Từ nguồn tin bà con tố cáo một cơ sở sản xuất mắm tôm quy mô lớn, bán nhiều tấn cho Hà Nội mỗi tháng, có dấu hiệu mất vệ sinh và “bí mật” sử dụng nhiều phụ gia hóa chất, nhóm PV Báo Lao Động đã đóng nhiều vai con buôn, bươn bả “bơi” mấy tháng trời trong các “bể mắm tôm” khổng lồ để điều tra. Địa điểm là xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Chúng tôi giả làm khách hàng thích ăn mắm tôm, lại mở cả cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội cần nhập mắm tôm số lượng lớn.
Tại cơ sở sản xuất Phương Nhung ở xã Ngư Lộc, những người trực tiếp làm ra sản phẩm và bà con xung quanh, cũng như nguồn tin tố cáo thuyết phục đều cho biết, họ bán “ầm ầm” ra Hà Nội, nhãn hàng ghi là “Mắm tôm Phương Nhung”, “Loại đặc biệt”, “Đặc sản Hậu Lộc”, “Đặc sản Thanh Hóa”. Mỗi tuần vài lượt, họ dùng xe tải, chở nhiều tấn mắm tôm “đặc sản” ra Hà Nội bán.
Mỗi lần đến tiếp cận, chúng tôi mua một ít hàng (có khi phải vứt bỏ ngay sau khi ra khỏi xưởng chế biến vì ghê sợ), để tạo vỏ bọc tiếp tục điều tra.
Hình ảnh những xô chậu múc mắm tôm đặt bệt ngay xuống đất, cạnh đó là hót rác, chổi nhựa, nhiều nhân công vô tư bơm mắm tôm vào chai nhựa bằng tay trần, chân trần “tơ hơ”...
Đặc biệt đáng sợ là hệ thống bể ngâm, chứa bằng bê tông rất bẩn thỉu, vài miếng nhựa, vài miếng nilon, mấy mảnh phibrôximăng che cũ kỹ ố mốc. Những bể xi măng lúc nhúc giòi và những con “bọ mắm” bò lổm ngổm. Chúng bu kín cả một góc bể lớn.
Vô số côn trùng đáng sợ đang bơi hoặc đã “tử nạn” trong bể mắm tôm. Vài con nhện to bằng hai ngón tay, phơi mình chết thối, nổi lềnh bềnh. Lại thêm mấy chú thạch sùng, con nào cũng to dài, đen thui mục ruỗng “mắc cạn” trên bể mắm tôm lầy nhầy. Chưa hết, bọn gián mới là nhiều, con nào cũng to, nổi lập lờ.
Đại diện cơ sở lẩm bẩm, đại ý: "Yên tâm, lần nào chúng em cũng lọc mắm tôm trước khi xuất bán mà". Tôi vờ kêu ca thì cô bé áo hồng bèn miễn cưỡng dùng cái gáo đỏ múc vài con gián ra.
Cô bé bảo: "Nhà em bán có thương hiệu, bán nhiều tấn lên Hà Nội mỗi tuần. Bọn anh cứ mua đi, lúc bán sẽ có giấy tờ công nhận tiêu chuẩn vệ sinh ATTP đàng hoàng".
Một người hàng xóm, là một trí thức trong khu vực, gặp riêng chúng tôi ngoài quán cà phê cho biết: Cơ sở này có nhiều bể chứa mắm tôm lớn, hàng trăm tấn. Họ chỉ bỏ phụ gia, hóa chất vào mắm tôm ở giai đoạn trước khi đóng chai đem bán.
Một công nhân đã nhiều năm trực tiếp nấu phụ gia, chất tạo màu cho cơ sở Phương Nhung đã tiết lộ: Họ phải nấu chất tạo màu đỏ ối kia ra. Pha nó loãng bằng nước sôi, “phù phép” mắm tôm đen sẫm thành cái màu lòng tôm hồng hồng đo đỏ cho bát mắm tôm trong bữa bún đậu thơm nức.
Bà bảo, sợ nhất là loại hóa chất “có màu tim tím, đen đen, loại này khi “nấu” để pha, nó bay mùi lên kinh khủng lắm. Phải đeo bao tay, khẩu trang, hơi nó bay lên gây khó thở. Chữ trên bao bì thì toàn chữ nước ngoài, không đọc được. Đừng nói mà bà chủ mắng chị, chứ họ vẫn bỏ hóa chất vào, để nó giữ được cái độ (màu) không đen mấy, mà mình không bỏ thì nó nhanh đen màu”.
Bà chủ dặn không được nói cho ai biết. Nói chung (người) mình biết chết vẫn ăn, chị này thở dài nói.
Trước các thông tin sững sờ đó, nhóm PV đã đề nghị với Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa, đề nghị thành lập đoàn kiểm tra đột xuất cơ sở Phương Nhung. Một loạt các sai phạm bị chỉ ra, yêu cầu khắc phục. Mẫu mắm tôm được lấy để tiến hành xét nghiệm.
Ngày 24.8.2017, Viện kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn Thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) đã đưa ra Kết quả kiểm nghiệm về sản phẩm mắm tôm của Cơ sở Phương Nhung (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) mà loạt bài và video của Lao Động liên tiếp phản ánh. Theo đó, mẫu mắm tôm do Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản Thanh Hóa lấy về và gửi đi kiểm nghiệm đã cho kết quả: Chứa chất phụ gia vượt mức cho phép.
Cụ thể, hàm lượng chất bảo quản Benzoat vượt quá 3 lần so với ngưỡng cho phép. Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, một chuyên gia hàng đầu về an toàn thực phẩm, có thể khiến người sử dụng “chắn chắn bị gây hại”. Các biểu hiện có thể là bị tiêu chảy, nôn ọe, hay các mức độ trầm trọng hơn, tùy theo mức độ và tần suất sử dụng.
Từ căn cứ trên, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản Thanh Hóa đã ra “Quyết định xử phạt vi phạm hành chính” đối với bà Nguyễn Thị Nhung - chủ cơ sở mắm tôm Phương Nhung, tại xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Lý do, đã vi phạm hành chính “sản xuất sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố đã áp dụng theo quy định tại Điểm A, khoản 2, Điều 17, Nghị định số 80/NĐ-CP ngày 19.7.2013 của Chính phủ”. “Buộc tái chế sản phẩm, hàng hóa đã vi phạm. Vì đã thực hiện hành vi: Sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá giới hạn cho phép”. Hành vi vi phạm hành chính “Sử dụng người lao động có mang, mặc bảo hộ lao động theo quy định nhưng không đầy đủ” cũng bị xử phạt hành chính.
Đặc biệt, từ tố cáo của Lao Động, hành vi “Sử dụng nơi bảo quản thực phẩm, chứa đựng thực phẩm có côn trùng gây hại” cũng bị phạt hành chính 4 triệu đồng”. Quyết định có hiệu lực từ ngày 29.8.2017. Người ra quyết định, Phó Chi cục trưởng Nguyễn Xuân Đồng.
Với rất nhiều bất cập, với cách phạt như phủi bụi, phạt cho tồn tại và cách làm kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” đó thì: Chắc chắn, cái tai hại của “mắm tôm kinh hoàng” và các sản phẩm bị làm ẩu, làm nhẫn tâm kiểu này nói chung, chúng đã rước họa vào người tiêu dùng từ lâu lắm và nó sẽ còn “tác yêu tác quái” nữa. Người tiêu dùng đã đến lúc: Một là phải thông thái đến mức “thần thông quảng đại” để tự bảo vệ được mình, hai là “chạy trời không khỏi nắng”, tức là lãnh đủ.