Lao Động
Lao Động eMagazine

Y bác sĩ Đà Nẵng: Chiến đấu vì hạnh phúc đáng mong chờ

Y bác sĩ Đà Nẵng: Chiến đấu vì hạnh phúc đáng mong chờ
Y bác sĩ Đà Nẵng: Chiến đấu vì hạnh phúc đáng mong chờ

NHẬN LỆNH PHẢI RỜI BỆNH VIỆN ĐI TIẾP ỨNG CHO CÁC CƠ SỞ Y TẾ KHÁC, MỘT ĐIỀU DƯỠNG CỦA BỆNH VIỆN ĐÀ NẴNG MÍM CHẶT MÔI, LỚP KHẨU TRANG DÀY NHƯNG KHÔNG KÌM ĐƯỢC TIẾNG NẤC. NƯỚC MẮT RƠI NHOÈ CẢ CHIẾC KÍNH BẢO HỘ. NGƯỜI ĐI, KẺ Ở ÔM CHẦM LẤY NHAU CHÀO TẠM BIỆT, LỜI HẸN VỀ KHÔNG HẠN ĐỊNH VÀ CHẲNG AI CÓ THỂ NGĂN ĐƯỢC NỖI SỢ, SỰ LO LẮNG CỦA HỌ CẢ. NHƯNG LẠ THAY, QUAY MẶT ĐI, HỌ BƯỚC ĐI MẠNH MẼ, SẴN SÀNG CHO CUỘC CHIẾN VÌ THÀNH PHỐ THÂN YÊU..

Chuyến “du lịch” cách ly,
gửi lại mái tóc thề

Ngày 4.8, tròn 10 ngày Bệnh viện Đà Nẵng bị cách ly với hơn 6.000 người. Người dân Đà Nẵng vẫn nhớ như y hình ảnh những hàng dài các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng kéo valy đi về phía cổng bệnh viện. Nhiều người nói đùa: “Chúng tôi đi du lịch thôi mà”.

Thế nhưng từ 13h ngày 26.7, khi cánh cổng bệnh viện khép lại, mỗi giờ phút trong tâm dịch của Đà Nẵng đã có những câu chuyện được viết bằng mồ hôi, nước mắt của những y bác sĩ. Nhiều người đã trở thành bệnh nhân, có người đã kiệt sức nhưng với họ, những khó khăn ở hiện tại là lựa chọn tất yếu, và vì bởi, có một hạnh phúc đáng mong chờ ở ngày mai.

Y bác sĩ Đà Nẵng: Chiến đấu vì hạnh phúc đáng mong chờ

Chính vì vậy, trong chuyến “du lịch” ấy, thay vì được xúng xính trong bộ váy áo thì họ phải khoác những bộ bảo hộ xanh, trắng. Thay vì đội chiếc mũ rộng vành đầy e ấp thì họ đội mũ chắn giọt bắn. Và, thay vì thả mái tóc tung tay trong gió thì họ gửi mái tóc thề lại trong ngăn bàn. Thế nhưng, dù miệng nói cười nhưng khi chiếc kéo lạnh chạm vào bờ vai, mái tóc, họ nhắm mắt, môi mím chặt, nhiều chị quay vội sang nhắc: “Ngang vai thôi em nhé”. Lúc này chị mới yên lòng để người đồng nghiệp đưa từng đường kéo. Những sợi tóc rời nhau, nằm gọn trong tay ai đó, mắt môi họ vẫn cười nhưng người xem thì trào nước mắt.

Y bác sĩ Đà Nẵng: Chiến đấu vì hạnh phúc đáng mong chờ
“Dương tính thôi mà!”
Y bác sĩ Đà Nẵng: Chiến đấu vì hạnh phúc đáng mong chờ
“Chúng tôi không có thời gian để lo sợ”

- câu nói của anh khiến nhiều người lặng thinh. Ở nơi tâm dịch, họ đang phải chạy đua từng giờ, từng phút.

