần đầu tiên Ngọc Hà công khai, khi đã chuẩn bị tâm lý có thể sẽ bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà.

Lê Đạt lúc nhỏ

Hà kể, ý định của cô là khi tốt nghiệp cấp 3 mới công khai nhưng vì cảm thấy bố mẹ kì vọng và muốn cô phải sống như một người đàn ông khiến cô không thể chịu được nữa và buộc phải nói ra. Một lần, hai lần bố Hà vẫn gay gắt như lần đầu. Duy chỉ có bà nội – người từ bé nuôi nấng Hà đã phát hiện ra từ lâu. Khi nói với bà, bà chỉ nói: “Hồi nhỏ, mày hay chơi búp bê, giống con gái, bà đã biết lớn lên mày sẽ không bình thường như các bạn”. Nhận được sự cảm thông từ bà, cũng là động lực cho Hà. “Hồi đó, được bà ủng hộ cũng là niềm an ủi đối với mình. Bố mẹ chưa đồng ý nhưng ít ra vẫn còn bà” , Hà nói .

Quãng thời gian sau khi công khai, bố mẹ nhìn Hà như không còn tồn tại, không quan tâm, không nói chuyện dù chỉ một câu. Chỉ khi bố say rượu, bố mắng, tại sao mẹ lại đẻ ra một đứa con như Hà và còn cả những điều cay nghiệt hơn nữa.

Cô nghe hết, nước mắt rơi quá nhiều nhưng đau khổ hơn cả là còn chứng kiến cả những giọt nước mắt của mẹ, của cha. Sự tủi nhục vì bà mụ nặn nhầm, cảm thấy bất hiếu với cha mẹ khiến Hà đã hơn một lần muốn tìm đến cái chết. “Nhiều khi mình cảm giác không muốn sống như vậy nữa. Lúc nào cũng đau đáu xã hội nghĩ ra sao, bố mẹ nghĩ như thế nào? Đáng lẽ gia đình là nơi mình có thể tựa vào nhưng khi đó lại là nơi khiến mình mệt mỏi, không biết tựa vào ai. Rồi cả hàng xóm, họ hàng, họ chỉ chỏ nói mình “Tại sao con trai lại trang điểm, nuôi tóc dài”?, “Nó là con trai làm như vậy không sợ bố mẹ xấu hổ à?”, “Bê đê là nỗi ô nhục, phải em em bỏ coi như không sinh ra nó”… Những câu nói cay nghiệt ấy tác động đến bố mẹ càng khiến họ khó có thể chấp nhận mình” , Hà không khỏi tủi thân khi nhớ lại.

Chính điều đó cũng khiến quãng thời gian đi học của Hà chìm trong nước mắt, khi cô “nổi tiếng” khắp trường là “đồ bê-đê”. Bị bạn bè lột đồ, đánh đập, Hà vẫn không dám hé răng nửa lời với bố mẹ vì “nói ra lúc đó còn sợ bị bố mẹ đánh hơn”.

Một thời gian sau khi tốt nghiệp, Hà bắt đầu trang điểm, mặc váy để đi ra đường như một người con gái thực thụ. Cô bắt đầu đi biểu diễn với nhóm những người bạn chuyển giới khác. Người ta vẫn bàn tán, có người nhìn thấy vẫn mách với bố mẹ, nhưng rồi bố mẹ Hà quen dần.

Cho tới lần thứ 3, sau 3 năm đấu tranh, Hà nói với bố: “Bố cứ để con làm con gái đi. Con vẫn sẽ cho bố mẹ một đứa cháu” . Sau câu nói của Hà, bố dần nguôi ngoai và hiểu được niềm khao khát trong Hà lớn đến như thế nào. Dù có là ai, giới tính ra sao nhưng sâu thẳm bố mẹ nào cũng thương con. Hà từng chứng kiến cảnh mẹ rơi nước mắt, nói những câu tận đáy lòng: “Nó mới là đứa khổ nhất. Sau như vậy nó có ai bên cạnh được? Nó là con ông đấy” . Dần dần, mẹ bắt đầu mua tặng Hà những chiếc áo ngực, còn bố thì tặng dây chuyền, vòng cổ. “Cảm giác ngồi sau xe bố trong hình dáng là một người con gái, mặc váy thướt tha để đi làm thẻ căn cước, cả đời Hà sẽ không bao giờ quên. Cảm giác sau bao ngày tháng mình đấu tranh, đã được gia đình chấp nhận hoàn toàn có lẽ sẽ không thể nào quên” , Ngọc Hà nói.

