Thấy người sốt kèm theo triệu chứng đau rát họng, chị N.T.H (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã mua kit test nhanh thực hiện lấy mẫu, phát hiện mẫu test dương tính với COVID-19. Ngay lập tức chị H. đã gọi điện cho y tế phường thông báo về tình hình của bản thân. Để chứng thực mình dương tính với SARS-CoV-2, chị H. đã chụp kết quả test nhanh gửi qua Zalo đến phường, không cần phải test lại bằng PCR. Do đã khai báo với y tế phường nên chỉ một ngày sau chị được Bệnh viện Đức Giang gửi tin nhắn thông báo là F0 đang điều trị. Bệnh viện cung cấp đường link, kèm theo tài khoản và mật khẩu để đăng nhập, khai báo sức khoẻ hàng ngày.
Chị H. cũng được y tế hướng dẫn sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng và được thêm vào nhóm Zalo F0 điều trị tại nhà của phường để nắm bắt thông tin và được giải đáp thắc mắc (nếu có) tại nhóm này.
Sau 7 ngày điều trị tại nhà, chị H. đã test nhanh âm tính trở lại, y tế phường sau đó đã gửi giấy xác nhận tình trạng khỏi bệnh cho chị H. về địa chỉ nhà.
Không may mắn được xử lý thông tin nhanh chóng như trường hợp chị H., những ngày vừa qua, các F0 ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội lại trong tình cảnh "rồng rắn" nhau lên phường thực hiện test lại sau khi tự lấy mẫu cho kết quả dương tính.
Anh N.V.N (trú tại chung cư HH2A Linh Đàm) thấy con trai có biểu hiện ho sốt, anh đã tự test nhanh tại nhà cho cả gia đình. Kết quả test nhanh cho thấy cả anh và con trai đều dương tính SARS-CoV-2. Sau đó, anh lập tức thông báo với tổ dân phố và xin cách ly, điều trị tại nhà.
Người dân đến trạm y tế phường xét nghiệm COVID-19.
Tuy nhiên, anh N. được tổ dân phố yêu cầu ra trạm y tế phường test lại để xác định đúng là F0. Khi đi sẽ phải mang theo que test mới và căn cước công dân để cán bộ y tế làm lại xét nghiệm. Ngoài ra, người dân có thể tự xét nghiệm PCR dịch vụ rồi in kết quả mang ra trạm y tế. Chưa kể, chi phí cho 1 lần test PCR không hề rẻ. Theo anh N., việc để người dân xếp hàng, F0 di chuyển ngoài đường như vậy thì nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng sẽ rất lớn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, theo quy định nếu người dân có triệu chứng gọi điện báo cho y tế phường và có 2 cách để xác định kết quả xét nghiệm. Người dân có thể ra trực tiếp tại Trạm Y tế phường để được xét nghiệm. Hoặc người dân có thể gửi clip quay lại quá trình test COVID-19 đến Trạm Y tế để xác định và có được quyết định cách ly tại nhà 7 ngày.
Cũng theo ông Tâm, hiện nay, số lượng ca F0 tăng, lực lượng y tế quận Hoàng Mai có hạn trong khi cán bộ y tế của quận phơi nhiễm nhiều. Để tránh tập trung F0 đông tại Trạm Y tế phường, quận Hoàng Mai cố gắng đưa ra những giải pháp phục vụ người dân tốt nhất, thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế.
Còn theo lãnh đạo phường Hoàng Liệt, để tránh tình trạng F0 tập trung đông người lấy mẫu xét nghiệm, phường sẽ thông báo tổ chức xét nghiệm theo giờ. Cụ thể, tổ này mấy giờ, tổ khác mấy giờ. Tất cả được thông báo tới toàn người dân, tổ dân phố nắm được để tránh việc các tổ ồ ạt kéo đến cùng một giờ. Cùng với đó, mọi người có thể tự xét nghiệm gửi kết quả cho y tế phường. Ngoài ra, người dân có thể tự test tại nhà quay clip gửi lại cụ thể cho nhân viên y tế.
Thấy bản thân có dấu hiệu đau họng từ hôm thứ Hai (ngày 21.2), chị L.T.H, 29 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội đã tự test nhanh và cho kết quả một vạch (âm tính). Sau đó một ngày, chị tiếp tục test và kết quả vẫn âm tính.
Tuy nhiên, sáng 23.2, thấy cơ thể mệt mỏi hơn và có sốt, chị tiếp tục test và đã dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó, chị đã kêu chồng xét nghiệm cho con trai 2 tuổi và cho bản thân. Kết quả, hiện tại chồng và con trai đều âm tính, còn chị dương tính. Chị Hoa được yêu cầu cách ly trong phòng, sử dụng nhà vệ sinh riêng và nhường toàn bộ không gian sinh hoạt bên ngoài cho chồng.
Chị H. vẫn phải tự mình chăm sóc con nhỏ khi bản thân đang là F0.
Do con còn nhỏ, không tách mẹ được nên chị Hoa đành phải cho con cách ly cùng để tiện chăm sóc. Để giữ an toàn cho con, chị Hoa phải dùng 2 lớp khẩu trang, sử dụng găng tay khi cho bé ăn. Để giữ sức đề kháng cho con, chị đã mua thêm siro và sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho con.
Vì con còn nhỏ, chị Hoa buộc phải cho con ngủ cùng. Tuy nhiên, dù lúc ngủ thì chị vẫn đeo khẩu trang 24/24 để tránh lây lan dịch cho con. Do chưa sử dụng thuốc kháng virus, con nhỏ chưa cai sữa nên chị được mọi người khuyên vẫn cho con bú sữa bình thường.
