Sau nhiều tháng tạm đóng cửa để ưu tiên cho nhiệm vụ phòng dịch, từ 7.2, trường học trên cả nước lại vang tiếng cười, niềm vui được đến trường của thầy và trò. Khi học sinh trở lại trường, mong muốn lớn nhất của phụ huynh là con em được an toàn học tập trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp. Báo Lao Động có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - về những giải pháp ngành Giáo dục đã và sẽ triển khai để hướng đến sự “an toàn, an tâm” của học sinh và phụ huynh khi quyết tâm mở cửa trường học.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nhâm Dần và các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả cấp học từ ngày 7 đến 14.2. Thực hiện chỉ đạo này, ngành Giáo dục đã có những chuẩn bị ra sao, thưa Thứ trưởng?
Việc mở cửa trường học và chuẩn bị các điều kiện để học sinh, sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp không phải đến thời điểm này mới được ngành Giáo dục triển khai, mà đã được ráo riết thực hiện từ trước đó, đặc biệt là ngay sau khi có Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại, ngày 19.1.2022, Bộ GDĐT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc lần thứ 2 về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Ngay sau hội nghị, ngày 24.1.2022, Bộ GDĐT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện việc mở cửa trường học, trong đó, căn cứ tình hình dịch tại địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14.2.2022; đồng thời triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn mở cửa trường học.
Mới đây, Bộ GDĐT tiếp tục ban hành Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học (sửa đổi, bổ sung từ cuốn Sổ tay đã được ban hành ngày 23.11.2020). Tài liệu này đã kịp thời cung cấp các nội dung cơ bản nhất, ngắn gọn, cập nhật những vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trong trường học trên cơ sở các hướng dẫn chung của Bộ Y tế, Bộ GDĐT và Tổ chức Y tế thế giới.
Như vậy, mọi công tác chuẩn bị cho mở cửa trường học đã được Bộ GDĐT chủ động chỉ đạo toàn ngành Giáo dục thực hiện từ sớm với tinh thần quyết liệt, khẩn trương và chu đáo, vì quyền được trở lại trường của học sinh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh.
Khi mở cửa trường học, riêng nỗ lực của ngành Giáo dục là chưa đủ, mà cần cả sự vào cuộc phối hợp của ngành y tế, các địa phương và đặc biệt là phụ huynh học sinh để không xảy ra việc “nay mở mai đóng”. Việc phối hợp này được thực hiện cụ thể như thế nào thưa Thứ trưởng, để đạt được mục tiêu cao nhất, trên hết và trước hết là trẻ em được thực sự an toàn?
Trong suốt thời gian hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, ngành Giáo dục luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất của ngành Y tế, sự phối hợp hỗ trợ trong chỉ đạo và triển khai thực hiện của các địa phương và đặc biệt là sự đồng hành của hàng triệu phụ huynh trong cả nước. Chúng tôi luôn trân trọng sự đồng hành, phối hợp hết sức hiệu quả này.
Đối với việc mở cửa trường học, bên cạnh việc Bộ GDĐT luôn phối hợp chặt chẽ và thống nhất với Bộ Y tế về đánh giá kết quả phòng, chống dịch và chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt các điều kiện để mở cửa trường học trở lại, công tác ban hành văn bản gửi các UBND tỉnh, thành phố để phối hợp chỉ đạo về việc mở cửa trường học trở lại luôn được Bộ GDĐT quan tâm, đầu tư.
Về phía các địa phương, nhiều tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp chính quyền, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục, ngành Y tế để xây dựng các kịch bản, phương án, lường hết các khó khăn có thể xảy ra khi học sinh quay trở lại học trực tiếp. Một trong những khó khăn đặt ra hiện nay là về cán bộ phụ trách công tác y tế ở trường học. Đây là vấn đề được nhiều địa phương đang sắp xếp, tính toán để có giải pháp phù hợp khi mở cửa trường học trở lại trong tình hình phòng chống dịch COVID 19.
Bên cạnh chuẩn bị về điều kiện và cơ sở vật chất, thời gian qua việc chuẩn bị về công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận của xã hội, của phụ huynh học sinh, đặc biệt trong công tác phối hợp sâu với các cơ sở giáo dục; sự chuẩn bị về tâm lý cho học sinh, sinh viên và thầy cô cũng được nhiều cơ sở giáo dục chủ động triển khai, trong đó có nhiệm vụ tập huấn cho đội ngũ.
