Ung thư, H-Capital: Một ai đó trong chúng ta

Dù H-Capital là thuốc giả, thuốc kém chất lượng hay là gì đi nữa thì đối với những người mà sự sống chỉ được tính bằng năm, bằng tháng, thậm chí là bằng tuần thì đó vẫn là tội ác không thể dung tha.

Tôi muốn sống

Đêm 15.9.2013, cơ quan chức năng bất thần ập vào một nhà nghỉ ở Quán Gánh, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. Cô gái bán dâm - tên được đổi là Thủy, xuất hiện trong một bức ảnh che mặt - với dáng người nhỏ nhắn, khai nguyên nhân “lầm lỡ” tại cơ quan điều tra, rằng: Cô cần tiền. Cần rất nhiều tiền. Và chẳng còn không còn lựa chọn nào khác.

Thủy là một bệnh nhân ung thư vú.

“Tôi muốn sống” - Cô nói đơn giản.

Bây giờ Thủy đang ở đâu? Và làm gì?

Không ai biết. Gia đình cô ở Hưng Yên với 6 sào ruộng. Nghề nghiệp duy nhất của cô là “rửa bát thuê”, nuôi ăn, lương 500 ngàn mỗi tháng. Nếu giả sử có thể “ăn không khí uống nước lã”, số tiền ấy chỉ đủ mua 2 lọ thuốc “ngăn tế bào ung thư phát triển”, giá 215 ngàn/lọ/dùng trong 1 tuần, trước khi hoặc trúng Viettlot hoặc phải làm gì đó cho những ca mổ mà bác sĩ nói “càng sớm càng tốt”.

Tôi biết các bạn mong chờ một thiên truyện đẫm lệ, kiểu “Cô gái nghèo bán dâm lấy tiền chữa ung thư cho mẹ”. Tôi cũng từng mong có một điển hình như vậy. Nhưng cuộc sống không giống như tiểu thuyết. Hoàn toàn không giống.

Một nơi nào đó

Ở làng Lũng Vị, năm nào chẳng có người chết vì ung thư. Nhưng một người thân yêu ra đi ngay trên tay mình. Quằn quại. Đứa con còn đỏ hỏn bên cạnh... Nó giống như sự ám ảnh. Vận kể lại câu chuyện xưa với vẻ cam chịu. Hốc mắt khô khốc. Ông cầm hờ trên tay cuốn bệnh án của chính mình. Trong ấy, có ba chữ “chết chóc”: Tiền ung thư.

5h sáng ngày mồng năm tháng năm năm hai không mười một, Vận vô thức tỉnh dậy. Mất điện. Vợ nhìn anh chằm chằm qua ánh lửa bập bùng vừa thắp lên. Ôi chao ánh mắt của một người sắp chết. Nó cầu khẩn và tuyệt vọng. Sau những cơn đau chết đi sống lại, sau những tiếng la “cả làng mất ngủ”, khi ấy, vợ anh bỗng tỉnh táo lạ thường. Và lời trăn trối cuối cùng là “Đừng bán con! Nghèo mấy cũng đừng bán”.

Hôm ấy, mưa bão gào thét bên ngoài.

Ung thư đến quá nhanh. Đẻ đứa thứ hai vừa đầy tháng thì vợ Vận sốt liên miên. Một ngày, vợ Vận về ngoại ăn cỗ và sốt đến nỗi cả nhà bỏ cả mâm bàn khách khứa để đưa chị đi Viện Chúc. Tuần sau thì lên K. Được gần một năm thì đến cái ngày mồng năm tháng năm ấy.

Lũng Vị là một trong “10 làng ung thư” nổi tiếng ở Việt Nam. Ngồi xoay lưng vào “bức tường thành tích” với gần năm chục tấm giấy khen, trưởng thôn Trần Trọng Hĩ không cần “sổ Nam tào” cũng có thể kể vanh vách: Từ hồi tháng 3 đến giờ đã 4 người chết vì ung thư: Nhu, Quýnh ung thư phổi. Cụ Tuất ung thư gan. Nhà Hìu...

Nguyên nhân ư?

Cuối làng có một cái giếng. Nước nó có màu đen vàng, và nổi váng. Một thứ màu chết chóc. Không một sinh vật nào tồn tại nổi trong thứ nước ấy.

Nguồn nước ô nhiễm nặng là nguyên nhân hầu hết ở các làng ung thư Việt Nam.

