Vượt qua những ngày đầu gian khó, bằng những nỗ lực của mình, Trần Công Chiến trở thành thuyền trưởng của con tàu Mộc Châu milk vượt qua rất nhiều sóng gió, lột xác, vươn mình xác định là một trong những thương hiệu sữa được ưa chuộng nhất hiện nay.

Cái cách mà ông Chiến yêu đồng cỏ, yêu những con bò cũng rất đặc biệt. Thậm chí đối với ông, biệt danh Chiến “bò” mà người Mộc Châu đặt cho ông từ cái thuở Công ty còn là một nông trường quốc doanh.

Khoảng thời gian cuối những năm 80 của thế kỷ trước, cũng như những doanh nghiệp gắn “mác” quốc doanh khác, Nông trường quốc doanh Mộc Châu 1 lâm vào tình trạng rất bi đát, sản xuất đình trệ, đời sống cán bộ công nhân viên đầy rẫy khó khăn.

Trước tình cảnh hoặc là phải đổi mới, lãnh đạo công ty đã có một quyết định rất táo bạo: từ chăn nuôi tập trung sang khoán hộ nuôi bò. Năm 1989 Cty đã chuyển chăn nuôi bò sữa từ nuôi tập trung ở trại sang khoán cho hộ, lúc đầu thí điểm cho 17 chủ hộ chăn nuôi bò sữa, sau đó nhân rộng dần.

Ban lãnh đạo không ngờ quyết định có phần “vượt rào” ấy lại mang đến thành quả bất ngờ. Từ chỗ “cha chung không ai khóc”, những vạt cỏ nông trường được tửng hộ dân nâng niu, những con bò được coi như thành viên trong gia đình.

Thành công là của cả tập thể nhưng ai cũng khẳng định, đằng sau những đột phá quyết liệt ấy chính là ông Trần Công Chiến với vai trò là nhạc trưởng của chương trình này.

"Cũng có lúc tôi thấy… hơi run vì không biết kiểu khoán hộ mình áp dụng cho công ty đúng hay sai? Nhưng sau đó mạnh dạn làm và rút kinh nghiệm vì nghĩ mình làm thực sự bằng cái tâm”- ông Trần Công Chiến tâm sự.

Với cái tâm ấy, 17 hộ gia đình ban đầu, đàn bò Mộc Châu sinh sôi, nảy nở. Ngày nay, số lượng hộ tham gia nuôi bò lên tới gần 600 hộ và tổng đàn bò đã đạt hơn 23.000 con bò.


Chuyển mô hình quốc doanh sang khoán hộ gia đình không phải là quyết định đột phá duy nhất của ông Chiến. Có người nói rằng nếu không phải là ông Chiến “bò” thì sẽ khó có ai đủ gan, đủ yêu bò và người chăn bò để có thể đưa ra một chuyện “chưa ai làm”: xây dựng chương trình bảo hiểm cho bò.

“Tôi đưa ra ý tưởng này khi chứng kiến một hộ nuôi bò bị chết tới 5 con. Hộ nông dân đó đã không biết phải xoay xở ra sao để có thể gây dựng lại đàn bò của mình”.

Năm 2004, nhờ tầm nhìn mang tính chiến lược của Giám đốc công ty sữa Mộc Châu Trần Công Chiến, công ty trở thành doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thành lập quỹ bảo hiểm giá sữa và bò nuôi.

Theo quy định, chủ đàn bò đóng 600 nghìn đồng tiền bảo hiểm cho mỗi con bò, nếu bò không may bị chết sẽ được bồi thường 12 triệu đồng. Bò bị ngã phải thải loại được đền bù 10 triệu đồng, đủ để mua một con bê con thay thế. Tương tự, chính sách bảo hiểm giá sữa với một phần vốn đối ứng của công ty và người dân đóng góp 50 đồng/kg, nếu sữa giảm giá sẽ được trợ giá 60% số tiền…

Giống như khi chuyển sang mô hình nuôi bò theo gia đình, việc lập quỹ bảo hiểm nông nghiệp cũng lắm gian truân. Nhiều người nói ra nói vào và "đích bắn" cuối cùng, như thường lệ vẫn là Trần Công Chiến. "Nhưng chúng tôi quyết làm bằng được, cán bộ công ty phải đi đầu thì nông dân mới làm theo”.