Lê Đạt cùng bạn bè
Được sống là chính mình khi bố mẹ luôn ở bên

Được thoải mái mặc những bộ váy lộng lẫy, mong muốn trở thành một người con gái thực thụ càng thôi thúc Hà phải quyết tâm thực hiện ước mơ. Cô bắt đầu tìm hiểu về tiêm hoocmon nữ khi chưa đủ chi phí để chuyển giới. Khi đó, các cơ sở tiêm hoocmon còn quá ít, nguồn hoocmon cũng chưa thể bảo đảm nhưng Hà vẫn quyết định tiêm chui. Sau lần tiêm đầu tiên, những thay đổi của cơ thể Hà chưa quá rõ ràng nhưng cũng không thể qua mắt được mẹ. “Con tiêm hoocmon rồi phải không?” , mẹ Hà hỏi. Khi đó, Hà thừa nhận: “Vâng, nhưng tiêm chui mẹ ạ…”. Muốn con gái được sống là chính mình, mẹ Hà đã nhờ cô bạn thân làm y tá tiêm cho con gái. Những lần đầu, mẹ ngồi cạnh động viên để cô đỡ sợ.

Thuốc của người chuyển giới

Cảm giác nắm chặt tay mẹ khi đưa mũi tiêm vào người vẫn khiến Hà không thể kìm được nước mắt và mẹ cũng khóc. “Những lần tiêm, mình khóc, không hẳn vì đau mà còn vì cảm thấy thương bố mẹ, thấy mình bất hiếu khi không thể làm tròn trách nhiệm làm con. Cả cảm giác tủi thân, tại sao mình phải khổ như vậy. Người ta sinh ra đã là con gái hoàn hảo rồi còn mình sao phải mạo hiểm đau đớn như vậy. Nếu bà mụ nặn mình là con gái thì mình đã không phải chịu kiếp “thân sâu hồn bướm”. Nhưng rồi lại nghĩ tới lần đầu tiên mặc váy, khi còn là một đứa con trai, mình đã cảm thấy mình phải là một cô gái, mình thật sự sẽ là một cô gái”, Hà kể.

Sau khi tiêm hoocmon, Hà yếu đi trông thấy, mẹ là người bên cạnh bồi bổ, chăm sóc cô. Dần dần cơ thể có những thay đổi rõ rệt, Hà tâm sự với mẹ, vốn là một người phụ nữ, mẹ Hà đều hiểu. Khi đã ra dáng một người con gái cũng là lúc Hà được đi chúc Tết, thoải mái đi chơi cùng bố mẹ mà không còn giấu giếm hay xấu hổ.

công việc thường ngày của Lê Đạt

Được sự ủng hộ từ bố mẹ, Hà mạnh dạn tham gia cuộc thi nhan sắc dành cho người chuyển giới. “Năm đó thi, bố mẹ hỗ trợ mình nhiều lắm. Mẹ Hà chuẩn bị cho từng bộ quần áo, váy vóc. Bố là người buôn bán ở chợ nên đã kêu gọi rất nhiều người là: “Anh chị bình chọn cho con gái em nhé”.

Hôm đóng cổng kết quả bình chọn, bố đang nằm viện đã một tay cầm chai nước truyền, một tay cầm điện thoại để kêu gọi mọi người bình chọn. Mẹ cũng vậy, đi khắp nơi để nhờ mọi người. Mặc dù mình không chiến thắng vòng bình chọn nhưng lại chiến thắng ở giải cao nhất, trở thành Nữ hoàng chuyển giới năm 2018. Khi đó, gọi điện về, bố mẹ vỡ oà: “Chúc mừng con gái. Con làm bố mẹ tự hào quá!”. Câu nói của bố khiến mình còn hạnh phúc hơn rất rất nhiều. Mình hiểu được sau hành trình đầy nước mắt, đã có lúc bố mẹ tự hào về mình”, Hà kể trong hạnh phúc.

