“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” - câu khẩu hiệu dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ trường học nào trên cả nước. Đây cũng chính là hành trình và đích đến mà giáo dục Việt Nam đang hướng tới, để học sinh vui và hạnh phúc ở trường. Câu chuyện mà chúng tôi sắp kể - về những nhà giáo có “trái tim ấm và tinh thần thép”- sẽ là minh chứng cho việc, vì sao trong giáo dục rất cần những “trường học hạnh phúc”.
Bình minh trên bán đảo Cam Ranh đến sớm, mang theo vị mặn mòi của biển. Khi mặt trời vừa nhô lên đỏ rực, những đứa trẻ ở Khu đô thị căn cứ Cam Ranh (Khánh Hòa) í ới gọi nhau đến trường. Tiếng hát, tiếng cười con trẻ hòa trong tiếng gió.
Những em nhỏ nơi đây, mỗi người một tính cách, nhưng cùng chung một nỗi nhớ - nỗi nhớ người cha là lính đảo Trường Sa. Một điểm chung nữa, các em lớn lên trong sự yêu thương, dạy dỗ của những người “mẹ hiền”, ở ngôi trường mang tên Tiểu học và Trung học cơ sở Căn cứ Cam Ranh.
ột ngày tháng 8, giữa cái nắng bỏng rát miền biển, chúng tôi vượt ngàn cây số đến với Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Căn cứ Cam Ranh (nằm trong Khu đô thị căn cứ Cam Ranh, bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Cái nghĩa, cái tình của lần đầu gặp nhau nơi biển đảo thiêng liêng làm cho những trái tim xa lạ gắn kết. Các cô say sưa kể về những ngày đầu chập chững vào nghề, với bao nhiệt huyết, đam mê:
Đó là thời điểm 15 năm trước, khi ra trường, cô Đoàn Thị Lệ Thu đã xung phong lên dạy học ở bản Mít -một bản vùng biên giới của tỉnh Quảng Bình, trên dãy Tây Trường Sơn. Đường đến trường của cô ngày đó, một bên là vực, bên kia là núi. Dân bản thương cô giáo trẻ, đã dựng cho cái chòi ở bìa rừng. Những ngày đầu cô ở đó, không dầu và không đèn. Lớp học của cô cũng được dựng đơn sơ bằng tre tranh, mái lá. Hằng ngày, tiếng ê a đọc bài vang vọng giữa đại ngàn tĩnh lặng. Bộ đội biên phòng đi qua cảm phục, động viên cô giáo rằng: “Cô có tinh thần thép và trái tim rất ấm”.
Hay với cô Bùi Thị Nhung, vào những ngày tháng 9 năm 2011, cô rời quê Thái Bình theo chồng nhận quyết định ra công tác tại Bình Ba (một đảo nằm trong vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Ngày đầu ra đảo, cô làm quen với những con sóng cao hàng mét. Sóng lớn khiến con tàu nghiêng sang phải, ngả sang trái như con lật đật. Cứ thế, cô Nhung lênh đênh cả tiếng trên biển cùng con tàu gỗ, với những cơn nôn nao, trước khi đặt chân đến điểm trường trên đảo, mang theo ước mơ “gieo chữ” cho những đứa trẻ.
Còn tại thời điểm năm 1996, mỗi ngày, cô Vũ Thị Thanh Hương (quê Hưng Yên) đạp xe mấy chục cây số trên con đê hun hút gió để đến trường dạy học. Đều đặn, nắng cũng như mưa. Tưởng chừng con đê bao bọc dòng sông Hồng cũng biết nhớ nếu không được nghe tiếng xe đạp kẽo kẹt quen thuộc. Thế rồi, sau khi lập gia đình, cô rời quê, tạm biệt những lứa học trò để theo chồng vào Cam Ranh (Khánh Hòa) công tác. Cô bám trụ ở vùng đất khắc nghiệt này đã ngót nửa đời người.
Cứ thể, các cô kể. Mỗi người đến từ một miền quê, nhưng có điểm chung là tình yêu nghề và tình nguyện xông pha, dành tuổi thanh xuân gắn bó với những mảnh đất còn khó khăn, để thắp sáng ước mơ cho những đứa trẻ.
