Lao Động
Lao Động eMagazine

Gìn giữ văn hoá làng nghề truyền thống Hà Nội: Giữ hồn truyền thống với bánh chưng Tranh Khúc

Giữ hồn truyền thống với bánh chưng Tranh Khúc
Giữ hồn truyền thống với bánh chưng Tranh Khúc
Câu đối bánh chưng xanh

Từ xa xưa, bánh chưng không chỉ là món ăn mà còn là nét văn hoá lâu đời của người Việt mỗi dịp Tết đến. Những giá trị quý giá đó đã được người dân làng Tranh Khúc gìn giữ bao đời, đến nay vẫn luôn được duy trì và phát triển. Mỗi dịp Tết đến, người già, trẻ nhỏ trong làng đều hối hả gói bánh chưng. Những làn khói nghi ngút bốc lên từ nồi luộc bánh chưng, cùng mùi hương của lá dong, gạo nếp. Cứ như thế, năm nào cũng vậy, Tết luôn “gõ cửa” làng Tranh Khúc sớm hơn so với những nơi khác. Bánh chưng

Như một thông lệ, dịp cuối năm tại làng bánh chưng Tranh Khúc (thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại trở nên hối hả.

Đi từ cổng làng những ngày này, đâu đâu cũng thấy mùi hương từ gạo nếp, lá dong quyện với mùi thơm của đậu xanh, tất cả tạo nên một vị Tết rất đặc trưng. Cứ cách 2-3 nhà, lại có một lò bánh, ai nấy đều hối hả, tất bật để cho ra lò những mẻ bánh chất lượng nhất, nức tiếng làng Tranh Khúc. Không chỉ người làng hối hả, những chuyến xe đến làng để chở bánh đi để phân phối tới các địa phương cũng tấp nập hơn hẳn. Theo người dân Tranh Khúc kể lại, nghề gói bánh chưng của làng đã có từ lâu đời, nhưng phải mãi đến năm 1975, khi đất nước giải phóng, người dân nơi đây mới tập trung xây dựng và phát triển thành làng nghề.

Cũng giống như các gia đình khác trong làng, lò bánh nhà ông Nguyễn Văn Bảy đã đỏ lửa từ những ngày đầu tháng Chạp. Mỗi ngày, nhà ông Bảy gói trên dưới 1.000 chiếc. Càng dịp cận Tết, khối lượng bánh gói càng lớn, có khi phải làm xuyên trưa, ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng mới kịp mẻ bánh.

Không phải ngẫu nhiên mà bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng khắp nơi, bí quyết chính nằm ở sự tỉ mỉ, từ chính cái “tâm” của những người dân nơi đây. Ông Bảy kể lại, từ ngày xưa, ông bà gói bánh đã lựa chọn những nguyên liệu rất kĩ càng nên bây giờ con cháu vẫn theo như vậy. Đó vừa là bí quyết vừa là cách ứng xử, tiếp nhận văn hoá truyền thống từ ông cha để lại.

Ngày tết mâm cao cổ đầy nhưng không thể thiếu được cặp bánh chưng

Lá dong để gói bánh chưng Tranh Khúc phải là loại lá tẻ, bản to, màu xanh mướt, không bị sâu, rách. Lá thường được chuyển về từ vựa lá nổi tiếng Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội). Nếu lá chưa đẹp, chưa đủ thì phải đặt mua tận Nghệ An, Hà Tĩnh từ trước vài tháng. Gạo gói phải là loại ngon nhất, gạo nếp cái hoa vàng nếu không cũng phải là loại gạo nhung mua từ Hải Hậu, Nam Định.Thịt được lựa chọn là loại thịt sấn, nửa nạc nửa mỡ, ướp gia vị kĩ càng vừa đủ. Lá dong đẹp, gạo ngon, nhân bánh được ướp gia vị vừa đủ, tay người gói khéo thì bánh chưng ra lò mới xanh đẹp, dẻo bánh và ăn Tết mới không bị ngấy.

Đối với ông Bảy, công đoạn nào trong việc tạo nên một chiếc bánh chưng cũng đều quan trọng cả, không khâu nào quan trọng hơn hoặc kém khâu nào: “Ngày Tết dù mâm cao cỗ đầy đến đâu nhưng cũng không thể thiếu cặp bánh chưng được. Bởi vậy, mình làm bánh chưng phải thật vừa vặn. Gia vị nếm không tốt thì bánh sẽ không ngon.

