Lao Động
Lao Động eMagazine

Những đề xuất 'thần tốc' của Bộ Tài chính giải cứu doanh nghiệp thời COVID

Những đề xuất 'thần tốc' của Bộ Tài chính giải cứu doanh nghiệp thời COVID
Những đề xuất 'thần tốc' của Bộ Tài chính giải cứu doanh nghiệp thời COVID

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có khả năng linh hoạt tốt, nhưng sức chống chịu lại rất yếu.

Về mặt tài chính, họ không có dự trữ. Do đó, khi xảy ra dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp không còn dòng tiền, không có thu nhập. Còn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vì bị lệ thuộc, chưa đứng được ở vị trí chi phối thị trường, nên khi một mắt xích nào đó trong chuỗi cung ứng bị “đứt, gãy”, thì ngay lập tức nhiều doanh nghiệp Việt sẽ khó chống đỡ. Chính vì vậy, mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt là rất lớn.

Theo một nghiên cứu toàn cầu của Hiệp hội Kế toán và Công chứng Anh (ACCA), 3 tác động lớn nhất của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp là năng suất lao động, dòng tiền và việc dừng hoặc giảm tiêu thụ. Đáng nói, có đến 47% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ đang gặp khó khăn về dòng tiền, cao hơn hẳn con số 37% của toàn cầu và 44% của các doanh nghiệp khu vực ASEAN. Trong khi đó, khối doanh nghiệp lại là khu vực chính để đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước, do đó yêu cầu cấp bách đặt ra là phải “giải cứu” doanh nghiệp, cho dù phải hy sinh những lợi ích trước mắt.

Mới đây nhất, theo đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thực hiện ngay từ đầu tháng 4/2020.

Nghị định này được xây dựng “thần tốc” và gói hỗ trợ liên tục được nâng từ 30.000 tỷ đồng lên 80.000 tỷ đồng và đến nay là khoảng 180.000 tỷ đồng. Theo đó, gia hạn thời hạn nộp thuế 5 tháng đối với Thuế giá trị gia tăng (VAT) và Thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp; Thuế giá trị gia tăng và Thuế thu nhập cá nhân của các hộ kinh doanh và tiền thuê đất của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với chính sách này, có khoảng 98%, tức khoảng 740.000 doanh nghiệp đang hoạt động và hầu hết các hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh đều thuộc diện được gia hạn thuế và tiền thuê đất.

Theo Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) Võ Thành Hưng, mặc dù giãn hoãn thuế không phải ngân sách “cho không” doanh nghiệp nhưng trong thời điểm này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để phục vụ các mục đích sản xuất, kinh doanh. “Giãn, hoãn thuế giúp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thanh khoản, tức là trong lúc luồng tiền vào của họ không có thì họ không phải đi vay để nộp thuế, coi như ngân sách cho họ vay với lãi suất 0% trong 5 tháng. Đối với ngân sách Nhà nước, vì không thu được thuế nhưng vẫn phải chi nên Nhà nước sẽ phải đi vay sớm hơn, như vậy cũng sẽ phát sinh một phần chi phí lãi. Nhưng tựu chung lại, các khoản thuế phát sinh sẽ vẫn phải thu trong năm, vì vậy sẽ không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách” - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) Võ Thành Hưng cho biết.

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết, các doanh nghiệp phản ứng rất tích cực với chính sách gia hạn nộp thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính. “Nhiều người nói thời gian gia hạn 5 tháng là chưa đủ cho doanh nghiệp phục hồi, hay doanh nghiệp không có nguồn thu, không phát sinh thuế thì việc gia hạn không có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên thực tế các doanh nghiệp đón nhận chính sách này rất tích cực, bằng chứng là đã có nhiều doanh nghiệp nộp đơn xin gia hạn. Tôi nghĩ, khi doanh nghiệp khó khăn thì 1 đồng cũng quý, việc gia hạn thuế sẽ giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để trả công nợ, giữ nhân viên… Còn về thời gian gia hạn, Chính phủ đặt ra thời hạn 5 tháng nhưng căn cứ tình hình thực tế nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn, tôi nghĩ Chính phủ có thể linh động, thậm chí kéo dài đến hết năm” - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân nhận định.