Không ít người ví von mô hình của ông Chiến là “cây gậy thần” của người nông dân. Đến nay, 100% các hộ nuôi bò đều tham gia bảo hiểm. Theo các chuyên gia, điều khác biệt về mô hình bảo hiểm ở Mộc Châu là do nông dân đóng góp và tự quản lý, nên rất rõ ràng, minh bạch, tạo lòng tin rất tốt với người chăn nuôi.

Hiện tổng quỹ bảo hiểm bò sữa và giá sữa đã hơn 20 tỷ đồng. Trong lúc vốn này nhàn rỗi, nguồn này cho công ty vay sản xuất và trả lãi suất mức bằng với ngân hàng. Ông Chiến kỳ vọng, tới đây sẽ tăng quỹ bảo hiểm nhiều hơn, giúp bà con nông dân vững tin hơn.

Câu hỏi đó bật ra khi ông Trần Công Chiến đi nhiều nơi, thăm những trang trại bò của người dân Nhật Bản, Úc ông thấy họ chăm chút, thương yêu con bò như những thành viên trong gia đình.

“Tôi đi nhiều nước trên thế giới, thấy họ tự hào về nghề nuôi bò sữa lắm. Có người đem dụng cụ ra giới thiệu bốn đời nhà tôi chung thủy với nghề chăn bò vắt sữa. Bây giờ, ở cao nguyên Mộc Châu, có người nuôi hơn 100 con bò sữa, trị giá dăm bảy tỉ đồng tiền bò. Chưa kể mỗi tháng mấy trăm triệu tiền sữa vắt được từ đàn bò đó. Thế tại sao chúng ta không có một hành động tri ân đàn bò?”.

Ông Chiến cũng cho biết, thực ra mục đích sâu hơn của cuộc thi này tạo động lực thúc đẩy các hộ chăn nuôi áp dụng các phương pháp cải tiến, công nghệ chăn nuôi hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu và châu Mỹ tạo ra dòng bò hạt nhân cao sản”.

Quy trình để biến các cô bò tiềm năng trở thành hoa hậu bò sữa Mộc Châu cũng không hề đơn giản. Có người thậm chí đã phải tính toán thời điểm phối giống sao cho bò vừa đẻ được khoảng 1 tháng là đến thời điểm thi hoa hậu. Bởi đó là lúc mà bò cho sản lượng sữa cao nhất và dễ đạt giải nhất. Mặc dù mất rất nhiều công sức nhưng với nông dân ở đây chăm bò thực ra không cực nhọc mà lại là niềm vui.

Việc người nông dân thông thuộc với từng con vật nuôi và cảm thấy tự hào với nông sản do mình làm ra chính là một chỉ dấu rõ nhất cho sự bền vững của nghề nuôi bò sữa ở Mộc Châu.

14 năm cuộc thi hoa hậu bò sữa Mộc Châu đã giúp những người nuôi bò ở đây cảm thấy tự hào hơn với nghề nghiệp của mình. Cuộc thi Hoa hậu bò ở Mộc Châu trở thành một ngày hội của cả vùng Tây Bắc, khiến rất nhiều du khách trong nước và quốc tế thích thú, tò mò. “Cha đẻ” của hội thi độc đáo, một thứ đặc sản trên nông trường bò sữa Tây Bắc nổi tiếng khắp cả nước gần 15 năm qua, không ai khác chính là ông Chiến.


Cái gọi là quyền lợi sát sườn, nói một cách “nông dân” như ông Trần Công Chiến nhận định là “người lao động phải có thu nhập cao, thật cao”.

Từ con bò, những lít sữa mỗi ngày qua năm tháng đã hình thành nên những tỉ phú chăn bò ở Mộc Châu.

Giai đoạn 2010-2015, trước sự phát triển nhanh chóng của ngành sữa Việt Nam, giám đốc Trần Công Chiến đã có nhiều quyết định sáng suốt, kịp thời đặc biệt là với quan điểm “Lấy chăn nuôi bò sữa làm gốc cho sự phát triển của công ty” và chương trình “ Bò ra ngoài công ty - Thức ăn vào công ty”, ông Chiến đã chỉ đạo đầu tư mạnh mẽ cho công tác chăn nuôi với hình thức kết hợp mô hình chăn nuôi hộ và chăn nuôi tập trung, trong đó mô hình chăn nuôi hộ là chính, các hộ chăn nuôi được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như vay vốn, hỗ trợ giá các dịch vụ, bảo hiểm vật nuôi, đã phát triển nhanh chóng, quy mô hộ lớn dần, đàn bò tăng trưởng nhanh chóng, chất lượng sữa không ngừng được nâng cao.

Đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của ngành chăn nuôi, ông Trần Công Chiến đã quyết định mở rộng nhà máy thức ăn tinh, nâng công xuất lên gấp 3 lần và đặc biệt là quyết định xây dựng nhà máy TMR đầu tiên ở Việt Nam tại Mộc Châu, đó là công nghệ chế biến thức ăn tổng hợp cho bò sữa tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.

Chia sẻ về định hướng phát triển của doanh nghiệp trong vòng một thập kỉ tới, ông Trần Công Chiến khẳng định, mối quan hệ giữa công ty và người lao động buộc phải khăng khít hơn, chia sẻ nhiều hơn và quan trọng là người lao động sẽ có lợi hơn, giàu có hơn nhiều. Mấu chốt của vấn đề nằm ở sự khác nhau giữa sở hữu cá nhân và sở hữu tập thể.

“Người nông dân nuôi bò sữa ăn ngủ cả ở bên chuồng bò, chăm chút con bò sữa, chiều chuộng nó, bởi đó là cơ nghiệp của họ. Sự cần mẫn hiếm có của người nông dân đang là tài sản của công ty. Họ làm giàu cho chính họ và mang lại lợi nhuận chung với sản phẩm tốt nhất làm ra hàng ngày.” Ông Chiến phân tích.

Hiện nay, 100% số trang trại hộ gia đình ở Mộc Châu Milk đều được cơ giới hóa các phương tiện sản xuất. Họ có máy vắt sữa, máy băm cỏ tươi, máy gặt cỏ, xe chở sữa tới trạm thu mua... Điều quan trọng là trang trại của họ được giữ sạch, bò khỏe mạnh cho năng suất sữa tốt nhất. Một trong số những công nghệ vượt trội mà Mộc Châu Milk nắm giữ là sử dụng tinh phân định giới tính ngoại nhập có hiệu quả cao nhất. Những con bò khỏe mạnh, chất lượng sữa ổn định, hàm lượng dinh dưỡng cao sinh ra từ tinh phân định giới tính là một niềm tự hào của Mộc Châu Milk khiến họ nằm trong tốp đầu những doanh nghiệp sữa Việt Nam.

Với nhiều chính sách hỗ trợ từ công ty, đến nay, nhiều hộ chăn nuôi ở thị trấn Nông trường đã tích cực mở rộng quy mô đàn, cho thu nhập 50-80 triệu đồng/tháng, thậm chí nhiều hộ trên 100 triệu đồng/tháng. Số lượng tỷ phú chăn bò ngày càng nhiều trên nông trường.

Anh Nguyễn Văn Hải (tiểu khu Vườn đào, thị trấn Nông trường) cho biết: Nhờ công ty hỗ trợ, mỗi năm anh đều tăng đàn bò của gia đình. Hiện đàn bò nhà anh Hải đã 80 con, trong đó 37 con vắt sữa. Với sản lượng khoảng 9 tạ sữa/ngày, trừ chi phí, mỗi tháng gia đình cũng thu về trên 100 triệu đồng”.

Hay như hộ anh Nguyễn Văn Quang, ở đơn vị 85 (thị trấn Nông trường)- hộ nuôi bò sữa lớn nhất ở Mộc Châu với hơn 200 con. Với khoảng 90 con cho sữa (khoảng 1,9 tấn/ngày), gia đình anh Quang “đút túi” cỡ 150-200 triệu đồng/tháng.

Trước khi hướng đến đích nhắm là các sản phẩm sữa hữu cơ (ogranic milk), Mộc Châu là một trong các doanh nghiệp sớm áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP vào quá trình sản xuất.

Tại Mộc Châu, ứng dụng VietGAP trong chăn nuôi bò sữa chỉ như một bước hoàn thiện trong quy trình chăn nuôi sạch mà người nông dân không mất quá nhiều chi phí.

Anh Dương Văn Nội (thị trấn Vườn Đào, Mộc Châu) là một trong những hộ nông dân thuộc Cty CP giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La) tiên phong trong chăn nuôi bò sữa theo tiêu chuẩn VietGAP. Thăm trang trại bò sữa của anh mới thấy sự thay đổi đáng kể trong quy hoạch chuồng trại với đủ hệ thống vệ sinh chuồng tại chỗ và các thiết bị làm sạch chuồng và tắm cho bò sữa, sạch sẽ, thoáng mát. Từ lúc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong chăn nuôi bò sữa, gia đình anh chỉ bỏ thêm vài chục triệu đồng để thiết kế lại hệ thống vệ sinh chuồng này, còn các yếu tố kỹ thuật khác như dinh dưỡng, chăm sóc cho đàn bò sữa, gia đình anh đều đạt tiêu chuẩn.

