Lao Động
Lao Động eMagazine

Trần Việt Văn: Nhiếp ảnh gia có giải thưởng ảnh quốc tế "khủng" nhất VN

Trần Việt Văn: Nhiếp ảnh gia có giải thưởng ảnh quốc tế 'khủng' nhất VN
Trần Việt Văn: Nhiếp ảnh gia có giải thưởng ảnh quốc tế 'khủng' nhất VN
Người nghệ sĩ phải luôn sáng tạo không ngừng

Video: Cuộc trò chuyện cùng Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn

PV: Anh là nhiếp ảnh gia Việt Nam duy nhất đạt được nhiều giải thưởng ảnh quốc tế. Tính đến nay, “bộ sưu tập” giải thưởng của anh đã lên tới con số bao nhiêu?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Tôi có gần 80 giải thưởng, trong đó chủ yếu là giải thưởng nước ngoài. Tôi cho rằng, thi cử chỉ là một dòng chảy, nó không phải là dòng chủ lưu. Đối với người nghệ sĩ, quan trọng nhất là làm các triển lãm cá nhân, nên tôi đã thực hiện được 11 triển lãm cá nhân, trong đó có 2 triển lãm nước ngoài.

PV: Khi đạt được những giải thưởng quốc tế, nhiều người sẽ rất dễ “thoả mãn” với bản thân. Còn đối với nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn, dường như anh chưa bao giờ dừng lại?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Tôi cho rằng, điều quan trọng là mình luôn luôn cảm thấy mình đi lên, chứ không dừng lại. Khi mình dừng lại tức là mình đã chết. Tôi rất ám ảnh về câu nói của một nghệ sĩ nổi tiếng: “Bạn đừng bao giờ cảm thấy bạn bị lỗi thời”, vì vậy phải luôn luôn sáng tạo. Khó nhất của nghệ sĩ chính là sự sáng tạo, khó nhất của sáng tạo là cảm hứng. Các cuộc thi cũng là cơ hội để tôi có thể thể hiện mình, để nhìn lại mình đang ở đâu trong dòng chảy phát triển của nhiếp ảnh đương đại và đi tiếp.

PV: Có rất nhiều giải thưởng quốc tế nhưng anh lại ít khi xuất hiện trong các giải thưởng trong nước. Tại sao vậy?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Các cuộc thi trong nước tôi cũng có tham gia nhưng tham gia rất ít, tôi làm giám khảo nhiều hơn. Đôi khi tôi cảm thấy những bức ảnh của mình phù hợp vời quốc tế hơn.

Không phải cuộc thi nào tôi cũng tham gia. Những cuộc thi tôi chọn tham gia là cuộc thi có tính chuyên nghiệp cao, trong đó, tôi rất chú ý đến người chấm giải là ai. Đó là những cuộc thi mà người chấm đều là chuyên gia nhiếp ảnh, giám đốc nghệ thuật, giám đốc sáng tạo, những nhà xuất bản, những tên tuổi lớn trong các tập đoàn lớn về nhiếp ảnh thế giới. Thí sinh tham gia cũng là các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Như thế, tôi có dịp cọ xát, học hỏi kinh nghiệm và hiểu được xu hướng chung của nhiếp ảnh đương đại ở đâu.

Nhà báo nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn tác nghiệp

PV: Anh còn nhớ cảm giác lần đầu tiên được giải ảnh quốc tế không?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Đó là cảm xúc rất đặc biệt. Giải thưởng quốc tế đầu tiên của tôi là vào năm 2000, khi tôi được giải thưởng Châu Á Thái Bình Dương, tại Nhật Bản. Tôi chụp 2 người phụ nữ, 1 người phụ nữ Úc mặc áo cộc tay, đằng sau là 1 người phụ nữ Việt Nam. Bức ảnh đó, tôi đặt tên là “Chia sẻ một niềm tin tôn giáo”, 2 người phụ nữ đến từ quốc gia khác nhau nhưng họ chia sẻ niềm tin với đạo phật. Sau đó con đường của tôi tiếp tục phát triển.