Đối với chính sách miễn, giảm thuế, do thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các dự thảo Nghị quyết để Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ một loạt giải pháp như nâng mức giảm trừ gia cảnh khi tính Thuế thu nhập cá nhân; giảm Thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống còn 15%-17% từ ngày 1/7/2020 thay vì từ 1/1/2021 như lộ trình, miễn Thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh; sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi; sửa đổi các hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu…

Còn tại Dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Chính phủ thông qua, Bộ này đã đề xuất giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2020 nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đồng thời, miễn, giảm 50% thuế suất Thuế giá trị gia tăng (VAT), từ mức 10% xuống 5%, cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, hàng hóa nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của các doanh nghiệp. Xem xét việc hoàn Thuế giá trị gia tăng trong năm 2020 cho một số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng, trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 như hàng không, du lịch... Đây được coi là những gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch và phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, không ít ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của các đề xuất gói chính sách về thuế nêu trên.

Chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng việc miễn, giảm thuế ở mức nào sẽ là vấn đề rất cần phải cân nhắc. “Cơ bản hiện nay là phải giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn lỗ đã, sau đó mới tiến tới sản xuất, kinh doanh có lợi để nộp thuế. Vì vậy, theo tôi chính sách miễn, giảm thuế có thể đi sau một bước so với các gói chính sách về tín dụng, về gia hạn thuế. Thứ hai, là giảm bao nhiêu cũng cần phải cân nhắc tùy vào mức độ cân đối ngân sách của Nhà nước. Nếu giảm đến 50% Thuế thu nhập doanh nghiệp và Thuế giá trị gia tăng thì rõ ràng là mức tương đối nhiều. Như thế năng lực ngân sách khó mà chịu được trong bối cảnh năm nay giảm thu ngân sách rất mạnh” - Tiến sĩ Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Về phía cơ quan quản lý, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) Võ Thành Hưng cho biết, trường hợp theo đề xuất của Bộ Tài chính, tức là giảm Thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện từ tháng 1/7/2020 thay vì 1/1/2021 như lộ trình thì dự kiến sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp được hưởng lợi. Qua đó, ngân sách Nhà nước năm 2020 sẽ giảm thu khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 1 năm giảm 15,6 nghìn tỷ đồng. “Như thế ngân sách Nhà nước vẫn có thể chịu đựng được. Nhưng nếu giảm 50%, với số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 93% - 95% tổng số doanh nghiệp trong cả nước thì bài toán cân đối ngân sách sẽ rất khó khăn” - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) Võ Thành Hưng phân tích.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia cho rằng nếu chúng ta cứ đắn đo, thêm bớt thì sẽ đánh mất cơ hội “cứu” các doanh nghiệp, bởi lúc đó e rằng “nước xa không cứu được lửa gần”. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh tác động vô cùng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì việc giãn, hoãn, giảm thuế là vô cùng quan trọng và cần tiến thêm một nấc nữa. “Hiện nay, các giải pháp hỗ trợ của chúng ta chỉ là trên tinh thần của hai từ “hoãn” và “giảm” chứ chưa có “miễn” và “giảm”. Tôi mong muốn nhiều hơn ở các gói hỗ trợ này. Thứ nhất, là thời hạn hoãn và giảm này cần nhiều hơn, kéo dài hơn so với tác động của dịch bệnh. Thứ hai, với thời gian miễn giảm như hiện nay, việc hỗ trợ chỉ giúp thanh khoản cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn, chứ chưa đủ tạo tiềm lực để doanh nghiệp phát triển” - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.

Thưa ông, hiện nay Việt Nam đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh, các doanh nghiệp bắt đầu quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ông, những khó khăn gì đang chờ đợi doanh nghiệp phía trước?

