Ngày hôm ấy (4.3), chúng tôi như được đón “giao thừa” giữa tháng 3 với những người dân Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Dân, quân và hệ thống y tế đã chiến thắng bước đầu trong cuộc chiến “chống giặc” SARS-CoV-2 (COVID-19) sau hành trình 21 ngày tưởng ngắn mà dài đằng đẵng. Trong những ngày cả nước và xã Sơn Lôi “căng mình” chống dịch như thế, chúng tôi mới thấy được tình quân, tình dân, tình người. Họ khác nhau vị trí nhưng cùng mục tiêu chiến đấu với dịch và bảo vệ cộng đồng.
- Mời hai bạn xuất trình chứng minh thư và trình bày thời gian, quá trình đi lại ở Sơn Lôi?
- Dạ cháu về Phú Thọ ăn Tết, cháu làm công nhân, ngày mai xí nghiệp hoạt động lại, cháu lại về Sơn Lôi. Mai hết cách ly rồi, chắc chú không còn gác.
Đó là một trong hàng chục, hàng trăm cuộc hội thoại giữa lực lượng chức năng trực chốt kiểm soát cách ly phòng
dịch COVID-19 ở Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc và người dân vào ngày cuối cùng trước khi phát lệnh phong
toả.
Đã 22 ngày trôi qua, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc không phát hiện thêm ca nhiễm mới COVID-19.
Ngày hôm ấy, 3.3 – ngày cuối cùng trong đợt cách ly xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, đến tận giờ chót, Sơn Lôi vẫn “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Từ đầu thôn cuối xóm, từ người già trẻ nhỏ vẫn đeo khẩu trang kín mít, có việc đi qua chốt lại xoè tay nhờ cán bộ y tế trực chốt kiểm soát khử khuẩn.
Cách ly có lẽ là từ không ai muốn mình phải trải qua dù trong bất kì trường hợp nào. Nhưng trái ngược với suy nghĩ của chúng tôi chưa một khoảnh khắc nào kể từ khi đến đó, chúng tôi bắt gặp được sự khó chịu, nhăn nhó của người dân. Bởi họ đã thành quen… Và hơn hết, họ hiểu được rằng họ đang được bảo vệ.
Ấn tượng nhất là một cụ bà tuổi đã ngoài thất thập, khuôn mặt đã che khẩu trang chỉ còn nhìn thấy đôi mắt hõm sâu và những nếp nhăn xô vào nhau.
“Cô gì phóng viên ơi đứng tránh xa tôi ra một chút, tôi già rồi cứ phải ăn chắc mặc bền, đứng xa ra cho yên tâm” – Bà Nguyễn Thị Chi (72 tuổi, thôn Nhân Nghĩa, xã Sơn Lôi) nói.
Rồi bà lại kể chuyện qua lớp khẩu trang: “Khi có dịch dân làng tôi hốt hoảng vì lo bệnh tật lan tràn. Trộm vía 21 ngày cách ly, xã Sơn Lôi đã không có thêm người”.
Chị Nguyễn Thị Liên (trú thôn Nhân Nghĩa, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) hồ hởi: "Chúng tôi rất biết ơn chính quyền địa phương, nhà hảo tâm đã giúp đỡ xã Sơn Lôi qua cơn dịch bệnh. Chúng tôi được phát khẩu trang, thức ăn, mì tôm, nước rửa tay. Cảm ơn vì đã cách ly chúng tôi!".
Trong những giờ phút cuối cùng trước khi tháo lệnh cách ly xã Sơn Lôi, “Cảm ơn vì đã cách ly chúng tôi!” – đó là câu nói của những người dân Sơn Lôi chất phác, có lẽ sẽ là câu nói khiến bất kì ai cũng cảm thấy xúc động.
Từ xa, ông Nguyễn Văn Thật (58 tuổi, xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) tiến lại gần chốt kiểm soát cách ly để xin phép lực lượng chức năng lấy cân thịt, đùm cá mà con gái xã bên gửi sang. Ông niềm nở: “Hết đêm nay các chú về rồi nhỉ! Chúc mừng các chú nhé?”.
Trạm kiểm soát hôm ấy nhộn nhịp hơn ngày thường, chúng tôi nghe nhiều những tiếng cười, những kế hoạch của cán bộ y tế, công an, bộ đội khi hết nhiệm vụ và trở về nhà sau 21 ngày cách ly xã Sơn Lôi. Thiếu tá Cao Văn Khoa (Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã 30 ngày không được về nhà. Đồng chí nhận nhiệm vụ trực chốt kiểm dịch vào xã Sơn Lôi ngay từ những ngày đầu cách ly chống dịch.
