Đi vào hoạt động những ngày giữa tháng 7, Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 đã thu dung và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân, trong đó đa số là những bệnh nhân có triệu chứng vừa và nặng. Thậm chí, có những bệnh nhân nguy kịch đang cận kề ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Bên cạnh họ là những chiến sĩ áo trắng vẫn lặng lẽ chiến đấu với dịch COVID-19. Những ngày này, Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Quân y 175, tiếng “tèn ten ten” phát ra từ những chiếc máy monitor theo dõi chỉ số sức khỏe bệnh nhân đều đều vang lên không kể là ngày hay đêm. Những bóng áo trắng di chuyển cùng những bước chân vội vã từ các phòng điều trị. Cả những dòng mồ hôi cứ chảy miệt mài trên mặt... Tất cả tạo nên bầu không khí của Trung tâm Điều trị COVID-19 lúc nào cũng sẵn sàng và gấp gáp.
Kể từ những ngày đầu thành lập Trung tâm, Thượng tá Bùi Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, đội ngũ nhân viên y tế và y, bác sĩ được phân công đã "cắm trại" ở đơn vị sẵn sàng nhận lệnh.
Tất cả mọi việc chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 đều không thể có người nhà nên các y bác sĩ và điều dưỡng phải thay nhau làm từ A tới Z. Họ đã trở thành những "người thân" duy nhất của bệnh nhân trong lúc chiến đấu với bệnh tật, 24/7 không rời.
24h mỗi ngày ở Trung tâm Điều trị bệnh nhân nguy kịch được chia làm 3 ca. Ca sáng từ 7 giờ đến 14 giờ. Ca chiều từ 14 giờ đến 21 giờ. Thời gian còn lại thuộc về ca đêm. Đêm là ca dài nhất, vất vả nhất.
Trước giờ vào ca, phòng mặc đồ bảo hộ rộn rã tiếng nói cười. Những nét chữ từ chiếc bút dạ viết vội lên áo bảo hộ tên + biệt danh từng người, lại thêm cả những biểu tượng mặt cười.
Tuy nhiên, mọi hoạt động bình thường nhất trong bộ đồ bảo hộ đều trở nên khó khăn và tốn sức vô cùng. Vậy mà, các y, bác sĩ, điều dưỡng viên ở đây liên tục di chuyển, cấp cứu, hỗ trợ bệnh nhân giữa các phòng điều trị suốt ca trực. Và mọi việc đều phải cẩn trọng, phải đảm bảo công tác an toàn cho bản thân y bác sĩ và đảm bảo công tác phòng chống nhiễm khuẩn trong khoa.
Điều dưỡng viên Vũ Thị Yến, Khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Quân y 175 được tăng cường vào làm việc tại Khoa Điều trị bệnh nhân nguy kịch từ ngày đầu thành lập chia sẻ, công việc thường ngày trước đây là chăm sóc bệnh nhân nặng, bệnh nhân đặc biệt, tuy nhiên, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nguy kịch rất khác.
Ngày một nhiều bệnh nhân hơn, một nhân viên y tế tại đây sẽ phụ trách theo dõi 3-4 bệnh nhân mỗi đêm. Nếu một số ca diễn biến nặng có dấu hiệu nguy kịch, sẽ tiến hành cấp cứu ngay tại chỗ. Hầu hết các bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm đều có tiên lượng nặng, nguy kịch nên phải gắn rất nhiều loại máy móc để duy trì sự sống. Do đó, sự gấp gáp và khẩn cấp cũng ngày một tăng lên.
Sát cánh cùng những bệnh nhân COVID-19, các y, bác sĩ còn là những người chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân, sự chia lìa của một gia đình. Tuy nhiên, tất cả những cảm xúc đó, họ đều phải gói ghém lại để giữ vững tinh thần làm việc, chiến đấu với dịch bệnh để cứu sống bệnh nhân. Họ có thể xúc động nhưng họ không cho phép bản thân lơ là, gục ngã.
Ở các bệnh viện dã chiến tầng dưới, áp lực không hề giảm bớt trên đôi vai của những nhân viên y tế và y bác sĩ. Tuy bệnh nhân ở đây có những triệu chứng nhẹ hơn, nhưng số lượng bệnh nhân lại đông hơn rất nhiều. Và trong số những nhân viên y tế, không ít những người, họ là những người phụ nữ, là những người mẹ có những đứa con nhỏ đang ở nhà từng ngày chờ mong mẹ trở về.