Nói về chăm con F0, bác sĩ Khanh cho biết, nhiều phụ huynh đã cùng con đi qua những ngày F0 mà vẫn không bị lây, chỉ nhờ rửa tay, khẩu trang, phòng thông thoáng.
Nếu cha hoặc mẹ của trẻ là người đã được tiêm vaccine, lại mang khẩu trang kỹ thì khả năng bị lây là thấp dù trực tiếp chăm con F0. Vaccine giúp chúng ta giảm nguy cơ bị lây, chỉ khi nào tiếp xúc với một lượng virus thật lớn mới có khả năng bị lây lan.
"Anh ơi em dương tính rồi, anh uống những thuốc gì thế?"
"Lúc anh dương tính có sốt cao không? Xông thế nào mới đúng cách hả anh?"
...
Đây là những câu hỏi mà anh N.C.T liên tục nhận được sau khi bản thân khỏi COVID-19. Theo đó, vừa kết thúc kỳ nghỉ tết Nguyên đán, anh N.C.T (Cầu Giấy, Hà Nội) quay trở lại làm việc nhưng ngay lập tức có kết quả dương tính với COVID-19, vậy là "kỳ nghỉ" của anh T. bất đắc dĩ kéo dài thêm. Sau 10 ngày điều trị, anh T. đã có kết quả âm tính và tiếp tục cách ly tại nhà thêm 5 ngày trước khi quay trở lại làm việc. Trong thời gian đó, nhiều đồng nghiệp của anh T. cũng nhận kết quả dương tính, anh T. trở thành "tư vấn viên" cho bạn bè, đồng nghiệp của mình về cách anh vượt qua COVID-19 tại nhà.
Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm được lập ra, trong đó có không ít F0 đã khỏi bệnh vào chia sẻ kinh nghiệm cho các F0 mới. Tuy nhiên, mỗi người lại "tư vấn" một kiểu khiến cho những người mới nhận kết quả dương tính gặp phải không ít những hoang mang.
Từ tháng 1, số ca mắc COVID-19 của Hà Nội tăng nhanh, mới đây nhất số ca mỗi ngày đã tăng lên hơn 10.000 ca. Kéo theo số ca điều trị tại nhà cũng tăng lên, do đó nhu cầu mua kit test nhanh của người dân cũng tăng lên.
Kit xét nghiệm những ngày này đang là mặt hàng “hot”
Minh Thư (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, vào thời điểm hiện tại, nhu cầu sử dụng kit test của chị tăng cao. "Bình thường tôi đi nhiều nơi, cũng không biết đã tiếp xúc với ai, có tiếp xúc với F0 hay không. Khi về nhà, để bảo đảm sức khoẻ cho mọi người trong gia đình nên tôi có nhu cầu test để biết mình có bị F0 hay không. Bản thân tôi cũng không có lịch test cố định nhưng nếu thấy trong người khác biệt, có triệu chứng thì tôi sẽ test luôn".
Nhiều nhà thuốc bán kit test nhanh không xuể từ sáng đến đêm muộn. Chủ các nhà thuốc cho hay, nhu cầu mua test nhanh ở Hà Nội tăng cao từ tháng 1.2022.
Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh - pôn) cho hay, hiện nay có tình trạng người dân ngày hôm nay test, ngày mai lại test hoặc thậm chí có trường hợp ngày test đến 3-4 lần. Những trường hợp test 3-4 lần trong ngày, không có triệu chứng gì nhưng lại suy nghĩ và ám ảnh về bệnh tật nên thực hiện test, theo bác sĩ Phúc điều này gây lãng phí về tiền bạc, lãng phí tài nguyên và gây ra những vấn đề về ô nhiễm môi trường.
Tại phiên họp trực tuyến với các quận huyện, xã phường để chỉ đạo các giải pháp kịp thời trước tình hình dịch bệnh gia tăng ngày 27.2, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận huyện cần chủ động làm việc với các bệnh viện trên địa bàn theo nội dung TP đã làm việc: điều trị bệnh nhân tầng 2,3; dành ít nhất 50% số giường… Khi đó, sở sẽ điều tiết lại, đảm bảo bệnh nhân được điều trị ngay trên địa bàn.
Theo bà Hà, sự đánh giá của người dân là rất quan trọng. Việc xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly người dân có thể tự làm test nhanh khi được nhân viên y tế giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp - nghĩa là thực hiện online đều được.
Bên cạnh đó, các xã phường cần sử dụng tốt phần mềm quản lý F0 (có hướng dẫn cụ thể, phần mềm in được quyết định hết cách ly, được quyết định hưởng BHXH), cần huy động thêm các lực lượng thanh niên, phụ nữ… mới đủ nhân lực phục vụ nhân dân kịp thời. Phải ứng dụng công nghệ tối đa.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo các quận huyện, xã phường khi yêu cầu phải vào cuộc sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả nhất theo thực tiễn địa phương. Thực tế có nơi lúng túng, có nơi vẫn làm tốt.
“Các kiến nghị phải đề xuất nhanh nhất qua điện thoại, email, đảm bảo tư vấn hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng”, ông Chử Xuân Dũng nói.
Ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh thêm về vai trò quan trọng của phương châm “4 tại chỗ”, chủ động điều tiết từ phường này sang phường khác, xã này sang xã khác…
Đồng tình với ý kiến của Sở Y tế, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu rõ, các quận huyện làm việc ngay với các bệnh viện của bộ ngành, Trung ương trên địa bàn để chuẩn bị công tác điều trị COVID-19. Sở Y tế rà soát nội dung này, báo cáo ngay UBND thành phố.
Nhiều người mắc COVID-19 phải ra phường xét nghiệm để xin quyết định cách ly tại nhà. Ảnh: P.Đ
XEM THÊM