Chiếc bánh chưng vừa đủ thịt, gạo vừa đủ mới không bị ngấy. Rồi công đoạn gói, nếu không chặt tay, bánh sẽ không vuông vức, đẹp mắt. Kể cả khâu luộc bánh cũng rất quan trọng, khi luộc chèn bánh không chặt, bánh sẽ không chín được, hoặc nhân bánh sẽ bị sống. Mỗi chiếc bánh đều phải tỉ mỉ kĩ càng như vậy đấy. Thế mới tạo nên bánh Tranh Khúc, được đem ra cả nước ngoài nữa đấy”.

Ông Bảy là người lớn tuổi nhất trong nhà. Ở cái tuổi 70, nhiều người đã lựa chọn nghỉ ngơi, an nhàn bên con cháu, thì đôi tay ông Bảy vẫn chưa dừng gói bánh. “Nghỉ ngơi làm sao được? Mình phải giữ cái nghề làm bánh truyền thống này cho con cháu chứ. Nhà tôi, một con trai và hai cô con gái cũng đều làm bánh chưng cả đấy. Làm nghề này vất vả nhưng ra lò được những chiếc bánh chưng đặt trên mâm cơm cúng của mọi nhà, mình cũng cảm thấy ý nghĩa hơn”, vừa gói bánh thoăn thoắt, ông Bảy vừa trò chuyện một cách hứng khởi.

Ông Bảy kể, từ năm 13 tuổi, ông đã bắt đầu học gói bánh từ bố. Cho tới khi có chiến tranh, công việc làm bánh của làng Tranh Khúc bị gián đoạn. Thời điểm đó, ông đi lính, rồi về lại tiếp tục công việc làm bánh. Chúng tôi hỏi, sao hồi đó về ông không làm công việc gì khác, người đàn ông tóc bạc trắng cười hiền hậu: “Làm việc khác sao được? Nhà mình, làng mình có nghề truyền thống bao lâu rồi thì việc gì phải đi chỗ khác làm. Làm bánh vừa tự do, thoải mái và hơn cả là phải giữ lấy cái truyền thống của nhà, của làng chứ”.

Những mảnh ghép của bánh chưng

“Dịp Tết, công việc bận lắm, nên nhà tôi phải thuê thêm người còn ngày thường, trong gia đình chia nhau, mỗi người một công đoạn”, nói xong một câu, người đàn ông 70 tuổi lại gói thêm được một chiếc bánh chưng để đưa cho người cháu gái ngồi buộc lạt. Ông Bảy gói bánh rất nhanh, chỉ tầm 15-30 giây là xong một cái. Ông kể không chỉ ông đâu, ai trong làng Tranh Khúc gói lâu năm cũng đều gói được như thế cả.

Tay thoăn thoắt, miệng hàn huyên, ông Bảy kể: “Kia kìa vợ tôi đấy, đâu phải người làng này, ngày xưa yêu chồng rồi cũng yêu luôn nghề nhà chồng. Cũng tuổi thất thập đến nơi rồi nhưng bà ấy cũng như tôi, gói bánh chưng thành cái nghề, cái nghiệp”.

Trên khoảng sân rộng rãi, cả gia đình ông Bảy, mỗi người một việc, hối hả nhưng lại kết hợp vô cùng nhuần nhuyễn. Mỗi công đoạn như xếp lá dong, cân đo thịt lợn, đồ đỗ, xát gạo, gói bánh, buộc bánh, luộc bánh đều được vợ, con dâu, con trai, cháu gái ông Bảy thực hiện nhanh gọn như một việc làm đã quá quen thuộc.

Đã 67 tuổi, 44 năm về làm dâu xứ lạ, bà Trần Thị Dung – vợ ông Bảy vẫn tỉ mỉ ngồi lau từng chiếc lá dong. Ngày ấy bỡ ngỡ từ nơi khác đến làng Tranh Khúc làm dâu, ý niệm của bà về gói bánh chưng còn mơ hồ.

“Lấy chồng từ năm 23 tuổi, 44 năm làm dâu cũng là 44 năm tôi gắn cuộc đời mình với bánh chưng Tranh Khúc. Nhớ ngày đó con gái tuổi đôi mươi còn bỡ ngỡ, kỉ niệm nhớ nhất chắc là lúc gói bánh chưng mãi mà vẫn méo mó, không thành hình, chồng tức quá, bỏ đi, thế là hai người giận nhau. Nhưng rồi từ lúc giận đó, tôi học nhanh làm giỏi.