Đàn bò sữa trên 80 con, mỗi tháng đưa về cho gia đình anh 180 triệu đồng, trong đó lãi ròng 30%. Anh chia sẻ: “Thực ra khi chưa có VietGAP thì chúng tôi cũng đã đảm bảo gần như mọi tiêu chuẩn trong chăn nuôi bò sữa. Nhiều năm nay Cty luôn định hướng chăn nuôi sạch cho tất cả các nông hộ, từ quy trình chăm sóc đàn bò sữa cho đến chế độ dinh dưỡng.. Vì thế khi áp dụng tiêu chuẩn này vào, chúng tôi không có chút bỡ ngỡ nào!”.

Không chỉ trang trại của anh Nội áp dụng tốt tiêu chuẩn VietGAP trong chăn nuôi, nhiều năm trở lại đây, gần 600 hộ nông dân Mộc Châu đã có quy trình chăn nuôi và sản xuất khép kín đồng bộ. Mọi tiêu chuẩn ở đây đều phải thực hiện rất nghiêm túc theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Có khu chuồng trại vắt sữa riêng và toàn đàn được vắt bằng máy. Bò được tắm rửa hai lần/ngày. Trước khi vắt sữa, bầu sữa bò phải được phun rửa sạch để đảm bảo vệ sinh. Hằng tháng, công ty đều cử một đội ngũ nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra từng hộ chăn nuôi về các điều kiện chăn nuôi, sau đó chấm điểm đánh giá phân loại các hộ. Sữa sản xuất ra được thu mua với giá cao, đồng thời được khuyến khích thưởng hằng tháng, hằng quý.

Đàn bò tại Mộc Châu được ăn uống đầy đủ bằng các loại cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao và thức ăn TMR, đặc biệt trong thành phần thức ăn có sử dụng cỏ Alfafa nhập khẩu từ Mỹ, bò được chăm sóc sức khỏe, hưởng các dịch vụ thú y và được tiêm các loại vaccine nhằm đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh. Đàn bò tại Mộc Châu là giống bò HF thuần chủng được phối giống tinh bò đực ngoại nhập khẩu thuần chủng với các đặc tính ưu việt và chất lượng cao, do đó cho ra dòng sữa chất lượng cao.

Đánh giá về ảnh hưởng của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty giống bò sữa Mộc Châu Trần Công Chiến, tập thể Công ty đồng thuận đánh giá:

“Trong thành tích chung của công ty, có sự đóng góp lớn của đồng chí Trần Công Chiến - Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty. Với cương vị lãnh đạo cao nhất, luôn là người quyết đoán, sáng suốt lãnh đạo công ty đi từ thành công này đến thắng lợi khác trong suốt quá trình phát triển và trưởng thành của công ty trong thời gian qua”

Những đổi thay mang tính chiến lược để tạo nên thành công của công ty ngày hôm nay đều là mang dấu ấn của cá nhân đồng chí, với niềm tin lớn lao vào sự phát triển bò sữa Mộc Châu, với khát khao mang lại nhiều công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người chăn nuôi bò sữa; với sự nhạy bén, quyết đoán trong quản lý điều hành, đồng chí luôn có những quyết định đúng đắn và kịp thời trong quá trình phát triển của công ty.

Là người lãnh đạo cao nhất của công ty, đồng chí luôn là trung tâm đoàn kết, tập hợp đội ngũ từ lãnh đạo đến công nhân, là tấm gương sáng về việc “Dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm” trong mọi công tác; tinh thần trách nhiệm, sự năng động và sáng tạo của đồng chí là niềm tin, là động lực để toàn thể cán bộ CNV và người lao động trong công ty đoàn kết cùng gắn bó, cố gắng vươn lên để xây dựng công ty phát triển lớn mạnh”.

Cho đến bây giờ, ông Chiến “bò” vẫn hàng ngày sát cánh cùng người lao động để mang lại thị trường những sản phẩm mới: những dòng sữa thơm ngon, bổ dưỡng, sạch sẽ và an toàn.

Và chính những quyết tâm, hoài bão của ông Chiến trong gần 40 năm thay đổi cao nguyên Mộc Châu đã tạo ra nguồn cảm hứng bất tận đối với người lao động để cải tạo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất này.