Chơi tranh là một trong những thú vui tao nhã trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt từ xa xưa. Sau ngày Hai ba tháng Chạp, các gia đình từ nông thôn đến thành thị thường tìm mua những bức tranh Tết thay cho tranh cũ trong nhà để “tống cựu, nghinh tân” và gửi gắm vào đó những ước vọng về một năm mới đủ đầy, sung túc. Đó có thể là cặp tranh "Tiến Tài, Tiến Lộc" treo ngoài cổng như các vị thần hộ mệnh, xua đuổi tà khí, nghênh đón tài lành phúc ấm; cũng có thể là cặp tranh “Vinh hoa”, “Phú quý” tượng trưng cho điềm phúc của năm mới; bộ “Tứ quý” mang ước vọng bốn mùa mưa thuận gió hoà; hoặc đơn giản chỉ là bức “Lý ngư vọng nguyệt” với ước vọng con cái học hành sáng dạ, thi cử đỗ đạt.
Không chỉ là vật trang trí ngày Tết, đằng sau mỗi bức tranh Tết dân gian còn ẩn chứa những “mật ngữ” riêng mang thông điệp văn hoá, thẩm mỹ và những triết lý xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
CA DAO
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh
Tranh Đông Hồ là dòng tranh dân gian được sản xuất tại làng Đông Hồ (ngày xưa gọi là làng Mái), xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là loại tranh được in 4 lớp màu từ 4 loại ván khắc gỗ khác nhau. Màu đen làm từ than lá tre. Màu xanh từ lá chàm hoặc gỉ đồng. Màu vàng từ hoa hoè hoặc quả giành giành. Màu đỏ từ sỏi son hoặc gỗ vang. Giấy làm tranh là loại giấy điệp, sử dụng vỏ sò điệp nghiền nát, trộn với hồ và quét trên mặt giấy dó. Tranh Đông Hồ có 7 chủ đề chính: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt. Với gam màu mộc mạc và cách thể hiện gần gũi, mỗi bức tranh Đông Hồ đều hàm ẩn những tầng nghĩa mang thông điệp nhân văn khác nhau, gắn liền với đời sống và những ước vọng hàng ngày của người dân.
- CA DAO -
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu
Mua tờ tranh điệp tươi màu
Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều.
Vũ Đình – Thiên Ất là cặp tranh hai vị môn thần. Tranh này được dán trên hai cánh cổng hoặc hai cánh cửa trong dịp Tết Nguyên đán, kết hợp cùng với cây nêu như là những đồ vật phong thuỷ để trừ tà.
Bức tranh dán trong nhà ngày Tết là lời cầu chúc cho gia tộc phát triển, đông con nhiều cháu. Ngoài ra, bức tranh còn thể hiện ước vọng về sự giàu có, no đủ và tượng trưng cho cảnh sum họp đoàn viên của gia đình, dòng tộc.
Chữ Nôm trên tranh viết: "No đủ vợ chồng, có đầu có mỏ" và "Lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông". Đây là một cặp tranh đối nhau, thể hiện một gia đình hoà thuận, yên vui.
Bức tranh vẽ một con lợn, trên lưng có hay xoáy âm dương, biểu tượng cho lưỡng nghi (lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quay sinh vạn vật) mang thông điệp về sự sinh sôi nảy nở, thuận theo lẽ tự nhiên. Ngoài ra bức tranh này cũng thể hiện ước vọng về một cuộc sống no đủ, sung túc.
Ông Phúc – Ông Thọ là cặp tranh đối ngẫu được nhiều gia đình treo trong nhà với ước vọng về sự bình an và trường sinh cho các thành viên trong nhà, đặc biệt là những người cao tuổi. Đây là loại tranh kết hợp với chữ (thư hoạ). Mỗi bức có một bài thơ Nôm thể hiện thông điệp riêng.
Ông Phúc:
THIÊN TỬ VẠN NIÊN
Từ đâu mà lại gánh an bình
Tuổi tác xem chiều hãy khoẻ lưng
Thôi đã giả ơn công cán ấy
Đem cho vâng lấy để cho mừng
Cho vâng lấy để cho mừng
Hãy ra sức gánh an bình tại đây.
