Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Tư (hay còn gọi là Tư Ẩn) vào một buổi trưa TPHCM nắng hầm hập. Nhà ông ở sâu trong một ngõ nhỏ, vì vậy, chúng tôi phải loay hoay một hồi và nhờ sự trợ giúp của người dân địa phương.
"Mấy cô tìm đường tới nhà ông Tư Ẩn hay cho quần áo cũ phải không...", một người dân bên đường hồ hởi nói với chúng tôi. Có lẽ, hơn 3 năm qua, người dân khu vực huyện Nhà Bè đã quen với hình ảnh một ông già lái chiếc xe chở đầy quần áo đến từng ngõ hẻm, hay đôi khi dừng lại ở một góc chợ, "bán" đồ cho người nghèo với giá 0 đồng.
Đến nhà ông Tư Ẩn, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là ông và vợ là bà Lê Thị Bé đang cặm cụi ở căn chòi trước nhà xếp quần áo, một phần đóng bịch để gửi về Trà Vinh, một phần gửi về Tây Nguyên để phát cho người nghèo, phần còn lại được treo lên xe cho ông chở đi "bán", với mức giá 0 đồng.
Hàng trăm bộ quần áo đủ màu sắc, kiểu dáng, lứa tuổi được treo và xếp ngay ngắn phía sau chiếc xe ba gác. Đúng 3h chiều, ông Tư đầu đội mũ, đeo chiếc máy hỗ trợ nói trước ngực, điều khiển xe từ nhà ở trong con hẻm trên đường Nguyễn Văn Tạo đến chợ Bà Chồi (xã Long Thới, huyện Nhà Bè) để đi "bán hàng". Chiếc xe của ông ghi dòng chữ "Tư Ẩn của người lao động nghèo, quần áo tự chọn giá 0 đồng".
Gần 80 tuổi nhưng hằng ngày hai buổi sáng - chiều, ông Tư Ẩn đều đặn rong ruổi khắp các nẻo đường. Sáng bắt đầu từ hơn 6h, chiều sau 2h, cứ đều đặn như vậy đã hơn 3 năm nay. Từ khu công nghiệp, bệnh viện đến xóm trọ, nơi nào tập trung nhiều người lao động, người nghèo, ông ghé lại "bán" quần áo với giá… 0 đồng.
Ông Tư kể cho chúng tôi kỉ niệm về những lần đi "bán hàng". Thời gian đầu có nhiều người nhìn thấy xe đồ của ông, dù muốn lấy đồ nhưng còn e ngại. "Có nhiều người dù rất muốn đến lựa quần áo nhưng sợ bị nói là đi xin đồ miễn phí nên ngại, đó là lí do tôi để giá 0 đồng chứ không phải miễn phí là vì muốn tôn trọng người nhận. Và cũng để họ tự nhiên đứng chọn cái quần, cái áo ưng ý được lâu hơn" - Ông Tư Ẩn vui vẻ nói.
Sau đó, được tận mắt chứng kiến ông Tư Ẩn "bán hàng" cho người dân ở một chợ nhỏ ngay tại huyện Nhà Bè, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn về tấm lòng của ông. Với từng người tới xem, ông lại có những lời động viên, chia sẻ hết sức tình nghĩa, thể hiện sự gần gũi xuất phát từ trái tim nhân hậu: "Cô lựa cái nào còn nguyên, không rách, không lem màu, vì ông lớn tuổi nhìn không rõ" hay "Cô xem đồ nếu không vừa thì lựa thêm cho con cho cháu, nhà còn biết bao nhiêu người, cái nào vừa thì cô cứ lấy đi". Chắc hẳn chính bởi những lời nói này, mà ông Tư đã có thật nhiều "khách hàng", nhiều người ủng hộ trong suốt thời gian qua.
Vừa chọn đồ, bà Trương Thị Kiều Nữ (Nhà Bè, TPHCM) vừa kể lại đã biết tới xe đồ cũ này và ông Tư Ẩn nhiều năm nay. Thậm chí, không chỉ lựa chọn đồ cho mình, nhiều khi bà còn đứng đó giúp những người tới mà còn chần chừ không dám đứng lựa.
“Ban đầu nhiều người muốn lựa mà người ta ngại, cứ chần chừ không dám lại gần xem. Tôi đứng gần thấy vậy nên nói đó là đồ từ thiện cứ lựa đi, rồi thậm chí chọn vài cái đẹp rồi đưa cho họ phụ giúp cho chú Tư, để họ bớt ngại rồi thoải mái chọn hơn"- bà Nữ kể lại.
