Con đường gần như là độc đạo, trạm kiếm soát lâm sản chốt chặn bên ngoài, kiểm lâm địa bàn, ban bệ quản lý ở xã tuần tra, canh gác... cả hệ thống "thiên la địa võng" giờ đây nhìn nhau ngơ ngác, không biết những kẻ phá rừng đã nhảy dù, đã đổ bộ bằng ngả nào...
Vụ mất rừng An Lão là bàn thua hớ hênh của cơ quan quản lý, bảo vệ rừng. Hai khoảnh rừng ở tiểu khu 1 An Hưng, nơi mà bây giờ thành hiện trường khám nghiệm, thành đầu mối cho cơ quan bảo vệ pháp luật truy xét với vô số gỗ bị đốn hạ, rất nhiều cây có đường kính mặt cắt 40 – 60 cm.
Theo lời của ông Chủ tịch UBND xã An Hưng Đinh Văn Chê vào hồi đầu tháng 7 cả khu vực vẫn bình yên vô sự. Như vậy, cho đến khi bị phát hiện, những kẻ phá rừng có gần 2 tháng ngang dọc tung hoành.
2 tháng ấy, kiểm lâm đâu, chủ rừng đi đâu? Ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khi kiểm tra hiện trường đã nêu câu hỏi dẫu không mới nhưng rất đau, rất đúng: “Mình có cả một hệ thống mà người ta đưa máy móc thiết bị vô rừng, dựng lán trại ăn ở nghênh ngang, cưa đốt hàng chục ha vẫn không ai hay biết?” .
Huy động phương tiện cơ giới ồ ạt triệt phá chừng đó diện tích thì chỉ doanh nghiệp chứ dân nào làm nổi.Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Phan Trọng Hổ
Đây là vụ phá rừng quy mô lớn nhất tỉnh từ trước đến nayThiếu tướng Nguyễn Bá Nhiên, Giám đốc Công an Bình Định
Ngày 30.8, từ nguồn tin báo, cơ quan chức năng An Lão mới giật mình phát hiện mất rừng. Một cuộc mật phục được sắp đặt nhằm bắt quả tang nhóm người đánh cắp tài nguyên. Công phu dàn dựng hóa ra thành công cốc. Khi lực lượng “đi săn” xuất hiện, những kẻ phá rừng đã không cánh mà bay. Ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão cay đắng thừa nhận: “Chúng tôi bị theo dõi ngược”. Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm thuật lại: “Có 2 lán trại. Một trại không còn người nhưng bếp ấm lửa. Nghi là trại lâm tặc, đoàn kiểm tra phá dỡ đi rồi”.
Thông tin về vụ mất rừng loan ra, y như rằng, phản ứng ban đầu của giới chức có trách nhiệm là phân bua, diễn giải. Ông Đoàn Văn Tá giải thích: “Rừng bị phá nằm dưới thung lũng. Mỗi chuyến tuần tra, kiểm lâm địa bàn thường tới đỉnh núi thì dừng. Khuất tầm nhìn nên anh em không thấy”. Còn ông Chủ tịch Đinh Văn Chê vò đầu bứt tóc: “Rừng núi bạt ngàn, địa hình phức tạp, từ trung tâm xã lên đây mất gần 1 ngày đi bộ. Họ phá lúc nào chúng tôi chẳng hay”.
“Mình có cả một guồng máy mà để họ ngang nhiên dựng lán trại, tập kết nhân công, cưa xẻ, phá đốt, trồng trỉa như không ai quản lý. Lên đây, nhìn hiện trường, tôi thấy xấu hổ!”.Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng
Hành vi “xuất quỷ nhập thần”, màn thoát hiểm gang tấc của đội quân phá rừng không khỏi làm nảy sinh thắc mắc, đặc biệt là khi “liên hệ” với đặc điểm hiện trường. Bếp đang ấm lửa như “ai đó” vừa rời đi; lán trại vương vãi quần áo, chăn màn, vật dụng sinh hoạt. Phía ngoài lán, thậm chí còn có chó canh phòng. Những cỗ máy mở đường, những chuyến xe vận chuyển gỗ, những cột khói đốt rừng ngùn ngụt... Toàn bộ “dấu hiệu” ấy, bằng cách nào che mắt được cơ quan chức năng? Liệu còn sự thật nào khác hay không? Có “phòng tuyến” nào bị chọc thủng? Có quãng... đứt gãy nào trong đội ngũ thực thi công vụ?