Nguồn nước ô nhiễm

Vợ Vận chết vì ung thư hạch. Không có bảo hiểm y tế. Anh còn nhớ như in là mỗi lần đi viện, tài sản trong nhà lại vơi đi một chút. Tới khi vợ chết, Vận mang trong người món nợ mà đến 2017 này vẫn còn “mấy chục triệu” chưa biết khi nào mới trả được.

Cái được duy nhất mà anh nghĩ đã làm cho vợ là mỗi khi chị đau đớn quá, kêu váng làng, anh lại xách một cái gì đó đem bán, và mang về những ống thuốc giảm đau “bằng ngón tay”.

Danh sách 10 “làng ung thư”

Được công bố bởi dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của VN”:

1. Làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, H.Ứng Hòa, TP Hà Nội.

2. Làng Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên, H.Chương Mỹ, TP Hà Nội.

3. Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

4. Làng Thổ Vỵ, xã Tế Thắng, H.Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

5. Làng Yên Lão, xã Hoàng Tây, H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

6. Làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

7. Làng An Lộc, xã An Lộc, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

8. Làng Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

9. Làng Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

10. Làng Mê Pu, xã Mê Pu, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

315 người chết vì ung thư mỗi ngày
Trời gọi ai nấy dạ

Cuối năm 2014, đến lượt Vận được chẩn đoán “tiền ung thư gan”.

Đương kim công dân làng ung thư. Từng đưa tiễn bao nhiêu dân làng. Từng nhìn thấy cái chết cận kề trong những khoảnh khắc cuối cùng trên khuôn mặt vợ, nhưng khi ấy anh thẫn thờ đến quên cả đường về.

Nó như một tiếng sét vậy. Khuôn mặt bác sĩ lùi ra xa mãi. Những tiếng động bùng bùng trong lỗ tai. Cái bếp lửa cháy và khuôn mặt tỉnh bất thường của vợ hiện về. Từng cái cây đụn cỏ bỗng trở nên thân thương lạ thường.

Trong đầu Vận có một cuốn sổ với chỉ một phép chia: Nuôi ung thư 45 ngàn đồng/ mỗi thang thuốc dùng trong ba ngày. Nuôi một đứa con đang học phổ thông. Nuôi một mẹ già 94 tuổi. Và tiết chế tối đa dạ dày.


Chi phí y tế thảm họa

Tỷ lệ người bệnh bị nghèo hóa cũng như chi phí y tế từ tiền túi người dân ở mức cao (chiếm 50% chi phí).

Nếu tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân bằng hoặc vượt quá 40% khả năng chi trả của hộ gia đình gọi là chi phí thảm họa.

1992: chi phí thảm họa tại Việt Nam là 8,2%.

2014: gần 2,3% năm 2014, tương đương với 550.000 hộ gia đình

(Nguồn nghiên cứu của
Trường Đại học Y tế công cộng
)


Cũng vào năm Vận phát hiện bệnh ung thư, một thay đổi trong chi trả bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 01.01­.2015 liệt kê 28 loại thuốc điều trị ung thư mới, đắt tiền, với chi phí điều trị cho một người có thể lên đến 1,2 tỉ đồng/năm. Và phương thức chi trả cho bệnh nhân sẽ thay đổi theo hướng: giảm chi từ quỹ bảo hiểm xuống còn 30­-50% tiền thuốc, thay vì 50­-100% như trước.

Mạng xã hội ngập tràn sự lo lắng và tức giận. “Luật mới khiến chúng tôi bước gần đến cái chết hơn là giúp bệnh nhân” - một bệnh nhân viết trên mạng xã hội.

Thương Sobey, người sáng lập Mạng lưới ung thư vú đã viết một bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận: “Điều ấy có nghĩa rằng sẽ có hàng ngàn người đang dở dang điều trị sẽ chọn cái chết thay vì trả 1,3 triệu đồng cho một viên thuốc mỗi ngày để duy trì mạng sống cho mình”.

Thương, đồng thời cũng là một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đặt câu hỏi: “Mỗi ngày được sống thêm trên đời của con người nói chung và bệnh nhân ung thư là vô giá. Trong điều kiện Quỹ bảo hiểm y tế đã kết dư liên tục từ năm 2010 đến nay và hiện đang còn dư trên 20.000 tỉ đồng, thì tại sao lại để bệnh nhân phải chọn cái chết và không tiếp cận được với điều trị?”