Bà Dương Thị Thuý Liễu (Nhà Bè, TPHCM) cũng kể về ông Tư Ẩn với những hành động còn hơn cả việc từ thiện quần áo. “Ông Tư tốt bụng lắm, không chỉ cho quần áo mà ông ấy còn cho những người ở chợ thuốc chữa sổ mũi, đau họng, hay bao tử. Ông ấy đi nhiều nơi, giúp nhiều người lắm”.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông Tư vẫn miệt mài làm việc mà theo ông được ông trời trả lương hậu hĩnh nhất. Mỗi bộ quần áo vơi đi trên chiếc xe là để lại thêm một nụ cười, hay cái nắm tay thật chặt hay những đôi mắt rưng rưng cảm ơn ông Tư khi có thêm vài bộ đồ cho cả gia đình.
Tất cả những điều nho nhỏ, bình dị ấy không chỉ giúp ông Tư mà còn khiến những người đến cho - nhận đồ cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Chiếc xe điện chở quần áo của ông Tư cứ thế vơi rồi lại đầy mà chẳng bao giờ sợ thiếu.
Khi chúng tôi hỏi về công việc trước đây, ông Tư chia sẻ thời trai trẻ là tài xế lái xe ngang dọc khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Chính bởi công việc này, mà ông Tư Ẩn đã nhìn thấy được những mảnh đời khó khăn, những số phận bất hạnh thiếu thốn cần được giúp đỡ ở khắp mọi nơi. Chính công việc này cho ông Tư Ẩn một thói quen bền bỉ để đồng hành cùng chiếc xe ba gác - tủ quần áo 0 đồng trên những chặng đường đầy nắng và gió. Niềm vui của ông bây giờ là mỗi ngày được lái chiếc xe quần áo đi khắp nơi “bán” cho người lao động.
Ông Tư Ẩn kể lại trong một lần, ông nhìn thấy những đứa trẻ mặc quần áo rách tươm, nhàu nhĩ, mặt mũi lấm lem. Nhìn các bé, ông nhớ đến cuộc sống khó khăn của mình ngày trước. "Tôi cũng từng phải mặc quần áo rách", ông Tư nói. Sau đó, ông quyết định dùng tiền tiết kiệm của mình mua quần áo cũ đi bán cho người nghèo với giá 0 đồng. Tuy nhiên, sau này nhiều người biết đến hành động của ông, những cánh tay ủng hộ ngày một nhiều hơn. Cũng có người thấy tấm bảng ông treo trên xe nên gọi ông vào để cho quần áo cũ, thậm chí có người còn nhận đồ giúp ông những khi ông không có mặt.
"Bây giờ, nhiều người biết nên tôi không phải mua nữa. Cứ vài hôm thì có người mang quần áo cũ đến nhờ tôi đi cho giúp. Lúc họ tới nhà lúc họ mang tới chợ", ông Tư Ấn kể lại. Ông Tư cho biết, hơn ba năm qua, ngày nào cũng đi làm công việc không lương nhưng ông thấy hạnh phúc vì có thể giúp một phần kinh tế cho các gia đình nghèo.
Tuy nhiên, cuộc đời bên cạnh niềm vui cũng có những nỗi buồn. Ngược lại với những khi được người ta cảm ơn, đôi khi cũng có vị khách hay những người qua đường khiến ông chạnh lòng bởi những lời nói khó nghe về việc tốt ông làm hay tiếng nói khè khè của ông. Tuy nhiên, ông Tư cũng không nói lại và cũng không trách họ.
Vợ con của ông Tư thấy ông vui vẻ mỗi ngày như thế nên cũng hết lòng ủng hộ. Mỗi ngày đều giúp ông sắp xếp quần áo trong lều, lên xe, có ai cho đồ thì giặt sạch rồi phân thành từng loại riêng.
Đưa tay lau mồ hôi trên mặt rồi hớp vội ngụm nước trà sau khi vừa đi bán hàng trở về, ông Tư ngồi trò chuyện cùng chúng tôi ngay trước sân nhà, mắt nhìn về hướng chiếc xe quần áo cũ. Ông Tư coi nó là bạn tri kỉ, mà có lẽ quãng thời gian còn lại của cuộc đời, ông sẽ gắn liền với nó.