“21 ngày cách ly sắp kết thúc đối với những cán bộ trực chốt là một niềm vui. Bởi xã Sơn Lôi không có thêm ca nhiễm mới. Niềm vui chung của chúng tôi là được trở về với gia đình, trở về với cuộc sống thường ngày.” – Thiếu tá Khoa bộc bạch.
Thiếu tá Khoa tiếp lời, mới đầu có những người dân chưa hiểu khó chịu nhưng đến lúc được tuyên truyền họ vỡ lẽ,
phối hợp rất tốt và dành nhiều tình cảm cho cán bộ chúng tôi. Có người động viên anh em làm nhiệm vụ bằng cả vật
chất lẫn tinh thần. Tấm lòng bà con Sơn Lôi khiến chúng tôi rất cảm động.
Trung uý Phùng Duy Hưng - cán bộ công an huyện Bình Xuyên chia sẻ: “Giờ này trong tôi chỉ có cảm giác xúc động
vì hoàn thành tốt được nhiệm vụ.
00h ngày 4.3, 12 trạm chốt kiểm soát chính thức được gỡ chốt. Nhiều người dân chứng kiến khoảnh khắc cơ quan
chức năng dỡ chốt chặn. Họ cảm thấy vui mừng, vì đã giúp cho cơ quan chức năng phòng chống dịch thành công.
“Có lẽ điều khiến tôi nhớ nhất trong 21 ngày trực chốt kiểm soát sẽ là ngày hôm nay. Cả xã Sơn Lôi như đón giao
thừa – một giao thừa giữa tháng 3. Mọi người tập trung đông và rất phấn khởi. Sau ngày cuối cùng, chúng tôi chỉ
mong hết dịch không chỉ ở Sơn Lôi mà toàn thế giới để mọi người có thể trở về với cuộc sống thường nhật.
Còn với tôi bây giờ, điều muốn nói nhất là chỉ 30 phút nữa thôi anh sẽ về với em, bố sẽ về với con rồi”. – Trung uý Duy Hưng không giấu nổi niềm vui.
Trên một “mặt trận” khác...
Cách xã Sơn Lôi khoảng 10 cây số là Trung tâm điều trị viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 Quang Hà (Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà)- huyện Bình Xuyên, 27 y bác sĩ, cán bộ công an, bảo vệ tăng cường, người ở xa cũng có, nhà gần cũng có, nhưng đã 1 tháng nay họ chưa về nhà.
Ngay sau khi quyết định chọn Phòng khám Đa khoa Khu vực Quang Hà là địa điểm để thành lập Trung tâm điều trị viêm đường hô hấp do Covid-19, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung mọi nguồn lực cho phòng khám.
Chỉ trong vòng chưa đầy 48h đồng hồ, toàn bộ cơ sở vật chất Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà đã được cải tạo thành Trung tâm điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19. Gần 200 khối bê tông đã san bằng mặt sân- khu vực trước đó gồm cả vườn thuốc nam của phòng khám và lối vào với diện tích 1.000m²; dựng 1 nhà tạm có diện tích 120m², kê được 24 giường bệnh; dựng hàng rào cách ly.
Trang thiết bị hiện đại từ siêu âm, máy thở, máy chụp X-quang tại giường, máy điện tim, hệ thống xét nghiệm, bơm tiêm điện, máy theo dõi, máy truyền dịch, máy giặt, máy hấp sấy… từ Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên và Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên được điều động đến Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, nhằm đáp ứng phương châm điều trị “4 tại chỗ” theo quy định của Bộ Y tế.
Từ ngày Trung tâm Quang Hà trở thành nơi tiếp nhận cách ly và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, tuyến đường ngang qua trung tâm trở nên vắng ngắt, hàng quán đóng cửa hàng loạt, người dân tránh xa khu vực phòng khám khiến cho khung cảnh trở nên đìu hiu hơn bao giờ hết.
“Những ngày đầu, hàng quán đóng cửa, trên đường không có người qua lại, chúng tôi muốn mua đồ dùng, đặt cơm hay cháo cho bệnh nhân cũng khó khăn vô cùng. Nhìn thấy người của phòng khám Quang Hà là người dân tránh mặt, xua tay không bán. Nghe điện thoại bảo giao hàng đến phòng khám Quang Hà là họ vội vàng cúp máy. Sau này thì đỡ hơn, vì người dân đã hiểu hơn về bệnh”- các y bác sĩ của trung tâm kể.