Ông Thọ:
XUÂN VƯƠNG CHÍNH NGUYỆT
Gã nào thong thả gánh trường sinh
Lão tráng hùng hào mới biết danh
Song đã có lòng đem lại đấy
Ơn cho mặc đội sở cung mình
Ơn mặc đội sở cung mình
Một năm một gánh trường sinh đến nhà.
Đây là một bức tranh được ưa chuộng vào dịp Tết. Các gia đình thường treo tranh này trong nhà để gửi gắm ước nguyện con cháu sẽ chăm ngoan học giỏi. Dòng chữ trên tranh là “Như quái giác” – có nghĩa là sách treo ở sừng trâu. Chữ trên cuốn sách là “Hoàng ngư bồi tín khẩu xuy” – có nghĩa là sách ở ngang lưng trâu, vừa chăn trâu, vừa học, vừa thổi sáo, thể hiện tinh thần hiếu học.
Bức tranh thể hiện minh triết phương Đông: gà gáy gọi mặt trời mọc. Thực chất đây là hình tượng của quẻ Địa Thiên Thái – quẻ thứ 11 và là quẻ tốt nhất trong Kinh Dịch. Ứng với quẻ này, tất cả mọi sự đều hanh thông, biến chuyện xấu thành chuyện tốt. Bức tranh được treo trong nhà giống như những điềm cát, thể hiện mong muốn của gia chủ về một năm mới hanh thông, vạn sự như ý.
Cặp tranh Vinh hoa– Phú quý mang kỳ vọng của người lớn về những đứa trẻ trong gia đình: con trai lớn lên sẽ thành đạt, hiển vinh, con gái sẽ xinh đẹp, phong lưu, đông con nhiều cháu.
Bức tranh mô tả lợn mẹ và năm lợn con tượng trưng cho khởi nguồn của ngũ hành, thể hiện ước vọng về sự sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn – một quy luật sinh tồn trong tín ngưỡng phồn thực dân gian xưa.
Tranh Hàng Trống được hình thành trong không gian phố thị của đất Kẻ Chợ - Thăng Long vào khoảng thể kỷ XVI-XVII. Cũng chính vì xuất phát từ chốn kinh đô nên tranh Hàng Trống phản ánh quan niệm thẩm mỹ đậm chất tầng lớp thị dân. Khác với các dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Kim Hoàng; tranh Hàng Trống có khổ lớn hơn, khắc in và phối màu tinh xảo hơn. Tranh Hàng Trống có sự kết hợp giữa in ván khắc và vẽ, tô màu bằng tay. Giấy để in tranh thường là loại giấy mỏng: giấy xuyến chỉ hoặc nền lụa để mực thấm đều, không bị mất nét. Sau khi in bằng ván khắc nét, tranh sẽ được bồi thêm các lớp giấy trước khi thực hiện công đoạn vẽ và tô màu. Vẽ màu điểm sắc là công đoạn kỳ công và thể hiện những nét tinh tế riêng biệt của dòng tranh Hàng Trống. Để vẽ màu, các nghệ nhân thường sử dụng bút lông và bút thép. Bút thép là loại bút chuyên dụng làm bằng hai thẻ tre kẹp tóc hoặc lông thú ở giữa. Khi vẽ, một nửa ngọn bút được chấm màu, nửa còn lại chấm nước. Chính vì vậy các nét vẽ có sắc độ đậm nhạt khác nhau và chuyển sắc một cách mềm mại, sống động, tự nhiên.
Chủ đề của tranh Hàng Trống bao gồm tranh tôn giáo (thờ cúng, trấn trạch), tranh chúc tụng, tranh cảnh vật, tranh tích truyện và tranh sinh hoạt. Phần lớn tranh Hàng Trống thuộc chủ đề tôn giáo, phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng đa dạng của giới thị dân như tranh Phật (Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo, Quan Âm…), tranh Mẫu (Tam Toà Thánh Mẫu, Đức Thánh Trần, Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười, Tứ Phủ, Ngũ Hổ…), tranh Đạo (Trương Thiên Sư, Thái Thanh, Ngọc Thanh, Thượng Thanh…). Tranh thờ được bán quanh năm và vào dịp Tết Nguyên đán, người dân có nhu cầu sẽ mua về để thay trong không gian thờ cúng của gia đình. Tranh chúc tụng, chơi Tết phổ biến của dòng tranh này là các bức Tiến Tài, Tiến Lộc, Tứ quý, Tứ bình, Tố nữ, tranh công, tranh cá…
Uyển chuyển bút lông màu đậm nhạt,
Mảnh mai nét khắc chốn thịnh suy.