Quyết tâm và không hề lo lắng trước nguy cơ phơi nhiễm khi lựa chọn tham gia tuyến đầu chống dịch tại các Bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Những y bác sĩ ở BV dã chiến cho biết, họ không sợ hãi trước dịch bệnh. Áp lực công việc thường ngày của một người y bác sĩ cũng đã "rèn" cho họ sự bản lĩnh và cứng rắn để đương đầu với khó khăn. Nhưng, những nữ y, bác sĩ và điều dưỡng - những người mẹ, dù có mạnh mẽ, dù có bản lĩnh, họ không thể không nghẹn ngào khi nhắc về nỗi nhớ con, nhớ nhà.
Tuy nhiên, dù có rất nhiều nỗi nhớ, dù vất vả nhưng lúc này, điều các bác sĩ đặt ưu tiên trên hết không phải là bản thân mình mà là sức khoẻ, tâm lý của bệnh nhân.
Không chỉ ở các Bệnh viện dã chiến, giờ đây tại Tổ y tế cộng đồng của các phường trên địa bàn TPHCM cũng có rất nhiều những y bác sĩ, tình nguyện viên xa nhà, thực hiện "3 tại chỗ" ở đơn vị để sẵn sàng cho công tác hỗ trợ bệnh nhân. Trong số họ, cũng có những người tình nguyện từ miền Bắc vào Nam chống dịch.
Là sinh viên y khoa tình nguyện hỗ trợ tại Tổ y tế cộng đồng phường Tân Kiểng (Quận 7, TPHCM), bạn Bùi Cao Thắng (Sinh viên Đại học Y dược Thái Bình) tâm sự, dù đi học xa nhà 6 năm nay, nhưng lần này đi chống dịch ở TPHCM, khoảng cách xa hơn nên nỗi nhớ nhà cũng nhiều hơn.
"Những lúc nghỉ ngơi vào buổi tối, mình đều gọi điện về cho mẹ để vơi bớt phần nào nỗi nhớ gia đình. Những lúc nhận được những cuộc gọi hay dòng tin nhắn cảm ơn của những bệnh nhân đã hồi phục nhờ được hỗ trợ, điều trị kịp thời, mình cảm thấy hạnh phúc và được tiếp thêm động lực để vượt lên trên tất cả”, Thắng chia sẻ.
Đồng hành cùng Tổ y tế cộng đồng tại phường Tân Kiểng (Quận 7, TPHCM), bác sĩ Võ Việt Hản (đang theo học Thạc sỹ nhi khoa Đại học Y Phạm Ngọc Thạch) chia sẻ về những ngày là cầu nối giữa những bệnh nhân cần cấp cứu với sự sống: “Số điện thoại hotline của Tổ y tế cộng đồng được lãnh đạo phường thông tin tới tất cả những người dân trên địa bàn bằng rất nhiều hình thức nên đường dây ngày càng được nhiều người biết đến hơn và số lượng cuộc gọi đến cho chúng tôi để được hỗ trợ, cấp cứu cũng ngày một nhiều hơn".
Khi là người trực tiếp đến nhà để cấp cứu cho bệnh nhân, bác sĩ Hản cùng đồng đội mới càng hiểu hơn về hoàn cảnh khó khăn của những bệnh nhân cần cấp cứu. "Dù không có nhiều thời gian để quan sát và tìm hiểu hoàn cảnh của từng người bệnh vì khi tới nơi chúng tôi tập trung để cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhân. Tuy nhiên, điều tôi nhớ được vì hầu hết các bệnh nhân đều giống nhau đó là những bệnh nhân cần cấp cứu chủ yếu là những người nghèo, họ ở trong các hẻm nhỏ, rất nhỏ.
Không chỉ vậy, chỗ bệnh nhân nằm cũng rất nhỏ, bất tiện cho việc cấp cứu, chúng tôi không thể mang cáng hay bình oxy vào. Có những nhà diện tích chỉ chưa tới 10m2 nhưng bệnh nhân ở trên lầu, do đó quá trình vận chuyển bệnh nhân vô cùng khó khăn. Hầu hết chúng tôi phải khênh bệnh nhân ra ngoài đầu hẻm rồi mới có thể thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu và khám bệnh"- Bác sĩ Hản kể lại.
