Những người thầy ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò

Những người thầy ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò
Những người thầy ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò

 

“Ăn cơm thôi! Cường ơi, gọi các bạn về ăn cơm nào” - thầy Ngần Quốc Việt (giáo viên dạy âm nhạc,  kiêm Tổng phụ trách Đội  Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS xã Tân Dân, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) khom lưng, khệ nệ bưng mâm cơm, thức ăn vẫn còn nóng hổi, miệng liên tục gọi học trò.

 

Học sinh, đứa đang chơi ngoài sân, đứa đùa nghịch trong phòng, đứa cùng thầy nấu nướng, khi nghe tiếng gọi đều háo hức chạy theo.

Bữa cơm của thầy trò Trường Tân Dân hôm nay có món cá hấp thơm phức, cùng rau cải luộc.

Chỉ ngần ấy cũng khiến những đứa trẻ ở vùng quê nghèo xuýt xoa, ví là “sơn hào hải vị”. Bởi chúng biết, để có được bữa cơm đó, các thầy cô của trường đã lặng lẽ làm việc sau những giờ lên lớp, vì cái bụng no của học trò. Bữa cơm được nấu bằng tình yêu thương của những “người đưa đò” tận tụy.

Những người đưa đò tận tụy
Đường đến trường quanh co dốc núi

Đường đến trường quanh co dốc núiSau 7 tiếng chạy xe từ Hà Nội, qua trung tâm huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), đi tiếp 70km men theo cung đường cạnh lòng hồ thủy điện sông Đà, chúng tôi đặt chân đến điểm Trường  Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Tân Dân (Trường Tân Dân), huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình khi trời xế bóng.

Dù đã được thầy Hà Mạnh Quyết – Hiệu trưởng nhà trường – cảnh báo đường đến xã Tân Dân là một thử thách với bất kỳ ai, nhất là vào mùa mưa lũ – nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ.  Bước xuống xe mà chưa hết chóng mặt, không phải vì say xe mà vì “say những cung đường”. 

Hàng trăm khúc cua tay áo, hàng chục con dốc trơn trượt, một bên là núi, mây sà xuống mặt người và  bên kia là vực. Chưa kể đi một đoạn lại bắt gặp cảnh người dân, công nhân đang dọn bùn đất, thông đường do hậu quả của mưa lũ, sạt lở vừa gây ra. Nói điều này để thấy, con đường đến trường của thầy trò Trường Tân Dân khó khăn, cheo leo đến nhường nào.

“Thời điểm 2009, tôi được phân công lên đây làm Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, khi đó trường có tên là THCS xã Tân Dân. Đến tháng 2.2011, tôi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng nhà trường. Ngày đó, cơ sở vật chất của trường còn rất thiếu thốn,  không có chỗ ăn, nghỉ cho học sinh và giáo viên.

Trong khi đa phần thầy cô là người ở thị trấn Mai Châu hoặc sinh sống tại một số huyện khác của tỉnh Hòa Bình. Người ở gần trường nhất cũng 70km, người ở xa lên đến hàng trăm cây số. Đường đi thì vô cùng hiểm trở, trời mưa trơn trượt, nên buộc giáo viên phải ở lại điểm trường, trong những lán được người dân dựng tạm bằng tre, nứa để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.

Ngày ấy, học sinh của trường – chủ yếu dân tộc Tày và Mường - phải băng rừng, lội suối 15km đến trường. Đói nghèo bủa vây, nên trẻ chỉ đến trường được vài bữa lại tự động bỏ học.

Sau buổi lên lớp, giáo viên chúng tôi chia nhau đến nhà từng em để vận động phụ huynh cho con em mình đi học. Ngày đó, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nhưng chỉ cần đến lớp thấy học sinh đông đủ là vui” - thầy Hà Mạnh Quyết nhớ lại.

Ấy vậy, sau gần 10 năm chèo chống của thầy Quyết và tập thể cán bộ, giáo viên,  giờ đây mái Trường Tân Dân đã đổi khác.  Quy mô trường lớp mở rộng, đến nay đã là một trường phổ thông dân tộc bán trú có đủ các điều kiện để hoạt động và phát triển. Năm nay, trường có 197 học sinh và có 90 em trong diện ở nội trú.

Từ năm học 2017-2018, tỉ lệ đến lớp của trường đạt 100%, không có học sinh bỏ học giữa chừng. Từ mục tiêu xóa mù chữ, trường đã gặt hái nhiều thành công, thực hiện tốt nhiệm vụ “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” mà Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã đề ra. Nhiều học sinh của trường đạt được các giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Có em trở thành kỹ sư, doanh nhân thành đạt, hay tiếp nối thầy cô thực hiện việc gieo chữ nơi rẻo cao này.

Vậy điều gì làm nên thay đổi đó?