Sự chuẩn bị này cũng chính là sự kết nối, phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh để phụ huynh có đầy đủ thông tin, an tâm, đồng thuận và hỗ trợ cùng với nhà trường trong việc đưa học sinh trở lại trường học tập an toàn.
Nhưng trong ngày đầu tiên học sinh trở lại trường, chúng tôi vẫn nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh rằng họ có tâm lý e ngại, lo lắng các con đi học liệu đã thực sự an toàn hay chưa. Là người cũng có con cháu trong độ tuổi đến trường, Thứ trưởng chia sẻ điều gì tới phụ huynh vào lúc này?
- Là người cũng có con, có cháu trong độ tuổi đến trường, tôi rất thấu hiểu sự lo lắng của các phụ huynh. Nếu được nhắn nhủ tới các phụ huynh lúc này, tôi luôn mong các phụ huynh học sinh hãy phối hợp chặt chẽ với các thầy cô giáo để giúp các con, các cháu cũng phải biết thích ứng an toàn, linh hoạt (dù ở nhà hay ở trường hoặc tiếp xúc xã hội trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp). Người lớn cần giúp đỡ và vào cuộc quyết liệt hơn trong việc giúp các con, các cháu.
Học sinh phải ở nhà quá lâu sẽ tạo ra nhiều thói quen xấu, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý, tinh thần, thể chất của các em. Điều này đã được các tổ chức quốc tế, các chuyên gia về y tế, sức khỏe, giáo dục khuyến cáo.
Việc học tập trực tuyến kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục trước mắt mà còn ảnh hưởng nặng nề cả trong giai đoạn dài phía trước và tương lai của các em. Vì vậy, đã đến thời điểm chúng ta không thể chần chừ được nữa với việc mở cửa trường học để đón các em trở lại học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Các yếu tố khách quan về tỉ lệ “phủ” vaccine của cả nước, nhất là đối tượng học sinh từ 12-17 tuổi và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi trong thời gian tới hay những khuyến cáo của chuyên gia về sự ảnh hưởng “không đáng ngại” của dịch bệnh tới sức khỏe trẻ em khi độ phủ tiêm vaccine đã đạt trên 80% hiện nay đang là những tín hiệu rất tốt để chúng ta có thể tin tưởng về việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi trường học mở cửa.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan. Những sự chuẩn bị hết sức chủ động, chu đáo từ phía ngành Giáo dục, các địa phương, từng nhà trường, từng thầy cô giáo, từng bậc phụ huynh sẽ là yếu tố tiên quyết để trẻ em được bảo vệ trong sự hiểu biết đầy đủ về dịch bệnh và trách nhiệm của người lớn, qua đó giúp các em an toàn từ nhà đến trường, trong thời gian ở trường, ở nhà và từ trường về nhà.
Tương lai của một thế hệ học sinh là điều vô cùng quan trọng. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy bằng niềm tin, sự chung tay cùng ngành Giáo dục để thế hệ trẻ (trẻ em, học sinh, sinh viên) chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn 2 năm qua sẽ không phải chịu thêm sự thiệt thòi nào khác trong tương lai.
Tôi mong rằng các bậc phụ huynh sẽ cùng đồng thuận và nỗ lực tạo các điều kiện tốt nhất, bảo đảm cho trẻ em, học sinh, sinh viên được quay trở lại học tập trong điều kiện bình thường mới.
Bù đắp kiến thức bị hổng cho học sinh là một trong những nhiệm vụ ngành Giáo dục sẽ triển khai khi mở cửa trường học. Ảnh: Hải Nguyễn
Sau thời gian dài trường học phải tạm đóng cửa để ưu tiên cho nhiệm vụ phòng dịch, cả cô và trò dần quen với hình thức dạy học trực tuyến và đâu đó xuất hiện tâm lý ngại dạy và học trực tiếp. Bộ GDĐT có chỉ đạo, định hướng ra sao để các nhà trường sớm ổn định nền nếp, cô thích dạy trực tiếp và trò hứng thú với việc quay trở lại trường, thưa Thứ trưởng?