Hiện nay, số lượng người liên quan đến COVID-19 ở TPHCM cách ly điều trị và theo dõi sức khoẻ ở nhà ngày càng tăng. Trước thực tế này, tổ y tế cộng đồng tại các phường, quận đã liên tục làm việc, hỗ trợ các bệnh nhân F0 trở nặng 24/7. Trong khi đến tận nơi để cấp cứu cho F0, các bác sĩ đã gặp các trường hợp bệnh nhân F0 có hoàn cảnh vô cùng éo le và khó khăn đang chiến đấu với COVID-19.
Ở nơi bác sĩ chiến đấu với tử thần để giành sự sống cho bệnh nhân nguy kịch, bác sĩ Tạ Văn Bạch (Trung tâm điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 175) khi được hỏi về bệnh nhân đặc biệt nhất mình từng chăm sóc đã kể câu chuyện buồn nhưng đầy kỳ tích về bệnh nhân COVID-19 đầu tiên nhập viện tên B.T.T.
“Cả gia đình bệnh nhân B.T.T có 5 người đều mắc COVID-19. Khi nhập viện, bệnh nhân B.T.T đi cùng chồng nhưng bệnh nhân có tình trạng bệnh nặng, suy hô hấp, nguy kịch phải đặt nội khí quản, còn người chồng không cần thở oxy. Do triệu chứng nhẹ nên người chồng được chuyển xuống bệnh viện tầng khác phù hợp hơn để điều trị. Tuy nhiên, rất tiếc chỉ sau 4 ngày con gái bệnh nhân gọi báo cho chúng tôi chồng bệnh nhân đã tử vong.
Tình hình bệnh nhân B.T.T rất nguy kịch nên được tôi tiến hành đặt nội khí quản và lọc máu liên tục, rất may mắn là hiện bệnh nhân đã thở được. Đó là kỳ tích đối với bệnh nhân và với cả những bác sĩ như chúng tôi“- BS Bạch chia sẻ.
Cũng trong Trung tâm Điều trị COVID-19 này, cách đây không lâu cũng đã có 1 sản phụ may mắn được cứu sống. Đêm 8.8, bệnh nhân nữ 33 tuổi, thai 33 tuần mắc COVID-19 được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ phẫu thuật bắt em bé, tình trạng bệnh nhân diễn biến phức tạp, suy hô hấp, nguy kịch; sau đó bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 (Bệnh viện Quân y 175).
Mặc dù trước đó, bệnh nhân đã được xử lý các tình huống cứu chữa ban đầu bài bản theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng đáp ứng của người bệnh rất kém. Sau khi hội chẩn cùng các chuyên gia, bệnh nhân được chỉ định thực hiện kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Nếu không dùng kỹ thuật ECMO bệnh nhân tiên lượng tử vong cao. Tuy nhiên, Trung tâm chỉ có 2 máy và đã cho 2 bệnh nhân trước đó sử dụng.
Khi đó, ekip do Thượng úy Nguyễn Cảnh Chung, bác sĩ điều trị, Thiếu tá Diệp Hồng Kháng - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Trung tâm, Thượng tá Vũ Đình Ân - Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và vừa, đã tham vấn các chuyên gia về máy và các kỹ sư hàng đầu Khoa Trang bị Bệnh viện Quân y 175 quyết định thực hiện Kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể cho bệnh nhân thứ 2 sử dụng cùng 1 máy ECMO với bệnh nhân trước đó.
Sau hơn 1h chuẩn bị và 30 phút thực hiện kỹ thuật, tình trạng của cả 2 bệnh nhân được đảm bảo, bệnh nhân trước đó không bị ảnh hưởng. Chỉ số Sp02 của sản phụ được cải thiện rõ rệt, trước khi thực hiện là 80% sau khi thực hiện kỹ thuật đã tăng 96-98%.
Trong thời gian ngắn, dưới sự tư vấn của các chuyên gia về máy cùng các kỹ sư hàng đầu của Khoa Trang bị Bệnh viện Quân y 175 và sự cố gắng của toàn Trung tâm Điều trị, bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung cùng đồng nghiệp đã thực hiện thành công kỹ thuật này. Với sáng tạo thành công này, các y bác sĩ cũng hi vọng sẽ cứu chữa được thêm nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng cần đến kỹ thuật oxy hóa máu qua màng cơ thể.
XEM THÊM