PV: Với số lượng gần 80 giải thưởng, anh có nghĩ anh là người có duyên với giải thưởng?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Tôi nghĩ tôi là người may mắn, vì bởi có nhiều nỗ lực đến mấy mà không may mắn thì cũng bị loại khỏi cuộc chơi.

PV: Đối với một nghệ sĩ, tôi cho rằng có 3 yếu tố quan trọng là: tài năng, sáng tạo, cảm xúc. Tài năng của anh thì chúng ta không bàn cãi nữa, nhưng anh có bao gờ lo ngại rằng, sự sáng tạo và cảm xúc của mình bị “bào mòn” theo thời gian?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Con người ta sợ nhất là khi mất cảm hứng, mất sáng tạo. Tôi có giai đoạn cảm thấy bế tắc, chán chường khi mình không tìm được cái gì mới. Lúc đó tôi tìm lại cảm hứng bằng cách đọc sách, đi xem phim… Có những khi tôi bị dồn đến tuyệt vọng rồi thì tự nhiên cảm hứng lại đến. Tôi nghĩ rằng, cuộc sống là điều kỳ diệu.

Tôi và Châu tìm được sự đồng cảm

PV: Quay trở lại với tác phẩm đoạt giải gần đây của anh – “Câu chuyện của Châu”. Anh đã đến với “Câu chuyện của Châu” như thế nào?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Châu là một nhân vật mà tôi rất ấn tượng, nhân vật mang lại cảm hứng cho tôi. Châu Châu là một người khuyết tật, sinh ra trong gia đình không có điều kiện. Cậu được đưa vào làng trẻ Hoà Bình nuôi từ năm 6 tuổi. Đến 16 tuổi, cậu quyết định rời khỏi làng với 2 bàn tay trắng. Đây là một quyết định dũng cảm. Cậu nghĩ rằng nếu cậu cứ ở làng thì cậu mãi là người khuyết tật. Châu đã tự tìm lớp học vẽ, tự thuê nhà ở, tự bán tranh… và cậu đã trở thành một nghệ sĩ. Tôi cho rằng đó là điều rất đặc biệt.

Châu còn là biểu tượng cho hoà giải giữa Việt – Mỹ. Cậu là nạn nhân chất độc màu da cam nhưng lại sang Mỹ học, thích sang Mỹ học. Tôi đã tiếp cận Châu và chụp rất nhiều góc độ, thậm chí là thân Châu đến mức độ ăn ngủ ở nhà Châu.

PV: Châu là một hoạ sĩ, anh là một nhiếp ảnh gia, đều là nghệ sĩ. Hai người có tìm được tiếng nói chung trong quá trình làm việc?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Đúng. Chúng tôi có sự đồng cảm với nhau. Những người nghệ sĩ chúng tôi nhìn cuộc sống đẹp. Tôi không chụp Châu theo hướng thể hiện khiến người khác nhìn thấy ghê sợ hay thương cảm, mà người ta thấy khâm phục. Một con người ý chí, vươn lên bằng khát khao của mình để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp.

PV: Những chủ đề mà anh lựa chọn là gì?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Tôi có 3 chủ đề lớn là tình yêu, chính trị và tôn giáo. Đối với tôn giáo, tôi có những triển lãm lớn như “Đạo và Đời”. Ngoài ra trong lĩnh vực chính trị, tôi có dự án “Tướng trận thời bình”, cũng đã triển lãm ở Hà Nội. Dự án “Ký ức tình yêu” nói về những cảm xúc của con người, những ký ức đi không trở lại. Gần đây nhất tôi làm dự án về mẹ tôi. Vì tôi nghĩ rằng, khi đã chụp những người xung quanh rồi mà không chụp mẹ mình là một sai lầm. Và khi tôi chụp mẹ tôi thì dự án đó cũng được in sách và triển lãm nước ngoài.

