Dưới nắng vàng hanh hao, chúng tôi chạy xe qua con đường đất đỏ lởm chởm sỏi đá, mặt đường xiêu vẹo theo vệt bánh xe. Đây là lối dẫn vào trại phong Đá Bạc thuộc làng Thanh Trí, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Trại phong nằm ẩn mình giữa ngọn đồi xanh ngát, gồm một dãy nhà cấp 4, với 18 căn phòng nhỏ. Nó đã tồn tại ở đây hơn nửa thế kỷ, đang bị xuống cấp nghiêm trọng, từng mảng tường loang lổ, dột nát, phủ bụi thời gian. Giữa thủ đô phồn hoa, nhộn nhịp, nơi đây dường như là một thế giới khác, tách biệt.
Trước năm 2013, Đá Bạc là một cộng đồng nhỏ của những người mắc bệnh phong. Họ sống biệt lập với thế giới bên ngoài, vì chịu sự kỳ thị. 4 năm nay, trại phong phải rời đi nơi khác, các bệnh nhân cũng tứ tán khắp nơi. Chỉ có cụ Lê Thị Liên (81 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) vẫn quyết bám trụ, dù một mình gặm nhấm nỗi cô đơn tuổi già ở nơi lạnh lẽo này, làm bạn với chiếc radio cũ kỹ, thú vui hằng ngày là ngắm nhìn dàn mướp do tự tay mình trồng, nhưng đang dần xác xơ.
Thấy có người đến, cụ Liên nhoẻn miệng cười, tay khẽ lần bờ tường, bước ra đón. Cụ nói vui, ngoài bệnh phong, mình còn mắc thêm căn bệnh mãn tính khó chữa khác, là bệnh thèm người, thèm được nói chuyện với con người.
Rồi cụ bắt đầu kể về cuộc đời mình, đôi mắt ngân ngấn nước. Tuổi thơ cụ là những ngày dài lam lũ, đói khổ, nước mắt và sự tủi hơn. Khi lên 9 tuổi, bố mẹ cụ qua đời. Trong trí nhớ của cụ Liên và sự hiểu biết của một đứa trẻ 9 tuổi khi đó, cụ không biết vì sao bố mẹ lại bỏ mình mà đi mãi như vậy. Thiếu thốn tình thương, hai chị em sống nương nhờ vào người chú họ. Nhưng 1 năm sau ngày bố mẹ mất, cậu em trai duy nhất cũng bỏ cụ mà đi.
Song ngần ấy chuyện khủng khiếp vẫn chưa phải là tất cả. Mọi bất hạnh cuộc đời cứ đổ dồn lên vai người đàn bà nhỏ bé đó. Cũng một kiếp người, nhưng đắng cay, buồn tủi trăm phần…
Năm 15 tuổi, giữa lúc thanh xuân, còn ấp ủ bao khát vọng, bỗng chợt những đốt ngón tay, ngón chân cứ sưng lên, lở loét và đau nhức. Chưa hết hoảng hốt, đứa trẻ khi ấy còn thấy mình mất dần cảm giác, sờ vào nước nóng, lạnh cũng không cảm nhận được gì.
Và rồi bác sĩ kết luận cụ bị phong. Một bản án khắc nghiệt treo lên người con gái. Vì khi đó, khi khoa học chưa phát triển, người ta nghĩ bệnh này là một thứ gì đó vô cùng sợ hãi, cần phải tránh xa. Cánh cửa tương lai đóng sầm lại trước mắt cô bé 15 tuổi.
“Chú họ dựng cho tôi một túp lều để ở riêng, ăn riêng, bát đũa cũng úp riêng một chỗ. Nhưng điều khiến tôi đau đớn nhất là phải nghe những lời xì xào của bà con chòm xóm. Người ta thì thầm nói với nhau về tôi, gọi tôi là con hủi. Từ đó đến giờ, ăn một miếng cơm mà chan nước mắt. Bố mẹ không còn, không còn tình thương” – cụ Liên đưa bàn tay chai sạn, không còn lành lặn, run run gạt nước mắt.
Thế là từ một con người có quê hương, có nhà, cụ Liên phải đi biệt xứ, mang theo nỗi day dứt vì không hương khói được cho cha mẹ, em trai. Cụ đi hết trại phong này, đến trại phong khác. Lúc ở Bắc Ninh, vào Nghệ An, rồi lại ngược ra Bắc và cuối cùng là mái nhà Đá Bạc bây giờ. Khi căn nhà đã xuống cấp và phải di dời đi, cụ Liên tha thiết xin ở lại, vì đã quá chùn chân mỏi gối rồi, muốn chọn nơi đây để khép lại một kiếp người…
66 năm qua, bệnh phong đã ăn mòn một phần thân thể cụ Liên, mỗi khi trái gió trở trời lại chịu những cơn đau buốt đến tận óc. Nhưng cụ bảo không nỗi đau nào lớn và hằn sâu bằng nỗi đau của một người mẹ đẻ con ra nhưng không nuôi được con.
Ấy là từ hồi cụ Liên còn ở trại phong Quả Cảm, Bắc Ninh. 25 tuổi, cụ nên duyên vợ chồng với một bệnh nhân khác. Thứ tình cảm đó cụ bảo là theo phong trào thôi, không phải tình yêu.