Thương Sobey

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến năm ấy gửi đến Báo Lao Động một bức thư ngỏ gửi Thương Sobey có đoạn: Đất nước ta vẫn còn khó khăn, điều kiện đảm bảo y tế cho người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, Quỹ BHYT không thể chi trả cho tất cả người bệnh, nên nếu dành kinh phí quá nhiều để điều trị cho một hoặc một số ít người sẽ làm mất đi cơ hội điều trị của nhiều người khác. Chính vì vậy, việc phải đưa ra quyết định trong những tình huống như thế này rất khó khăn đối với nhà quản lý và các nhà chuyên môn, nhất là việc đó liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của người dân

Táng gia bại sản

Tại sao lại không điều trị thuốc Tây y tại bệnh viện?

Vận nghe rất rõ câu hỏi và anh từ từ đờ đẫn chìa ra đôi bàn tay màu trắng ngà.

Anh không có tiền. Anh còn món nợ từ 2001 chưa trả xong.

Cũng giống như bao nhiêu dân làng. Vận chỉ đi viện đến lần thứ hai. Nói đúng hơn 40-45 triệu cho 2 lần đi viện là đủ. Anh về nhà, sống cuộc đời “bồng bềnh”. Anh chữa bệnh bằng cách tháng tháng đi Hòa Bình lấy thuốc ông Lang. Chia một thang thuốc ra ba ngày là ăn gian với chính mình. Nhưng thôi thì! Uống để tự an ủi rằng mình vẫn đang chữa bệnh.

“Chữa bệnh bằng thuốc Tây thì đói” - anh nói như mếu.

Cách nhà Vận không xa là nhà Trang. Giờ cũng đang “bồng bềnh” đâu đó. Mỗi lần đi K là “hai mốt triệu ba trăm ngàn” thổi bay theo gió.

Trang đi được vài lần thì thôi hẳn. “Đằng nào chả chết. Bán nhà rồi cũng chết!” - Vận bình luận.

Vợ Vận, Vận, Trang, hay những bệnh nhân ung thư nghèo nằm trong nhóm 34% “không đủ tiền mua thuốc điều trị” khi mà chi phí bình quân cho ba loại thuốc phổ thông điều trị ung thư từ 500 triệu- 1,4 tỷ/năm

Chi phí điều trị ung thư
Quỷ dữ VN Pharma

7,5 tỷ chi “hoa hồng cho bác sĩ” - số liệu công khai tại phiên xử vụ án thuốc ung thư dỏm có thể là một câu trả lời cho giá thuốc.

Theo lời khai của các bị cáo, để bán được thuốc, họ đã chi phí 7,5 tỷ cho các bác sĩ để kê đơn đúng loại thuốc dỏm mà VN Pharma nhập với giá 0,6 USD/viên (18 USD/hộp).

Trong phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng Giám đốc VN Pharma nói tỉnh bơ:

“Nhập thuốc chống ung thư giả về để bán cho người bị ung thư là chuyện bình thường”.

H-Capital 500mg Caplet chữa các loại ung thư vú, dạ dày, đại trực tràng, được Sở Y tế TPHCM đấu thầu tập trung với giá kế hoạch mời thầu là 66.000 đồng một viên. Kết quả đợt đấu thầu này, thuốc của Công ty VN Pharma trúng thầu với giá 31.000 đồng một viên.

Trị giá hàng buôn lậu hơn 251.000 USD, tương đương hơn 5,3 tỉ đồng

"Chúng ta sẽ không bao giờ tin bệnh tật sẽ làm thay đổi cuộc đời thế nào, cho đến một ngày nó gõ cửa nhà ta, gọi tên ta, bạn đời của ta, hoặc cay đắng nhất: gọi tên những đứa con mà chúng ta yêu hơn cả mạng sống của mình"

(Ca sĩ Thái Thùy Linh, người mang Âm nhạc tới bệnh viện)

Còn nhiều, nhiều lắm những khuôn mặt thiên thần với đôi mắt tròn vo không hiểu vì sao mình phải chết"

(Thư ngỏ của Cộng đồng ung thư gửi Bộ trưởng Y tế sau vụ VN Pharma)


HÀNH TRÌNH VN PHARMA NHẬP KHẨU THUỐC H-CAPITAL 500MG

Tháng 10.2013,VN Pharma đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capital 500mg do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada sản xuất.

30.12.2013, Cục quản lý dược đã cấp giấy phép nhập khẩu.

Tháng 4.2014, VN Pharma mở tờ khai hải quan nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H - Capital 500 mg trị giá hơn 250.000 USD (khoảng hơn 5,3 tỷ đồng).