Đối với nước ta đến nay, công tác chống dịch tạm coi là thành công, Chính phủ đã có những giải pháp rất tốt. Nhưng doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp của chúng ta hiện nay đang hội nhập rất sâu, chúng ta tham gia các Hiệp định song phương, đa phương, nhất là xuất khẩu và du lịch đang phụ thuộc rất nhiều các nước xung quanh. Trong khi đến thời điểm này, tại nhiều nước, đỉnh dịch vẫn chưa đến, số người bị nhiễm vẫn rất lớn, đặc biệt ở các nước lớn. Vì vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi, nhất là những ngành như du lịch, xuất nhập khẩu…

Du lịch Ninh Bình

Hiện nay chính sách giảm thuế đang được các bộ, ngành đề xuất Chính phủ báo cáo với Quốc hội, mức giảm Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2020 lên đến 50%. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, nếu mức giảm lớn như vậy có phải là “vung tay quá trán”?

Tôi không nghĩ vậy. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tất nhiên là phải chịu thiệt về ngân sách, nhưng chúng ta không nên chỉ tư duy con số thiệt hại bằng những phép tính khô khan như vậy, mà phải tư duy rộng ra. Tức là nếu giảm cho doanh nghiệp thì cái tiền được giảm đó doanh nghiệp sẽ đưa trở lại sản xuất, kinh doanh, mang lại doanh thu, lợi nhuận, từ đó nộp thuế nhiều hơn. Chúng ta phải “nuôi dưỡng” nguồn thu là như vậy. Vì vậy tôi nghĩ giảm 50% thuế, thậm chí nếu cần, giảm 100% cũng phải làm để “cứu” doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu chúng ta hỗ trợ tốt thì những hộ kinh doanh, doanh nghiệp sẽ sống sót, sẽ nuôi được người lao động. Mà doanh nghiệp nuôi được lao động thì sẽ “gánh” được cho gói an sinh xã hội.

Nhưng hiện nay sức chống chịu của doanh nghiệp Việt đang rất kém. Ông nghĩ sau dịch, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sẽ ra sao?

Số liệu tại Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020 do Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, tại thời điểm ngày 31/12/2018, trong số 610.637 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh thì chỉ có 44,1% có lãi, 7,5% hòa vốn, còn lại 48,4% lỗ. Riêng đối với khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước (gần 591.500 doanh nghiệp), cũng chỉ có 43,7% làm ăn có lãi, 7,7% hòa vốn, còn lại 48,6% lỗ. Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động còn kém hiệu quả. Bình thường đã vậy, khi dịch bệnh chắc chắn tỷ lệ trên sẽ xấu hơn nhiều. Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta có “cứu” được hết các doanh nghiệp hay không? Tôi nghĩ là không. Chúng ta phải chấp nhận mất đi những doanh nghiệp trước dịch đã “ung thư” rồi. Còn doanh nghiệp nào làm ăn tốt mà vì dịch bệnh bị thua lỗ thì bằng mọi cách phải “cứu”.

Công Trình xây dựng

Về dài hạn, theo ông chúng ta phải làm gì để tăng sức chống chịu của doanh nghiệp trước những cú sốc tương tự?

Cuộc khủng hoảng lần này cho chúng ta thấy sức chống chịu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất kém. Chúng ta phụ thuộc quá lớn vào các thị trường bên ngoài. Vì vậy, ngoài những chính sách cấp bách trước mắt như các gói chính sách tín dụng, chính sách tài khóa, chính sách an sinh xã hội, theo tôi để doanh nghiệp có thể tồn tại thì chúng ta phải tập trung phát triển ngay kinh tế nội địa. Nhiều người đã đặt vấn đề này, nhưng theo tôi đến nay hiệu quả chưa cao, sự vào cuộc từ doanh nghiệp đến Chính phủ chưa quyết liệt. Chúng ta có 100 triệu dân, phải làm sao để người dân tiêu thụ được hàng hóa do các doanh nghiệp Việt Nam làm. Hàng nước ngoài nhập khẩu, thuế đắt hơn nhưng người dân chúng ta vẫn mua cơ mà. Thì rõ ràng, doanh nghiệp của chúng ta phải nâng tầm lên. Tôi nghĩ sau dịch Chính phủ sẽ cần có một gói hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa.

Xin cảm ơn ông!

Thành phố phát triển

LĐO | 10.05.2020 | 08:00