Nói ra thì buồn cười nhưng đúng là yêu chồng, yêu luôn cả nghiệp nhà chồng, yêu luôn cả bánh chưng”, bà Trần Thị Dung hồi tưởng. Nhắc chuyện hồi xưa cũ, ánh mắt người phụ nữ sáng rỡ khiến những nếp nhăn trên gương mặt rám nắng chẳng còn nhắc người ta về cái tuổi gần 70 của bà.

Thỉnh thoảng, bà Dung ngơi tay bóp vai đấm lưng để đỡ mỏi nhưng mệt thì mệt, bà kể ở tuổi này, cứ thấy không khí Tết đến đầu ngõ là xua tan cái mệt. Mà đâu có nơi đâu Tết đến sớm như làng Tranh Khúc.

Vừa kể chuyện, chồng lá dong bà lau ngày càng chất cao thêm. Công việc đã thành thục đến độ vừa nói vừa làm, tay nhanh thoăn thoắt. Bà Dung đùa: “Khéo tôi chỉ là người đến sau nhưng yêu bánh chưng chả kém gì ông chồng tôi. Bánh chưng là nghề gia truyền của cha ông để lại. Tôi thấm tình yêu nghề từ đó vì nó còn tiếp nối giá trị truyền thống cả dân tộc chứ không gói gọn trong phạm vi một ngôi làng”.

Đi từ đầu làng đến cuối làng thấy người trung niên và người già làm là chính, phải chăng làm nghề như một thói quen. Khi được hỏi, rồi từ đây có khi nào mất nghề vì lớp trẻ được ăn học đủ đầy ngại khó ngại khổ, bà Dung bộc bạch, cũng giống như vợ chồng bà chọn nghiệp bánh chưng, sau này con cái, cháu chắt có thể chọn nghiệp này hay nghiệp khác, gia đình chưa bao giờ bắt ép.

“Nhưng chẳng hiểu sao, thâm tâm tôi vẫn chẳng lo mất nghề, mất nghiệp, mất gốc gia đình. Bởi con cháu cũng có đứa theo con đường riêng nhưng cũng có đứa thấm tình yêu nghề từ nhỏ. Cụ làm, ông làm, bố làm, mẹ làm và cứ thế con sẽ nối nghề, tu nghiệp. Không lúc nào có thể mai một được, tôi luôn tin là thế”, niềm tin của người phụ nữ ấy có lẽ chính là cách hướng nghiệp tốt hơn vạn lời.

Và minh chứng cho điều đó là chị Phạm Lan Hương - nàng dâu cả của bà Dung. Chị Hương cũng về làm dâu xứ lạ. 21 năm làm dâu cũng là 21 năm nối nghề.

“Lúc đầu về nhà chồng thấy có nghề gói bánh chưng tôi thích lắm vì lạ. Lạ vì ở quê tôi đến Tết mới có bánh chưng còn ở đây ngày ngày là Tết - là mùi gạo, mùi đỗ, mùi thịt lợn, mùi lá dong. Lạ là trong bữa cơm gia đình dù chẳng phải ngày Tết lúc nào cũng có bánh chưng thơm nức. Và lúc ấy tôi lạ nghề…”, chị Hương kể.

Những ngày đầu làm dâu của chị cũng dở khóc dở cười giống như một đoạn đường mà mẹ chồng chị đã đi qua. Lúc gói xấu méo mó và hồi còn phải nấu bánh chưng bằng bếp than, bếp củi, đã có lần chị mệt quá thiếp đi và cháy cả nồi bánh.

“Hồi đó, cách học nhanh nhất của tôi là nhìn. Lúc đầu có thể khó nhưng rồi trăm hay không bằng tay quen. Và khi tay quen rồi thì lại yêu. Không yêu sao gắn bó được hơn 20 năm trời”, chị Hương chia sẻ.

Đến những nàng dâu xứ lạ khi về còn thành quen, thành yêu làng nghề. Có lý do gì để mất nghề, mất nghiệp khi bánh chưng đã thành biểu tượng – tinh hoa ẩm thực đất Việt. Rồi từ đây, tin chắc rằng sẽ có thêm nhiều người con sẽ yêu mảnh đất đó, yêu bánh chưng và yêu luôn cả giá trị tinh thần và truyền thống. Khói nghi ngút bốc lên từ nồi luộc bánh chưng, mùi thơm ngọt của gạo nếp quyện vào lá dong. Có lẽ hương vị đó đã nuôi lớn và sẽ thấm vào tình yêu của những người con Tranh Khúc trước, nay và sau này.