Hiện tại, khi tất cả các bệnh nhân dương tính với COVID-19 đã điều trị khỏi bệnh và ra viện, chỉ còn chục bệnh nhân trong diện nghi ngờ đang được cách ly, theo dõi, 5 bác sĩ, 8 điều dưỡng, còn lại là nhân viên xét nghiệm, dược, kế toán, hộ lý, công an, bảo vệ vẫn hàng ngày bám trụ trung tâm. Một số y bác sĩ đến từ Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Yên, được điều động tăng cường cho Trung tâm Quang Hà vẫn chưa rời đi.
Gần 20 năm công tác trong ngành Y, bác sĩ Trần Quang Vịnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên là cán bộ y tế có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị các bệnh truyền nhiễm. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh là một trong những thầy thuốc xung phong về Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà để điều trị cho bệnh nhân.
Biết đây là công việc nguy hiểm, vất vả, phải xa gia đình, xa người thân trong thời gian dài nhưng anh không ngần ngại. Đây là một chuyến công tác rất đặc biệt với nhiều kỷ niệm trong anh.
Những ngày điều trị cho bệnh nhân dương tính, các y bác sĩ phải thường trực 24/24h, tận tụy chăm sóc cho người bệnh từ bữa ăn, giấc ngủ, theo sát tình hình sức khỏe của bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Quang Vịnh là người điều trị trực tiếp cho 4 bệnh nhân dương tính COVID-19 nói: “Tôi đã tự tìm hiểu kiến thức từ nhiều tài liệu y khoa, thu thập các nghiên cứu về các trường hợp nhiễm bệnh, tham khảo ý kiến của các giáo sư đầu ngành, từ đó, đúc kết cho mình phương pháp điều trị tốt nhất”- anh nói.
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức (Bệnh viện đa khoa Phúc Yên) được điều động về Phòng khám Quang Hà để tăng cường công tác chống dịch COVID-19 từ ngày 7.2. Trước khi đến đây, anh đã chuẩn bị sẵn tâm lý đợt này đi là sẽ xa nhà, xa gia đình khá lâu, thậm chí, anh chưa hẹn ngày trở lại.
Thế nhưng, sự cố bất ngờ xảy ra, bố anh gặp tai nạn chiều 18.2. Ông bị chấn thương nặng, phải chuyển lên bệnh viện cấp cứu. Vì không muốn con trai lo lắng, gia đình đã giấu, mãi sau này anh Tân mới biết bố bị tai nạn.
Đọc những dòng thư bố gửi, bác sĩ Minh nghẹn ngào xúc động. Bản thân anh là bác sĩ, bố lại nằm điều trị ở đúng bệnh viện anh công tác, vậy mà anh không thể tự mình chăm sóc cho bố những ngày bố gặp nạn.
Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Lâm (Bệnh viện đa khoa Phúc Yên) đã 1 tháng nay chưa về nhà. Ngày nào con gái anh cũng gọi điện, khóc và hỏi “bao giờ bố về”. Lỡ hứa với con “tuần sau bố về”, thế nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến cho anh Lâm chưa thể trở về được.
Trung tâm liên tục tiếp nhận các ca bệnh nghi ngờ, cần được cách ly và theo dõi, lực lượng của trung tâm mặc dù được tăng cường nhưng vẫn còn chưa đủ, công việc thì căng thẳng, buộc anh phải ở lại kề vai sát cánh cùng các đồng nghiệp, chiến đấu với giặc COVID-19.
Lời nói dối “ngày mai bố về, tuần sau bố về” của anh Lâm vô tình làm con gái chờ đợi ngày này qua ngày khác. Con gái nhớ bố, anh cũng nhớ con, nhớ vợ vô cùng, nhưng họ vẫn chưa thể gặp nhau.
Cô con gái giận dỗi: “Bố về con không thèm chơi với bố nữa, con ghét bố” khiến anh Lâm bật khóc.
Bao giờ hoàn thành nhiệm vụ “đặc biệt” này, anh sẽ về với vợ con và gia đình. “Mình sẽ xin nghỉ hẳn mấy ngày cho bõ công về”- anh Lâm tâm sự.