Người điều trị cho bệnh nhân phải chia ca trực để bảo toàn nhân lực, vừa chống dịch vừa cứu người. Khi người nhà bệnh nhân được di tản đi gần hết, họ vừa làm thầy thuốc vừa làm người thân. Với các khoa còn ít bệnh, đội ngũ y bác sĩ được bổ sung qua đội hậu cần. Họ quay cuồng với việc chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho hàng nghìn con người. Khoa này đang thiếu nước uống, thùng sữa này cần chuyển về khoa kia, bệnh nhân ở khoa khác đang cần thêm tã, người nhà thì cần đồ cá nhân…. Hết phục vụ nhu yếu phẩm, họ lại vận chuyển vật tư y tế. Những đôi tay ngày thường cầm ống nghe nhưng nay chẳng nề hà mà nối nhau thành băng chuyền hàng hoá. Để rồi, đến lượt mình, cơm của anh đã lạnh, canh của các chị đã nguội, chỉ có tiếng nói cười vẫn rộn vang.

Y bác sĩ Đà Nẵng: Chiến đấu vì hạnh phúc đáng mong chờ
“Chẳng ai nghĩ sẽ làm những công việc này, đội mưa đội nắng, nói cực nhọc chứ vất vả là không đủ nhưng chúng tôi lại thấy vinh dự, được cùng nhau chiến đấu những ngày lịch sử này”

- Trần Lộc, bác sĩ khoa Nội Tim mạch chia sẻ.

Tôi còn biết có một biệt đội đặc biệt khác, được thành lập trong những ngày Bệnh viện Đà Nẵng bị cách ly với nhiệm vụ “thần tốc” là lấy mẫu xét nghiệm. Với 12 thành viên từ phòng xét nghiệm của bệnh viện, các nhân viên y tế này làm việc 22 tiếng mỗi ngày.

“Ban ngày lấy dịch họng, lấy máu cho bệnh nhân thì đêm đến gõ cửa phòng các nhân viên y tế để làm cho kịp. Có thời điểm bệnh viện có 6.600 người, chúng tôi phải chạy đua với tốc độ lây nhiễm bệnh. Ai mệt quá thì về phòng ăn lót dạ, chợp mắt chút rồi lại đi, vì sợ anh em ngoài kia kiệt sức” - một thành viên của đội cho hay.

Mệt mỏi, bức bí trong bộ đồ bảo hộ, thế nhưng chỉ cần nghe người nhà gửi đồ vào tiếp viện, mắt họ lấp lánh niềm vui. Hình ảnh những y bác sĩ thong thả đi trên hành lang, tay tung tẩy túi đồ gia đình gửi vào khiến người ta mủi lòng. Hoá ra họ cũng là những đứa con xa nhà, cũng có phút hồn nhiên với tuổi đôi mươi. Chỉ khác là, tuổi đôi mươi ấy nay đang dành toàn sức cho chiến trận này.

Dịch bệnh đến đâu,
dịch chuyển đến đó

Ngày thứ 5, thứ 6 cách ly, tôi từng run rẩy khi hay tin Đà Nẵng ghi nhận số mắc COVID kỷ lục. Tôi oà khóc vì sợ rằng, những con người ở tuyến đầu liệu có chùn bước. Thế nhưng, đáp lại tôi là lời nhắn lạc quan: “Em mới ăn xong ly mì, sắp phải đi chuyển bữa sáng cho anh chị em rồi. Dịch đến đâu mình dịch đến đó. Ở tâm dịch sợ gì dịch nữa” - đọc tin, tôi bần thần.

Rồi lại có người khác kể, sáng nay trời Đà Nẵng mưa, anh pha ly cà phê sáng ngắm cảnh từ cửa sổ tầng 5 của bệnh viện, món ăn sáng hôm nay là bánh cuốn với chả. Vợ anh bảo anh sướng nhất, vì ở bên ngoài hàng quán đóng rồi.

Hoá ra, ở chính nơi mà bất kì lúc nào cũng sẽ có người được gọi tên, họ vẫn lạc quan. Họ sẵn sàng hoá thành chiến binh, lao vào những khoa bệnh nặng, sát cánh cùng với đồng đội, trấn an người bệnh. Có lúc họ làm anh nuôi, chị nuôi chẳng khác những thiên thần.