Ngày qua tháng lại, trại phong vốn lạnh lẽo bỗng ấm cúng hơn khi có nhiều cặp vợ chồng như cụ Liên kết duyên với nhau trong chính hoàn cảnh ấy. Họ cưu mang, chăm sóc lẫn nhau và rồi nảy sinh tình cảm vốn dĩ của con người.
Các thành viên thế hệ thứ hai của trại phong lần lượt ra đời trong sự hoan hỉ vui mừng của các gia đình bệnh nhân phong. Thế nhưng khổ nỗi, con cái của bệnh nhân phong vẫn bị kỳ thị, xa lánh. Để con được học hành, nhiều cặp vợ chồng bệnh nhân đã phải gửi con về quê để người thân chăm sóc.
“Trớ trêu cả tôi và ông nhà đều rất hoàn cảnh, người thân đã mất sớm, chả biết nương tựa được vào ai. Không muốn tương lai của con tiếp tục bị ăn mòn ở nơi mọi người đều tìm cách xa lánh, bị mang tiếng là con của người mắc bệnh phong, tôi bấm bụng đem con đi cho một cặp vợ chồng trong một ngôi làng nọ để nhờ nuôi.
Đau lắm, xót lắm, cuộc đời đi ở, thiếu tình thương của cha mẹ khổ như thế nào tôi là người hiểu hơn ai hết mà. Nhưng tôi không thể làm khác, không thể để con sống mòn như mình. Bây giờ nó đã xây dựng gia đình riêng rồi, còn giận mẹ lắm. Nó trách tại sao lại đem con cho người khác, để nó làm thằng ở, chịu nhiều cực nhọc. Nhưng biết sao bây giờ. Mong con hiểu cho mẹ…” - cụ Liên nấc nghẹn, nhìn xa xăm.
Giận thế thôi, chứ hằng tháng con trai cụ Liên vẫn vào thăm mẹ, mua cho mẹ miếng đậu, quả trứng để đổi món.
Tại sao cụ không về với con, ở đây một mình buồn sao chịu nổi? Cụ Liên lắc đầu: “Không làm được gì cho con, thì đừng làm khổ nó nữa. Tôi chỉ ở đây thôi”. Rồi cụ chỉ tay vào chiếc radio cũ kỹ ở góc bàn: “Có nó rồi. Hôm trước có tin hai tử tù bỏ trốn đấy. Không biết sao mà nó lại trốn được khỏi trại giam chứ. May mà bắt được rồi”.
Tạm quên đi những câu chuyện buồn, cụ Liên thao thao kể chúng tôi nghe các tin tức thời sự xã hội. Chiếc radio là phương tiện để nối thế giới của cụ - những bệnh nhân phong đang chịu sự ghẻ lạnh của xã hội – với đời sống nhộn nhịp ngoài kia. Nó cũng giúp những người như cụ Liên quên đi nỗi buồn, quên đi cảm giác thèm hơi người, thèm được nói chuyện.
Khi được hỏi về ước mơ, cụ khẽ cười: “Để tôi sống đến tuổi này, ông trời ác quá. Hàng ngày, tôi chỉ xin ông có 1 điều là cho tôi được chết. Tôi vẫn niệm Phật mỗi đêm, để được sớm ra đi, nhẹ nhàng, không phải chịu đau đớn nữa”.
Chúng tôi chia tay cụ Liên khi trời vừa chập choạng. Cụ vẫn ngồi đó, trong căn phòng 10m2, loang lổ sơn, tường bong tróc. Một mình…
Hình ảnh đó ám ảnh chúng tôi!
Chúng tôi kể các bạn nghe câu chuyện của cụ Liên, đúng ngày 1.10 - ngày được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn làm ngày Quốc tế Người cao tuổi (bắt đầu từ 1.10.1991). Đây là dịp toàn xã hội và gia đình ghi nhận, trân trọng sự đóng góp của người cao tuổi vào quá trình xây dựng, phát triển đời sống, kêu gọi mọi người quan tâm hơn đến việc chăm sóc người già.
Việt Nam chúng ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và trở thành một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Chúng ta đang có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già (là khi nhóm dân số 60 tuổi trở lên chiếm 20% tổng dân) thì Việt Nam chỉ mất 22 năm.
Hiện nay, trong các trại phong trên khắp cả nước, còn rất nhiều người già. Họ sống trong cô đơn và ra đi trong sự cô đơn. Cũng trên cả nước, rất nhiều trung tâm bảo trợ xã hội và chăm sóc người cao tuổi , trại dưỡng lão mọc lên, để người già có thêm một gia đình, có người trò chuyện. Vì đôi khi con cháu họ quá bận rộn với công việc, mải lo cơm áo gạo tiền.
Ai cũng đến lúc… phải già. Khi người ta đã già, miếng ăn, chỗ ngủ nhiều khi không còn cầu kỳ nữa. Với cụ Liên, cơm trắng, với muối, nắm rau là qua bữa. Nhưng điều mà người già cần nhất là sự quan tâm, tình thương yêu của con cháu. Đừng để những người già phải cô đơn…