Cá chép trông trăng (Lý ngư vọng nguyệt) là một trong những bức tranh tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống. Bố cục của bức tranh thể hiện quan niệm thẩm mỹ phương Đông về vòng xoáy âm dương: Con cá tạo hình thành vòng xoáy, mặt trăng phía trên là âm trong dương, mặt trăng soi bóng dưới nước là dương trong âm). Không chỉ là một khung cảnh lãng mạn đăng đối, hình tượng con cá chép còn biểu thị cho nghị lực vươn lên trong cuộc sống và ước nguyện vượt vũ môn hoá rồng. Chính vì vậy, bức tranh này rất được ưa chuộng treo trong nhà ngày Tết với thông điệp mong muốn một năm mới thịnh vượng, thành đạt cho gia chủ; đặc biệt là các gia đình có con cái đang trong độ tuổi học hành, thi cử.
Công múa là bức tranh ghép đôi cùng Cá chép trông trăng, thường được treo hai bên bàn thờ gia tiên trong ngày tết dù không phải là tranh thờ. Con công là biểu tượng cho ánh sáng, bình an và thịnh vượng. Công cũng là hình tượng xuất hiện trong văn hoá Phật giáo với thông điệp về những điều tốt lành và trí tuệ viên mãn. Việc treo bức tranh này trong nhà vào ngày tết thể hiện ước vọng của gia chủ về một năm mới giàu sang, hiển đạt, phú quý.
Bộ tranh tứ quý thể hiện sự vận hành của thời gian trong một năm với 4 mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông. Mỗi bức tranh đặc trưng cho một mùa với các hình ảnh cây, hoa, con vật đặc trưng. Các hình ảnh trong từng bức tranh không chỉ biểu trưng cho mùa mà còn là những biểu tượng cát tường trong triết học phương Đông như hoa mai, hoa hồng, hoa sen, hoa cúc, chim khổng tước, gà, hươu… với hy vọng mang lại những điềm phúc trong suốt 4 mùa.
Tranh Thất đồng còn gọi là tranh Hái đào, lấy hình mẫu trong dòng tranh Niên hoạ của Trung Quốc nhưng được Việt hoá mạnh mẽ với hình ảnh những đứa trẻ ngộ nghĩnh, dễ thương đang trèo lên cây đào hái quả. Số 7 trong văn hoá phương Đông tượng trưng cho sự may mắn. Bức tranh thể hiện ước vọng sung túc, đủ đầy may mắn, không khí tươi vui, phồn thịnh, đông con nhiều cháu của các gia đình khi treo trong nhà vào ngày tết.
Ngũ hổ là bức tranh đậm chất dân gian và tín ngưỡng của người Việt, Đây cũng là một trong những bức tranh thờ cúng đặc trưng của dòng tranh Hàng Trống. Bức tranh này thường được thay hàng năm trong nhà vào ngày Tết Nguyên đán. Tranh Ngũ hổ được bày ở ban thờ “Ông Hổ” ngay dưới ban thờ Phật hoặc ban thờ Mẫu. Không chỉ là biểu trưng cho một trong những tín ngưỡng tối cổ của người Việt, 5 ông hổ trong tranh còn là biểu tượng của vũ trụ, của luật ngũ hành tương sinh tương khắc và 5 phương hướng ứng với 5 màu sắc theo triết học phương Đông. Trên đầu hổ vàng là biểu tượng của chòm sao Đại hùng tinh, chân hổ vàng trấn trên một miếng phù có chữ “Pháp đại uy nỗ”, bên trái là 5 cờ lệnh và bên phải là 5 thanh kiếm thể hiện uy lực, sức mạnh của thiên nhiên trong quy luật vận động của vạn vật. Hình tượng oai nghiêm, uy dũng của các ông hổ cũng tạo nên sức mạnh tâm linh trong tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt xưa.
Tổ chức sản xuất: Nguyễn Tuấn Anh
Biên tập: Tuấn Anh
Thiết kế: Hoàng Minh, Duy Hưng
Kỹ thuật đa phương tiện: Hoàng Minh
Một sản phẩm của Trung tâm Truyền thông Đa Phương tiện – Báo Lao Động