Em ngủ xíu
được không?

Ngày thứ 7, thứ 8 cách ly, đồng lòng, sát cánh nhưng xa gia đình, làm việc trong áp lực của cách ly, nhiễm khuẩn, không ít người đã kiệt sức, mắt hoa lên không đọc nổi dòng tin. Có nữ điều dưỡng ngủ ngon lành trên tấm bìa được lót tạm bợ ở kho hàng nào đó làm người hậu phương nhói lòng.

“Chị ơi, em đứng không nổi nữa, em nhận hàng và giao hàng cho các khoa, đi nhiều mệt quá, em buồn ngủ quá chị ơi”

- dòng nhật ký của nữ điều dưỡng Thái Thu Hà bóp chặt tim người đọc.

Chị kể, cô điều dưỡng đó chẳng đợi cái gật đầu của ai, “em trèo luôn lên ghế nơi em đang đứng mà nằm xuống luôn, thương em, thương những thanh niên vai dài sức rộng ở lại gánh luôn phần cho những người lớn. Cố lên các em, sau dịch chúng ta sẽ ngủ và chỉ ngủ thôi không cần ăn đâu” – lời chị Hà động viên làm tôi lặng thinh. Trận chiến này, chúng tôi còn sợ gì nữa đâu khi có những người như họ, nhỏ bé mà kiên cường!

Lời hẹn về
chưa có ngày giờ

Ngày thứ 9, thứ 10 cách ly, “Anh được điều động đi khoa khác, đồng nghiệp mỗi đứa mỗi ngả em à” - lại dòng tin nhắn ngắn gọn mà nghẹn ngào. Họ đang bước vào đợt tác chiến mới. Sau một tuần bị cách ly, phân loại bệnh nhân, giải toả hàng nghìn người ở các bệnh viện ra khỏi tâm dịch. Các y bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng nhận lệnh điều động đi về các “mặt trận” khác.

Có người được đưa về khách sạn nghỉ ngơi để giữ sức, có người về bệnh viện dã chiến, người đi bệnh viện huyện, người ở lại tiếp tục duy trì…

Dù chỉ di chuyển trong cùng thành phố nhưng việc rời xa ngôi nhà thứ 2 – Bệnh viện Đà Nẵng khiến nhiều người nghẹn ngào. Việc phải cách ly xa gia đình đủ khiến họ phải gồng gánh những nỗi lo, áp lực. Nay xa đồng đội, họ hẹn ngày về nhưng không biết bao giờ.

Y bác sĩ Đà Nẵng: Chiến đấu vì hạnh phúc đáng mong chờ
“Bây giờ chúng tôi mỗi người mỗi ngả biết đến bao giờ gặp lại, phút bịn rịn dặn dò của người đi, kẻ ở. Người bảo em đi đây, mọi người ở lại chiến đấu, đợi ngày về thay ca nhé, hẹn hội ngộ”

- lời chia tay của người đồng nghiệp khiến chị Hà oà khóc. Giọt nước mắt trào ra nơi khóe mắt, tấm kính che giọt bắn nhạt nhoà đi.

Mỗi người họ đều hiểu sẽ có ngày đoàn tụ nhưng cái hẹn ấy chưa có ngày, giờ. Dù chẳng muốn xa nhau nhưng họ hiểu rõ, có một mệnh lệnh cao cả hơn đến từ trái tim.

“Con đường chúng tôi đang đi vốn dĩ rất khó khăn và thậm chí còn nhiều khó khăn nữa. Nhưng đó là con đường chúng tôi lựa chọn bởi chúng tôi tin rằng có một hạnh phúc đang mong chờ ở phía sau. Tất cả những gì chúng tôi đang làm là vì những ngày mai tốt đẹp hơn”

- lời của một bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng khi bước vào tâm dịch vang vẳng trong đầu tôi ở giờ phút này. Cuộc chiến vẫn còn dài, nhưng ở tuyến đầu của Đà Nẵng đang có những con người sẵn sàng viết nên những câu chuyện nhiệm màu!

Y bác sĩ Đà Nẵng: Chiến đấu vì hạnh phúc đáng mong chờ