Tháng 5.2014 VN Pharma trúng thầu với giá 31.000 đồng/viên. Tổng trị giá mặt hàng trúng thầu là hơn 14,6 tỉ đồng.

Thời gian nhập, cấp phép, thông quan và cả trúng thầu: 6 tháng.

Kết quả: Chênh lệch 14,6 – 5,3= 9,3 tỷ đồng


HÀNH TRÌNH 20.000 VIÊN UNG THƯ TASIGNA TRỊ GIÁ GẦN 14 TỶ ĐỒNG

Tháng 7.2013, nhà tài trợ sản xuất xong và gửi thư tặng thuốc.

Tháng 8.2013, Viện Huyết học và truyền máu TPHCM gửi dự trù thuốc dùng trong 6 tháng đầu năm 2014 cho Cty Novartis Việt Nam.

3 tháng sau, bệnh viện này mới có văn bản gửi Cục Quản lý dược xin được tiếp nhận thuốc viện trợ.

Ngày 27.12.2013, Cục Quản lý dược ban hành giấy phép lưu hành cho lô thuốc Tasigna của Công ty Novartis Pharma có hạn dùng 24 tháng.

Cuối tháng 12.2013, bệnh viện có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM xin chấp nhận cho bệnh viện thực hiện chương trình thuốc Tasigna.

Tháng 3.2014 (tức là 3 tháng sau), Sở Y tế mới có văn bản gửi UBND TPHCM xin chấp nhận cho bệnh viện tiếp nhận lô hàng trên.

Mất thêm 3 tháng sau, UBND TPHCM mới có quyết định phê duyệt việc tiếp nhận lô hàng viện trợ.

Đến ngày 14.7.2014, Cục Quản lý dược có văn bản đồng ý để bệnh viện tiếp nhận lô thuốc này.

Nhưng vẫn chưa hết, đến lúc này, số thuốc bị Hải quan TPHCM ách lại. Lý do phía hải quan đưa ra là thuốc này khi đến cảng Việt Nam đã không có hạn bằng 1/3 hạn dùng của thuốc. Sau những rắc rối được giải quyết, đến giữa tháng 8.2014 thuốc mới về đến bệnh viện.

Sau khi thuốc về, người bệnh phải làm các thủ tục bắt buộc để tham gia, đến ngày 27.9.2014, người bệnh mới được nhận toa thuốc đầu tiên.

Hoa hồng cho bác sĩ nằm trong quy phạm cấm của Bộ Y tế Việt Nam, điều mà nguyên Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang từng xác nhận “là vấn đề nhức nhối”.

Vào năm 2010, 3 bác sĩ đã bị đình chỉ trong một scandal chấn động. Đó là vụ Công ty Dược phẩm Shering - Plough chi hoa hồng từ 10-30% cho mỗi lọ thuốc đặc trị gan. Số liệu đơn giản đến tàn nhẫn: Trong 1 tháng: Bác sĩ kê 300 lọ thuốc P.50 với giá 1,8 triệu đồng/lọ, và 525 lọ P.80 với giá 3 triệu đồng/lọ + chiết khấu bình quân 25%=  528 triệu đồng hoa hồng

Hồi đầu năm, tờ Tuổi Trẻ đưa lên trang nhất vụ một Phó khoa BV Quận 5 viết thư đòi tiền hoa hồng từ hãng dược. Vị bác sĩ này liệt kê từ tháng 3 đến tháng 10.2016, ông đã kê toa tổng cộng 330 lọ thuốc, nhưng trình dược viên chỉ chi hoa hồng 206 lọ. Và ông yêu cầu trả đủ hoa hồng cũng như phải “chăm sóc lễ tết” đàng hoàng.

Đấy mà số rất ít các trường hợp bị phát hiện.

Giá thuốc quá cao so với giá sản xuất vì "Chưa kiểm soát giá độc quyền, tầng nấc trung gian quá nhiều vì có đến gần 2.000 công ty trung gian phân phối thuốc, và tiêu cực trong ngành khi dược sĩ và bác sĩ bắt tay nhau đẩy giá thuốc lên cao ở một số mặt hàng”(TS Phạm Khánh Phong Lan/NLO)
Vấn đề hết sức nhức nhối hiện nay là hoa hồng mà các công ty dược hứa hẹn dành cho bác sĩ. Bác sĩ muốn kê đơn biệt dược vì họ có lợi ích (tỷ lệ %) trong đó, còn nếu kê thuốc gốc thì đâu có”. (Nguyên Thứ trưởng Cao Minh Quang/TTO)