Video: Cuộc trò chuyện cùng GS Nguyễn Thanh Liêm
PV: Cuối năm 2019, ông là 1 trong 2 người Việt được Tạp chí Khoa học châu Á (Asian Scientist) của Singapore vinh danh trong top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2019. Đã nhận được nhiều giải thưởng rồi, vậy sự vinh danh này có ý nghĩa với ông như thế nào?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Tôi nghĩ đó là một công nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp trong công tác nghiên cứu khoa học của tôi. Đó không chỉ là niềm động viên, động lực cho bản thân tôi mà nó là nguồn động viên cho tất cả những người làm khoa học Việt Nam. Điều đó chứng minh, các nhà khoa học Việt Nam đã đạt tới đẳng cấp quốc tế.
PV: Giới khoa học, y học thế giới có cái nhìn như thế nào về các nhà khoa học của Việt Nam thưa ông?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Trong những năm gần đây, cách nhìn của cộng đồng quốc tế về nghiên cứu khoa học Việt Nam cũng như về y học Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Trước đây, chúng ta làm được rất nhiều việc, trong nhiều lĩnh vực chúng ta đạt đến trình độ quốc tế, nhưng công tác nghiên cứu, xuất bản, công tác công bố lại ít được quan tâm. Những năm gần đây, việc xuất bản, công bố các công trình nghiên cứu khoa học của chúng ta trên tạp chí quốc tế đã tăng lên khá nhiều. Vị trí của Việt Nam từ nước ở vùng trũng của công tác nghiên cứu, công bố thì giờ chúng ta đã tiến khá xa.
PV: Trong thành tựu đó, ông là người đã góp phần quan trọng làm thay đổi cái nhìn của thế giới với khoa học Việt Nam?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Tôi nghĩ rất nhiều người đã làm nên điều đó. Tôi chỉ làm được một chút chút thôi, không đáng kể đâu. (cười)
PV: Có hàng trăm công trình nghiên cứu y khoa đồ sộ, đến thời điểm này, ông tâm đắc nhất với công trình khoa học nào của mình?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Trước đây, tôi làm về phẫu thuật nội soi. Có thể nói, tôi đã đưa phẫu thuật nội
soi của Việt Nam lên đẳng cấp quốc tế. Bệnh viện Nhi Trung ương khi đó trở thành trung tâm về phẫu thuật nội soi
tiên tiến nhất thế giới. Chúng ta đã làm nhiều kỹ thuật phức tạp, đóng góp nhiều kỹ thuật mới. Nhiều giáo sư,
bác sĩ trên thế giới đã đến Việt Nam để học tập và bản thân tôi được mời đến phẫu thuật trình diễn tại nhiều
nước có nền y tế tiên tiến.
Nhưng gần đây, 2 công trình mà tôi tâm đắc nhất là ghép tế bào gốc điều trị bại não và ghép tế bào gốc kết hợp
với giáo dục can thiệp cho tự kỷ. 2 bệnh này làm cho chất lượng cuộc sống của trẻ nhỏ bị ảnh hưởng đồng thời tác
động đến toàn bộ gia đình. Đây là một trăn trở rất lâu của tôi. Đến nay, nghiên cứu của chúng ta về sử dụng tế
bào gốc kết hợp với các phương pháp điều trị khác đã mang lại kết quả rất tốt. Đã mở ra hướng điều trị mới cho
các bé bị bệnh này.
PV: Giáo sư có thể chia sẻ những trường hợp cụ thể bệnh nhân sử dụng phương pháp này và có những chuyển biến tích cực?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Có những em bé từ lúc mất hoàn toàn tri giác, không cử động được thì giờ có thể đi
lại, tự xúc ăn được. Hay có trẻ bị tự kỷ sau khi sử dụng phương pháp điều trị ghép tế bào gốc, bố mẹ khoe với
tôi, cháu đi học lớp 2, là lớp trưởng, làm toán rất giỏi, chơi piano rất giỏi.
Gần đây, một bà mẹ nhắn tin cho tôi: “Bác ơi, Linh đã bắt đầu nhìn mẹ. Khi em gọi con đã quay lại nhìn mẹ trìu
mến, em đã khóc lên vì sung sướng”. Đó là một bệnh nhân bị viêm não, gần như không biết gì. Nhưng sau khi được
điều trị, cháu đã có những phản hồi tích cực. Đọc được tin nhắn đó của người nhà bệnh nhân, tôi vô cùng xúc
động. Chính những điều đó đã mang lại niềm tin không chỉ cho người bệnh mà còn cho cả những người thầy thuốc như
chúng tôi.