Những người đưa đò tận tụy
Ấm cái bụng, sẽ no con chữ

Ấm cái bụng, sẽ no con chữĐây là triết lý thầy Hà Mạnh Quyết và các giáo viên của Trường Tân Dân đúc rút sau bao năm kiên trì bám trụ tại điểm trường xa nhất của huyện Mai Châu, Hòa Bình.

“Đã thử nhiều cách giữ chân học sinh mà vẫn bất thành, cũng chỉ vì cái đói, đường sá đi lại muôn vàn khó khăn. Thế nhưng cũng có nhiều em hiếu học. Mỗi tuần mang theo 2-3kg gạo, ít lạc, cá khô, ở tạm các lán trại gần trường để học. Có đợt giáp hạt, gạo cũng chẳng có, bát cơm trắng chia đôi bữa để qua ngày.  Nhìn bữa cơm học trò mà trào nước mắt. Chúng tôi lẳng lặng, chẳng ai bảo ai, chia phần cơm, đùm gạo mà mình mang theo cho các em” - thầy Hà Mạnh Quyết tâm sự.

Thế rồi trong cái khó ló cái khôn. Vào năm 2011, do trường nằm ngay bờ sông Đà, trong khi học sinh ở các bản, vùng núi xuống đều không biết bơi, lo ngại tai nạn đuối nước, thầy cô trong trường đã góp tiền mua vó bè của dân, quây ở ven sông để dạy học sinh tập bơi.

“Ngày đầu xuống trường, các em bỡ ngỡ. Chúng tôi hướng dẫn từng kỹ năng và chỉ một tháng xuống học với thầy cô, 100% học sinh của trường đều biết bơi”- thầy Quyết tự hào.

Nhưng chuyện dạy bơi cho học sinh liên quan gì đến việc các em chịu đến trường học? Để tìm câu trả lời, Hiệu trưởng Trường Tân Dân và thầy Ngần Quốc Việt (giáo viên trong trường) mời chúng tôi tham gia buổi vận dụng các kiến thức sách vở vào thực tế của giáo viên trong trường.

Đó là vào 22h đêm, khi học trò đã say giấc, xếp lại trang giáo án, các thầy lặng lẽ ra sông. Thì ra chiếc vó ban ngày dùng để dạy học sinh tập bơi, đêm xuống được tận dụng để  đánh bắt nguồn thực phẩm tươi sống, cải thiện bữa ăn cho cả thầy và trò.

Công việc này được giáo viên của Trường Tân Dân duy trì 7 năm nay,  bất kể mưa gió, đêm đông rét cắt da cắt thịt. Nó quen thuộc đến nỗi, các thầy thuộc từng hộc đá trên lối lên xuống dựng đứng cạnh bờ sông trong đêm tối mò.

“Xuống cẩn thận nhé, dễ trượt lắm đấy” – giọng nói thầy Ngần đầy lo lắng khi thấy chúng tôi dò dẫm từng bước chân, trong khi thầy Quyết đã xuống đến nơi và nhanh chóng khua mái chèo, bơi thuyền ra sông để chong đèn.

Các thầy không nhắc thì chúng tôi cũng phải bò chứ không thể đi, bởi tay đã bám vào cây, hộc đá mà vẫn bị trượt dài, đất đá theo đó cứ lăn tõm xuống dòng nước.  Lúc đó dù có sợ, nhưng chẳng ai quan tâm đến việc quần áo đã lấm lem, vì quá háo hức với trải nghiệm đánh cá đêm trên dòng sông Đà, dù chuyến đi này không bắt được nhiều cá.

“Chúng tôi phải vận dụng đủ các kiến thức môn học để nghĩ ra cách bắt cá đấy. Thầy dạy Vậy lý thì thiết kế  hệ thống dòng dọc cố định, sử dụng nguyên lý đòn bẩy để kéo vó. Thầy thì nghĩ ra cách thắp đèn vào ban đêm để dụ cá vào. Nhưng mùa này nước lũ lên cao, nước sông đục nên khó bắt lắm” – thầy Quyết chậm rãi nói.

Nhờ sáng kiến của các thầy, mà 7 năm nay, học sinh Trường Tân Dân  được no cái bụng, yên tâm đến trường. Việc học sinh đến lớp đầy đủ cũng là động lực để giáo viên trong trường tiếp tục những công việc thầm lặng - ngày lên bục giảng, đêm làm ngư phủ trên sông.

“Có cá, các cô trong trường cũng có thêm nguồn để tăng gia, nuôi đàn gà, con lợn. Có hôm bắt được nhiều, thầy trò dùng không hết, chúng tôi mang bán, đổi lấy gạo cho học sinh. Các em cũng được cải thiện bữa ăn, có chất dinh dưỡng để phát triển thể lực, nâng cao trí tuệ” – cô Vi Thị Hương Giang  - Hiệu phó  Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS xã Tân Dân chia sẻ.

