Điều bà Lan lo lắng là diện tích này cũng đang bị mặn xâm nhập, thiếu nước tưới dẫn đến cháy lá, không biết cầm cự được bao lâu. “Cây lúa bị thiệt hại, giờ tui chỉ biết tận dụng cắt làm thức ăn cho bò. Mà tới bò cũng chê!”, bà Lan nói.
Cách đó không xa, gia đình ông Thạch Thuốc (xã Long Hiệp, huyện Trà Cú) trồng 3ha lúa trong vụ đông xuân này. Sau khi xuống giống khoảng 10 ngày, cây lúa yếu dần, càng tưới nước càng thiệt hại nhiều.
Gia đình ông đầu tư 18 triệu đồng tiền mua phân, thuốc để cứu lúa, nhưng đến nay chỉ cứu được 20% diện tích; 80% diện tích còn lại mất trắng. “Nước nhiễm mặn, cây lúa không trụ được, bao nhiêu tiền của và công sức coi như đổ sông đổ biển”.
Có mặt tại xã Tân Phước Tây (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) những ngày này, chúng tôi chứng kiến nhiều đồng lúa đã chết khô. Nhiều ruộng lúa xanh mượt ở giai đoạn trổ hoặc làm đòng, nhưng mặt ruộng đã khô nứt, báo trước lúa rồi cũng sẽ chết khô. Ông M, một cán bộ địa phương đưa chúng tôi đi thăm các cánh đồng ở ấp 4, ấp 5, nơi đâu cũng là cảnh ruộng lúa, hoa màu chết khô hoặc thiếu nước; còn các con kênh nội đồng thì khô trơ đáy.
“Gần 100% diện tích lúa và hoa màu bị mất trắng, chỉ có cây thanh long chịu hạn tốt nên không chết, nhưng cũng không cho trái được”, ông M cho biết. Ông M cho biết, từ trước đến giờ mới thấy hạn, mặn năm nay nghiêm trọng như vậy. Mùa hạn mặn lịch sử 2015 – 2016 cũng không khốc liệt bằng. Còn mùa khô năm rồi, đến tháng này nước còn ngập mặt ruộng…
Đưa tay hướng ra đám ruộng vàng màu cháy lá, ông Phạm Văn Rạng (ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), thở dài: "Hết đường cứu, lỗ nặng rồi!". Vụ đông xuân, ông Rạng xuống giống 6ha. Cây lúa đang phơi phới, đột nhiên héo lá, rồi ngã màu vàng cháy. Dù biết bị nước mặn xâm nhập, nhưng ông Rạng vẫn không cách nào cứu vãn vì không có nước ngọt để tháo rửa.
Đây cũng là tình cảnh của hàng ngàn hộ trồng lúa ở Kiên Giang đang gánh chịu trước tình trạng hạn mặn gây hại và đang gia tăng với tốc độ phi mã. Theo thống kê đến ngày 28.2 của Sở NNPTNT Kiên Giang, chỉ trong 1 tuần đã có thêm 1.508ha lúa bị gây hại.
Không chỉ cây lúa mà cả con tôm, con nghêu sống vùng mặn cũng sợ mặn. Bạc Liêu đã có 9.000ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng, nước quá mặn. Con số này tại Cà Mau lên đến trên 10.000ha, Sóc Trăng 3.000ha. Trong khi đó, tại Bến Tre cũng đã có hàng trăm ha nghêu chết hàng loạt,… Tất cả đều quy về 1 nguyên nhân: Do nước quá mặn vượt ngưỡng sinh trưởng.
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu - lý giải: “Con tôm sống, sinh trưởng ở độ mặn dưới 20 phần ngàn. Trong khi đó, hiện nay vùng mặn đã lên đến trên 25 phần ngàn”. Ông Trần Văn Chánh, xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, Bạc Liêu thả nuôi hơn tháng nay lắc đầu: “Nước mặn quá, tôm sống không được. Tôi đã thả lần 2 nhưng cũng chết sạch đành ngưng chờ mưa xuống mới dám thả”. Trước tình cảnh này, ngành NNPTNT các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng khuyến cáo người nuôi tôm nên chậm xuống giống ở những nơi độ mặn quá cao.