Vụ mất rừng An Lão, phải chăng, chỉ là sự nối dài câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.
Theo báo cáo của UBND huyện An Lão, rừng tự nhiên bị cạo sạch, băm nát ở 3 khu vực.
- Điểm thứ nhất thuộc khoảnh 8, tiểu khu 1, có 17,4 ha. Cây gỗ bị triệt phá có đường kính mặt cắt 10 – 35 cm, chiều cao gốc chặt 0,3 - 0,6 m, thân dài 8- 12 m. Nhiều cây chưa kịp khô lá, nằm la liệt trên mặt đất, chứng tỏ mới bị cưa 3 - 10 ngày trước khi bại lộ.
- Điểm thứ hai diện tích 13,1 ha. Cây có đường kính mặt cắt 10 – 35 cm, chiều cao gốc chặt 0,3 - 0,6 m, thân gỗ dài 8 – 10 m. Nhiều cây đã bị cắt thành lóng, chất đống chờ vận chuyển ra ngoài.
- Điểm thứ ba là 13,2 ha rừng quy hoạch chức năng phòng hộ thuộc khoảnh 7. Cây rừng, thực bì ngổn ngang, vương vãi. Nhiều thân gỗ có đường kính mặt cắt 10 – 30 cm, chiều cao gốc chặt 0,3 - 0,6 m, dài 8 - 11m.
Phản ứng mạnh mẽ trước hành vi bức tử hàng chục hécta rừng tự nhiên An Lão, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo điều tra, báo cáo kết quả trước ngày 30.10
Bộ NNPTNT: Xử lý theo pháp luật, không bao che, không “chống lưng”
Ông Nguyễn Quốc Trị - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) nhận định: Đây là vụ phá rừng tự nhiên, với diện tích lớn, có sử dụng phương tiện cơ giới một cách công nhiên, có tổ chức, do vậy tính chất vụ việc là nghiêm trọng, đối tượng phá rừng coi thường pháp luật. Chính quyền, cơ quan chức năng tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng để xảy ra phá rừng trong thời gian dài, quy mô lớn, hành vi ngang nhiên mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
Bộ NNPTNT cần xử lý nghiêm minh, không bao che, không “chống lưng”. Vì vậy, cần nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Đối với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, cá nhân được giao quản lý (kiểm lâm địa bàn, cán bộ bảo vệ rừng): Cần xác định rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật, không né tránh, cho dù đó là ai.
Ngày 15.9, chúng tôi sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, chuyển Viện KSND tỉnh phê chuẩn lệnh khởi tốÔng Nguyễn Thế Dũng - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định
Khởi tố vụ “bốc hơi” 43,7ha rừng An Lão
Sáng 15.9, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng theo Điều 189 Bộ luật Hình sự đối với vụ mất trắng 43,7ha rừng ở các khoảnh 7, 8, tiểu khu 1 thuộc địa bàn xã An Hưng, huyện An Lão.
Ông Nguyễn Thế Dũng - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định - cho biết, cơ quan này đang chờ kết quả giám định thiệt hại rừng để củng cố hồ sơ.
“Ngày 15.9, chúng tôi sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, chuyển Viện KSND tỉnh phê chuẩn lệnh khởi tố”, ông Dũng nói.
Trong diễn biến liên quan, ông Nguyễn Hồng Tấn - Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn - thông báo: “Nhóm công tác hỗn hợp gồm các cán bộ của Hạt cùng Đội Kiểm lâm cơ động (Chi cục Kiểm lâm Bình Định) đã hoàn tất kiểm đếm, xác định chính xác khối lượng gỗ tàng trữ tại Cty CP Ðầu tư - Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo.
Đây là lô gỗ mang dấu hiệu nghi vấn chuyển về từ hiện trường vụ phá rừng. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 26,6m3 gỗ và 28 ster củi lưu chứa trong khuôn viên xưởng chế biến dăm gỗ Thương Thảo đóng tại thôn Tường Sơn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn.
Hiện cơ quan chức năng đang tạm giữ phục vụ điều tra nguồn gốc, truy tìm chủ nhân số gỗ nói trên”.