Và từ năm 2016 đến nay, khi Trường tiểu học và trung học cơ sở Căn cứ Cam Ranh được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng, nhận phân công nhiệm vụ, các cô về khu căn cứ Cam Ranh, chung tay gây dựng và vun đắp hạnh phúc ở ngôi trường “rất đặc biệt”.
ể giải đáp thắc mắc này, cô Vũ Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Căn cứ Cam Ranh – dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trường, gặp gỡ giáo viên và nhân viên nơi đây.
Ở ngay cổng trường, một nữ bảo vệ luôn tươi cười chào đón học sinh và phụ huynh. 12 giáo viên, đến nhân viên trong trường cũng đều là nữ. Tất cả họ đều có chồng là lính đảo. Đặc biệt hơn, 250 học sinh của trường, hay những phụ huynh tiếp xúc thường xuyên với giáo viên cũng đều là con và vợ của những người lính.
Ngoài giờ học trên lớp, về nhà, cô trò cùng quây quần trong các dãy nhà của khu đô thị căn cứ Cam Ranh, nằm ngay cạnh trường học - được xây dựng từ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Bộ Quốc phòng, ngành giáo dục, để con em lính đảo được gần hơn với bố. Nhưng do đặc thù công việc, những chiến sĩ phải ngày đêm canh gác ngoài đảo xa, một năm đôi lần về phép, nên trong “làng”, lâu lâu mới có bóng dáng đàn ông.
Ở trường, các cô là thầy. Về nhà, cô là mẹ, là hàng xóm. Thương các cô vất vả, con nhỏ không người chăm bẵm, phụ huynh tình nguyện trông nom để cô giáo yên tâm đến trường dạy con chữ. Thương phụ huynh cũng đều là phận nữ, chồng đi đảo, vất vả vào đất khách bươn chải đủ nghề, cô giáo coi phụ huynh như chị em, chia nhau từng miếng bánh, mớ rau, coi học trò như con ruột. Những đứa trẻ không phải có một mà nhiều người mẹ.
Vì những điểm đặc biệt đó, Trường tiểu học và trung học cơ sở Căn cứ Cam Ranh vẫn được gọi với cái tên thân thương là “đại gia đình lính đảo”.
hững ngày ở lại cùng cô trò nơi nắng gió này, chúng tôi cảm phục nghị lực của những người vợ, người mẹ, người cô hết lòng vì học trò, là hậu phương vững chắc cho những người lính làm nhiệm vụ.
Lũ trẻ ở Khu đô thị căn cứ Cam Ranh có chung nỗi nhớ cha, thứ bảy lại thấp thỏm ngoài cửa chờ cha về phép. Những người vợ lính đảo vừa làm mẹ, vừa thay chồng làm cha để lo toan và giáo dục con. Vì đồng cảnh ngộ, họ gần gũi coi nhau như chị em ruột thịt, còn trường học được những đứa trẻ coi là gia đình. Để có được điều này, người đóng vai trò truyền cảm hứng chính là cô Hiệu trưởng Vũ Thị Thanh Hương.
“3 năm trước, khi bước vào quản lý ngôi trường này, cũng là vợ lính nên tôi hiểu tâm tư, nguyện vọng của giáo viên. Chúng tôi phải gánh vác những công việc của chồng, trong khi phải lo việc của trường, công tác chuyên môn, rồi chăm lo, dạy dỗ học sinh. Học sinh của trường thiệt thòi khi không được thường xuyên gần gũi, có cha bên cạnh. Hiểu được điều này, tôi theo đuổi ý tưởng tạo nên môi trường giáo dục để tôi – giáo viên – học sinh đều cảm nhận đây là gia đình, là nơi mang đến hạnh phúc”- cô Hương nhớ lại.