Chụm hai tay hứng nước máy đang bơm, ông Nguyễn Văn Nghĩa (xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú) đưa vào miệng nếm thử và lắc đầu: “Mặn đớ lưỡi rồi, ít gì cũng bảy tám phần ngàn”. Ông Nghĩa than thở, những ngày qua, ông chỉ dám dùng nước máy để rửa chén bát, chứ không dám dùng nấu nướng, ăn uống, bởi độ mặn quá cao. Sông ngòi kênh rạch nhiễm mặn, nước máy cũng bị luôn, người dân đành mua nước ngọt sử dụng với giá lên tới 100.000đ/m3, thậm chí có thời điểm lên tới 150.000đ/m3.
Tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra nghiêm trọng chưa từng có. Người dân phải thuê xe đi rất xa để lấy nước ngọt, khiến cho giá nước tăng vọt lên tới 300.000 đồng/m3. Trong khi đó, huyện Cai Lậy lại là địa phương trồng sầu riêng thuộc loại lớn nhất ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Năm (huyện Cai Lậy) cho biết, do vườn sầu riêng sắp kiệt quệ, nên ông đành bấm bụng mua 10 khối nước hết 3 triệu đồng, vừa để tưới, vừa để dành sinh hoạt. Cuộc sống vốn đã khó nay lại càng thêm khó.
Còn tại Cà Mau đã có đến trên 26.500 hộ dân tại các huyện Trần Văn Thời, Thời Bình, U Minh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đây là tỉnh duy nhất ĐBSCL không có dòng nước ngọt sông Hậu, sông Tiền chảy vào. Nhiều nơi không có nước ngọt, thậm chí không thể khoan giếng nước ngọt được, sinh hoạt chủ yếu bằng nước mưa, nước máy đổi từ các nơi khác.
Ông Bùi Chí Ngạn - Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) - lắc đầu ngao ngán: “Tất cả những dòng kênh đều trơ đáy. Nước ngọt không còn, người dân nơi đây vô cùng khó khăn trong khi chúng tôi không làm gì khác hơn là… đứng nhìn”.
Theo thống kê, đến đầu tháng 3.2020, toàn tỉnh Cà Mau có trên 1.000 điểm sụt lún khiến tỉnh này phải "cầu cứu" các cơ quan, các nhà khoa học cùng nghiên cứu. Thậm chí, đề xuất mạo hiểm đưa nước biển vào vùng ngọt để giảm áp lực sụp lún cũng đã được đưa ra. Đề xuất này bị phản ứng và Cà Mau không thực hiện.
Huyện Trần Văn Thời là địa phương có nhiều điểm sụp lở đất nhất nhất tỉnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Võ Quốc Thống tạm tính: UBND huyện đã ghi nhận xảy ra hơn 900 vụ sụp lún, sạt lở ở 175 tuyến kênh với tổng chiều dài hơn 21km. Sự cố sụp lún, sạt lở đất làm hạn chế lưu thông đường bộ nhiều tuyến đường và hạn chế tải trọng của một số tuyến chính vận chuyển nông sản từ Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Đông, Khánh Hải về huyện và TP Cà Mau.
Ngày 3.3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã gửi văn bản đến Bộ NNPTNT, Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị công bố tình huống thiên tai và xử lý sạt lở, sụp lún đất.
Theo kiến nghị của tỉnh Cà Mau, thời gian qua, thời tiết, thủy văn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang diễn biến ngày càng phức tạp. Mực nước trên hệ thống kênh, mương trong vùng ngọt hóa bị khô cạn rất nhanh; một số kênh trục, kênh cấp I nước còn khoảng 0,3m - 0,5m; kênh cấp II, III đã khô cạn.
Hạn hán làm cho nguồn nước bị khô cạn; thiếu nước đã làm hơn 18.000ha lúa, rau màu bị thiệt hại; gần 43.000ha rừng đang trong tình trạng báo động cháy cao; một số cống ngăn mặn đã bị soi mọi, rò rỉ đáy; có hơn 900 vị trí công trình ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh rạch đã bị sụp lún, sạt lở, với chiều dài gần 22km…
“Chợ nước” là cách gọi vui của bà con dọc tuyến sông Hòa Nghĩa (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) để nói về các điểm bơm cấp nước ngọt miễn phí phục vụ sinh hoạt cho người dân ở vùng hạn mặn đang vào giai đoạn gay gắt. Gọi là “chợ” nhưng không có cảnh bán – mua, chỉ có cảnh tấp nập những người chờ đến giờ để chở nước ngọt về nhà.