Thời gian quá dài không tới trường chắc chắn sẽ có tác động tới thói quen, tới tâm lý ngại đến trường của một bộ phận nhỏ người dạy và người học. Chính vì vậy, trước khi học sinh quay trở lại, Ban Giám hiệu các nhà trường cần xác định trách nhiệm, tinh thần, thái độ cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của trường mình, thông qua các đầu mối kết nối để xác định cho cả phụ huynh và học sinh, sinh viên về nhiệm vụ này.
Trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường cần có các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, các kỹ năng mềm liên quan; tập huấn kỹ cho thầy cô về nhiệm vụ này. Đồng thời, cần có những hỗ trợ, những kỹ năng khơi gợi, khích lệ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, biết cách thích ứng an toàn, linh hoạt khi trở lại trường để học trực tiếp.
Cùng với việc mở cửa trường học, Bộ GDĐT đã phối hợp với các địa phương để chỉ đạo các cơ sở giáo dục có kế hoạch bù đắp kiến thức bị hổng cho các em sau khi các em được trở lại học trực tiếp, trong đó rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm học sinh cụ thể để lên kế hoạch dạy bù trong ngắn hạn và dài hạn. Việc bù đắp kiến thức theo chương trình cốt lõi được ngành giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong một tuần, một tháng, một năm mà còn kéo dài trong nhiều năm.
Bên cạnh việc bù đắp kiến thức, các thầy cô trong mỗi nhà trường cũng cần có phương pháp nhận diện, phát hiện những vấn đề về tâm lý của học sinh, để có tư vấn, hỗ trợ cho học sinh kịp thời trong đại dịch COVID-19 và sau khi các em quay lại trường học để học trực tiếp.
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp; triển khai giảng dạy các nội dung chương trình cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ; sớm xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết thúc năm học một cách phù hợp.
Tính đến ngày 8.2, cả 63 tỉnh thành trên cả nước đã cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường. Ảnh: Hải Nguyễn
Theo Thứ trưởng đâu là những thách thức, bài toán đặt ra với ngành Giáo dục khi mở cửa trường học trở lại và giải pháp nào để biến các thách thức đó thành cơ hội?
Ngành Giáo dục xác định có rất nhiều thách thức đặt ra khi mở cửa lại trường học. Ngoài những thách thức chung về bảo đảm an toàn cho người dạy, người học còn có những thách thức về bảo đảm nền nếp học tập, thách thức về tiến độ, chất lượng dạy học… Ở mỗi cấp học, thách thức cũng khác nhau nên sự chủ động ứng phó và thích ứng là nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với mỗi thầy cô và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục.
Tôi đơn cử như bậc học mầm non, rất nhiều trường học, nhóm lớp tư thục đã phải đóng cửa vì không thể cầm cự được, giờ đây khi mở cửa trở lại sẽ có hàng chục nghìn trẻ em thiếu chỗ học tập. Cũng ở cấp học này, vốn đã thiếu giáo viên, giờ dự kiến sẽ thiếu nhiều hơn nữa khi trường học mở cửa lại trong bối cảnh nhiều giáo viên mầm non tư thục đã buộc phải bỏ nghề, kiếm sống vất vưởng trong giai đoạn dài (hơn 9 tháng qua) do trường học bị đóng cửa.
Chúng ta đã nói nhiều về khó khăn của ngành Giáo dục do ảnh hưởng của dịch bệnh và mong mỏi lớn nhất suốt thời gian qua là các hoạt động giáo dục được trở lại bình thường. Giờ đây khi đang đứng trước thời điểm mở cửa trường học đồng loạt trên phạm vi cả nước, ngành Giáo dục coi đây là cơ hội nhiều hơn thách thức - Cơ hội để giáo dục được tái thiết.
Mặc dù còn nhiều và rất nhiều khó khăn phía trước, song tôi tin rằng, với sự nỗ lực của toàn ngành, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Y tế, của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành đầy trách nhiệm của các bậc phụ huynh và toàn xã hội, những khó khăn thách thức sẽ từng bước được khắc phục, giáo dục sẽ sớm trở lại nhịp sống bình thường và tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT sẽ tiếp tục diễn ra và đi tới thành công.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
XEM THÊM