PV: Không phải công trình nào của giáo sư cũng được mọi người ủng hộ. Sau khi công bố nghiên cứu gen của người Việt, có rất nhiều ý kiến từ ngạc nhiên đến trái chiều, tiêu cực. Cảm xúc của giáo sư thế nào khi nhận những phản hồi đó?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Có những nghiên cứu gây tranh luận về mặt y học, khoa học. Tôi không có nhiều bận tâm lắm vì trong khoa học tranh cãi là bình thường. Nhưng với công trình nghiên cứu về gen, nó nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Nó không còn là sự tranh cãi về mặt khoa học nữa mà nó lan sang cả vấn đề xã hội. Người ủng hộ cũng nhiều, người chửi bới cũng nhiều, thậm chí là cả dọa dẫm nữa. Nhưng như vậy, chúng tôi lại thấy rằng, công trình nghiên cứu của mình có giá trị, khi thu hút sự quan tâm đông đảo của mọi người.
PV: Giáo sư có cảm thấy tự ái không?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Thực ra thì không tự ái nhưng cũng căng thẳng. Đối với công trình về gen Việt, có những ý kiến rất khiếm nhã, thậm chí là đe dọa. Đó là một sự áp lực. Có những lúc tôi buồn thật nhưng tôi nghĩ là họ không hiểu nên tốt nhất không nên tranh luận.
PV: Nghề y có nhiều rủi ro. Người ta có thể không nhớ đến hàng trăm công trình nghiên cứu thành công của giáo sư nhưng nếu chỉ một thất bại thôi người ta sẽ nhớ mãi. Giáo sư có lo lắng điều này không?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Rất rủi ro. Mình không làm thì bệnh nhân sẽ chết, một loại bệnh sẽ luôn luôn là nan y. Nhưng nếu làm, mà chỉ cần 1 sơ suất nhỏ thôi cũng có thể dẫn đến những bi kịch. Tôi đã từng chứng kiến, từng nghe, có những giáo sư đầu ngành trong tim mạch. Ông ấy đã có rất nhiều thành công, rất nhiều ca phẫu thuật cứu sống nhiều người. Nhưng chỉ một sai sót thôi, ông đã phải từ bỏ nghề của mình. Nên bác sĩ cũng áp lực lắm chứ.
PV: Vậy là giáo sư chấp nhận đối mặt với rủi ro?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Tôi chấp nhận rủi ro. Lý do tôi chấp nhận vì những bác sĩ như chúng tôi nghĩ đến người bệnh nhiều hơn là nghĩ đến danh dự cá nhân của mình. Một bộ phận người trẻ chỉ nghĩ làm sao để kiếm tiền nhanh
PV: Được biết giáo sư có một gia đình có con trai, con dâu đều làm ngành y. Điều này rất đặc biệt GS đã làm gì để nuôi dưỡng tình yêu nghề đối với cả gia đình?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Đối với con dâu thì có lẽ chỉ là tình cờ thôi. Còn con trai, trước đây, bạn ấy học công nghệ sinh học ở Úc. Ban đầu, bạn ấy không thích y nhưng khi được tôi đưa vào bệnh viện, xem các ca mổ, tiếp xúc bệnh nhân thì dần dần bạn ấy yêu thích và cảm thấy nghề của bố rất thú vị. Sau đó thì bạn ấy theo ngành y.
PV: Con trai của giáo sư có giỏi giang như bố mình không?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Tôi vẫn nói vui là con trai mình thông minh có thể hơn bố nhưng chăm thì chưa bằng bố. Tôi mong rằng cháu có thể kết hợp được sự thông minh và chăm chỉ.
PV: Giáo sư có dành thời gian và công sức để đào tạo các thế hệ kế cận?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Rất may mắn là thế hệ sau cơ bản đã tiếp thu và tiếp tục phát triển được những cái mà những thế hệ đi trước nghiên cứu, ứng dụng. Song tôi vẫn có điều băn khoăn khi một bộ phận nhỏ thế hệ trẻ hiện nay đang có tư tưởng là làm sao kiếm tiền nhanh mà thiếu đi đầu tư chiều sâu, chiều dài để làm nghiên cứu khoa học. Song tôi vẫn tin rằng nhiều em hiện nay có khát vọng lớn. Chúng ta sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định đẳng cấp của y học Việt Nam tại quốc tế.
PV: Một nhà khoa học giỏi, chưa chắc sẽ là một bác sĩ lành nghề và ngược lại. Vậy làm gì để có được cả 2 thứ như ông?
GS Nguyễn Thanh Liêm: Đúng là rất khó để có thể có cả 2 thứ đó. Làm bác sĩ giỏi thường bận bịu nên muốn làm được nghiên cứu thì phải cần cù. Nếu chỉ làm theo hợp đồng 8 tiếng/ngày thì không thể nghiên cứu được. Ngoài ra, muốn nghiên cứu được còn phải có phương pháp. Các trường đại học Việt Nam hiện nay chưa chú ý đến việc giảng dạy cho sinh viên phương pháp nghiên cứu khoa học.
Xin trân trọng cảm ơn GS!