Bác sĩ Lưu Thị Xuân- Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà kể lại từ ngày 4.2, được sự chỉ đạo của Sở Y tế, phòng khám tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên dương tính với COVID-19. Những ngày đầu, cơ sở vật chất, trang thiết bị rất nghèo nàn, cơ sở thì chưa có kinh nghiệm điều trị một loại bệnh mới, ai cũng lo lắng. Hơn 20 ngày, được sự hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện tuyến trên và sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo Quốc gia, tình hình mới ổn định hơn.
Biết tin sẽ phải trường kỳ chiến đấu, chị Xuân đã “lên dây cót” tinh thần cho mình và các đồng nghiệp tại trung tâm: “Mình cách ly quyết liệt như vậy sẽ đảm bảo an toàn cho mình, cho gia đình và không lây chéo giữa cán bộ y tế với nhau”.
“Từ lúc thành lập trung tâm đã đón 46 bệnh nhân, 6 bệnh nhân dương tính, nay các bệnh nhân đều đã âm tính, ra viện gần hết rồi, chỉ còn 7 bệnh nhân ở lại cho đủ thời gian cách ly. Chúng tôi tiếp tục theo dõi bệnh nhân thêm một thời gian nữa rồi mới cho ra viện. Ngoài ra, các trường hợp cách ly ở Trung đoàn 834 và Trường quân sự tỉnh, khi có triệu chứng sẽ được chuyển về trung tâm điều trị”- bác sĩ Xuân chia sẻ.
Những chiến sĩ áo trắng tuyến đầu, họ đã gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là khó khăn về chuyên môn. Sau đó, là tinh thần của cả y bác sĩ và bệnh nhân đều “xuống”, đặc biệt là các bệnh nhân, họ vô cùng hoang mang lo sợ.
“Bệnh nhân hoảng loạn, người thân họ kéo đến ùn ùn. Chúng tôi vừa phải điều trị cho bệnh nhân, vừa phải ổn định tâm lý cho bệnh nhân, như thế họ mới hợp tác, yên tâm điều trị”- Trưởng phòng khám Quang Hà nói.
“Có những đồng nghiệp con còn rất nhỏ, chồng bộ đội đi xa, vợ ở lại trung tâm biền biệt, rất thương, mỗi người một hoàn cảnh. Con mình gọi điện suốt hỏi bao giờ mẹ về? Sao mẹ đi trực lâu thế? Chỉ biết bảo con là mẹ đi trực dài ngày lắm, hôm nay trực, mai trực, lúc nào hết việc mới về được. Triền miên, ngày nào cũng thế” - bác sĩ Xuân tâm sự.
Nhưng giờ hiểu biết của người dân về COVID-19 đã khác, họ mang cơm vào tận cửa phòng của các y bác sĩ, họ đeo khẩu trang và điềm đạm giao cơm. Các điều dưỡng lại tất bật mặc quần áo, đội mũ, đeo khẩu trang, đi giày... rồi mang cơm cho từng bệnh nhân.
“Giờ cũng đỡ vất vả hơn hẳn. Những ngày đầu, gọi cơm cũng vô cùng khổ sở. Có nhà hàng làm cơm rồi đưa đến, đến ngày thứ 2 họ sợ quá trốn luôn, lại phải đổi nhà khác”- điều dưỡng Nguyễn Ngọc Lâm kể.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Đội quản lý hành chính, Công an huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), hiện đang làm nhiệm vụ ở Trung tâm Quang Hà, cũng đã “bám” trung tâm gần 1 tháng trời. Thời điểm nóng hổi này, rơi đúng vào những ngày hai bên gia đình nội ngoại quyết định tổ chức làm đám cưới cho Tuấn và người yêu.
“Khó nói nhất là lúc gọi điện cho người yêu nói rằng phải làm nhiệm vụ ở trung tâm Quang Hà. Phải giấu vì nghĩ
rằng người yêu sẽ lo. Mới đầu còn giận dỗi vì nói dối, sau thì nhắn nhủ phải bảo hộ cẩn thận, giữ gìn sức khỏe”-
Tuấn tâm sự.
Tuấn kể: Qua điện thoại, thấy người yêu lo lắng, sụt sịt khóc, buồn hỏi “Bao giờ anh về?”, mình cũng chẳng biết
trả lời sao, chỉ biết động viên người yêu “Em cố nhé, lúc nào hoàn thành nhiệm vụ anh sẽ về với em...”.
Tuấn nở nụ cười, gương mặt trẻ măng nhưng rắn rỏi của một chiến sĩ công an, bừng lên đầy hy vọng.