Tác phẩm trong tiển lãm mẹ tôi

PV: Dự án về mẹ mang lại cảm xúc như thế nào cho anh?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Nó rất đặc biệt! Chụp mẹ mình vừa khó vừa dễ. Dễ là do đó là mẹ mình, lúc nào cũng chụp được. Khó là do mẹ tôi rất ngại xuất hiện. Những bức ảnh đầu tiên của mẹ rất cứng. Sau đó, tôi kể câu chuyện của mẹ mình, một câu chuyện hấp dẫn của riêng cá nhân nhưng lại có sức lan toả cộng đồng. Khi gửi dự thi ảnh quốc tế, tôi không nghĩ tôi được giải nhưng tôi có chú thích rằng tôi nghĩ rằng bộ ảnh có sự đồng cảm. Bởi bất kỳ ai cũng có mẹ, bất kỳ người mẹ nào cũng có nghị lực, sự hi sinh.

PV: So với thời gian mới cầm máy, những bức ảnh của anh bây giờ khác gì không?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Khác nhau nhiều chứ! Khác về độ trải nghiệm. Theo thời gian độ trải nghiệm dày lên. Thời gian đầu, có thể là những bức ảnh của tôi chỉ đẹp đơn thuần, về sau, bức ảnh phải là câu chuyện. Tôi thích đi vào 2 trạng thái: 1 là bức ảnh rất dữ dội, gây sốc về thị giác; 2 là bức ảnh cực kỳ lãng mạn, không có khái niệm chung dung ở giữa, không có khái niệm nhạt nhào, nửa đẹp nửa xấu.

Tôi là con người đặc biệt

PV: Nghệ sĩ thường bay bổng, khó hoà nhập với mọi người, anh có cảm thấy bị cô đơn?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Người nghệ sĩ nào cũng cô đơn cả. Vì đôi khi có những ý tưởng, những cái chỉ riêng người nghệ sĩ đó cảm nhận được. Có những hình ảnh, người ta nghĩ rằng, có gì đâu mà chụp nhưng nó lại gợi cho tôi suy nghĩ. Đó là suy nghĩ của cuộc đời, về dòng chảy của thời gian, về sự luân chuyển của cuộc sống. Mọi người hay gọi tôi là con người riêng biệt. Tôi không thích đông, đông người sẽ giống nhau. Đi chụp ảnh, tôi chỉ đi một mình.

PV: Vậy anh đã quen với sự cô đơn?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Dù có quen hay không thì tôi vẫn phải sống chung với nó. Dù mình không muốn quen thì cuộc sống của nghệ sĩ là như thế. Phải luôn tìm tòi cái mới, luôn trăn trở, sáng tạo, có những lúc bế tắc chán chường nhưng phải biết vượt qua những cái chán chường đó.

PV: Anh có đào tạo hướng dẫn một người nào đó để tiếp bước mình không?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Tôi cũng có tham gia một vài khoá đào tạo nhưng trực tiếp đào tạo 1 người thì không có. Có lẽ, tôi chưa có duyên gặp 1 người nào đó để đồng cảm, chia sẻ kinh nghiệm của mình.

PV: Anh nhận xét như thế nào về thế hệ nhiếp ảnh sau này?

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Thế hệ nhiếp ảnh sau này có rất nhiều bạn trẻ chụp tốt. Họ tiếp cận với phong cách thế giới rất tốt, tìm được cách đi riêng, thể hiện táo bạo nhưng đôi khi nặng về mặt tạo hình, tức là tạo hình rất đẹp nhưng câu chuyện bên trong lại chưa có nhiều, chưa có sâu sắc, chưa có trải nghiệm.

Quan điểm của tôi, bức ảnh phải mang lại cảm xúc. Nếu bức ảnh đó dù đẹp đến mấy, kỹ thuật tốt, ánh sáng đẹp, nhưng vô hồn, không cảm xúc thì nó phải bị loại bỏ.

Xin trân trọng cảm ơn anh!