Hầu hết tất cả thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch không chỉ làm một công việc, một nhiệm vụ mà các bạn đều trải qua rất nhiều công việc khác nhau kể từ đầu mùa dịch đến giờ.
Khi được hỏi về cảm xúc làm những việc ý nghĩa này cho cộng đồng và TPHCM, anh Dương Đức Định - Thành viên đội tình nguyện viên Khu khử khuẩn di động nói: "Hiện nay, đa số anh em trong đội đều dành toàn thời gian chống dịch".
Câu nói đó đã thể hiện sự quyết tâm và sự tập trung cao độ của những tình nguyện viên trong những ngày thành phố chiến đấu với COVID-19. Công việc toàn thời gian của họ giờ đây, là những thành viên chống dịch, không quản ngại khó khăn và nhiều nguy hiểm.
Mỗi ngày, ca sáng bắt đầu từ 7h đến chiều, nếu làm ca chiều thì tại một số nơi cao điểm hoặc nguy cơ rất cao khiến lượng người đông hơn thì có lúc 12h hoặc 1h đêm tụi em mới về nhà" - Đó là lịch trình hàng ngày của Vân Anh và có lẽ cũng là lịch trình chung của đa số sinh viên y khoa tham gia công tác tình nguyện chống dịch tại TPHCM trong những ngày vừa qua.
Khoảng thời gian nhiều ổ dịch mới xuất hiện ở các quận, huyện gồm Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh... phải lấy hàng trăm nghìn mẫu/ngày, con số cao hơn rất nhiều so với Gò Vấp trước đó. Những ngày đó thời tiết nắng chang chang và những điểm lấy mẫu ngoài trời giữa trưa khiến Vân Anh và đồng đội khó quên được.
"Có những ngày rất mệt và rất nóng, mồ hôi ướt đẫm luôn, lúc đó tụi em chỉ muốn được kết thúc công việc để về nhà thôi. Nhưng nghĩ đến trách nhiệm của mình, tụi em lại động viên nhau "thôi ráng lên còn chút xíu nữa là xong rồi". Tụi em dù được phép xin về sớm, nhưng ai cũng cố gắng ở lại làm cùng nhau không có ai về sớm bao giờ hết, đi cùng đi và về cũng cùng về chung"- Vân Anh kể lại những ngày đi lấy mẫu.
Trong những ngày này, các bếp ăn từ quy mô lớn tới nhỏ, từ cá nhân đến tổ chức đều được hoạt động hết công suất, để đáp ứng cho nhu cầu lên tới hàng trăm nghìn suất ăn cho các khu cách ly, phong toả và những người dân nghèo, vô gia cư.
Trong căn bếp đã đỏ lửa 2 tháng qua tại Trung tâm công tác xã hội (Thành Đoàn TPHCM) cũng vậy. "Lần kỷ lục bạn nấu là bao nhiêu suất ăn một ngày? Tôi cùng 2 anh bạn là 3 người bếp chính, chúng tôi nấu hơn 5.000 suất/ngày, hay nói đúng hơn mỗi người chúng tôi nấu hơn 1.600 suất/ngày…" - Đó là những dòng nhật ký của anh Bùi Thanh Tùng - 1 trong 3 bếp chính của bếp ăn thiện nguyện Trung tâm công tác xã hội (Thành Đoàn TPHCM).
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TPHCM, các cuộc gọi đến Trung tâm Cấp cứu 115 cũng theo đó mà ngày một tăng cao. Ngay lúc đó, đội ngũ thanh niên tình nguyện từ Thành đoàn TPHCM đã luôn có mặt tại Trung tâm Cấp cứu để triển khai hỗ trợ công việc trực tổng đài, tiếp nhận các thông tin và điều phối cấp cứu cho F0.
Không chỉ những cuộc gọi ban ngày, mà ngay cả những lúc sau 23h giờ đêm, khi nhiều người, nhiều gia đình đã yên giấc ngủ, đường phố im lìm không còn phương tiện qua lại, trong căn phòng trực Tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115 tiếng chuông điện thoại từ đường dây nóng vẫn reo không ngừng nghỉ, thậm chí còn nhiều hơn.
"Reng, reng, reng" - "Alô! Cấp cứu 115 xin nghe..." và sau đó những lời kêu cứu, những sự việc khẩn cấp cứ tìm đến liên hồi bên tai của những "tổng đài viên" trực tại Trung tâm Cấp cứu 115.
"Có nhiều người gọi tới với tâm trạng rất bức bối, khó chịu, thậm chí họ còn mắng, chửi nói những câu rất khó nghe, khiến mình có lúc tự nghĩ rằng sao mình phải ngồi đây nghe những câu nói này" - Tuyết Trinh - Tình nguyện viên Trực tổng đài 115.
Trong khi trực Tổng đài, không tránh khỏi những trường hợp gặp phải những câu nói nặng lời và khó nghe, nhưng các bạn tình nguyện viên đều nghĩ rằng phải đặt mình vào người khác để xử lý công việc, với mục tiêu làm sao để hỗ trợ và cứu được nhiều người nhất, bởi vì họ biết họ là cầu nối giữa sự tuyệt vọng và hi vọng.
“Có những lúc, người nhà bệnh nhân gọi lên y tế địa phương không được thì gọi lên tổng đài mình, nói khó nghe. Nhưng thực tế, khi nhà mình có chuyện, 1 người tâm lý dù có cứng đến mức nào cũng không tránh khỏi có vài giây bối rối.
Tụi mình hiểu, nên lúc đó luôn cố gắng lắng nghe, tạo nhịp điệu chậm lại cho cuộc nói chuyện để giúp bệnh nhân và người nhà giữ bình tĩnh, cũng như hướng dẫn xử lý trong khi đợi xe cấp cứu đến đón. Mình phải đặt mình vào vị trí của người gọi lúc đó để thông cảm với họ” - Tam Thanh Tuấn - Tình nguyện viên Trực tổng đài điều phối F0.
XEM THÊM