Lao Động
Lao Động eMagazine

Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào

Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào
Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào

Sau chặng đường 12 giờ di chuyển, gần 10 tấn rau củ quả của người dân huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xuyên qua nhiều trạm chốt chặn, về với người dân Đà Nẵng. Từng bó rau rừng, măng tre, củ sắn được gửi đến các gia đình đang bị cách ly trong sự ngạc nhiên đến vỡ oà.

Tại các bếp ăn từ thiện, nhiều “đầu bếp” ngẩn người khi nhận ra, đây là rau dớn, quả cà đắng Nam Trà My. Bao nhiêu năm lên với bà con, lần đầu được nhận quà ngược lại khiến ai cũng rưng rưng. Hoá ra giữa khó khăn mới thấy, nghĩa đồng bào chứa chan thế nào!

Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào
Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào

Trong số hàng trăm bức ảnh được các cán bộ huyện Nam Trà My gửi về xuôi, tôi dừng lại thật lâu trước hình ảnh một cậu bé chân trần. Em là là Hồ Ánh Khiết, 8 tuổi, người đồng bào Ca Dong, ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My đang vác măng rừng đến nơi nhận hàng ủng hộ cho người dân Đà Nẵng chống dịch.

Nhiều cán bộ huyện kể lại rằng, Khiết đã đi bộ chân đất hơn 30 phút, vừa vác măng rừng, vừa ôm chặt mớ lá rau đến điểm tập kết.

Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào

Em nói với các thầy cô rằng đó là món quà em gửi xuống cho cô chú dưới phố. Bởi trong ký ức của các con, mỗi lần cô chú lên chơi, dù trời mưa hay nắng, dù bất kể mùa nào trong năm cũng mang theo quà. Đó là tấm áo mùa đông, tập vở mùa khai trường, chiếc đèn ông sao cho đêm trung thu hay gói mỳ tôm, mẩu lương khô trong những ngày thiên tai ập đến.

Các cô chú đã tặng nhiều món quà cho con rồi. Nay, nghe có đoàn xe đưa hàng về phố. Con vào rừng, chọn gốc măng thật lớn, xin mẹ bẻ giúp rồi vác bộ đến điểm tập kết. 8 tuổi, đứa trẻ ấy hồn nhiên nói, đi bộ thế này cũng bình thường thôi, con vẫn hay giúp ba mẹ làm rẫy như vậy mà, vả lại, con cũng chẳng có gì nhiều cả.

Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào

Đúng là em chẳng có gì nhiều bởi cả gia đình em, 4 người sống trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ xiêu vẹo trên đồi. Ba em đau cột sống nên đi lại không tiện, cũng chẳng làm được việc nặng.

Biết gia đình khó khăn, hằng ngày sau giờ học, Khiết theo mẹ đi lấy rau rừng để sáng hôm sau gùi xuống trung tâm xã, bán đổi gạo. Hôm mẹ đi hái rau ủng hộ cho đồng bằng, cũng như những lần khác cậu bé theo chân mẹ rồi thấy búp măng lớn liền đề nghị cho cu cậu vác đi ủng hộ. Nụ cười bẽn lẽn, Khiết mở lời: “Gốc măng này, gửi tặng cô chú làm quà!”.

Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào
Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào

Trước đó, ngày 14.8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ Việt Nam) huyện Nam Trà My đã có thư kêu gọi người dân đóng góp nông sản, chung tay cùng Đà Nẵng và một số khu vực Quảng Nam chống dịch bệnh, với thông điệp “Hướng về đồng bằng – san sẻ yêu thương”.

Ban đầu, chính những người phát động chương trình này nghĩ, chắc chỉ được vài tạ rau củ, giúp được bếp cơm từ thiện nào đó ở Đà Nẵng hay cho vài bà con đang ở khu cách ly là tốt lắm rồi. Bởi, Nam Trà My vẫn đang là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Bà con nơi đây hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Họ còn phải chạy từng bữa cơm nên việc vận động đóng góp dù là kinh phí hay vật chất là điều chưa có tiền lệ.

Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào

Thế mà, chỉ trong 3 ngày, bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Trà My cho hay, Hội trường nhà văn hoá của huyện Nam Trà My ngập trong rau củ quả. Gần 10 tấn hàng là con số khiến nhiều người vỡ oà.

Điện thoại của các cán bộ huyện liên tục nhận các cuộc gọi, hỏi tới tấp “còn cần nữa không, cần gì nữa không để bà con mang xuống”.

Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào

Là một trong những người kết nối, tất tả nhận hàng, phân loại rồi ngóng chờ từng đoàn xe ở Đà Nẵng lên nhận, anh Nguyễn Trần Vỹ - công tác trường Kim Đồng, thôn Trà Mai, huyện Nam Trà My không giấu được xúc động. “Bà con nghèo nhưng nông sản thì họ góp được. Ngay cả những đứa trẻ nghe thầy cô, ba mẹ, cán bộ thôn trao đổi với nhau chuyện góp hàng về xuôi, các con cũng tự đi lấy măng, vác về”.