công việc thường ngày của Lê Đạt

Cũng chính vì thương con, dù đã chấp nhận Hà là một người con gái nhưng bố mẹ không muốn Hà thực hiện phẫu thuật chuyển giới vì sợ con sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng với Hà, việc được bố mẹ chấp nhận đứa con trai bỗng dưng biến thành con gái lớn hơn tất cả, cô chấp nhận những rủi ro không thể lường trước, thậm chí là đánh đổi bởi mạng sống: “Nếu chẳng may mình chết mình vẫn chấp nhận đánh đổi. Nếu chết đi với hình hài một người con gái mình vẫn hạnh phúc. Nếu có điều tiếc chỉ là chưa làm được gì cho bố mẹ mình thôi. Làm phụ nữ đau hơn, làm phụ nữ khổ hơn nhưng thật sự mình vẫn muốn làm phụ nữ”.

Không chỉ tiêm hoocmon, Hà phải làm quen với cả những viên thuốc nội tiết, vì phải uống nó hàng ngày, không được quên. Trải qua những đau đớn suốt 3 năm tiêm hoocmon, Hà vẫn thiếu cuộc phẫu thuật quan trọng nhất để trở thành người con gái hoàn thiện. 2 năm rời xa bố mẹ, tự lập trên Hà Nội, Hà làm đủ nghề từ trang điểm cho tới người mẫu ảnh, nhưng đó đều là những công việc cô yêu thích, vừa giúp cô kiếm thêm thu nhập. Cùng với sự hỗ trợ của bố mẹ, Hà đã lên kế hoạch và chuẩn bị tâm lý kĩ càng cho cuộc giải phẫu sắp tới. “Có thể tháng 9 này, mình sẽ đi làm phẫu thuật chuyển giới chính thức. Bố nói sẽ đi cùng mình, nếu không để bố đi cùng thì sẽ không cho đi nữa. Điều đó đã khiến mình yên tâm hơn rất nhiều. Bây giờ, mình nghĩ “Mình phải làm con gái” chứ không chỉ là “Mình sẽ là con gái” nữa. Dù xã hội ngoài kia vẫn còn những ánh nhìn xa lạ, những câu nói không thiện cảm nhưng về nhà, vẫn luôn có bố mẹ dang rộng vòng tay vỗ về, chỉ điều đó thôi cũng đủ khiến mình trở thành người con gái may mắn nhất cuộc đời này”.

Đi chợ mua bông

Sau khi trở thành một người con gái thực thụ, có thể Hà sẽ tiếp tục thử sức với một cuộc thi nhan sắc khác, nơi có thể giúp Hà thực hiện ước mơ đại diện cho người chuyển giới Việt Nam vươn ra thế giới. Và cũng giống như bao người con gái, đôi khi Hà muốn có một người đàn ông ở bên nhưng có lẽ do “duyên số chưa tới”. Chưa tìm được một người đàn ông có thể thấu hiểu và thông cảm chấp nhận mình, nhưng 8.3 sắp tới Ngọc Hà vẫn sẽ thật hạnh phúc, tự thưởng cho mình những bó hoa, những món quà để kỉ niệm ngày đặc biệt dành riêng cho những cô gái, đặc biệt là những cô gái mang vẻ đẹp của nước mắt và cả những nỗi đau.

Sinh hoạt trong cộng đồng

“Khi nhìn lại quãng thời gian trước đây, mình cảm thấy mình thật mạnh mẽ mới có thể vượt qua những cú sốc lớn như vậy. Nếu từ đầu mình sợ hãi và nói rằng mình không thể làm được thì có lẽ mình cũng sẽ chẳng bao giờ làm được. Mình rất mong câu chuyện của mình có thể góp phần để xã hội có cái nhìn thoáng hơn với người chuyển giới. Để họ có thể an tâm là dù cuộc sống còn có quá nhiều khó khăn thì vẫn còn gia đình, rất nhiều người quan tâm, chấp nhận để những người giống như mình được sống thật với giới tính, với con người của mình”.