Khi chúng tôi bắt đầu câu chuyện, ông Tư lắng nghe không sót một chữ nào, tuy phải dùng máy hỗ trợ để nói chuyện với chúng tôi nhưng ông Tư không vì thế mà ngần ngại trải lòng. "Trước kia tôi chạy xe máy chở đồ chỉ đeo mấy cái giỏ phía sau. Rồi sau này có một người giấu mặt, âm thầm giúp đỡ mua cho tôi chiếc xe ba gác này, còn đem xuống tận nhà. Nhờ nó mà tôi đi được nhiều nơi hơn, mang được nhiều quần áo hơn".
Ông Tư Ẩn giao tiếp thông qua một thiết bị phụ trợ đặt ở cổ họng, nên âm thanh phát ra có phần rè rè, người đối diện cần phải hết sức tập trung thì mới nghe hết được. Sở dĩ giọng ông Tư Ẩn không dễ nghe như vậy bởi hơn chục năm trước, sau một cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u chèn ép dây thanh quản, ông Tư Ẩn đã bị mất đi giọng nói. Đến nay, ông chỉ có thể giao tiếp với người xung quanh thông qua sự hỗ trợ của chiếc máy này.
Ông Tư Ẩn kể lại mới đây ông cũng nằm viện một tuần do bệnh về đường ruột và dạ dày lại tái phát. Khi chúng tôi hỏi ông lí do vì sao trời nắng gắt, thân mang bệnh mà ông lại không nghỉ ngơi; ra viện là tiếp tục ra đường; ông Tư Ẩn cười, nhìn về chiếc xe 3 gác chất đầy áo quần và nói: "Giờ ngày nào không đi với nó mà ở nhà, tôi lại thấy thiếu thiếu, không chịu được. Đi nhiều quen rồi, ở nhà buồn lắm".
Nhìn người đàn ông dáng người nhỏ đi giữa cái nắng trưa gay gắt của TPHCM mấy ai tin được con người ấy đã phải vượt qua bao biến cố sinh tử, rồi tự mình vực dậy bản thân. Không chỉ sống cho chính mình mà còn sống tử tế hơn, sống cống hiến hơn, gắn bó một phần đời với những công việc từ thiện xã hội không quản nắng mưa.
Sau vài năm, giờ đây chiếc xe của ông Tư đi đến đâu được người dân chào đón đến đó, người ta cũng bớt e ngại khi lựa chọn đồ hơn. Không chỉ dừng lại việc giúp đỡ cho những số phận ở TPHCM; tại nơi nhận đồ, ông Tư và vợ mình là bà Bé còn gom đồ, phân loại gửi về những địa phương xa hơn. "Ở đây vợ chồng tôi phân loại, rồi gửi nhờ nhà chùa, chuyển quần áo bằng xe tải tới những nơi xa hơn ở miền Trung như Đắk Lắk, hay Trà Vinh ở miền Tây"- ông Tư nói. Nhờ có ông Tư, mà đã có bao mảnh đời có được cơ hội lựa chọn cho mình những tấm áo lành lặn.
Chiếc xe ba gác hay hỏng vặt và có những khi phải dừng giữa đường, có lần ông Tư phải đẩy cả đoạn đường dài về nhà. Và có vẻ quãng đường hơn 50 km đi về và khối lượng công việc mỗi ngày dường như có phần quá sức với một ông lão gần 80 tuổi. Ấy vậy mà nghe tôi hỏi về nguyện vọng của mình, rằng ông sẽ đi làm từ thiện thế này đến bao giờ, ông Tư Ẩn cười hiền: "Tôi sẽ đi đến khi nào hết đi nổi thì thôi. Nếu con, cháu tôi có đứa tiếp tục công việc này thì tôi càng hạnh phúc!".
Có thể một năm, hai năm hay thậm chí vài ba tháng nữa, ông Tư Ẩn phải gác lại công việc bán quần áo 0 đồng trên chiếc xe ba gác của mình khi sức khỏe không còn cho phép. Nhưng chắc hẳn với một số người dân TPHCM đặc biệt là những người đã tiếp xúc và được ông giúp đỡ, ông cụ già, mắt nheo nheo, giọng nói the thé qua chiếc máy sẽ vẫn còn mãi trong trí nhớ khi nhắc đến ông Tư Ẩn hay chiếc xe "tự chọn giá 0 đồng".
Biên tập: Khánh Linh - Hoài Anh
Video: Khánh Linh - Hoài Anh
Ảnh: Hoài Anh
Thiết kế: Nhật Huy - Hoàng Minh
Kỹ thuật đa phương tiện: Hoàng Minh
Thực hiện bởi Trung tâm Truyền thông Đa Phương tiện – Báo Lao Động