“Cám ơn vì đã cho chúng tôi có cơ hội được đáp từ những yêu thương với người dưới phố. Cám ơn vì đây là dịp để người dân Nam Trà My thể hiện rằng chúng tôi không chỉ nhận mà còn sẵn sàng chia sẻ. Món quà hôm nay nhỏ thôi, nhưng xin nhận tấm lòng của bà con”- anh Vỹ chia sẻ.

Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào
Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào
Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào

Trước những tình cảm của người dân đại ngàn, những người dưới phố chẳng thể chối từ. Nhận ngay, nhận hết tất cả những gì bà con gửi tặng, gom từng cọng rau, cành lá vối đến củ cà đắng mà chở về thật nhanh, để không phụ lòng bà con là những gì người miền xuôi có thể làm lúc này.

Ngày 21.8, một đoàn xe tải đặc biệt từ Đà Nẵng đã được thông qua tất cả các chốt chặn trên hành trình về với huyện Nam Trà My, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận gần 10 tấn rau củ quả của người dân nơi đây. Lịch trình ghi rõ 4h xuất phát, thế nhưng từ 3h sáng, các tài xế đã tập trung đông đủ, “đi sớm để người dân trên đó khỏi mong” – một anh trong đoàn nhắc.

Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào

Chưa có chuyến đi về Nam Trà My nào khiến nhiều “bác tài” hồi hộp như lần này. “Lần đầu tiên lên đó mà thùng rỗng” – anh Nguyễn Văn Hải, ngụ quận Thanh Khê Đà Nẵng kể. Từ 10 năm qua, anh không còn nhớ đã thực hiện bao nhiêu chuyến đi thiện nguyện đến những nóc nhà ở Trà Leng, Trà Don hay xa hơn là Trà Vân, Trà Linh của Nam Trà My. Thế nhưng nay, anh cùng những người bạn đang thực hiện nhiệm vụ rất khác, họ đi chở ân tình của người đại ngàn về phố.

Biết tin UBND huyện Nam Trà My liên hệ với một số anh em đưa xe lên chở hàng, anh Vân gọi ngay cho người bạn dặn “để xe cho anh mượn một ngày”. Họ tranh thủ từng phút giây, bữa sáng ăn vội ở quán ven đường, lên đến nơi mặc đồ bảo hộ là vào nơi tập kết bốc hàng ngay. Rau, chuối, củ, quả từng loại được sắp xếp cẩn thận để không bị dập nát.

Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào

Đang chuyển hàng, lại có xe người dân mang đến gửi buồng chuối, các anh chẳng nề hà chạy đến đỡ, mở cửa thùng xe để vào. Nghe mọi người nói còn có vài sọt nấm chưa kịp đến, các anh vẫn nán lại đợi, vì sợ “nhỡ mất một tấm lòng”.

Măng, chuối, su hào này sẽ được chuyển về bếp ăn từ thiện cho các y bác sĩ. Rau dớn, rau lủi sẽ được chuyển đến các hộ trong khu cách ly. Chắc mọi người sẽ ngạc nhiên lắm. Bởi, nghĩa đồng bào này, nhận một lần mà thấy chứa chan!

Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào
Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào

Gần 30 ngày thực hiện hàng vạn suất cơm cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, thế nhưng nay, bếp cơm thiện nguyện của nhóm anh Hồ Ngọc Thanh – CLB Bếp Cơm Vạn Tình đặt tại quận Hải Châu, Đà Nẵng có chút khác lạ. Bởi, họ vừa nhận được quà của bà con Nam Trà My. Những bao tải bí, măng khi chuyển đến còn ghi rõ những cái tên “Trà Leng”, “Trà Mai”. Người dân hẳn đã viết lên bao tải chỉ để đánh dấu, tiện ghi lại số lượng nhưng về đến bếp cơm, nó như vạn tấm lòng đại ngàn đổ xuống.

Cũng từng đi mọi ngóc ngách của Nam Trà My để làm thiện nguyện, anh Thanh nói: “Chúng tôi biết rõ, để hái bó rau này, người dân lội vào rừng mất 8 tiếng đồng hồ cả đi cả về. Của một đồng, công một nén là vậy nhưng họ vẫn gửi xuống đây. Họ nhắn tôi đừng ngại, hãy nhận về nấu cơm, gửi tặng cho các y bác sĩ đang chống dịch. Mọi người trong bếp ai cũng xúc động không nói nên lời. Mở từng túi rau, đọc tên từng bản mà ai cũng rưng rưng, tự hào”.

Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào

Người dân Quảng Nam có câu: “Ai về nhắn với bạn nguồn. Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”, ý chỉ tình cảm keo sơn gắn bó của người miền xuôi, miền ngược qua món ăn bình dị mà thân thương.

Hôm nay, Đà Nẵng không có món mít non kho cá chuồn nhưng lại có canh bí đỏ, su hào xào, măng kho thịt,… mà một phần từ nguồn nông sản của Nam Trà My. Trong bữa cơm gửi đến các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, người dân khu cách ly sẽ có hương vị của đại ngàn.

Đại dịch lần này rồi sẽ qua, nhưng mỗi khi ăn cọng rau rừng, người Đà Nẵng sao quên được nghĩa tình đồng bào này đây!

Tình người giữa đại dịch COVID -19: Chan chứa nghĩa đồng bào