Cô bắt đầu từ việc chỉnh trang cơ sở vật chất. Cùng với giáo viên trong trường, cô Hương “tiên phong” đi kêu gọi Mạnh Thường Quân chung tay. Bằng các kênh thông tin, cô đã “xin” doanh nghiệp từ bộ máy tính, bàn ghế, máy chiếu, thư viện, bộ trống trường… để phục vụ lễ khai giảng và đáp ứng nhu cầu học tập của con em lính đảo.
“May mắn, từ khi thành lập trường đến nay chúng tôi không cô đơn. Rất nhiều nhà hảo tâm trên cả nước đã đồng hành, với mục tiêu chung là vì học sinh, vì những thế hệ tương lai của đất nước. Ngôi trường là biểu tượng của tình quân dân, của việc xã hội hóa trong giáo dục” – cô Hương chia sẻ.
Sau khi cơ sở vật chất của trường đủ đầy hơn, cô bắt đầu hành trình thay đổi mình, với phương châm “Dùng yêu thương xây hạnh phúc”. Cô thay đổi từ những điều nhỏ nhất, như dành sự quan tâm nhiều hơn tới đời sống của học sinh và giáo viên. Mỗi lớp học, người đứng đầu nhà trường đều cho xây dựng góc “Điều muốn nói”, tạo không khí vui vẻ, thoải mái nhất để giáo viên, học sinh chia sẻ tâm tư.
Chứng kiến cách cô Hương nói chuyện, quan tâm tới đồng nghiệp, không ai nghĩ cô là lãnh đạo mà giống như người chị cả. Giáo viên của trường có đặc thù tuổi đời còn trẻ, con còn nhỏ, chồng đi công tác xa, nên áp lực bộn bề. Được sự chia sẻ và lắng nghe từ người đứng đầu nhà trường, áp lực vơi đi và có thêm động lực để làm tốt nhiệm vụ trồng người.
Còn với học sinh, cô dùng yêu thương để đối xử, trên nguyên tắc “mọi đứa trẻ cần được tôn trọng sự khác biệt”. Cảm nhận được tình cảm cô hiệu trưởng và giáo viên trong trường dành cho mình, những đứa trẻ có làn da rắn rỏi đặc trưng của biển luôn vui vẻ đến trường. Trường học với các em đã là mái ấm.
nơi
có đặc sản là nắng và gió này, cái quý nhất là tình cảm. Dù có lúc họ lau vội nước mắt vì nhớ chồng, nhớ cha
của con, thương học sinh nhớ bố.
“Chúng tôi rất hiểu tâm trạng của học sinh, nhất là khi lễ tết. Nên trong mỗi giờ
học, chúng tôi luôn lồng
ghép để học sinh được thể hiện tình cảm với bố, như vẽ hình ảnh người lính đảo. Và đặc biệt rèn cho học sinh
tính tự lập. Động viên các con về nhà giúp mẹ những công việc vừa sức, thay mặt bố động viên mẹ. Vì bố vắng
nhà, mẹ vừa làm mẹ, vừa làm cha”- cô Nguyễn Thị Ánh Hồng xúc động.
Cũng như cô Hương, cô Hồng, với các giáo viên trong “đại gia đình lính đảo” này, nhìn học sinh trưởng thành, tự lập, các cô thấy hạnh phúc. Những ánh mắt nụ cười hạnh phúc của học sinh là động lực lớn nhất để các cô cống hiến, bám trụ với nghề, chuẩn bị hành trang cho chặng đường đổi mới giáo dục.
Còn với những đứa trẻ, khi được hỏi điều gì làm con vui nhất khi đến trường, chúng hồn nhiên đáp: “Khi thấy cô giáo cười”. Hạnh phúc của các em chỉ đơn giản là “Sáng nào em đến lớp/Cũng thấy cô đến rồi/Đáp lời “Chào cô ạ!”/Cô mỉm cười thật tươi…”.
Với cô trò Trường Cam Ranh, “trường học hạnh phúc” đơn giản là khi mọi người được tôn trọng, chia sẻ và yêu thương. Giáo viên coi sự trưởng thành, hạnh phúc của học sinh là phần thưởng cao quý nhất cho nghề “lái đò thầm lặng”.