Mỗi ngày, cứ khoảng 2 giờ chiều, đi dọc theo đoạn đường Hòa Nghĩa luôn bắt gặp từng đoàn xe chở thùng, can hoặc bất kỳ vật dụng nào có thể đựng nước. Khu vực lấy nước luôn nhộn nhịp những chuyến xe chở nước. Mọi người xếp hàng theo thứ tự, ai đến trước lấy trước, đôi lúc ai cần ít lấy trước nhường nhau vui vẻ. Đây là những điểm bơm nước miễn phí được Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai huyện Chợ Lách lắp đặt máy cho bà con lấy nước từ sông lên sử dụng.
Ông Minh (53 tuổi ở xã Hòa Nghĩa) cho biết: Hầu hết người dân Chợ Lách đều trồng cây giống, nếu thiếu nước cây sẽ chết. Hàng ngày ông Minh ra ngồi xếp hàng đợi chở nước từ 2h chiều, có khi tới 5h chiều mới có nước ngọt để chở về. Trung bình mỗi ngày ông chạy gần 10 chuyến xe mới chở đủ 1 khối nước cho gia đình.
Cách đó không xa, những ngày này, nhà bà Nguyễn Thị Huởn (76 tuổi, ngụ ấp Phú Thành, xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre) luôn tấp nập dòng người, xe gắn máy, xe lôi máy, kể cả xe tải nhỏ với lỉnh kỉnh thùng, can nhựa, xếp hàng chờ lấy nước ngọt. Bà Hưởn cho biết, hơn 20 năm trước, nơi này chưa có nước máy, gia đình bà đào 1 cái giếng để tìm nước ngọt. Kỳ lạ là trong lúc các giếng xung quanh đều bị nhiễm phèn hoặc nguồn nước bị mặn thì chiếc giếng của gia đình bà nước ngọt đầy ắp quanh năm.
Từ khi có cái giếng nước ngọt “Thạch Sanh”, cứ đến mùa hạn, mặn hàng năm, dân trong vùng ai cần thì cứ đến múc nước về xài. Từ đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 cho đến nay, mỗi khi địa phương bị hạn mặn bủa vây làm người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, bà Hưởn lại lắp đặt máy bơm, chạy suốt từ mờ sáng đến nửa đêm, cung cấp hàng trăm nghìn lít nước ngọt cho người dân nghèo xài miễn phí.
Đang lấy nước vào 30 can nhựa mang về chia cho cả xóm, ông Phan Phước Lợi (xã An Phước, huyện Châu Thành) cho biết: “Mấy con sông ở xóm tôi đều bị nhiễm mặn, người dân phải bỏ tiền cao gấp 9 - 10 lần giá nhà nước cung cấp mới có nước xài. Bởi thế, những giọt nước miễn phí của bà Hưởn với chúng tôi quý như giọt vàng”.
Cùng với bà Hưởn, những ngày qua, rất nhiều đơn vị cũng đã chung tay hỗ trợ nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn. Tại Long An, khi hạn, mặn gay gắt đang làm cho nhiều hộ dân ở tỉnh Long An thiếu nước uống, sinh hoạt, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức 6 xe bồn hàng ngày chở nước ngọt từ nhà máy nước ở Thành phố Tân An về cung cấp miễn phí cho dân vùng hạn, mặn.
Từ thời điểm cận Tết Nguyên đán, Tàu 935, Hải đội 811, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân đã vượt hơn 100 hải lý từ TP.Hồ Chí Minh đến Trạm kiểm soát Biên Phòng Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre chở theo 250 khối nước ngọt giúp đỡ, cứu trợ cho người dân trong vùng bị thiếu nước.
Có mặt tại vùng hạn mặn gay gắt, chứng kiến những nông dân nâng niu từng can nước, mới thấy được sự quý giá của từng giọt nước ngọt trong những ngày này. “Tui không ngờ những người lính hải quân vốn sống trên biển (nước mặn), giờ phải đi cứu trợ nước ngọt cho cư dân đất liền. Ở đây vừa khô hạn, vừa nhiễm mặn, nên bà con rất mang ơn những chuyến nước ngọt đầy ắp nghĩa tình”, nông dân Nguyễn Văn Thắng (huyện Bình Đại) chia sẻ.
Đó là tấm lòng, là sự sẻ chia, đùm bọc, cùng dắt nhau vượt qua cơn khó của đợt thiên tai được xem là trăm năm mới gặp của những người dân trên mảnh đất còn lắm khó khăn này.