Những người đưa đò tận tụy
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấyĐiều đặc biệt nhất chúng tôi cảm nhận được ở mái Trường Tân Dân này là sự gần gũi, gắn kết giữa các thầy cô, học trò như những người ruột thịt trong một gia đình. Thứ tình cảm đó không thể hiện qua lời nói, mà qua cách giáo viên chăm sóc những học trò nhỏ của mình.

Thương những đứa trẻ vùng cao hiếu học, hằng ngày đi bộ hàng chục cây số đến trường, thầy cô kiên trì bám trụ, gieo từng con chữ. Xót trò nghèo, bữa ăn chỉ có cơm trắng, cá khô, đêm đêm khi xếp trang giáo án, các thầy  lặng lẽ “rẽ sóng” để đánh cá, cải thiện bữa ăn cho trò.

Ở vùng đất chỉ có “đặc sản” là núi và sông, cùng những cung đường hiểm trở thử thách bản lĩnh, sự kiên nhẫn của con người, các thầy cô – người tự nguyện lên đây, người nhận quyết định là hai hàng nước mắt -  nhưng đã dành tuổi thanh xuân, gắn bó với mảnh đất này ngót nửa đời người.

Thầy Hà Mạnh Quyết bảo, mái Trường Tân Dân không chỉ là nơi thắp sáng ước mơ cho bao đứa trẻ, mà đã là nhà, là gia đình. Ở đó, đồng nghiệp là anh em, học sinh được thầy cô chăm như ruột thịt.

Nhắc đến học trò, thầy Phùng Bá Thanh (giáo viên trong trường) cũng rưng rưng. “Mái trường Tân Dân  là gia đình thứ hai của giáo viên và học sinh rồi, vì thời gian chúng tôi ở trường, tiếp xúc với học sinh còn nhiều hơn với con cái mình.

Học sinh cũng vậy, chỉ cuối tuần mới về thăm nhà, chúng tôi không chỉ làm thầy, mà còn thay cha mẹ các em dạy dỗ, uốn nắn từng việc nhỏ nhất.  Ngày chưa có bếp ăn bán trú, giáo viên thay nhau nấu nướng, cùng ăn chung bát, chung đũa với học sinh. Học sinh ốm đau, dù đêm hôm, vẫn một tay các thầy cô chăm sóc. Lũ trẻ không chỉ là trò, mà là con”.

Giáo viên chăm sóc học trò Giáo viên chăm sóc học trò Giáo viên chăm sóc học trò Giáo viên chăm sóc học trò Giáo viên chăm sóc học trò
Cảm ơn bố Thanh, bố Quyết, bố Việt, mẹ Giang…

Cảm ơn bố Thanh, bố Quyết, bố Việt, mẹ Giang…Ngày 5.9 chính thức bước vào lễ khai giảng năm học mới, nhưng thầy trò trường Tân Dân đã tựu trường từ 13.8 để dọn dẹp trường lớp và các thầy bổ sung kiến thức cho học sinh.

Sau giờ học vất vả, vì nhân viên nấu ăn của trường sau ngày khai giảng mới chính thức trở lại công việc, thầy trò lại cùng nhau vào bếp, chế biến món cá mà các thầy bắt được trên sông.

Khi đã tươm tất, thầy Ngần Quốc Việt bê mâm cơm ra hiên, miệng liên tục gọi học trò.Các em ăn ngon lành và xuýt xoa khen. Khi được hỏi muốn nói điều gì với các thầy cô của mình, học sinh ngượng nghịu: “Cảm ơn bố Thanh, bố Quyết, bố Việt, mẹ Giang…”. Với các em, thầy cô đã là cha mẹ.

Bên kia dòng sông Đà, mặt trời thong thả xuống núi. Bên này dòng sông, sau bữa cơm là tiếng con trẻ cười đùa khúc khích, tiếng đàn, tiếng sáo của các thầy hòa trong tiếng gió ngân. Ở nơi có tiếng cười và tiếng hát đó, bao thế hệ học sinh đã được nuôi dưỡng, vun đắp ước mơ từ mớ cá, sự tận tụy, hy sinh của những “người đưa đò thầm lặng”.

Những người đưa đò thầm lặng

 

Khó khăn bộn bề, thầy cô vẫn đầy nhiệt huyết, vừa đóng vai người thầy, lại vừa là cha mẹ học sinh. Thầy Hà Mạnh Quyết khẳng định chắc nịch sẽ không bao giờ từ bỏ việc đánh cá, dù công việc này ngày càng khó khăn. Bởi việc này có lợi cho học sinh, các thầy sẵn sàng làm, không tính toán mình bỏ ra chừng nào và nhận lại bao nhiêu.

LĐO | 05.09.2018 | 08:00